Thực tiễn hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng hình phạt đối với các trường hợp không giám định được thương tích của người bị hại trong vụ án hình sự. Do đó cần phải đánh giá các quy định pháp luật hiện hành, chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị trong trường hợp người bị hại không đi giám định thương tích mà chỉ giám định thương tích thông qua hồ sơ, hoặc trường hợp Cơ quan giám định không giám định thương tích qua hồ sơ.
Trường hợp thứ nhất: Phạm Văn H là nhân viên bán xăng dầu tại Cửa hàng xăng dầu Cống Vị địa chỉ phố Đ, phường C, quận B , thành phố HN. Do mâu thuẫn với khách mua xăng là anh Hoàng Văn B nên H đã mua 01 con dao bầu (dài 25cm, chuôi dài 10 cm, lưỡi dài 15 cm, đầu nhọn, có 01 lưỡi sắc) mang về cất trong tủ cá nhân. Khoảng 8 giờ 40 phút ngày 05/11/2021, anh B đến đổ xăng nhưng H không bơm xăng kịp thời, nên anh B đã dùng tay phải đấm 07 phát vào vùng đầu, vai, cổ của Hoàng thì được mọi người can ngăn, hai người tiếp tục thách thức đánh nhau. H đi vào tủ các nhân lấy con dao bầu ra truy đuổi, đâm anh B 07 nhát, gồm 01 nhát vào vùng khuỷu tay, 02 nhát vào vùng bẹn phải, 01 nhát vào mông trái, 02 nhát vào thành ngực sau bên trái và 01 nhát vào hạ sườn trái. Ngày 01/12/2021 (sau khi vụ án xảy ra gần 01 tháng và khi anh B đã ra viện được 15 ngày), Cơ quan điều tra ra Quyết định trưng cầu giám định đối với thương tích của anh B. Ngày 20/12/2021, sau khi nhận bồi thường, anh B từ chối giám định thương tật, đề nghị rút đơn tố giác. Cơ quan giám định từ chối giám định thông qua hồ sơ với lý do bị hại còn sống mà không đến trung tâm giám định nên không đủ điều kiện giám định. Ngày 15/9/2024, anh B tử vong do sử dụng rượu và ma tuý. Sau khi anh B tử vong, Cơ quan điều tra tiếp tục trưng cầu giám định thương tích của anh B thì đến 14/12/2024, Viện khoa học hình sự Bộ Công an ra kết luận tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của anh B tại thời điểm giám định là 36%. Ngày 14/3/2025 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận B, thành phố H ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Văn H về tội Giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp thứ hai: Ngày 29/11/2023, do mâu thuẫn trong việc đưa xe ô tô vào công trình xây dựng nên ông Nguyễn Văn C và Hà Quang D đã xảy ra chửi nhau tại công trình thuộc thôn N, xã Đ, huyện G, thành phố H. Ông C cầm thanh gậy vụt về phía C ngồi, sau đó D mở cửa xuống thì ông C tiếp tục đánh nhiều phát vào lưng, tay của D, hai bên giằng co nhau rồi D lấy chiếc búa cán bằng gỗ dài 34,3 cm đập về phía ông C làm vỡ xương trán thái dương phải. Ông C được đưa đi cấp cứu và điều trị. Sau khi sự việc xảy ra hai bên hoà giải và cương quyết không đi giám định thương tích. Cơ quan điều tra đã thu thập hồ sơ bệnh án của các bên. Kết quả giám định pháp y thương tích qua hồ sơ bệnh án xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của ông Nguyễn Văn C là 32%. Ngày 23/02/2024 của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an giám định pháp y thương tích qua hồ sơ xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của ông Nguyễn Văn C là 32%, của Hà Quang D là 0%. Ngày 01/4/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện G ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can đối với Hà Quang D về tội Giết người theo quy định tại khoản 2, Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp thứ ba: Năm 2006, Đỗ Văn N kết hôn với chị Trần Thị T và có hai con chung. Khoảng tháng 08/2018, giữa N và chị T phát sinh mâu thuẫn trong cuộc sống, nên xảy ra cãi nhau. Ngày 01/9/2018, chị T đưa hai con chung cùng về nhà bố mẹ đẻ là ông Nguyễn Văn Q tại thôn NT, xã R, huyện X, thành phố H để ở. Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 04/9/2018, N đến nhà bố mẹ vợ gặp chị T nói chuyện muốn đưa chị T và các con về nhà, nhưng chị T không đồng ý, còn chửi, đuổi N về. Bực tức vì bị xúc phạm, T đi vào bếp nhà ông Q lấy 01 con dao, dạng dao phay, chuôi bằng gỗ, dài 13cm, thân dao bằng kim loại, dài 23cm, bản rộng 10cm, đầu dao vuông rồi quay lại đứng phía sau chị T rồi giơ dao chém trúng vùng gáy, chẩm, vai của chị T, gây ra 01 vết thương dài khoảng 10cm vùng gáy ngay đốt sống cổ 5 - 6; 01 vết thương vai trái dài khoảng 03cm và 01 vết thương da đầu vùng chẩm diện (03x03)cm, bị liệt tứ chi. Do được cấp cứu và kịp thời nên chị T không tử vong.
Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra đã cung cấp hồ sơ bệnh án, đã nhiều lần quyết định trưng cầu Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an và Trung tâm Pháp y - Sở Y tế Hà Nội giám định tỷ lệ thương tật của chị T và ra quyết định dẫn giải chị T đi giám định nhưng chị T từ chối đi giám định. Ngày 03/01/2025, Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an có văn bản từ chối giám định qua hồ sơ (với lý do: Căn cứ Mục 2, Điều 2 Thông tư 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 quy định: Giám định để xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể được thực hiện qua (trên) tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong Giám định Pháp y, Giám định Pháp y tâm hồ sơ trong trường hợp người cần được giám định đã bị chết hoặc mất tích hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp của chị T không thuộc trường hợp được giám định để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể qua hồ sơ theo quy định pháp luật ). Ngày 31/10/2024 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an X, thành phố H đối với Đỗ Văn N về tội Giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Trong ba trường hợp vụ án nêu trên, thực tiễn cho thấy người bị hại đều từ chối giám định thương tích mặc dù đã được Cơ quan tố tụng tiến hành thủ tục dẫn giải. Tuy nhiên trường hợp thứ nhất và trường hợp thứ hai Cơ quan giám định vẫn tiến hành giám định được qua hồ sơ để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại. Trường hợp thứ ba Cơ quan giám định lại từ chối giám định qua hồ sơ với lý do không giám định được là căn cứ Khoản 2 Điều 2 Thông tư 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019: Giám định để xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể được thực hiện trên hồ sơ trong trường hợp người cần giám định đã bị chết hoặc bị mất tích hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Phải chăng trường hợp thứ nhất và trường hợp thứ hai thuộc “trường hợp khác” theo quy định của Thông tư trên thì mà chưa có hướng dẫn cụ thể. Đây là quy định được bỏ lửng, dễ gây nhầm lẫn và không có hướng dẫn cụ thể.
Việc không quy định rõ ràng, không đồng nhất giữa giám định thương tích qua hồ sơ trong vụ án hình sự gây khó khăn, ảnh hưởng lớn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án, kéo dài thời hạn giải quyết vụ án, khởi tố bị can và quyết định hình phạt của bị cáo. Như trường hợp thứ ba Vụ án giết người với tính chất mức độ, hành vi đặc biệt nghiêm trọng của bị can, bị can N chém nhiều nhát vào cổ, vai, đầu của chị T gây ra liệt tứ chi nhưng không giám định được tỷ lệ tổn thương cơ thể của chị T. Giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể của chị T là một trong những căn cứ quan trọng để quyết định hình phạt đối với N.
Từ những khó khăn vướng mắc nêu trên, tác giả đề xuất kiến nghị để hoàn thiện quy định pháp luật về giám định thương tích như sau:
Theo Điều 2 Thông tư 22/2019/TT-BYT ngày 28.8.2019 của Bộ Y tế quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần quy định: “…Khoản 1 Điều 2: Giám định để xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể phải được thực hiện trên người cần giám định, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 2. Khoản 2 Điều 2: Giám định để xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể được thực hiện trên hồ sơ trong trường hợp người cần giám định đã bị chết hoặc bị mất tích hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”
Hiện nay chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn về “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” giám định qua hồ sơ quy định tại khoản 2, Điều 2 của Thông tư trên. Cần có văn bản hướng dẫn thi hành rõ ràng, cụ thể hơn chứ, tránh lạm dụng.
Quy định này của Thông tư 22 là sự sơ hở, chưa chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tiêu cực. Do vậy, cần đề xuất Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung theo hướng thêm trường hợp “người bị hại cố ý không hợp tác hoặc bỏ đi khỏi nơi cư trú” thì cũng thực hiện giám định qua hồ sơ./.
Đỗ Hoà Hiếu - Phòng 2
Đang truy cập :
433
Tổng lượt truy cập :
1538329