Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện KSND trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, HNGĐ, KDTM, LĐ và những việc khác theo Luật tổ chức Viện KSND năm 2014.

09/05/2015 22:17 | 5455 | 0

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu về quy định của Viện kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (Viện KSND) năm 2014.

Ở nước CHXHCN Việt Nam, “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Việc thi hành có hiệu lực chức năng nhiệm vụ của mình, với sự phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp có vị trí, vai trò quan trọng để tạo nên sức mạnh tổng hợp của quyền lực Nhà nước. Quyền tư pháp được thực hiện bởi hệ thống các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát (VKS), Toà án, Cơ quan thi hành án. Các cơ quan này đều có nhiệm vụ chung là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân. Trong đó, VKS được thành lập như một hệ thống cơ quan chuyên môn, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và thực hiện chức năng kiểm sát do Quốc hội giao cho.

Ở nước ta, chức năng của VKS đã từng được xác định trong Tờ trình Quốc hội về Luật tổ chức Viện KSND năm 1960: “…Vì lẽ trên phải tổ chức ra Viện KSND để kiểm sát việc tuân theo pháp luật nhằm giữ vững pháp chế XHCN, đảm bảo cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất”

Trong quá trình đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) đã xác định vai trò của Viện KSND. Theo đó, Viện KSND là một hệ thống cơ quan có vị trí độc lập trong bộ máy nhà nước, được tổ chức thành một hệ thống từ trung ương xuống địa phương (cấp tỉnh và huyện), có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Tại Điều 1 của Luật tổ chức Viện KSND công bố ngày 12/4/2002 cũng ghi nhận lại chức năng của VKS: “Viện KSND thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2002 quy định “VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Nghị quyết 49-NQ/TƯ ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 vẫn khẳng định hai chức năng cơ bản của Viện kiểm sát: “Viện KSND giữ nguyên chức năng như hiện nay là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Tại Khoản 1 Điều 107 Hiến pháp 2013 tiếp tục quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”.

Nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, là cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân đồng thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động thực tiễn, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25/11/2014 gồm 06 chương, 101 điều và được xác định là sửa đổi căn bản, toàn diện về tổ chức và hoạt động của Viện KSND nhằm thể chế Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu cải cách tư pháp, thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng. Luật xác định rõ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của Viện kiểm sát nhân dân. Tại Khoản 1 Điều 2 Luật tổ chức Viện KSND năm 2014 đã ghi nhận chức năng của Viện KSND: “Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Xuất phát từ chức năng chung của ngành, Viện KSND kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án nhân dân nhằm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tố tụng, bảo đảm tính pháp chế trong các phán quyết của Toà án, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa,bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Nếu như Luật Tổ chức Viện KSND năm 2002 quy định kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật thành một chương riêng – Chương IV với 03 điều;

Điều 20 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết các vụ án đúng pháp luật, kịp thời”.

Điều 21 quy định: “ Khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Kiểm sát việc thụ lý, lập hồ sơ vụ án; yêu cầu Toà án nhân dân hoặc tự mình xác minh những vấn đề cần làm sáng tỏ nhằm giải quyết đúng đắn vụ án;

2. Khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật;

3. Tham gia các phiên tòa và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án;

4. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Toà án nhân dân;

5. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng;

6. Kiểm sát các bản án và quyết định của Toà án nhân dân;

7. Yêu cầu Toà án nhân dân áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật;

8. Yêu cầu Toà án nhân dân cùng cấp và cấp dưới chuyển hồ sơ những vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật để xem xét, quyết định việc kháng nghị.

Điều 22 quy định: “Khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án nhân dân theo quy định của pháp luật; kiến nghị với Toà án nhân dân cùng cấp và cấp dưới khắc phục những vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các vụ án; nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự”,

thì Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã thu hẹp lại còn một điều duy nhất đó là Điều 27 với 8 khoản rõ ràng và chi tiết. Cụ thể;

1. Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.

2. Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc.

3. Thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp pháp luật quy định.

4. Tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.

5. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.

6. Kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.

7. Kháng nghị, kiến nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng.

8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, so sánh với Luật Tổ chức Viện KSND năm 2002  thì quyền hạn của Viện kiểm sát theo quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã thu hẹp hơn. Theo đó, Viện kiểm sát đã không còn quyền kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án, không còn quyền tự mình xác minh hoặc yêu cầu Toà án xác minh những vấn đề cần làm sáng tỏ nhằm giải quyết đúng đắn vụ án, không còn quyền khởi tố vụ án dân sự và cũng không còn quyền yêu cầu Toà án nhân dân áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật  theo quy định như trước đây nữa. Cụ thể theo quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 là khi kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thì Viện kiểm sát có quyền kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc; thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp pháp luật quy định; tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật; kiểm sát bản án, quyết định của Toà án; kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; kháng nghị, kiến nghị bản án, quyết định của Toà án có vi phạm pháp luật; kiến nghị, yêu cầu Toà án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng.v.v...

Việc quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 như trên đã thể hiện sự phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp và đặc biệt phù hợp với các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi năm 2011).

Hồng Hạnh - Viện KSND quận Hai Bà Trưng

Danh sách phòng thi Vòng 1 kỳ thi tuyển dụng công chức nghiệp vụ kiểm sát ngành KSND năm 2024
Danh sách thí sinh đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi tuyển công chức nghiệp vụ kiểm sát ngành KSND năm 2024 kèm theo Quyết định số 101/QĐ-VKSTC ngày 29/11/2024
Quyết định số 101/QĐ-VKSTC về việc phê duyệt danh sách thí sinh đủ tiêu chuẩn, điều kiện và danh sách thí sinh không đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi công chức nghiệp vụ kiểm sát ngành KSND năm 2024
Thông báo số 126/TB-HĐTT ngày 29/11/2024 về việc triệu tập thí sinh dự kỳ thi tuyển công chức nghiệp vụ kiểm sát ngành Kiểm sát nhân dân 2024
Bản đồ thi Vòng 1 kèm theo Thông báo số 126/TB-HĐTT ngày 29/11/2024
Thông báo số 123/TB-VKSTC thông báo nội dung ôn tập kỳ thi tuyển công chức nghiệp vụ kiểm sát năm 2024
Thông báo số 118/TB-VKSTC ngày 04/11/2024 về việc tuyển dụng công chức nghiệp vụ kiểm sát ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024
Thông báo số 104/TB-VKS-VP ngày 09/10/2024 về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu chi NSNN quý III năm 2024 của VKSND thành phố Hà Nội
Quyết định số 317/QĐ-VKS-VP ngày 03/10/2024 về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu chi NSNN quý III năm 2024
Quyết định số 307/QĐ-VKS-VP ngày 30/9/2024 về việc công bố công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 của VKSND thành phố Hà Nội

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 238

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1441555