Một trong những trường hợp pháp lý ít được quan tâm trong công tác Thi hành án hình sự (THAHS) là trường hợp ủy thác ra quyết định THA, có nơi còn để xảy ra trường hợp “chậm”, “quên” không ra quyết định THA sau khi nhận ủy thác. Do vậy, để thực hiện tốt chức năng kiểm sát THAHS, Viện kiểm sát cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong kiểm sát các quyết định ủy thác của Tòa án.
1. Quy định của pháp luật về ủy thác ra quyết định THA
Theo nội dung khoản 1 Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:
- Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định THA;
- Thời hạn ra quyết định THA trường hợp có ủy thác: Trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thácTHA được gửi bởi Chánh án Tòa án đã xét xử;
- Thẩm quyền: Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định THA.
2. Quy trình kiểm sát ủy thác ra quyết định THA
Các trường hợp ủy thác thường là khi xác định được người chấp hành án bị phạt tù đang tại ngoại hoặc bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo không cư trú trên địa bàn của Tòa án ủy thác đi. Để thuận tiện trong quá trình thi hành bản án và theo dõi việc chấp hành án của người chấp hành án thì Tòa án xét xử thường ủy thác cho Tòa án nơi người chấp hành án cư trú để ra quyết định thi hành.
Sự ủy thác này vô hình chung tạo ra kẽ hở, sự lỏng lẻo trong THAHS, dẫn đến một số trường hợp bản án không được thi hành, bởi lẽ:
+ Khi ủy thác đi, Tòa án gửi các thủ tục cần thiết để Tòa án nhận ủy thác thi hành. Trường hợp Tòa án nhận ủy thác không nhận được hồ sơ ủy thác THA trong khi đó Tòa án ủy thác đã gạch sổ quản lý đối với người chấp hành án nên bản án sẽ không được thi hành, để hết thời hiệu THA (nguyên nhân do chậm trễ hoặc để thất lạc trong chuyển hồ sơ, tài liệu giữa các Tóa án)
+ Khi nhận được hồ sơ ủy thác đến, cán bộ Tòa án nơi nhận ủy thác không quản lý, không trình Chánh án ra quyết định THA ủy thác vì không nằm trong danh sách án đã xét xử cần phải thi hành.
Quy trình tiến hành các công việc trường hợp có ủy thác ra QĐTHA:
(1) Tòa án A phải gửi toàn bộ thủ tục ủy thác cho Tòa án B
(2) Tòa án A phải gửi quyết định ủy thác cho Viện kiểm sát A
(3) Viện kiểm sát A làm thông báo cho Viện kiểm sát B để tiếp tục thực hiện kiểm sát đối với bản án đó. Tuy nhiên cũng cần theo dõi bản án đã được thi hành hay chưa thông qua thông báo tiếp nhận kiểm sát của Viện kiểm sát B.
(4) Viện kiểm sát B cần phải kiểm sát chặt chẽ quyết định ủy thác THA của Tòa án A. Khi nhận được thông báo ủy thác của Viện kiểm sát A, thì Viện kiểm sát B cần vào sổ thụ lý ủy thác đến, thông báo đã tiếp nhận ủy thác cho Viện kiểm sát A đồng thời theo dõi cho đến khi Tòa án B ra quyết định THA. Khi Viện kiểm sát B nhận được quyết định thi hành bản án đối với người chấp hành án của Tòa án B, thì tiến hành kiểm sát về thời gian ra quyết định, nội dung quyết định có phù hợp như bản án đã tuyên hay không. Nếu thấy quá thời hạn mà Tòa án B chưa ra quyết định thi hành thì cần phải trao đổi, nhắc nhở để bản án được thi hành kịp thời, đúng luật định.
3. Các nội dung Kiểm sát viên cần chú ý khi thực hiện kiểm sát ủy thác THAHS
Quá trình kiểm sát ủy thác ra quyết định THA, Kiểm sát viên cần chú ý các nội dung sau:
Một là: Kiểm sát quyết định ủy thác có đúng thẩm quyền, đúng thời hạn pháp luật hay không.
Áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, theo đó, khi nhận được quyết định ủy thác ra quyết định THA, cần kiểm tra, đối chiếu xem người ra quyết định có phải là Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hay không; thời hạn ủy thác ra quyết định THA có đúng 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 364 BLTTHS 2015 còn quy định thêm thời hạn ra quyết định THA trong trường hợp nhận ủy thác là: trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác THA của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định THA.
Hai là: Kiểm sát căn cứ để Tòa án ra quyết định
Tòa án đã xét xử sơ thẩm chỉ ủy thác ra quyết định THA đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, cần kiểm sát xem bản án, quyết định mà Tòa án xét xử đã có hiệu lực hay chưa theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật THAHS 2010.
Bên cạnh đó, việc xác định rõ nơi cư trú của người chấp hành án là căn cứ để xác định Tòa án nhận ủy thác. Do đó, Kiểm sát viên cũng cần xem xét kỹ lại các căn cứ về nơi cư trú này.
Trường hợp Tòa án ra quyết định ủy thác, thì cần kiểm sát việc ra quyết định ủy thác có đúng các căn cứ theo quy định tại điểm c mục 2.1 Phần I Nghị quyết 02/2007/NQ-HĐTP. Đồng thời, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Kiểm sát viên cần tham mưu cho Lãnh đạo Viện kiểm sát ra thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nơi nhận ủy thác biết để kiểm sát THA theo quy định.
Ba là: Kiểm sát quyết định THA có đúng nội dung quyết định của bản án hay không
Kiểm sát nội dung quyết định về THA có đúng với nội dung bản án, quyết định đã tuyên và đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật THAHS 2010 hay không?.Cần chú ý, nếu bản án, quyết định có tuyên người bị kết án phạt tù phải thi hành hình phạt bổ sung (trục xuất, quản chế, cấm cư trú...) thì nội dung quyết định THA phải có cả hình phạt bổ sung đó. Nếu THA đối với người bị kết án đang tại ngoại thì trong quyết định phải ghi rõ thời hạn và nơi người bị kết án có mặt để thực hiện việc chấp hành án.
Trường hợp bản án sơ thẩm xét xử nhiều bị cáo, trong đó có bị cáo kháng cáo, kháng nghị thì kiểm sát việc ra quyết định THA đối với phần bản án đã có hiệu lực pháp luật (không kháng cáo, kháng nghị). Nếu bản án phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm thì Tòa án đã ra quyết định THA phải ra quyết định thu hồi hoặc hủy bỏ quyết định THA phạt tù trước đó, vì bản án sơ thẩm đã bị hủy không còn hiệu lực thi hành.
Nếu phát hiện đã quá thời hạn ra quyết định THA, mà Tòa án chưa ra quyết định thì báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát yêu cầu Chánh án Tòa án ra quyết định. Việc Tòa án ra quyết định THA chậm, cần được tổng hợp tham mưu cho Lãnh đạo Viện kiểm sát ban hành kiến nghị yêu cầu chấm dứt vi phạm.
Nếu phát hiện vi phạm về thẩm quyền ra quyết định, hoặc vi phạm về nội dung như: Ghi sai về thời điểm tính thời gian chấp hành án phạt tù (không đúng với ngày bắt tạm giữ, tạm giam), sai về số ngày trừ đi thời gian đã bắt tạm giữ, tạm giam; không ghi thời hạn tù tính từ ngày nào (theo như Bản án đã tuyên… thì báo cáo đề xuất Lãnh đạo Viện kiểm sát ban hành kháng nghị yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định THA phạt tù đó và ra quyết định THA phạt tù khác đúng với nội dung bản án.
Trường hợp trong quyết định THA ghi sai thông tin về người phải THA như: tên cha, mẹ hoặc năm sinh, nơi cư trú, họ, tên, tên đệm... của người bị kết án phải được phát hiện và yêu cầu đính chính kịp thời để đảm bảo việc thi hành.
Bốn là: Kiểm sát việc quyết định THA có được gửi đến những nơi phải gửi theo quy định không
Với nội dung này, cần kiểm sát trong phần “Nơi nhận” của quyết định có gửi đúng những cá nhân, cơ quan quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật THAHS 2010 không, có gửi trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định THA phạt tù không.
Trên đây là một số kinh nghiệm trong công tác kiểm sát ủy thác ra quyết định THA của Phòng 8, Viện KSND thành phố Hà Nội. Chúng tôi xin được nêu ra để tham khảo và mong nhận được sự góp ý.
Đặng Hoàng Quân - Phòng 8
Đang truy cập :
133
Tổng lượt truy cập :
1513806