Bàn về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

22/11/2022 11:16 | 7740 | 0

        Cùng với sự phát triển của xã hội kéo theo hàng loạt các tệ nạn phát sinh, ma túy là một trong số đó. Mặc dù nhà nước tuyệt đối nghiêm cấm việc sử dụng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép chất ma tuý nhưng vì lợi ích chúng mang lại quá lớn đã có không ít người lao vào con đường tù tội. Theo thống kê của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn quốc đã khám phá thành công gần 11 nghìn vụ, bắt hơn 16 nghìn đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ 397 kg heroin, 838 kg ma túy tổng hợp, 71 kg cần sa cùng nhiều vật chứng liên quan. 

        Tình hình tội phạm ma túy gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lo nhất là nguy cơ sử dụng ma túy tổng hợp đang lan rộng trong giới trẻ. Mặc dù nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa, phát hiện giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến sử dụng trái phép chất ma tuý, tuy nhiên với nhiêu đó cũng chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm, hoạt động tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý vẫn diễn ra hàng ngày và có diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi.

        Trong số các tội phạm liên quan đến ma tuý thì hành vi “sử dụng trái phép chất ma tuý” diễn ra khá phổ biến, việc xác định đúng về tội danh, phân loại đồng phạm trong một vụ án có nhiều người sử dụng trái phép chất ma tuý có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý tội phạm, răn đe, phòng ngừa tuyên truyền, giáo dục pháp luật liên quan đến chất ma tuý.  

        I/ Hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”:

        Tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý được quy định tại Điều 255 Bộ luật hình sự, mặc dù điều luật không quy định cụ thể như thế nào là hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”, tuy nhiên hành vi này được hướng dẫn tại mục 6.1 thông tư liên tịch số 17 ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma tuý” của Bộ luật hình sự năm 1999, theo đó Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là một trong các hành vi sau đây “Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy…”.

        Chúng ta có thể nhận thấy trong hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý có một số đặc điểm sau:

        - Người tổ chức: Có thể là một người hoặc một nhóm người tuỳ dạng đồng phạm đứng ra chỉ huy, phân công, điều hành, chuẩn bị cung cấp chất ma tuý… hoạt động đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác.

        - Phải có người thụ hưởng là người sử dụng trái phép chất ma tuý: Một người vừa có thể là người thụ hưởng của người này nhưng là người tổ chức cho người khác.

        Trong vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý thì cần phân biệt rõ nhóm người tổ chức và nhóm người thụ hưởng. Đối với một số vụ việc có nhiều người cùng tổ chức và cùng sử dụng thì căn cứ quy định pháp luật về đồng phạm để xem xét trách nhiệm, cá biệt hoá trách nhiệm hình sự từng vị trí, vai trò đồng phạm.

        - Có hoạt động đưa chất ma tuý vào cơ thể người khác, “người khác” chỉ loại trừ chính bản thân người tổ chức.

        II/ Một số lưu ý khi kiểm sát điều tra vụ án “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.

        Những vụ án “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” thường có nhiều người liên quan, việc phân loại, xác định hành vi khách quan của từng người để từ đó xác định người nào phạm tội, người nào liên quan có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vụ án tránh bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.

        1/ Phân biệt rõ hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” và hành vi “sử dụng trái phép chất ma tuý”.

        Khác với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, sử dụng trái phép chất ma tuý được hiểu là hành vi tự mình hoặc nhờ người khác đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể mình dưới bất kỳ hình thức nào (như hút, hít, uống, tiêm, chích…) nhằm thỏa mãn nhu cầu sử dụng chất ma túy… Để phân biệt giữa hai hành vi nêu trên, chúng ta có thể dựa trên một số đặc điểm sau:

        Về người tổ chức, người thụ hưởng: Đối với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý thì phải có người tổ chức và người thụ hưởng, người thụ hưởng trong hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý phải là người khác còn hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý thì chỉ có người thụ hưởng là chính bản thân người sử dụng.

        Về hành vi khách quan: Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi chỉ huy, phân công, điều hành việc cung cấp chất ma tuý, địa điểm phương tiện… để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác, còn hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý chỉ đơn thuần là hành vi tự mình hoặc nhờ người khác đưa trái phép chất ma tuý vào chính cơ thể mình.

        Việc phân biệt rõ hai loại hành vi nêu trên có ý nghĩa xác định có hay không tội phạm “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.

        2/ Xác định tình trạng nghiện ma tuý của những người sử dụng trái phép chất ma tuý.

        Hiện nay, có nhiều quan điểm cho rằng không cần thiết phải xác định tình trạng nghiện ma tuý của các đối tượng sử dụng trái phép chất ma tuý trong một vụ án ma tuý nói chung, tuy nhiên theo tác giả là cần thiết phải xác định tình trạng nghiện ma tuý bởi lẽ như sau:

        Thứ nhất: Hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý trước đây là tội phạm, Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009 đã không coi là tội phạm, tuy nhiên đây là hành vi vi phạm hành chính. Người sử dụng trái phép chất ma tuý bị bắt quả tang có thể bị lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính “Cai nghiện bắt buộc” theo Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác mà việc xác định tình trạng nghiện ma tuý của dạng người này là một trong những căn cứ để xem xét, quyết định có hay không áp dụng biện pháp xử lý hành chính “cai nghiện bắt buộc” đây là một trong những tình tiết phải điều tra, làm rõ và xử lý trong vụ án hình sự liên quan đến chất ma tuý.

        Thứ hai mặc dù các hướng dẫn liên ngành còn bất nhất tuy nhiên hậu quả có người “sử dụng trái phép chất ma tuý” ngoài dấu hiệu của tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” còn là dấu hiệu của tội “Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý”. Theo hướng dẫn tại Mục 2, phần I, Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30-6-2020 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp nghiệp vụ thì “Người có hành vi dụ dỗ, khêu gợi sự ham muốn của người khác để họ sử dụng ma tuý với mình thì thuộc trường hợp rủ rê, lôi kéo theo quy định tại Điều 258. Nhưng đối với trường hợp các con nghiện cùng nhau góp tiền, cùng nhau sử dụng ma tuý thì không xác định là rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma tuý theo quy định tại Điều 258 Bộ luật hình sự”.

        Như vậy, cần thiết phải xác định tình trạng nghiện trong một vụ việc có hậu quả liên quan đến hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý. Việc xác định tình trạng nghiện ma tuý của các đối tượng sử dụng ma tuý trong vụ án có ý nghĩa đến việc định tội danh, định khung hình phạt, xem xét, quyết định hình phạt, xem xét xử lý hành chính đối với chính người sử dụng trái phép chất ma tuý và những người liên quan.

        3/ Phân nhóm người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý và người thụ hưởng sử dụng trái phép chất ma tuý.

        Ví dụ 1: A,B,C cùng nhau bàn bạc, góp tiền mua ma tuý dạng “ke” về tổ chức sinh nhật cho A, cả nhóm đồng ý việc A gọi thêm D đến dự và cùng nhau sử dụng ma tuý, khi A,B,C,D đang cùng nhau sử dụng ma tuý thì bị bắt quả tang.

        Những vấn đề định tội danh đối với ví dụ trên có 02 quan điểm.

        Quan điểm thứ nhất: Chỉ được loại trừ trách nhiệm hình sự đối với việc bản thân sử dụng trái phép chất ma tuý, còn vẫn phải chịu hậu quả pháp lý hình sự đối với người khác về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Trong ví dụ nêu trên thì A,B,C đều tổ chức cho 03 người sử dụng và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 255 Bộ luật hình sự

        Quan điểm thứ hai: Nhóm người đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý không phải chịu hậu quả pháp lý hình sự đối với việc các thành viên đồng phạm sử dụng trái phép chất ma tuý, theo nội dung ví dụ nêu trên thì A,B,C phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” theo quy định tại khoản 1, điều 255 Bộ luật hình sự.

        Đối với trường hợp này chúng ta nhận thấy A,B,C đã có sự bàn bạc là cùng nhau góp tiền, phân công nhiệm vụ: người đi mua ma tuý, người chuẩn bị công cụ, phương tiện với mục đích là cùng nhau sử dụng ma tuý như vậy A,B,C đồng phạm với hành vi khách quan là cùng nhau “sử dụng trái phép chất ma tuý”. Tuy nhiên Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009 đã bãi bỏ tội “sử dụng trái phép chất ma tuý” do vậy nếu chỉ có A,B,C cùng nhau sử dụng ma tuý thì hành vi sử dụng này là hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp thu giữ được chất ma tuý hoặc xác định có người khởi xướng, rủ rê, lôi kéo những người khác thì có thể xem xét, xử lý về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” hoặc “Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý” theo quy định tại các Điều 249, 258 Bộ luật hình sự.

        Phạm vi đồng phạm ban đầu của A,B,C là cùng nhau sử dụng trái phép chất ma tuý, theo tác gia A,B,C không phải chịu trách nhiệm liên quan đến hậu quả pháp lý về việc sử dụng trái phép chất ma tuý của nhau, tuy nhiên tất cả những người này là nhóm người tổ chức nên phải chịu trách nhiệm chung về việc tổ chức cho D sử dụng trái phép chất ma tuý. Trong trường hợp này A,B,C phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” theo quy định tại Khoản 1, Điều 255 Bộ luật hình sự.

        Như vậy, trong vụ án có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý thì phải xác định rõ người hoặc nhóm người tổ chức và người hoặc nhóm người thụ hưởng là cơ sở để giải quyết vụ án.

        4/ Phân loại, xác định vị trí, vai trò từng đồng phạm trong vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.

        Theo khoản 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

        Trong đó, người đồng phạm bao gồm: 

        - Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

        - Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

        - Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

        - Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

        Ngoài ra, người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

        Trong vụ án tổ chức trái phép chất ma tuý thì việc phân loại hành vi phạm tội, xác định đồng phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án, xác định đúng trách nhiệm hình sự, hành chính mỗi người phải chịu, tránh bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.

        Ví dụ 2 : A,B,C không bàn bạc với nhau từ trước, do là sinh nhật A nên B nói với A và C sẽ cung cấp ma tuý “ke” cho cả nhóm sử dụng, A gọi thêm D đến để cùng sử dụng ma tuý. B gọi điện hỏi mua ma tuý của E, khi E đến giao ma tuý cho B thì B mời E ở lại cùng sử dụng ma tuý với nhau luôn, sau đó C là người “xào ke”, cả nhóm sử dụng thì bị bắt quả tang.

        Qua ví dụ trên chúng ta có thể thấy B là người khởi xướng, mục đích ban đầu là cung cấp ma tuý cho bản thân B và A với C sử dụng trái phép chất ma tuý, như vậy B sẽ có vai trò tổ chức và A, C sẽ là người thụ hưởng đối với hành vi tổ chức của B. A là người gọi D đến cùng sử dụng ma tuý, B biết và đồng ý để cho D sử dụng ma tuý như vậy A đồng phạm với B về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý nhưng A chỉ phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức cho D sử dụng ma tuý. E là người cung cấp ma tuý, tuy nhiên E không đồng phạm với B về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý do không cùng mục đích, không cùng ý chí, E cũng sử dụng nên E là người thụ hưởng về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý của B. Như vậy, trong trường hợp này, chúng ta đã xác định được cụ thể hành vi khách quan của từng người và hậu quả pháp lý phải chịu, cụ thể như sau:

        Đối với B: B là người cung cấp ma tuý cho A và C sử dụng, B biết A gọi D đến sử dụng chung ma tuý và đồng ý sự việc này, do vậy B phải chịu trách nhiệm về hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” cho A,C,D, E sử dụng (Điểm b, khoản 2, điều 255 BLHS) .

        Đối với A: A vừa là người được thụ hưởng về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý đối với B, vừa đồng phạm với B về việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cho người thụ hưởng là D, do vậy A phải chịu trách nhiệm đồng phạm với B về hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” cho D sử dụng (Khoản 1, Điều 255 BLHS) .

        Đối với C và D: C là người thụ hưởng bởi hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” của B. Trong vụ án này, C có hành vi “xào ke”, hành vi này là một trong những chuỗi hành vi khách quan cần thiết cho việc sử dụng trái phép chất ma tuý còn D là người sử dụng trái phép chất ma tuý, do vậy C, D phải chịu trách nhiệm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.

        Đối với E: E là người cung cấp chất ma tuý để cả nhóm sử dụng nhưng không phải chịu trách nhiệm về hành vi đồng phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý mà chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý.

        Ví dụ nêu gồm nhiều dạng người đồng phạm, có người tổ chức, có người giúp sức, có người thụ hưởng, có người mua bán, có người phải chịu trách nhiệm với tất cả những người thụ hưởng nhưng có người chỉ phải chịu trách nhiệm với một người thụ hưởng. Việc phân loại đồng phạm trong vụ án có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án một cách đúng đắn, tránh bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.

        III/ Vướng mắc về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.

        1/ Hướng dẫn về xử lý đối với hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” còn mâu thuẫn.

        Khi được phân công kiểm sát điều tra vụ án có người sử dụng trái phép chất ma tuý, một trong những vấn đề đặt ra là có cần thiết xác định tình trạng nghiện ma tuý của những người sử dụng trái phép chất ma tuý hay không?

        Để giải quyết vấn đề nêu trên, chúng ta nhận thấy tại thời điểm hiện nay đang có một số hướng dẫn của liên ngành, đơn ngành về hành vi liên quan đến sử dụng trái phép chất ma tuý như sau như sau:

        Điểm a, tiểu mục 6.2, mục 6, phần II, thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24 tháng 12 năm 2007 quy định : “Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy”. Tức là phải xem xét những người đã sử dụng trái phép chất ma tuý có phải là người nghiện không.

        Tại Công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015 trong đó có nội dung “… người nghiện ma tuý có hành vi cung cấp chất ma tuý cho người nghiện ma tuý khác sử dụng tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.

        Theo ví dụ hướng dẫn tại mục 7, phần I, Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn một số khó khăn, vướng mắc trong xét xử vụ án hình sự thì: A là người đi mua ma túy về (B không biết A mua ma túy). Sau đó A và B đến nhà C chơi. Khi đến nhà C, A mới bỏ ma túy ra và bảo “ai chơi thì chơi”. Lúc này cả 03 người cùng sử dụng ma túy, sau đó D đến nhà C và thấy ma túy trên bàn nên đã tự lấy sử dụng. A, B, C và D đều là người nghiện ma túy. Vậy A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay không?

        Theo Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30-6-2020 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp nghiệp vụ thì: "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ... để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy”.

        Trong trường hợp này, A là người cung cấp ma túy cho B, C, D để họ thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy. Hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự.”

        Như vậy theo tinh thần các công văn hướng dẫn, giải đáp nghiệp vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao thì không cần thiết phải xem xét người cung cấp ma tuý, người sử dụng ma tuý có nghiện hay không mà vẫn xem xét, xử lý họ về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”, điều này mâu thuẫn với quy định tại thông tư liên tịch số 17 như đã nêu trên. Những quy định, hướng dẫn chưa thống nhất về việc xử lý dẫn đến nhiều khó khăn trong việc xác định tội danh, phân loại hành vi phạm tội trong vụ án liên quan đến sử dụng chất ma tuý.

        2/ Khó khăn trong việc xác định tội danh đối với hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.

        Như đã nêu trên, điều 255 Bộ luật hình sự không quy định cụ thể như thế nào là hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”, tại thông tư liên tịch số 17 năm 2007  và công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30-6-2020 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp nghiệp vụ không đưa ra khái niệm cụ thể mà cũng chỉ viện dẫn một số dạng người đồng phạm trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý như “chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy…” điều này khiến một số người có cách hiểu máy móc là cứ có một trong những hành vi cung cấp ma tuý, cung cấp địa điểm, cung cấp dụng cụ… là phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”. Các hướng dẫn không bảo đảm chi tiết, khiến mốt số đơn vị còn loay hoay trong việc xử lý đối với hành vi này, một số người làm pháp luật hiểu máy móc như đã nêu trên rất dễ dẫn đến việc khởi tố oan, sai cũng như bỏ lọt tội phạm.

        IV/ Kiến nghị, đề xuất:

        Với những hướng dẫn quy định pháp luật bất nhất nêu trên, Thông tư liên tịch 17 ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma tuý” của Bộ luật hình sự năm 1999, Thông tư liên tịch 08 ngày 14/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của TTLT số 17/2007 ra đời đã lâu, một số quy định đã được bãi bỏ, không phù hợp với tình hình thực tế xử lý các tội phạm liên quan đến ma tuý. Do vậy kiến nghị Liên ngành trung ương nghiên cứu ban hành hướng dẫn thống nhất về mặt lý luận liên quan đến tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” nói riêng và các tội phạm liên quan đến ma tuý nói chung.

        Nguồn tham khảo:

        - Thông tư liên tịch số 17 ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma tuý” của Bộ luật hình sự năm 1999

        - Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30-6-2020 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp nghiệp vụ

        Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn một số khó khăn, vướng mắc trong xét xử vụ án hình sự

        - Công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015

Nguyễn Tiến Hoàn - PVT; Bùi Quốc Trưởng, Nguyễn Tiến Long – KSV

Viện KSND huyện Phú Xuyên

 

QĐ số 297/QĐ-VKS-VP ngày 06/10/2023 về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu chi NSNN Quý III năm 2023
TB Số 420/TB-HĐTĐ, ngày 06/10/2023, thông báo kết quả thi tuyển công chức nghiệp vụ Kiểm sát 2023 (Vòng 2) của Cụm thứ nhất và hướng dẫn phúc khảo
Quyết toán thu - chi ngân sách nhà nước năm 2022 (kèm theo Quyết định số 288/QĐ-VKS ngày 26/9/2023)
QĐ số 288/QĐ-VKS ngày 26/9/2023 về việc công bố quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 của VKSND thành phố Hà Nội
TB số 392/TB-HĐTT ngày 25/8/2023 về danh sách ứng viên đủ điều kiện tham dự kỳ thi tuyển công chức Vòng 2 và thời gian, địa điểm tổ chức thi tuyển công chức nghiệp vụ kiểm sát Vòng 2 của Cụm thứ nhất
QĐ số 206/QĐ-VKS-VP ngày 10/7/2023 v/v công bố công khai thực hiện dự toán thu chi NSNN Quý II năm 2023
TB số 320/TB-HĐTT ngày 28/6/2023 về danh sách ứng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn và thời gian, địa điểm tổ chức thi tuyển công chức nghiệp vụ kiểm sát vòng 1 của Cụm thứ nhất
TB số 237/TB-VKS ngày 02/6/2023 của Ban sơ tuyển thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường Đại học Kiểm sát Hà Nội năm 2023
QĐ số 165/QĐ-VKS-VP ngày 09/5/2023 v/v công bố công khai dự toán NSNN đợt 3 năm 2023
QĐ 132/QĐ-VKS-VP ngày 07/4/2023 về việc công bố công khai thực hiện dự toán thu chi NSNN Quý I năm 2023

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 218

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1222506