Một số khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong thực tiễn áp dụng pháp luật về các tội “Mua bán người”, “Mua bán người dưới 16 tuổi” trên địa bàn TP Hà Nội

19/05/2022 15:55 | 2577 | 0

        Tội phạm “Mua bán người” và đặc biệt “Mua bán người dưới 16 tuổi” đang là nỗi quan ngại cho nhiều quốc gia trên thế giới, bởi lẽ hoạt động của loại tội phạm này không giới hạn bởi quốc gia, vùng lãnh thổ nào vì nó mang lại lợi nhuận lớn cho những kẻ phạm tội. Có nơi, tội phạm còn được tổ chức chặt chẽ thành đường dây, núp dưới các vỏ bọc pháp nhân hợp pháp hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, du học, đào tạo nghề, nhân lực lao động... thủ đoạn phạm tội tinh vi, manh động và tàn bạo. Hậu quả do tội phạm gây ra đã đe dọa trật tự trị an, quản lý hành chính và đặc biệt xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm mà thường để lại hậu quả lâu dài cho các nạn nhân.

        Để đấu tranh phòng ngừa tội phạm “Mua bán người”, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo dựng một khung pháp lý quan trọng làm cơ sở cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm “Mua bán người”. Tuy nhiên, thực tiễn khách quan luôn biến đổi không ngừng dẫn đến việc văn bản quy phạm điều chỉnh về loại tội này tồn tại một số bất cập, hạn chế.

        Xuất phát từ tình hình phức tạp cũng như tính đặc thù của tội phạm “Mua bán người”, do tính chất, thủ đoạn phạm tội và phạm vi hoạt động của loại tội phạm nên trong thực tế việc điều tra gặp nhiều khó khăn, việc định tội danh trong truy tố, xét xử có nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Cụ thể, Bộ chính trị đã ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, trong đó tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia , tội phạm về tham nhũng, tội phạm về ma túy ....và tội Mua bán người. Ngày 29/3/2011, Quốc hội thông qua Luật phòng, chống mua bán người ....Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao  hướng dẫn về tội phạm Mua bán người và Mua bán người dưới 16 tuổi  được quy định tại Điều 150 và 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm này phần lớn đã đạt được mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên từ thực tiễn điều tra , truy tố, xét xử cũng cần có hướng dẫn bổ sung cụ thể thêm về loại tội này.

        Phạm vi bài viết này xin đề cập một số vướng mắc, kiến nghị và giải pháp phòng ngừa trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử các loại tội phạm này trên địa bàn thành phố Hà Nội.

        I. Những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các vụ án Mua bán người; Mua bán người dưới 16 tuổi:

        Số liệu thực tiễn xét xử các vụ án Mua bán ngườiMua bán người dưới 16 tuổi tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội trong 3 năm 2019, 2020 và 2021: Tổng số thụ lý 13 vụ/28 bị cáo, đã xét xử 08 vụ/11 bị cáo, trong đó đã tuyên mức hình phạt từ 15 năm đến 20 năm đối với 05 bị cáo.

        Số liệu trên cho thấy, tuy thành phố Hà Nội không phải điểm nóng của tội Mua bán người như các địa phương ở các vùng biên giới (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang...) song Hà Nội có cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài - nơi tội phạm diễn ra chủ yếu núp bóng các loại hình xuất khẩu lao động, du lịch tự phát hoặc thông qua các tổ chức, pháp nhân có chức năng hoạt động về lĩnh vực xuất khẩu, du lịch. Trong nhiều vụ án, tội phạm xảy ra tại các huyện thuộc ngoại thành Hà Nội hoặc trong các tụ điểm như quán bar, karaoke sau đó sẽ đưa đến vùng cửa khẩu để bán sang Trung Quốc, Campuchia hoặc sang các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, rộng hơn là đưa sang cả các nước Châu Âu.

        Bên cạnh những quy định được sửa đổi, bổ sung mới, có nhiều điểm tiến bộ góp phần hoàn thiện pháp luật về tội Mua bán người. Thực tiễn việc áp dụng pháp luật trong các vụ án Mua bán người còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cụ thể:

        1. Các căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội trong quá trình giải quyết các vụ án "Mua bán người":

        Thực tiễn xét xử cho thấy, tội phạm Mua bán người thường mang tính truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Do vậy đối với các vụ án không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, chỉ khi người bị hại trốn được về địa phương và có đơn tố cáo thì đối tượng phạm tội mới bị phát hiệnnên khi điều tra việc thu thập chứng cứ chỉ dựa vào lời khai của người bị hại cũng như lời khai nhận tội của đối tượng phạm tội; nếu người bị hại khai bản thân mình và nhiều người khác bị lừa bán chứ không phải chỉ một mình người bị hại đã tố giác, thì rất khó chứng minh nếu đối tượng phạm tội không thừa nhận. Chính vì vậy dễ dẫn đến việc xử lý oan cho người phạm tội hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội. Trong trường hợp xác định được người phạm tội, xác định được chứng cứ chứng minh người phạm tội thực hiện hành vi Mua bán người nhưng không xác định được người bị hại, do người bị hại vẫn đang ở nước ngoài, trường hợp này khi Viện kiểm sát chuyển hồ sơ sang Tòa án thì có thể  xét xử vắng mặt bị hại không hay theo nguyên tắc có lợi cho bị can vì do bị hại vắng mặt nên chưa làm rõ được hành vi phạm tội nên Tòa án đã trả điều tra bổ sung yêu cầu xác định và đưa bị hại vào tham gia tố tụng thì mới xét xử được. Trên thực tế, việc này khó thực hiện nên các vụ án thường bị Tạm đình chỉ kéo dài.

        Đối với các vụ án truy xét rất khó để xác định các tình tiết định khung tăng nặng hình phạt tại Khoản 3, Điều 150 BLHS “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” vì trong trường hợp này, chúng ta chỉ xác định được trong trường hợp nạn nhân trở về và tố cáo với cơ quan Công an thì mới xác định được còn trong trường hợp có đủ chứng cứ để chứng minh đối tượng phạm tội có hành vi Mua bán nhiều người nhứng có những người chưa trở về, chưa xác định địa chỉ họ đang ở đâu, nếu họ bị lấy đi bộ phận cơ thể nào đó thì xử lý thế nào?. Tương tự như vậy, tình tiết làm nạn nhân tự sát cũng rất khó xác định trong trường hợp không xác định được người bị hại đang ở đâu nếu họ tự sát do làm nhục thì cũng không có căn cứ xử lý người phạm tội

        Việc xác định thiệt hại, giá trị vụ lợi là rất khó khăn trong thực tiễn, bởi việc mua bán được thỏa thuận thực hiện giữa người mua và người bán mà người bị hại có thể biết hoặc không thể biết được giá trị mua bán của bản thân mình dẫn đến việc không thể xác định được giá trị của vụ lợi; đặc biệt trong trường hợp người mua ở nước ngoài thì Cơ quan điều tra chỉ có thể căn cứ vào lời khai của người phạm tội để xác định, nếu chỉ dựa vào lời khai của người phạm tội có giá trị chứng minh thấp và không khách quan.

        2. Những quy định về tội "Mua bán người" trong Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng:

        2.1. Xác định mục đích của hành vi phạm tội: Điều luật quy định các hành vi cấu thành khi xác định được mục đích cụ thể là:

        Tội Mua bán người (Điều 150- BLHS 2015): “ Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc dùng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây.....:

        a. Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

        b. Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

        Tuy nhiên thực tế có những trường hợp việc chuyển giao, tiếp nhận không vì tiền hoặc lợi ích vật chất nào (VD: chỉ nhằm thỏa mãn lợi ích tinh thần, ham muốn tình dục...) nhưng người thực hiện hành vi này biết rõ người mà họ chuyển giao, tiếp nhận từ đường dây mua bán người. Đây có coi là đồng phạm của tội Mua bán người hay không?. Hoặc họ tiếp nhận, chuyển giao chỉ để người bị tiếp nhận chuyển giao đó phục vụ làm không công cho họ trong thời gian tiếp nhận chuyển giao thì có được coi là “lợi ích vật chất khác hay không”?

        Trường hợp chuyển giao, tiếp nhận chỉ để: lấy mô, lấy máu, tinh dịch, noãn, trứng thì có phải là mục đích vô nhân đạo hay không?

       Thực tế xét xử những vụ án “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài cho thấy những dấu hiệu của tội phạm Mua bán người nhưng việc xác định mục đích để để nhận tiền, lợi ích vật chất.... như quy định của Điều luật không thực hiện được. Người chứa chấp, chuyển giao chỉ yêu cầu nạn nhân phục vụ, làm việc nhà trong thời gian đưa vào các cơ sở lao động. Hoặc người chứa chấp không đe dọa gì ngoài việc thông báo quy định của chính quyền sở tại việc rời khỏi nhà mà không có giấy tờ giấy tờ hợp pháp sẽ bị nhà cầm quyền bắt giữ....

        2.2. Thống kê các thủ đoạn phạm tội: Về liệt kê các thủ đoạn khác: Trong Nghị quyết 02/2019 chưa đề cập đến việc tội phạm dùng người nhà của nạn nhân để khống chế, lợi dụng tình trạng bệnh tật của nạn nhân.... đây là những thủ đoạn trên thực tế đã xảy ra nên cần bổ sung vào hướng dẫn để thực hiện.

        2.3. Tội phạm thực hiện thông qua các tổ chức pháp nhân: Trên thực tế, trên thế giới đã có nhứng trường hợp tội phạm núp dưới các tổ chức hợp pháp như các tổ chức xã hội, từ thiện, các công ty, doanh nghiệp để thực hiện hành vi mua bán người hoặc mục đích vô nhân đạo. Bộ luật Hình sự 2015 có các quy định xử lý hình sự đối với các pháp nhân thương mại, tuy nhiên Điều 76 quy định các loại tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự lại không có Điều 150 tội Mua bán người và tội Mua bán người dưới 16 tuổi. Trường hợp tại Việt Nam nếu xuất hiện các tổ chức pháp nhân thương mại phạm tội Mua bán người dưới các hình thức lao động, du lịch, học tập, đào tạo nghề...việc xử lý là không thể. Với tính chất và quy mô nguy hiểm cho xã hội là rất lớn nếu hành vi được thực hiện bởi các tổ chức. Do đó, cần xem xét kiến nghị bổ sung các quy định của pháp luật về việc xử lý tội phạm mua bán người với các tổ chức pháp nhân thương mại.

        3. Một số căn cứ trong cấu thành cơ bản của tội "Mua bán người" có nội dung quy định giống như một số loại tội khác:

        3.1. Tội Mua bán người với tội Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154 BLHS).

        Trong hành vi “chiếm đoạt bộ phận cơ thể người” nếu ở Điều 150 BLHS thì có thể dùng các hình thức như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc dùng thủ đoạn khác. Hành vi “chiếm đoạt “trong tội Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thế người cũng có từ “chiếm đoạt”.Tuy nhiên được hiểu rằng “chiếm đoạt” quy định trong Điều 150 là hậu quả của tội Mua bán người; “chiếm đoạt” trong Điều 154 được xác định là động cơ mục đích chính của tội phạm này. Vậy sẽ áp dụng Điều luật nào để khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử cho đúng tính chất của hành vi phạm tội và đảm bảo tính khách quan, toàn diện của vụ án.

        3.2. Tội Mua bán người và tội Chứa mại dâm (Điều 327 BLHS):

        Trên thực tế, trong các vụ án mại dâm, các gái bán dâm tự nguyện đến nhà chứa để xin việc, tự nguyện ở lại để làm gái bán dâm, có những trường hợp họ bị bắt, bị đem bán vào các ổ mại dâm để làm gái bán dâm, nhưng không làm rõ được hành vi mua bán người xảy ra trước đó nên chỉ xử lý hình sự về tội Chứa mại dâm. Nếu xử lý như vậy có bỏ lọt tội phạm không?.

        3.3.Tại điểm c, Khoản 3 Điều 150 quy định: Hậu quả của tội Mua bán người là “gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân”. Tuy nhiên, hiện chưa có giải thích cụ thể như thế nào là “rối loạn tâm thần và hành vi”. Do đó, dẫn đến việc vận dụng khó khăn và không thống nhất.

        II. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa

        Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm Mua bán người và Mua bán người dưới 16 tuổi trên toàn lãnh thổ Việt Nam nói chung và địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

        - Thứ nhất, tiếp nhận, xác minh kịp thời nguồn tin báo tố giác tội phạm và có biện pháp bảo vệ nạn nhân: ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin thì Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cần phân công Điều tra viên , Kiểm sát viên có kinh nghiệm am hiểu các kiến thức xã hội, phong tục tập quán của địa phương. Quá trình xác minh nguồn tin báo tố giác thực hiện việc ghi lời khai bằng phương pháp ghi âm, ghi hình đối với nạn nhân cũng như người bị tố giác, nhân chứng và người liên quan để đảm bảo sự thật khách quan, tránh việc thay đổi lời khai do thỏa hiệp hoặc bị đe dọa. Có kế hoạch bảo vệ nạn nhân khi có dấu hiệu bị đe dọa, khống chế. Thực hiện quá trình xác minh, điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự: thu giữ vật chứng, khám nghiệm hiện trường, giám định dấu vết, tổ chức cho nhận dạng ngay. Sau khi khởi tố cần áp dụng biện pháp ngăn chặn phù hợp để tránh thông cung và mua chuộc nhân chứng. Đa số người bị hại trong các vụ án Mua bán người và Mua bán người dưới 16 tuổi là phụ nữ và trẻ em nên quá trình ghi lời khai, điều tra viên và kiểm sát viên thụ lý cần tiếp xúc để nắm bắt tâm lý của nạn nhân. Khi ghi lời khai cần ít nhất có điều tra viên, cán bộ, kiểm sát viên là nữ để tránh tâm lý xấu hổ, ngại khai báo.

         Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân trong phòng ngừa tội phạm Mua bán người. Thường xuyên phối hợp với Sở lao động thương binh xã hội, Cục phòng chống tệ nạn xã hội tại các địa phương tổ chức các lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng, nâng cao các kiến thức cho cán bộ làm công tác trong lĩnh vực có liên quan về phòng chống Mua bán người và bảo vệ nạn nhân trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

        Đối với người bị hại khi bị bán ra nước ngoài bị lạm dụng tình dục hoặc cưỡng bức lao động thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần có biện pháp can thiệp kịp thời, động viên gia đình để đưa người bị hại đến cơ sở y tế chữa bệnh và điều trị tâm lý bị tổn thương.

        Thứ hai, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động phòng ngừa tội phạm Mua bán người và Mua bán người dưới 16 tuổi. Thông qua hoạt động phòng ngừa, phát hiện, điều tra tội phạm. Do đó, trước hết, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật trong những lĩnh vực này để hạn chế những sơ hở, thiếu sót đồng thời bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cụ thể, chi tiết những nội dung còn vướng mắc như đã nêu ở trên trong thực tiễn áp dụng pháp luật giải quyết các vụ án.

        Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân trong phòng ngừa tội phạm Mua bán người. Thường xuyên phối hợp với Sở lao động thương binh xã hội, Cục phòng chống tệ nạn xã hội tại các địa phương tổ chức các lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng, nâng cao các kiến thức cho cán bộ làm công tác trong lĩnh vực có liên quan về phòng chống Mua bán người và bảo vệ nạn nhân trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

        - Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm. Sử dụng tốt hệ thống mạng lưới thông tin trinh sát để phát hiện thông tin kịp thời. Sau khi đã tiếp nhận tin báo, phải nhanh chóng xác minh, thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ buộc tội bằng những hoạt động như: xác minh qua người báo tin, bị hại, người làm chứng, lấy lời khai ban đầu, khám xét… tránh để đối tượng tiêu hủy tài liệu chứng cứ cũng như xóa các dấu vếtgây khó khăn cho hoạt động điều tra. Mỗi điều tra viên cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, kiến thức nghiệp vụ để có thể phục vụ tốt nhất cho hoạt động điều tra tội phạm. Hoạt động điều tra, xử lý loại tội phạm trên góp phần làm cho pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh, xử lý đúng người, đúng tội. Hơn nữa, thông qua hoạt động này còn có tác dụng răn đe các đối tượng khác không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội tránh hậu quả nghiêm trọng hơn hoặc từ bỏ ý định thực hiện hành vi phạm tội với những đối tượng đang trong giai đoạn chuẩn bị.

        - Thứ tư, thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra,Viện kiểm sát, Toà án trong việc điều tra, truy tố và xét xử các vụ án mà đối tượng phạm tội mang tính có tổ chức với mức hình phạt thật nghiêm khắc mới đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa tội phạm. Phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành, các ngành thông tin đại chúng để cập nhật kịp thời và tuyên truyền cho nhân dân để mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa tội phạm Mua bán người trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thông qua công tác phối hợp này để chủ động phát hiện sớm tội phạmcũng như xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

        Đối với những vụ án Mua bán người có yếu tố nước ngoài cần báo cáo phối hợp với Cơ quan điều tra, viện kiểm sát cấp trên để chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ tư pháp trong quá trình xác minh, điều tra các vụ án .

        Trên đây là một số khó khăn vướng mắc của các cơ quan tố tụng trong quá trình tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm, kiểm sát điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về Mua bán người, đồng thời cũngđưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội. Rất mong nhận được sự trao đổi, bổ sung của các đồng nghiệp!

Võ Thị Bích Hà - Phòng 2

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 286

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1499559