CÔNG TỐ TRONG HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ

03/08/2015 13:39 | 4374 | 0

Điều tra vụ án hình sự có nhiều cơ quan tham gia vào quá trình tố tụng như cơ quan điều tra, cơ quan được giao một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát, cơ quan bổ trợ tư pháp như giám định pháp y, định giá tài sản trong tố tụng hình sự... Viện kiểm sát được xác định là cơ quan tiến hành tố tụng với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự.

Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa. Cải cách hoạt động tư pháp là một yêu cầu tất yếu, khách quan. Trước đòi hỏi của xã hội, cải cách tư pháp phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, văn hóa thì mới tích cực góp phần vào sự phát triển của đất nước. Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực cải cách tư pháp và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới năm 2020. Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp, cải cách căn bản toàn diện hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội. Nghị quyết số 49 còn yêu cầu: Tăng quyền và trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tình độc lập và trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi tố tụng và quyết định của mình... Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 của Đảng tiếp tục khẳng định: ...Đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, lấy cải cách hoạt động xét xử làm trọng tâm, thực hiện cơ chế gắn công tố với hoạt động điều tra. Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ 11 tiếp tục khẳng định: ... Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức Tòa án, bảo đảm tốt hơn nữa các điều kiện để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Đứng trước yêu cầu đòi hỏi của xã hội phải xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa có nền công tố vững mạnh. Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Viện kiểm sát nhân dân cần có một số giải pháp cụ thể là:

1. Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và xác định rõ chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát giữ vai trò, vị trí rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ngày càng lớn và nặng nề hơn, nhất là trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự. Pháp luật trao cho Viện kiểm sát quyền thực hành công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự đòi hỏi Viện kiểm sát phải thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật, có trách nhiệm phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng nhằm đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý kịp thời, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

2. Viện kiểm sát được xác định là cơ quan tiến hành tố tụng với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình điều tra các vụ án hình sự. Phải xác định rõ hai chức năng, cụ thể là:

- Chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra là: Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đề xuất yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra; yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thay đổi điều tra viên; quyết định áp dụng thay đổi hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác; quyết định phê chuẩn; quyết định không phê chuẩn các quyết đinh của Cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật này; hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can; quyết định truy tố bị can; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án.

- Chức năng của Viện kiểm sát trong hoạt động điều tra là: Kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng; giải quyết tranh chấp thẩm quyền điều tra; yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục các vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra cung cấp tài liệu cần thiết về vi phạm pháp luật của điều tra viên; yêu cầu thủ trưởng Cơ quan điều tra xử lý nghiêm minh điều tra viên đã vi phạm pháp luật trong khi tiến hành điều tra.

Từ những qui định nêu trên cho thấy Viện kiểm sát trong quá trình thi hành nhiệm vụ phải đồng thời sử dụng hai chức năng là chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát điều tra vì hai chức năng này luôn luôn có sự liên quan mật thiết đến nhau, hỗ trợ cho nhau trong việc đánh giá chứng cứ và xác định hành vi phạm tội. Chức năng kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát nếu pháp luật quy định hạn chế thì ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của chức năng thực hành quyền công tố. Cụ thể như về giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố không giao cho Viện kiểm sát nhiệm vụ thức hành quyền công tố, kiểm sát quá trình tiếp nhận, thụ lý, xác minh và quyết định xử lý của Cơ quan điều tra nên đã dẫn đến tình trạng Cơ quan điều tra không thụ lý đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm, có nhiều vụ việc không được khởi tố điều tra, hậu quả đã dể bỏ lọt tội phạm. Hoặc quyết định xử lý vụ việc không được ban hành đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự). Về phía Viện kiểm sát không có căn cứ pháp luật để yêu cầu hoặc quan điểm xử lý đối với vụ việc trước khi Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự làm cho công tác đánh giá, dự báo tình hình tội phạm bị hạn chế, chưa thực sự chính xác.

3. Phải gắn công tố với hoạt động điều tra:

- Hoạt động kiểm sát trong thu thập chứng cứ: Quá trình điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ kịp thời, có nhiều vi phạm như: vi phạm trong quá trình thu thập dấu vết, lập hồ sơ vụ án, hạn chế quyền của những người tham gia tố tụng... không có sự tác động của Viện kiểm sát nên đã tạo ra nhừng tình huống phức tạp, khó khăn cho giai đoạn quyết định xử lý dẫn đến vụ án không truy tố được, hoặc bị oan sai, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Công tác thực tiễn đúc kết kinh nghiệm thấy để xảy ra vụ án hình sự bị oan sai, hoặc bỏ lọt tội phạm có nguyên nhân lớn là công tác thực hành quyền công tố và công tác kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát chưa được thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, không thực hiện việc kiểm sát thu thập chứng cứ ngay từ khi vụ án được khởi tố để đảm bảo tính hợp pháp và tính khách quan của sự việc. Hoạt động điều tra thu thập chứng cứ được Viện kiểm sát kiểm sát trong việc tuân thủ chấp hành quy định của pháp luật làm tiền đề quan trọng cho việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố như: Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can... Viện kiểm sát thực hiện chức năng thực hành quyền công tố không tốt sẽ làm cho khả năng điều tra vụ án bị lệch hướng như khi ban hành yêu cầu điều tra không sát với những nội dung cần chứng minh thì vô tình đã tạo ra những khó khăn.

- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định về chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất trong việc giải quyết vụ án hình sự bị oan sai, bị bỏ lọt tội phạm hoặc lệch hướng điều tra xử lý. Cụ thể như quy định: đề ra yêu cầu điều tra, kiểm sát việc lập hồ sơ, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra. Đặc biệt đối với công tác điều tra thu thập chứng cứ dấu vết như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi của cơ quan điều tra bắt buộc Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm. Các quy định này đã giúp cho hoạt động thực hành quyền công tố và hoạt động kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát được gắn bó mật thiết hơn và không thể tách rời. Đồng thời hoạt động công tố, hoạt động kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát đã giúp cho việc nâng cao chất lượng điều tra thu thập chứng cứ, nâng cao chất lượng lập hồ sơ xử lý, góp phần tích cực trong việc tuân thủ, chấp hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Đối với một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát phải trực tiếp tiến hành khi: Cơ quan điều tra hỏi cung, lời khai của bị can mâu thuẫn không thống nhất, lúc nhận tội, lúc không nhận tội; bị can kêu oan; bị can khiếu nại việc điều tra; nghi ngờ tính xác thực của lời khai; bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng. Hồ sơ nhiều tại liệu, chứng cứ quan trọng có mâu thuẫn không thống nhất, nhiều tình tiết phức tạp.

- Khi tiến hành phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra để được xác thực Kiểm sát viên có thể triệu tập lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Lời khai của những người này có mâu thuẫn, không phù hợi với thực tế, Kiểm sát viên phải yêu cầu Cơ quan điều tra tổ chức cho đối chất, thực nghiệm điều tra để làm rõ mâu thuẫn.

 - Khi tiến hành kiểm sát điều tra vụ án hình sự, Kiểm sát viên phải nắm chắc cấu thành của tội phạm, cùng với Điều tra viên xác định hướng điều tra chứng minh cấu thành của tội phạm. Như vụ án bị khởi tố về tội Tham ô tài sản, thì phải xác chủ thể của tội phạm phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý tài sản của Nhà nước, tổ chức; khách thể bị xâm hại là lợi ích của Nhà nước và tài sản đó phải bị chiếm đoạt (từ của Nhà nước biến thành của riêng) với giá trị từ hai triệu đồng...

- Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát có thể tiến hành thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường để đảm bảo tính khách quan, phù hợp với diễn biến của vụ án hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Kiểm sát viên phải nghiên cứu đánh giá chứng cứ đặt trong mối liên hệ biện chứng với các tài liệu chứng cứ khác. Tránh trường hợp bị can khai nhận tội (du cung), Kiểm sát viên chủ quan nên không đánh giá được lời khai nhận tội của bị can phù hợp với chứng cứ nào dẫn đến việc vụ án không sử lý được.

4. Kiểm sát viên phải có tâm huyết với ngành kiểm sát, yêu nghề và có tính tự trọng nghề nghiệp. Không ngừng nghiên cứu cập nhật kiến thức pháp luật; học hỏi đồng nghiệp và đúc kết kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn và hiểu biết kiến thức pháp luật.

Trên đây là một số kinh nghiệm thông qua công tác thực tiễn giải quyết án hình sự xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội. Rất mong có sự bổ sung đóng góp của bạn đọc cùng đồng nghiệp để vai trò công tố của Viện kiểm sát được tăng cường trong hoạt động điều tra nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay. 

                         Đỗ Minh Tuấn - Phó Chánh Thanh tra - Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội

Tin liên quan:

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 102

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1396050