Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện Sóc Sơn diễn biến phức tạp. Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, đấu tranh, chống tội phạm và thực hiện Nghị quyết số 129-NQ/BCSĐ Viện KSND tối cao về chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiều ngày 17/01/2025, Viện KSND huyện phối hợp với Tòa án nhân dân huyện tổ chức phiên tòa hình sự, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc công bố, đánh giá tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh đối với vụ án Trần Mạnh Hương và đồng phạm phạm tội Hủy hoại tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự.
Theo nội dung Cáo trạng: Khoảng 15 giờ 00 ngày 03/4/2024, tại thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, Trần Mạnh Hương, Trần Mạnh Tân, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Tới, Trần Thị Hòe và Nguyễn Thị Phú có hành vi hô hào, cổ vũ, dùng tay đẩy đổ 01 đoạn tường, loại tường 110mm, diện tích 25,1295m2 trị giá tài sản là 2.223.000 đồng.
Kiểm sát viên trình chiếu chứng cứ bằng hình ảnh trong phần tranh tụng
Mặc dù đây là vụ án thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, tuy nhiên bị cáo Trần Mạnh Hương không thừa nhận hành vi phạm tội, liên tục kêu oan, hệ thống chứng cứ buộc tội rất khó khăn và dư luận xã hội quan tâm. Do đó, trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên đã chủ động, tích cực phối hợp với Điều tra viên sử dụng các công cụ công nghệ để đánh giá tính toàn vẹn của các tài liệu, chứng cứ, dữ liệu điện tử đã được thu giữ thu thập, qua đó đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ làm căn cứ buộc tội, gỡ tội. Đồng thời, Kiểm sát viên đã linh hoạt trong việc sử dụng phần mềm Microsoft Powerpoint để sơ đồ hóa hành vi các đối tượng và ứng dụng Xmind để xây dựng sơ đồ tư duy khi báo cáo án trong mỗi giai đoạn. Sắp xếp, biên tập tài liệu, số hoá toàn bộ hồ sơ vụ án thông qua scan tài liệu chuyển thành định dạng PDF để lưu trữ trên kho dữ liệu số của đơn vị (Solid State Drive) nhằm phục vụ cho việc tra cứu, sử dụng.
Tại phiên tòa, trong phần xét hỏi và tranh luận, Kiểm sát viên đã chủ động lựa chọn các tài liệu, chứng cứ như video, hình ảnh, dữ liệu âm thanh…đã được số hóa để công bố một cách công khai nhưng vẫn đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục và tính bảo mật theo quy định để bảo vệ cáo trạng. Từ đó, làm nổi bật những chứng cứ buộc tội và chỉ ra những mâu thuẫn trong các chứng cứ khác để đấu tranh, phản bác các quan điểm không có căn cứ của bị cáo và người bào chữa. Bằng những lập luận sắc bén, chặt chẽ, thuyết phục của Kiểm sát viên, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung cáo trạng truy tố. Kiểm sát viên đã bảo vệ thành công toàn bộ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát và được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Kiểm sát viên sử dụng phần mềm Xmind để sơ đồ hóa chứng cứ tại phiên tòa
Kết quả phiên tòa đã thể hiện tính hiệu quả trong việc kiểm sát điều tra vụ án thận trọng, khách quan của Kiểm sát viên, kết hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động suốt quả trình tố tụng. Từ đó, nâng cao chất lượng công tác giải quyết án, rèn luyện bản lĩnh Kiểm sát viên tại các phiên tòa khó khăn, phức tạp, có nhiều người tham gia tố tụng. Đây cũng là tiền đề để Viện KSND huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục tăng cường công tác chuyển đổi số trong thực hiện các nhiệm vụ kiểm sát./.
Thiều Văn Thịnh – Viện KSND huyện Sóc Sơn
Đang truy cập :
253
Tổng lượt truy cập :
1493505