Một số vấn đề về Thủ tục áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án nhân dân

22/06/2015 16:41 | 5259 | 0

Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013.  Luật có một số nội dung thay đổi lớn so với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, trong đó đáng lưu ý là phần thứ ba “Áp dụng các biện pháp xử lý hành chính”.

Tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, điều 22 quy định:

“Các biện pháp xử lý hành chính khác bao gồm:

1. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

2. Đưa vào trường giáo dưỡng;

3. Đưa vào cơ  sở giáo dục;

4. Đưa vào cơ sở chữa bệnh;

5. Quản chế hành chính.”

Thẩm quyền quyết định các biện pháp: đưa vào cơ sở giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục và đưa vào cơ sở chữa bệnh được quy định tại điều 24, 25, 26; trong đó Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền quyết định việc đưa người vào cơ sở giáo dưỡng và cơ sở chữa bệnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền quyết định việc đưa người vào cơ sở giáo dục.

          Tại Luật xử lý vi phạm hành chính, hình thức “đưa vào cơ sở chữa bệnh” được sửa đổi thành hình thức “đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”, bỏ việc đưa vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh đối với các đối tượng bán dâm. Thẩm quyền quyết định đối với 3 biện pháp được thay đổi, biện pháp “đưa vào cơ sở giáo dưỡng”, “đưa vào cơ sở giáo dục” và “đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” do Tòa án nhân dân quyết định. Thủ tục, quy định về trình tự xây dựng hồ sơ đối với các đối tượng đề nghị các biện pháp này được quy định rất chặt chẽ, với nhiều bước do nhiều cơ quan tham gia. Cơ quan công an cấp huyện là cơ quan tập hợp hồ sơ và chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án mở phiên họp để ra quyết định đối với hai hình thức “đưa vào cơ sở giáo dưỡng” và “đưa vào cơ sở giáo dục”, Phòng lao động thương binh và xã hội cấp huyện là cơ quan tập hợp hồ sơ và chuyển hồ sơ đề nghị quyết định áp dụng biện pháp “đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

          Ngày 20 tháng 01 năm 2014, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 09 quy định về trình tự thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, pháp lệnh có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong phạm vi bài viết này, xin phép không đi sâu vào hoạt động của Tòa án nhân dân trong việc tiến hành thụ lý, mở phiên họp và tiến hành các hoạt động khác được quy định trong Pháp lệnh số 09 mà chủ yếu nêu một số ý kiến về hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân liên quan đến việc áp dụng ba biện pháp hành chính này.

Tại điều 4 của Pháp lệnh số 09 quy định:

          “Điều 4. Kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

2. Viện kiểm sát tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này.

3. Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý vụ việc đó.”

          Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Tòa án phải thông báo việc thụ lý bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp (điều 11). Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát các hoạt động của Tòa án, phát biểu ý kiến tại phiên họp, kiểm tra biên bản phiên họp (điều 22); kiểm sát việc quyết định hoãn, giảm thời hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ áp dụng các biện pháp hành chính và việc hủy bỏ các quyết định trên (điều 26, 27, 28). Để thực hiện thẩm quyền kiểm sát hoạt động áp dụng các biện pháp tại Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị các quyết định của Tòa án nhân dân…Như vậy Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền và trách nhiệm kiểm sát hoạt động của Tòa án nhân dân kể từ khi thụ lý cho đến khi kết thúc hoạt động bằng việc mở phiên họp và ra quyết áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

          Để thực hiện hoạt động kiểm sát việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án rất cần đến Quy chế của ngành Kiểm sát quy định những nhiệm vụ và hoạt động của kiểm sát viên khi thực hiện hoạt động kiểm sát, những vẫn đề cần phát biểu tại phiên họp, các biểu mẫu có liên quan đến hoạt động kiểm sát…

          Theo ý kiến của cá nhân tôi, khi tiến hành kiểm sát việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án và ý kiến phát biểu của kiểm sát viên tại phiên họp cần phải có các ý kiến đánh giá về các nội dung:

          - Về thẩm quyền thẩm quyền lập hồ sơ của UBND cấp xã, thẩm quyền đề nghị của Phòng lao động thương binh – xã hội và thẩm quyền mở phiên hợp của Tòa án.

- Về việc chấp hành pháp luật đối với trình tự thủ tục mở phiên họp của Tòa án nhân dân. Về sự có mặt, vắng mặt của những người được mời, được triệu tập đến phiên họp.

- Tính pháp lý và việc tuân thủ các quy định của pháp luật của các cơ quan liên quan đến hoạt động xây dựng hồ sơ đề nghị.

          Để có được ý kiến phát biểu nêu trên, trước khi mở phiên họp kiểm sát viên phải nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra tính đúng đắn của các tài liệu có trong hồ sơ về căn cứ pháp lý về trình tự thủ tục thu thập tài liệu, có thể có ý kiến để Tòa án nhân dân yêu cầu cơ quan đề nghị bổ sung tài liệu nếu cần thiết.

          Những văn bản pháp luật cần nghiên cứu là:

  1. Luật xử lý vi phạm hành chính, trong đó chú trọng đến phần thứ ba “Các biện pháp xử lý vi phạm hành chính” (Luật số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012);
  2. Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét quyết định các biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH ngày 20/01/2014);
  3. Nghị định 111 ngày 30/9/2013 của Chính Phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
  4. Nghị định 221 ngày 30/12/2013 của Chính Phủ quy định về chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bốn văn bản pháp luật trên là những văn bản pháp luật căn bản nhưng để thực hiện được cần có những quy định hướng dẫn cụ thể hơn, như: căn cứ xác định đối tượng nghiện, việc quản lý người bị đề nghị trước khi mở phiên họp, việc vắng mặt của họ và người đại diện hợp pháp của họ hoặc luật sư.

Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét quyết định các biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án nhân dân có hiệu lực từ ngày 20/01/2014 nhưng năm 2015 là năm đầu tiên thành phố Hà Nội thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính đưa người đi cai nghiện bắt buộc theo trình tự, thủ tục tại Tòa án nhân dân. Thực tế nảy sinh khó khăn là: đối với những người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định điều kiện bắt buộc để áp dụng biện pháp đi cai nghiện bắt buộc là phải đã áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường những vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên trên thực tế ít rất đối tượng đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã phường.

Tại Long Biên, tính đến thời điểm hiện tại đã ban hành được 8 quyết định đưa người đi cai nghiện bắt buộc. Để thực hiện được việc xây dựng hồ sơ, mở phiên họp đưa người đi cai nghiện bắt buộc, trước mắt công an các phường tập trung vào việc phát hiện các đối tượng lang thang sử dụng trái phép chất ma túy ở các khu vực nhạy cảm như công viên, bến xe, khu vực có nhiều nhà trọ…Tuy nhiên đây là một giải pháp tạm thời để hoàn thành nhiệm vụ và cần lưu ý một vấn đề là: nhằm tránh việc cơ quan lập hồ sơ – UBND cấp phường mà trực tiếp là công an cấp phường cố hoàn thành chỉ tiêu xây dựng hồ sơ thiếu chính xác, cần kiểm tra chặt chẽ căn cứ về thẩm quyền theo điểm b điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính – “người nghiện ma túy không xác định được nơi cư trú hay còn gọi là đối tượng lang thang”. Việc kiểm tra tính đúng đắn bằng việc yêu cầu phải có lý lịch do nơi đối tượng có hộ khẩu thường trú cấp xác định đối tượng không sống tại địa phương, không thực hiện việc đăng ký tạm vắng; bằng lời khai của đối tượng về việc có nơi cư trú ổn định hay không?

Để thực hiện được việc đưa đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì cần làm tốt công tác quản lý đối tượng nghiện cư trú trên địa bàn, nếu phát hiện các đối tượng nằm trong danh sách nghiện ma túy sử dụng trái phép chất ma túy thì phải thực hiện tốt được việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường. Giáo dục tại xã phường là vừa là biện pháp răn đe vừa là điều kiện cần để áp dụng biện pháp xử lý đưa đi cai nghiện bắt buộc theo trình tự thủ tục tại Tòa án nhân dân.    

Kiểm sát việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân trong đó có việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc là một hoạt động kiểm sát mới của ngành Kiểm sát nhân dân, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, các kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật nhằm hướng tới mục tiêu chung là việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo thủ tục tại Tòa án được đúng pháp luật, tránh bỏ lọt người có hành vi vi phạm hành chính, đồng thời góp phần bảo vệ quyền con người.

 

                                                                                                                                                                                                                                      Ngọc Phong – Viện KSND quận Long Biên

 

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 22

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1463765