Thừa kế theo di chúc là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người khác còn sống theo quyết định của người đó trước khi chết được thể hiện trong di chúc. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người có quan hệ thân thiết với người chết, pháp luật dân sự có quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 thì: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Đồng thời, theo quy định về người lập di chúc quy định tại Điều 625 BLDS năm 2015 thì:
“1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.”
Như vậy, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân người để lại tài sản cho người khác trước khi chết. Nếu đủ điều kiện để lập di chúc theo quy định nêu trên thì người lập di chúc có thể chỉ định người thừa kế và phân định tài sản của mình mà không cần sự đồng ý của bất kỳ ai. Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích của một số người trong diện những người thừa kế theo pháp luật phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta thì pháp luật đã hạn chế quyền của người lập di chúc quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015. Pháp luật quy định những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như sau:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”
Vậy để xác định 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật, chúng ta chia trên toàn bộ di sản của người chết để lại hay chỉ lấy phần mà người đó để lại theo di chúc hoặc theo pháp luật? Hơn nữa, một người đã được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc thì có được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật nữa không?
1. Xác định di sản để chia một suất thừa kế theo pháp luật như thế nào?
Theo quy định tại Điều 644 BLDS 2015 thì những người thuộc diện thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được hiểu là trong trường hợp người lập di chúc không cho hưởng di sản theo di chúc hoặc có cho hưởng, nhưng phần mà họ được hưởng theo di chúc ít hơn 2/3 của một suất thừa kế nếu di sản được chia theo pháp luật thì họ vẫn được hưởng thừa kế ít nhất bằng 2/3 suất chia theo pháp luật.
Vấn đề là cách xác định 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật là như thế nào? Di sản được chia theo pháp luật để xác định 2/3 của một suất thừa kế là “di sản” nào? Là di sản mà người lập di chúc định đoạt trong di chúc hay là toàn bộ di sản của người đó? Quy định của BLDS hiện hành không nói rõ “di sản” này là “di sản” nào, nên có nhiều cách hiểu khác nhau.
Cách hiểu thứ nhất cho rằng, nên lấy phần di sản mà người lập di chúc định đoạt trong di chúc chia cho tất cả những người thừa kế theo pháp luật có quyền hưởng di sản của người đó để xác định một suất thừa kế;
Cách hiểu thứ hai cho rằng, nên lấy toàn bộ di sản của người chết chia cho những người thừa kế theo pháp luật của người đó để xác định một suất thừa kế;
Cách hiểu thứ ba cho rằng, chỉ lấy phần di sản mà người lập di chúc không định đoạt trong di chúc để xác định một suất thừa kế theo pháp luật.
Trong ba cách hiểu trên, cách hiểu lấy toàn bộ di sản của người chết chia cho những người thừa kế theo pháp luật của người đó để xác định một suất thừa kế được đa số các Tòa án áp dụng khi chia thừa kế. Như vậy, cách tính 2/3 một suất chia thừa kế theo pháp luật cho người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc được xác định như sau: Thứ nhất, Nếu không có di chúc thì một suất chia theo pháp luật cho người thừa kế tại hàng thừa kế thứ nhất có quyền hưởng là bao nhiêu sẽ nhân với hai phần ba của suất đó. Thứ hai, những người sau đây không tính vào để nhân suất hai phần ba của một suất thừa kế theo pháp luật “người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620; người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621” BLDS năm 2015.
Ví dụ: Anh A kết hôn với chị B có hai con là C (6 tuổi) và D (10 tuổi). Năm 2012, anh A và chị B ly hôn, chị B được giao nuôi con C và D. Năm 2013 anh A kết hôn với chị G, sinh một con tên E. Sau khi kết hôn với chị G, năm 2013, anh A viết di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình cho chị G (di chúc hợp pháp). Sang năm 2015 thì anh A chết. Anh A còn 1 mẹ già 80 tuổi và tổng di sản của anh A là 3 tỷ đồng Việt Nam. Trong tình huống này di sản của A được chia như sau:
Di sản thừa kế của anh A để lại là: 3 tỷ đồng. Ở đây, di chúc của anh A hợp pháp nên phải chia theo di chúc. Khi chia thừa kế theo di chúc phải chú ý xác định có những người thừa kế không phụ thuộc di chúc hay không. Trong ví dụ trên anh A có: mẹ già, 2 con (C + D) là con chung với anh A; 1 con E là con chung với chị G. Như vậy, có 4 người được hưởng thừa kế không phụ thuộc di chúc là: mẹ già và ba con (C + D + E). Mỗi người được hưởng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 644 BLDS năm 2015.
Chia thừa kế theo pháp luật thì di sản của anh A được chia cho 5 người: mẹ, ba con và chị G = 5 suất. Như vậy mỗi suất theo pháp luật là 3 tỷ chia 5 = 0,6 tỷ.
Những người hưởng thừa kế không phụ thuộc di chúc được 2/3 suất. Như vậy: mẹ già và mỗi người con C, D, E = 2/3 x 0,6 tỷ = 0,4 tỷ.
Phần còn lại thuộc người thừa kế theo di chúc là chị G. Như vậy, chị G được hưởng là : 3 tỷ - (0,4 x 4) = 1,4 tỷ.
2. Người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc có được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật nữa không?
Điều 609 BLDS năm 2015 quy định về quyền thừa kế như sau: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.
Có thể thấy, trong phạm vi quyền thừa kế theo quy định của BLDS không đề cập đến việc một người đã được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc thì có được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật nữa hay không. Tuy nhiên, quy định thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc lại nằm trong Chương XXII, Phần thừa kế theo di chúc, chứ không nằm trong chương XXIII về thừa kế theo pháp luật. Do đó, thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc không phải là thừa kế theo pháp luật.
Xét về diện thừa kế, những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, họ cũng là những người thuộc phạm vi được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Xét về hàng thừa kế, họ cũng nằm trong hàng thừa kế được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Vậy, nếu không cho họ hưởng di sản thừa kế theo pháp luật là không bảo đảm quyền lợi cho họ.
Quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nhằm bảo vệ những người thuộc diện thừa kế không bị phụ thuộc vào ý chí của cá nhân người lập di chúc. Bởi vì ý chí của người lập di chúc đã xâm hại đến quyền lợi của những người này cho nên pháp luật quy định họ mặc nhiên được hưởng di sản ít nhất bằng 2/3 của một suất chia theo pháp luật khi người lập di chúc không cho họ hưởng di sản hoặc cho hưởng nhưng ít hơn 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật.
Như vậy, việc pháp luật bảo vệ quyền lợi cho những người thừa kế này và việc họ đương nhiên được hưởng thừa kế theo pháp luật là khác nhau. Họ được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là do ý chí của người lập di chúc không phù hợp với đạo lý, cho nên pháp luật mới quy định hạn chế quyền của người lập di chúc nhằm bảo vệ họ không bị ảnh hưởng bởi nội dung của di chúc. Còn việc họ được hưởng di sản theo pháp luật là quyền thừa kế cơ bản của mỗi cá nhân. Do đó, không thể lẫn lộn giữa thừa kế theo pháp luật và thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, để có cách hiểu thống nhất về quy định tại Điều 644 BLDS năm 2015, luật nên quy định cụ thể hơn về di sản được chia theo pháp luật nhằm xác định 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật là “di sản” nào, là di sản được định đoạt trong di chúc hay là toàn bộ di sản. Ví dụ: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được định đoạt trong di chúc/toàn bộ di sản được chia theo pháp luật...”.
Thứ hai, thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc không phải là một quy định của chế định thừa kế theo pháp luật. Do vậy, dù luật không quy định là một người có thể vừa được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc vừa được hưởng thừa kế theo pháp luật, nhưng cũng không có quy định nào quy định về việc một người đã được hưởng di sản do được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc rồi thì không được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật nữa. Như vậy, để không làm mất tính chất bảo vệ của quy định thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Đồng thời, đảm bảo quyền được thừa kế theo pháp luật của những người này, do vậy, khi chia di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc mà có phần di sản được chia theo pháp luật thì phải để những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được hưởng thừa kế theo pháp luật./.
Ngô Thị Minh Thuận, Nguyễn Văn Điền - Viện KSND thị xã Sơn Tây
Đang truy cập :
24
Tổng lượt truy cập :
1522122