Biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự được áp dụng với người bị buộc tội (gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) nhằm ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự, các biện pháp ngăn chặn gồm có: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để đảm bảo, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
Vậy các biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với người bị buộc tội như thế nào?
Đối với người bị bắt: Theo quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự, biện pháp ngăn chặn bắt áp dụng với người bị bắt gồm: bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
Đối với người bị tạm giữ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam thì người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Vì vậy, người bị tạm giữ là người đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự, gồm: người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
Đối với bị can, bị cáo: Theo quy định tại khoản 1 Điều 119, khoản 1 Điều 121, khoản 1 Điều 122, khoản 1 Điều 123, điểm b khoản 1 Điều 124 thì bị can, bị cáo có thể bị áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn: tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để đảm bảo, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Trong đó, biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh, đặt tiền là biện pháp ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam.
Tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp khi áp dụng biện pháp ngăn chặn khi Viện kiểm sát không phê chuẩn biện pháp ngăn chặn tạm giam đang có một số quan điểm khác nhau. Ví dụ tình huống sau đây:
Nguyễn Văn A bị tạm giữ 03 ngày, từ 22 giờ 00 phút ngày 01/8/2024 đến 22 giờ 00 phút ngày 04/8/2024. Ngày 04/8/2024, A bị Cơ quan điều tra ra Quyết định gia hạn tạm giữ lần nhất trong thời hạn 03 ngày, kể từ 22 giờ 00 phút ngày 04/8/2024 đến 22 giờ 00 phút ngày 07/8/2024 và được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Ngày 06/8/2024, Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với A và chuyển hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Ngày 06/8/2024, Viện kiểm sát ra Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và Quyết định không phê chuẩn Lệnh tạm giam đối với A. Tuy nhiên, Viện kiểm sát không ra Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ đối với A.
Như vậy, trong trường hợp này hiện có hai quan điểm về việc hủy bỏ biện pháp tạm giữ đối với A như sau:
Quan điểm thứ nhất: Viện kiểm sát ra Quyết định không phê chuẩn Lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn A, đồng thời, ra Quyết định hủy bỏ Quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Văn A.
Quan điểm thứ hai: Viện kiểm sát ra Quyết định không phê chuẩn Lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn A, nhưng đã phê chuẩn Quyết định gia hạn tạm giữ lần thứ nhất (tức là đã đồng ý cho Cơ quan điều tra tạm giữ A đến hết 22 giờ 00 phút ngày 07/8/2024), nên khi hết thời hạn thì Cơ sở giam giữ sẽ trả tự do cho A (vào lúc 22 giờ 00 phút ngày 07/8/2024).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự:
Điều 125. Hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn
…
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.
Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định; trong thời hạn 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, trừ biện pháp tạm giữ do Viện kiểm sát phê chuẩn, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp ngặn chặn này phải thông báo cho Viện kiểm sát để quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn khác.”
Như vậy, khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giữ trong trường hợp Viện kiểm sát đã phê chuẩn thì Viện kiểm sát ra Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ đối với người bị buộc tội.
Tại khoản 3 Điều 16 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Bộ Công an, Viện KSND tối cao, Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
“Điều 16. Phê chuẩn lệnh tạm giam trong trường hợp người đang bị tạm giữ bị khởi tố bị can
…
2. Trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam thì ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, quyết định không phê chuẩn lệnh tạm giam và yêu cầu Cơ quan điều tra trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát ra quyết định trả tự do cho người bị tạm giữ.
3. Trường hợp xét thấy việc khởi tố bị can có căn cứ, nhưng không cần thiết phải tạm giam bị can thì Viện kiểm sát ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định không phê chuẩn lệnh tạm giam; nếu thấy cần thiết thì yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn khác đối với bị can.”
Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 mới chỉ hướng dẫn trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra trả tự do ngay cho người bị tạm giữ hoặc tự mình ra quyết định trả tự do cho người bị tạm giữ trong trường hợp Viện kiểm sát phê chuẩn Quyết định gia hạn tạm giữ.
Bên cạnh đó, tại trả lời hỏi đáp trực tuyến https://vksndtc.gov.vn/hoidap/Pages/hoi-dap.aspx?ItemID=210 thì việc Viện kiểm sát ra phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và không phê chuẩn Lệnh tạm giam là một trong căn cứ trả tự do đối với người bị tạm giữ:
“a) Căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) và các văn bản hướng dẫn thi hành thì người bị tạm giữ hình sự được trả tự do trong các trường hợp sau đây:
…
- Trường hợp đã khởi tố bị can nhưng Viện kiểm sát ra quyết định không phê chuẩn lệnh tạm giam thì cơ sở giam giữ trả tự do cho người bị giam giữ.”
Hiện không có quy định về việc trả tự do đối với Nguyễn Văn A trong tình huống trên vào thời điểm nào. Quan điểm của tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, Viện kiểm sát phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và không phê chuẩn Lệnh tạm giam đối với A thì phải ra Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ để trả tự do ngay cho A. Bởi lẽ, tại thời điểm Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố bị can và được Viện kiểm sát phê chuẩn thì tư cách tham gia tố tụng lúc này của A là bị can. Như đã phân tích ở trên, biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với A với tư cách là bị can lúc này gồm: tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để đảm bảo, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Trong đó, biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh, đặt tiền là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Biện pháp tạm giữ chỉ áp dụng đối với người bị tạm giữ mà không áp dụng đối với bị can, việc áp dụng biện pháp tạm giữ lúc này là không còn cần thiết đối với A. Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự thì khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giữ đối với A (thuộc trường hợp Viện kiểm sát đã phê chuẩn) thì Viện kiểm sát ra Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ đối với A. Vì vậy, khi Viện kiểm sát ra Quyết định không phê chuẩn Lệnh tạm giam, đồng thời phải ra Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ, trả tự do ngay đối với A, yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn khác như Cấm đi khỏi nơi cư trú và Tạm hoãn xuất cảnh.
Trên đây là một số quan điểm về về việc hủy bỏ tạm giữ đối với người bị buộc tội sau khi Viện kiểm sát phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và không phê chuẩn Lệnh tạm giam. Mong được sự góp ý của độc giả và đồng nghiệp!
Nguyễn Bá Hoàng - Viện KSND quận Đống Đa
Đang truy cập : 107
Tổng lượt truy cập : 1396059