Bàn về tình tiết “sử dụng phương tiện nguy hiểm” trong tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự

31/08/2023 14:12 | 4485 | 0

        Tình tiết “sử dụng phương tiện nguy hiểm” là tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự. Đây cũng là tình tiết được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS năm 1999 và đã được hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự bao hàm 03 tình tiết: 1) sử dụng vũ khí; 2) phương tiện nguy hiểm và 3)  thủ đoạn nguy hiểm khác. Vì vậy, nếu người thực hiện hành vi phạm tội cướp tài sản thỏa mãn 01 trong 03 tình tiết trên thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự. “Sử dụng vũ khí”: Theo quy định tại Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 giải thích: “1. Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự...”; “Phương tiện nguy hiểm” theo hướng dẫn tại điểm 2.2 Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định: “Là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công. a. Về công cụ, dụng cụ. Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn... b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra. Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ... c. Về vật có sẵn trong tự nhiên Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...” Còn “thủ đoạn nguy hiểm” theo điểm 5.1 mục 5 phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ tư pháp thì “ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để thực hiện việc cướp tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối với người bị tấn công hoặc những người khác như sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân; đầu độc nạn nhân; nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ; dùng dây chăng qua đường để làm cho nạn nhân đi mô tô, xe máy vấp ngã để cướp tài sản...”

        Trên thực tế hiện nay vẫn còn có quan điểm khác nhau trong việc xác định tình tiết định khung “sử dụng phương tiện nguy hiểm” dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa có sự thống nhất.

        Nhìn nhận từ vụ án thực tế: Khoảng 18h30’ ngày 25/8/2022, Trần Việt Hảo lên mạng Facebook nhắn tin đặt mua của anh Nguyễn Văn Quang 10 chiếc POD (thuốc lá điện tử) với giá 1.950.000đ để sử dụng. Sau đó, Hảo nảy sinh ý định đánh anh Quang để không phải trả tiền nên đã rủ thêm 07 đối tượng gồm Nguyễn Văn Lâm, Trần Văn Hanh, Nguyễn Tấn Đức, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Hoàng Thịnh [1] cùng thực hiện. Khoảng 23h30’ cùng ngày, anh Nguyễn Văn An điều khiển xe máy chở anh Quang đến khu vực trước cửa Công ty điện lực thuộc quận H để giao hàng cho Hảo. Khi gặp nhóm của Hảo, anh Quang đưa túi đựng 10 chiếc POD cho Đức kiểm tra. Đức kiểm tra xong thì đưa cho Trung để treo vào xe máy của Trung. Do nghi ngờ, anh Quang đến gần Trung định lấy lại túi đựng 10 chiếc POD thì bị Hảo dùng tay phải cầm mũ bảo hiểm Hảo đang đội trên đầu (loại mũ có lưỡi trai, bằng nhựa cứng) đập 01 phát về phía anh Quang (hướng từ trên xuống). Anh Quang giơ tay lên đầu đỡ thì bị đập trúng tay nên anh Quang sợ bỏ chạy vào trong khu vực cây xăng gần đó để  trốn. Hảo tiếp tục cầm mũ bảo hiểm quay sang đánh 02 cái vào vùng đầu, mặt anh An làm mũ bảo hiểm bị vỡ. Anh An bị đau nên đưa 02 tay lên ôm đầu thì bị Lâm, Hanh, Đức, Phong và Trung cùng lao vào dùng tay không đánh vào đầu, vào người anh An. Lúc này, Tâm và Thịnh đứng ở bên ngoài giữ túi đựng 10 chiếc POD và cảnh giới. Sau đó, cả nhóm lên xe đi về hướng khu vực phường L, quận H rồi chia nhau mỗi người 01 chiếc POD.

        Kết luận giám định pháp y thương tích số 6898/KL-KTHS ngày 24/10/2022 của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an kết luận: Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của anh Nguyễn Văn An tại thời điểm giám định là: 0%.

        Kết luận định giá tài sản số 190/KL-HĐĐGTS ngày 14/9/2022 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự quận H kết luận: 10 POD thuốc lá điện tử nhãn hiệu dot trị giá 1.800.000 đồng (thu giữ được 01 POD, 09 POD chưa thu được).

        Về việc xác định tình tiết định khung đối với vụ án nêu trên hiện có 02 quan điểm như sau:

        Quan điểm thứ nhất: Các bị cáo Hảo, Lâm, Hanh, Đức, Phong, Trung, Tâm và Thịnh phạm tội “Cướp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự do chiếc mũ bảo hiểm Hảo sử dụng để đánh anh Quang và anh An không phải là vũ khí, phương tiện, thủ đoạn nguy hiểm (thực tế Toà án nhân dân quận H đã xét xử các bị cáo theo quan điểm này).

        Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của nhóm tác giả): Các bị cáo Hảo, Lâm, Hanh, Đức, Phong, Trung, Tâm và Thịnh phạm tội “Cướp tài sản” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự (với tình tiết định khung tăng nặng là sử dụng phương tiện nguy hiểm). Hảo có hành vi dùng mũ bảo hiểm (loại mũ lưỡi trai bằng nhựa cứng) đập 01 phát vào tay anh Quang làm anh Quang sợ bỏ chạy. Hảo tiếp tục cầm mũ bảo hiểm đánh 02 phát vào vùng đầu và mặt anh An làm mũ bảo hiểm bị vỡ. Các đối tượng Lâm, Hanh, Đức, Phong, Trung, Tâm và Thịnh đi cùng Hảo đều chứng kiến quá trình Hảo dùng mũ bảo hiểm đánh anh Quang và anh An để nhanh chóng chiếm đoạt được tài sản và không can ngăn, sau đó Lâm, Hanh, Đức, Phong và Trung lại tiếp tục có hành vi sử dụng tay không đánh anh An; Tâm và Thịnh đứng ở bên ngoài cảnh giới nên 07 bị cáo này cũng phải chịu trách nhiệm hình sự cùng Hảo với vai trò đồng phạm.

        Hành vi của các bị cáo trong vụ án trên phải được coi là hành vi sử dụng “phương tiện nguy hiểm” - tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự  quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS (điểm 2.2 mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Toà án nhân dân quận H xét xử các bị cáo về tội “Cướp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự là không đúng quy định của pháp luật.

        Trên đây là quan điểm của nhóm tác giả liên quan đến việc áp dụng tình tiết “sử dụng phương tiện nguy hiểm” trong tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự. Rất mong nhận được sự trao đổi, bổ sung của các đồng nghiệp./.

Đặng Thị Kiều Diễm, Trần Thuý Bình - Phòng 7

[1] Họ tên của các đối tượng đã được thay đổi

 

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 44

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1519715