VKSND quận Đống Đa xây dựng kiến nghị phòng ngừa trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình

04/04/2024 09:29 | 946 | 0

        Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự - hôn nhân và gia đình về việc “Tranh chấp xác định cha cho con”, VKSND quận Đống Đa nhận thấy: Trong những năm qua, trên địa bàn quận Đống Đa, số vụ việc, vụ án khởi kiện đến Tòa án yêu cầu xác nhận cha cho con ngày càng có chiều gia tăng. Cụ thể năm 2021 có 14 vụ việc, năm 2022 có 16 vụ việc thì đến năm 2023 số vụ việc giải quyết “Tranh chấp xác định cha cho con” đã là 25 vụ việc.

        Theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con chung của vợ chồng được xác định là con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân hoặc sinh ra trước thời kỳ hôn nhân nhưng được cha, mẹ thừa nhận là con chung. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau mà việc ghi nhận con chung của vợ chồng chưa chính xác, chưa phản ánh được đúng bản chất quan hệ huyết thống của cha, mẹ, con.

        Nhiều vụ việc người mẹ mang thai, sinh con với người khác khi đang trong mối quan hệ hôn nhân với chồng, dẫn tới hậu quả vợ chồng ly hôn, cho thấy sự xuống cấp về đạo đức xã hội trong một bộ phận những người trong độ tuổi hôn nhân, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của con trẻ.

        Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hồng và anh Nguyễn Thanh Luân đã có bản án ly hôn ngày 19/4/2021, phần con chung xác định chị Hồng và anh Luân có 01 con chung là cháu Nguyễn Nhật Huy, chị Hồng là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu Huy. Tuy nhiên trong thời gian ly thân, chị Hồng và anh Trịnh Quốc Tuấn đã phát sinh tình cảm và có 01 con chung là cháu Trịnh Minh An sinh ngày 14/11/2015. Sau đó, anh Tuấn đã phải yêu cầu Tòa án xác định anh là cha đẻ của cháu An để cháu được khai sinh và đi học theo đúng quy định.

        Hoặc trong trường hợp của chị Nguyễn Diễm Hương đã chung sống như vợ chồng với anh Nguyễn Văn Hùng từ năm 2016 và sinh được hai người con là cháu Nguyễn Hoàng Gia Khánh (SN 17/9/2017) và cháu Nguyễn Gia Hân (10/6/2019). Tuy nhiên, khi đó chị Hương vẫn trong mối quan hệ hôn nhân với anh Vũ Đức Nhật. Đến năm 2019, chị Hương và anh Nhật mới có Quyết định công nhận thuận tình ly hôn của TAND quận Đống Đa. Cháu Khánh và cháu Hân là con sinh ra trong thời kì hôn nhân của chị Hương và anh Nhật nhưng anh Nhật thừa nhận hai cháu không phải là con của anh Nhật nên không trình bày tại Tòa án. Chị Hương yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp xác định cha cho con, xác định cháu Khánh và cháu Hân là con của anh Nguyễn Văn Hùng.

        Có những trường hợp sinh con thứ 3 không muốn ảnh hưởng đến nghề nghiệp, tránh bị xem xét kỷ luật, nên đã nhờ người khác đứng tên trong giấy khai sinh và nuôi con thay.

        Có thể kể đến vụ ông Nguyễn Hà Trung, bà Trần Thị Vân Anh yêu cầu xác định cha mẹ cho cháu Nguyễn Xuân Phúc, sinh ngày 23/4/2016. Do việc sinh con thứ 3 ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, ông Trung, bà Vân Anh đã nhờ vợ chồng em gái của ông Trung đăng ký là bố mẹ trong giấy khai sinh cho cháu Phúc. Đến khi đi học, cháu Phúc đã phát hiện người đứng tên bố mẹ trong giấy khai sinh là người khác nên đã dẫn đến tâm lý bất ổn, chống đối. Ông Trung, bà Vân Anh đã phải đề nghị Tòa án Xác định lại cha mẹ cho cháu Phúc để cháu ổn định tâm lý trong sinh hoạt và học tập.

        Có nhiều trường hợp nam nữ sinh sống cùng nhau và sinh con nhưng không có đăng ký kết hôn:

        Anh Doãn Mạnh Tiến và chị Nguyễn Thị Thu Trang đã chung sống như vợ chồng từ năm 2021 nhưng chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn. Ngày 24/10/2022 chị Trang sinh cháu Doãn Bảo Châu ngày 24/10/2022. Từ tháng 01/2023, chị Trang bỏ nhà đi để lại cháu Doãn Bảo Châu cho anh Tiến nuôi dưỡng. Anh Tiến không rõ địa chỉ và không liên lạc được với chị Trang. Để thực hiện các thủ tục xin cấp giấy khai sinh cho cháu Doãn Bảo Châu và các thủ tục hành chính, nhân thân sau này của cháu, anh Tiến đã yêu cầu TAND quận Đống Đa xác định là cha đẻ của cháu Châu.

        Cũng có nhiều trường hợp, thủ tục “xác định cha, mẹ cho con” tại Tòa án lại “vô tình” hợp thức hóa cho các mối quan hệ ngoài hôn nhân, con ngoài giá thú, nhưng không bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý theo quy định.

        Có thể thấy, việc xác nhận quan hệ cha, mẹ, con có ý nghĩa rất quan trọng, liên quan đến các quyền nhân thân như quyền hưởng thừa kế, quyền hưởng các chế độ, chính sách, quyền tài sản của hộ gia đình, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng… Tuy nhiên, khi xảy ra sự việc tranh chấp, cần các thủ tục như đưa con đến làm việc tại Tòa án, lấy lời khai, lấy mẫu giám định của con hoặc xảy ra các trường hợp cha mẹ mâu thuẫn với nhau về việc xác định cha mẹ cho con… Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý bình thường của trẻ em.

        Mặt khác, theo quy định tại điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 22, Điều 23 Luật trẻ em năm 2016, trẻ em có quyền được chung sống với cha, mẹ, quyền được biết cha mẹ đẻ, được đoàn tụ, liên hệ tiếp xúc với cha mẹ,… Trong phần lớn các vụ việc tranh chấp xác nhận cha mẹ cho con, con không được sinh sống cùng cha mẹ đẻ trong một mái ấm gia đình, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em.

        Việc xác định không đúng cha mẹ cho con cũng dẫn đến các hậu quả lâu dài đối với xã hội như: ảnh hưởng xấu đến tâm lý và lối sống của một bộ phận trẻ em  khi không được cha mẹ đẻ chăm sóc, nuôi dưỡng một cách tốt nhất; Việc nam nữ sống không có đăng ký kết hôn, cha mẹ đẻ không có trách nhiệm với con cũng làm biến đổi các chuẩn mực đạo đức của xã hội.

        Nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp trên là do một bộ phận người dân còn hạn chế trong việc nhận thức pháp luật về luật hôn nhân gia đình, vi phạm đạo đức, lối sống không đúng đắn, nam – nữ không có trách nhiệm trong việc chung sống với nhau nhưng không có đăng ký kết hôn hoặc thậm chí sống buông thả, quan hệ với người khác ngoài hôn nhân dẫn đến có con làm vợ chồng phải ly hôn,…

        Đây chính là những hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng đã quy định rõ trong Luật hôn nhân và gia đình và được pháp luật Nhà nước bảo vệ.

        Tại Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2020 quy định về việc “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã” đã nêu rõ:

          “ …

        Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

        1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

        a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

        b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

        c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

        Nếu tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra lớn, hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự:

        “…

        Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

        1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

        a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

        b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

        2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

        a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

        b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó

        ”.

        Để phòng ngừa vi phạm pháp luật, hạn chế số lượng các vụ tranh chấp xác định cha cho con nói riêng và đảm bảo quyền lợi của trẻ em nói chung, VKSND quận Đống Đa đã xây dựng kiến nghị phòng ngừa gửi tới Phòng Tư pháp - Ủy ban nhân dân quận Đống Đa và Hội liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa.

        Viện kiểm sát đề nghị các cơ quan trên với chức năng giáo dục pháp luật cần tham gia xây dựng và phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện pháp luật. Đặc biệt các cơ quan cần có biện pháp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người dân, nhất là các thanh niên nam nữ trong độ tuổi kết hôn, về luật hôn nhân gia đình, luật trẻ em. Từ đó, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của công dân, nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong giữ gìn đạo đức xã hội, tôn trọng cuộc sống hôn nhân, tình nghĩa vợ chồng, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con, cũng như đảm bảo quyền của con trẻ, nắm rõ hậu quả của việc chung sống không có đăng ký kết hôn...

        Qua việc kiến nghị phòng ngừa, VKSND quận Đống Đa mong muốn góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, mỗi gia đình – tế bào của xã hội sẽ ngày càng hạnh phúc và phát triển.

Phạm Hà Thanh – VKSND quận Đống Đa

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 314

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1546496