Những vướng mắc khi áp dụng điểm b khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự trong quá trình THQCT, KSĐT, KSXX các tội Xâm phạm sở hữu đối với người dưới 18 tuổi

19/08/2021 12:47 | 2040 | 0

        Người chưa thành niên là người đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện về thể chất, tâm sinh lý và nhân cách sống. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 thì người chưa thành niên được hiểu là: “Người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương; đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, do đó tùy theo lứa tuổi, mức độ trưởng thành và nhu cầu cá nhân mà họ cần được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng hình sự”. Chính vì vậy mà họ có những đặc điểm tâm lý riêng và được Bộ luật hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định thành chương riêng về đường lối, trình tự, thủ tục xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội (Chương XII BLHS năm 2015, chương XXVIII BLTTHS năm 2015 quy định về thủ tục đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội). Chương XII của BLHS: “Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội” có 17 Điều luật (từ Điều 90 - 107), trong đó 10 Điều quy định về phần hình phạt đối với người dưới 18 tuổi. Trong nội dung bài viết này, tôi chỉ đề cập đến những vướng mắc khi áp dụng Điều 107 BLHS về Xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi.

        Điều 107 BLHS quy định :

        1. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

        a. …

       b. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý.

        Tình huống vụ án được đưa ra như sau:

        Bị can tên H sinh tháng 01 năm 2004, nhân thân có 01 tiền sự về hành vi Trộm cắp tài sản bị xử phạt hành chính vào tháng 12/2020; 02 tiền án trong đó có 01 tiền án về tội Trộm cắp tài sản vừa bị xét xử tháng 01/2021 và tổng hợp hình phạt cả 02 bản án là 18 tháng tù giam. Bản án không có kháng cáo, kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật. Do thời điểm phạm tội bị can đang đi từ vùng dịch về nên không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn. Sau đó đến tháng 03/2021, bị can H tiếp tục phạm tội Trộm cắp tài sản, lần phạm tội này, tài sản trộm cắp dưới 2.000.000 đồng.

        Hiện bị can H đã bị khởi tố về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS, VKS cấp huyện đã phê chuẩn. 

        Vấn đề đặt ra trong vụ án trên, do tài sản bị can Trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng nên căn cứ dùng để định tội và xử lý bị can H theo khoản 1 Điều 173 BLHS là 02 bản án cùng loại tội trộm cắp đã xét xử đã có hiệu lực có đúng hay không?

        Nếu căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 107 BLHS đã nêu trên thì với độ tuổi dưới 18 tuổi của bị can H không được coi là có “án tích”. Do đó theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS thì lần này hành vi phạm tội của bị can H không đủ căn cứ để xác định phạm tội Trộm cắp tài sản (căn cứ định tội).

        Vì vậy muốn có căn cứ để định tội Trộm cắp tài sản đối với bị can H theo điểm a khoản 1 Điều 173 thì phải sử dụng 01 tiền sự bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi Trộm cắp tài sản trước đó vẫn còn thời hiệu để xác định là căn cứ định tội đối với bị can H theo quy định của pháp luật.

        Trên thực tế, khi áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án trên nhận thấy: Bị can H nhân thân có 02 tiền án cùng loại tội vừa xét xử đã có hiệu lực pháp luật lại không được tính (không áp dụng định tội và tăng nặng); trong khi đó 01 tiền sự với hành vi mức độ nguy hiểm nhẹ hơn dưới mức hình sự lại được sử dụng để làm căn cứ định tội đối với bị can H. Đây là sự mâu thuẫn và bất hợp lý khi áp dụng các quy định tại điểm b khoản 1 Điều 107 BLHS. Đồng thời cũng cần thiết phải có văn bản hướng dẫn rõ các quy định tại điểm b khoản 1 Điều 107 BLHS “…không coi là có án tích, việc kết án này cũng không được sử dụng để tính tái phạm, tái phạm nguy hiểm nếu sau lần phạm tội này người đó lại “phạm tội các loại tội khác, không phải loại tội chiếm đoạt tài sản và “Không được coi là có án tích theo điểm b khoản 1 Điều 107 BLHS” có được xác định như “Chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” theo điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS không?

        Như vậy, để đảm bảo tính khách quan và sự công bằng khi áp dụng các căn cứ pháp luật đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, nhất là trong trường hợp sử dụng để làm căn cứ định tội như vụ án trên, cần có những quy định cụ thể đối với từng loại tội phạm theo tội danh, chủ yếu là căn cứ định tội đối với một số tội về chiếm đoạt tài sản (không quy định chung chung là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng… như điểm b khoản 1 Điều 107 BLHS).

        Từ nội dung và căn cứ để áp dụng giải quyết vụ án trên nhận thấy, việc áp dụng đối với các bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi khi phạm tội cần hết sức lưu ý đến các quy định của BLHS; BLTTHS và các văn bản hướng dẫn khác để tránh thiếu sót, vi phạm tố tụng và những hậu quả đáng tiếc khác khi THQCT, KSĐT, KSXX các vụ án hình sự.

        Trên đây là một số vướng mắc khi áp dụng Điều 107 BLHS đối với người dưới 18 tuổi phạm các tội về Xâm phạm sở hữu. Rất mong nhận được những ý kiến trao đổi, bổ sung của các đồng nghiệp.

Võ Thị Bích Hà - Phòng 2

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 329

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1521205