Cấm đi khỏi nơi cư trú là một trong những biện pháp ngăn chặn được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, áp dụng đối với bị can, bị cáo nhằm đảm bảo sự có mặt của bị can, bị cáo khi các cơ quan tố tụng triệu tập để giải quyết vụ án. Biện pháp này đã được quy định cụ thể tại Điều 123 BLTTHS về thẩm quyền, điều kiện, thời hạn áp dụng...Tuy nhiên, thực tế áp dụng đã phát sinh một số vướng mắc, gây khó khăn cho hoạt động kiểm sát.
Thứ nhất, tại Khoản 4 Điều 123 BLTTHS quy định: “Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này”. Tuy nhiên, để hiểu “không quá thời hạn điều tra” hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: thời hạn điều tra tính từ khi khởi tố vụ án đến khi kết thúc điều tra vụ án đó. Vì vậy, dù vụ án khởi tố trước sau đó mới khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú thì thời hạn trong lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cũng kết thúc cùng ngày hết hạn điều tra.
Ví dụ: Vụ án trộm cắp tài sản theo Khoản 1 Điều 173 BLHS được khởi tố ngày 01/09/2021, đến ngày 15/10/2021 mới khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với A. Vì thời hạn điều tra kết thúc vào ngày 01/11/2021 nên thời hạn ghi trong lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú là từ ngày 15/10/2021 đến 01/11/2021.
Quan điểm thứ hai: Thời hạn điều tra là thời hạn điều tra đối với loại tội phạm mà bị can bị khởi tố. Vì vậy, dù vụ án khởi tố trước sau đó mới khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú thì thời hạn trong lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú vẫn tính từ ngày ra lệnh cho đến hết thời hạn điều tra theo quy định của BLTTHS tương ứng với loại tội phạm mà bị can bị khởi tố.
Ví dụ: Vẫn với ví dụ trên, vụ án trộm cắp tài sản theo Khoản 1 Điều 173 BLHS được khởi tố ngày 01/09/2021, đến ngày 15/10/2021 mới khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với A. Do vụ án thuộc loại tội ít nghiêm trọng nên thời hạn điều tra là 02 tháng. Vì vậy, thời hạn ghi trong lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với A là từ ngày 15/10/2021 đến ngày 15/12/2021.
Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất vì cấm đi khỏi nơi cư trú cũng là một trong các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do của bị can. Vì vậy, khi vụ án hết thời hạn điều tra thì cũng đồng thời hết thời hạn của các biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với bị can. Nếu muốn đảm bảo việc có mặt của bị can để giải quyết vụ án khi chưa thể kết thúc thì có thể gia hạn thời hạn điều tra vụ án và ra tiếp lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Mặt khác, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú áp dụng cả trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử nên kết thúc giai đoạn điều tra thì đến giai đoạn truy tố, xét xử, VKS và Toà án có thể tiếp tục ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can, bị cáo.
Thứ hai, cũng liên quan đến thời hạn áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, theo quy định tại các Điều 232, 240, 244 của BLTTHS khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra ra kết luận điều tra vụ án và trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra phải chuyển hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát để thực hiện việc truy tố bị can, khi hết thời hạn truy tố thì Viện kiểm sát ra quyết định truy tố bị can và trong thời hạn 03 ngày kể từ khi ra quyết định truy tố Viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng, quyết định truy tố đến Tòa án, trường hợp vụ án phức tạp thì có thể kéo dài đến 10 ngày.
Như vậy, nếu ngày ra bản kết luận điều tra trùng vào ngày cuối cùng của thời hạn điều tra vụ án hoặc quyết định truy tố trùng vào ngày cuối cùng của thời hạn truy tố thì trong khoảng thời gian giao kết luận điều tra, giao cáo trạng không quy định việc áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú để đảm bảo sự có mặt của bị can, bị cáo khi triệu tập là thiếu sót và gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.
Tại Điều 7 Mục I Công văn số 5442 ngày 30/11/2020 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS và BLTTHS hướng dẫn “theo quy định tại Điều 31 TTLT 04/2018 quy định về chuẩn bị kết thúc điều tra vụ án thì trước khi kết thúc điều tra hoặc trước khi hết hạn điều tra, trong thời hạn quy định, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp đánh giá các thủ tục tố tụng của vụ án trong đó có việc quyết định áp dụng, huỷ bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn. Để đảm bảo tính liên tục của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị can, CQĐT và VKS cần phối hợp để việc giao nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra được thực hiện khi vẫn còn thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, trong đó có biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú nêu trên”. Tuy nhiên thực tế không ít vụ án khó khăn, phức tạp không thể kết thúc điều tra sớm để thực hiện theo đúng hướng dẫn trên. Và nếu áp dụng theo tinh thần hướng dẫn trên trong giai đoạn truy tố sẽ càng khó khăn hơn khi thời hạn truy tố chỉ từ 20-30 ngày. Nếu phải dự tính việc ra quyết định truy tố trước khi hết hạn lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú 10 ngày (do trường hợp phức tạp có thể kéo dài thời hạn chuyển vụ án và bản cáo trạng đến Toà án đến 10 ngày) thì thời hạn để ra quyết định truy tố chỉ 10-20 ngày là không thể đảm bảo.
Thứ ba, vướng mắc trong việc xác định nơi cư trú và phạm vi bị cấm rời khỏi. BLTTHS chưa quy định cụ thể khái niệm “nơi cư trú” trong biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú cũng như trong các vấn đề liên quan. Tại Điều 11 Luật cư trú năm 2020 quy định: “Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, tạm trú”. Như vậy, nơi cư trú của công dân có thể xác định theo nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Tuy nhiên, thực tế tại đơn vị đã gặp trường hợp bị can, bị cáo đăng ký hộ khẩu thường trú ở một địa phương sau đó sinh sống và đăng ký tạm trú tại địa phương khác. Do điều kiện công việc nên tiếp tục chuyển đi nơi khác sinh sống nhưng chưa làm thủ tục thông báo với các cơ quan có thẩm quyền, chưa tiến hành đăng ký thường trú hay tạm trú tại nơi thực tế đang sinh sống do một số lý do khách quan. Trong trường hợp này, khó để xác định bị can, bị cáo không có nơi cư trú rõ ràng và nếu ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú thì xác định nơi cư trú và phạm vi cấm rời khỏi đối với bị can, bị cáo như thế nào?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, công dân không bị hạn chế về quyền tự do đi lại, cư trú nên việc bị can, bị cáo không sinh sống tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hay đăng ký tạm trú là không trái pháp luật. Do BLTTHS không quy định cụ thể về khái niệm “nơi cư trú” nên cần áp dụng theo luật chuyên ngành là Luật cư trú và các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền liên quan. Như vậy, trường hợp này, do bị can, bị cáo đã không còn sinh sống tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi đăng ký tạm trú nên nếu xác định phạm vi bị cấm rời khỏi đối với bị can, bị cáo theo nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú sẽ không phù hợp, không bảo đảm quyền công dân của bị can, bị cáo đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan liên quan trong việc theo dõi, quản lý bị can, bị cáo cũng như việc giải quyết vụ án. Vì vậy, cần xác định phạm vi cấm bị can rời khỏi khi áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú là nơi bị can, bị cáo đang sinh sống thực tế và gửi lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương nơi bị can, bị cáo đang sinh sống thực tế. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Cư trú và Thông tư 55/2021/TT-BCA của Bộ Công an ban hành ngày 15/05/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú về trách nhiệm quản lý cư trú. Theo đó, Cơ quan Công an các cấp có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú của công dân, yêu cầu công dân khai báo và thực hiện việc đăng ký HKTT, tạm trú theo quy định khi phát hiện vi phạm.
Thứ tư, theo quy định tại Khoản 5 Điều 123 BLTTHS: “Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quân đội để quản lý, theo dõi họ”
Tại Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: “cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính”. Như vậy, theo quy định tại Khoản 5 Điều 123 BLTTHS trên, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú được thông báo cho Hội đồng nhân dân hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú. Tuy nhiên, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã không phải là cơ quan có thẩm quyền quản lý, theo dõi việc cư trú của công dân nên không nắm được bị can, bị cáo có còn cư trú tại địa phương. Trong khi đó, Công an xã, phường, thị trấn là một cấp trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, về mặt tổ chức hành chính không thuộc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Vì vậy, nhiều trường hợp thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn về lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can, bị cáo nhưng UBND xã, phường, thị trấn không tiếp nhận do không quản lý và đề nghị liên hệ với công an xã, phường, thị trấn. Do đó, theo quan điểm của cá nhân tôi, cần quy định việc thông báo về việc cấm đi khỏi nơi cư trú cho công an xã, phường, thị trấn là cơ quan có thẩm quyền quản lý về cư trú cho phù hợp với Luật Cư trú và đảm bảo tính hiệu quả của lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trên đây là một số nội dung còn vướng mắc, thiếu thống nhất khi áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong thực tiễn, tác giả đưa ra cách hiểu, vận dụng theo quan điểm cá nhân, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.
Đào Thanh Huyền - Viện KSND huyện Ba Vì
Đang truy cập :
15
Tổng lượt truy cập :
1523614