Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển nền kinh tế toàn cầu và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra phổ biến dưới nhiều hình thức với nhiều phương pháp, thủ đoạn hết sức tinh vi gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Người thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến sử dụng công nghệ cao có thể là người Việt Nam, là sinh viên, học sinh hoặc người nước ngoài. Những đối tượng này do có trình độ, am hiểu về công nghệ thông tin, thường xuyên tham gia vào các diễn đàn của Hacker trên mạng Internet rồi tìm kiếm, mua bán thông tin thẻ tín dụng bị đánh cắp sau đó sử dụng các thông tin này đặt mua hàng hoá có giá trị như các máy móc, thiết bị vi tính tại các trang bán hàng trực tuyến trong và ngoài nước sau đó bán lại thu lợi bất chính lớn. Cũng có nhiều trường hợp, tội phạm dùng thủ đoạn thành lập các trang Website sau đó đăng quảng cáo bán hàng qua Website nhưng khi nhận được đơn hàng và tiền khách hàng chuyển trước thì chúng không giao hàng hoặc giao hàng không đúng chất lượng hoặc làm giả các loại hồ sơ, giấy tờ, thẻ ATM, thẻ tín dụng rất tinh vi để rút tiền từ ngân hàng; sử dụng đường truyền Internet tốc độ cao và lắp đặt thiết bị, các máy phát sóng trái phép sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet để truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cá nhân sau đó cấu kết với các đối tượng trong nước; giả danh là cán bộ các cơ quan nhà nước rồi gọi điện thoại cho nạn nhân để hù dọa yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chúng chỉ định rồi chiếm đoạt.
Do đây là một loại tội phạm mới phát sinh, có nhiều tính chất đặc thù, khả năng hoạt động phạm tội rất rộng, đối tượng phạm tội có tính chất xuyên quốc gia… nên quá trình giải quyết những vụ án hình sự do tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, các cơ quan chức năng thường gặp một số khó khăn, vướng mắc đó là:
Một là, khó khăn trong việc thu thập, bảo quản và đánh giá chứng cứ bởi dấu vết thu thập thường thể hiện chứng cứ điện tử, với đặc điểm dễ bị sửa chữa, xóa bớt, hay chèn thêm thông tin nếu không được lưu giữ giám sát theo quy trình chặt chẽ sẽ khó bảo đảm được tính chính xác, toàn vẹn so với nguyên gốc dẫn tới việc đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm là hết sức khó khăn.
Hai là, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân đều có tài khoản trong các ngân hàng để thuận tiện cho việc giao dịch, kinh doanh, trả tiền lương, tiền công… Do đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản ngày càng tăng, chúng xâm nhập vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng các hình thức: Dùng các phần mềm gián điệp để lấy thông tin từ bàn phím; dùng máy cà thẻ ghi trộm dãy số trên thẻ khi chủ sở hữu vào rút tiền; truy cập vào trang Website của các ngân hàng hoặc tạo trang Website giả của các ngân hàng để lấy thông tin cá nhân đăng ký thẻ tín dụng để làm thẻ giả; cài chíp máy đọc thẻ đặc biệt tại các điểm đặt máy rút tiền tự động ATM; lấy giấy chứng minh nhân dân rồi làm giả chữ ký đến ngân hàng rút hoặc thanh toán hóa đơn hay những dịch vụ khác..v.v nhưng chủ tài khoản hoặc ngân hàng không hề hay biết.
Ba là, quá trình điều tra các vụ án trên rất khó khăn trong việc xác định đối tượng phạm tội, do hiện nay vẫn còn nhiều số điện thoại không đăng ký thuê bao (sim rác), các đối tượng đều sử dụng sim rác hoặc sử dụng mạng xã hội; trường hợp xác định được số tài khoản, chủ tài khoản nhưng qua điều tra xác định danh tính của chủ tài khoản xác lập tại ngân hàng cũng không chính xác (ảnh của đối tượng dán vào chứng minh nhân dân của người khác) dẫn đến khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng không có cơ sở để điều tra, làm rõ nhân thân, hành vi của đối tượng phạm tội. Vì vậy có vụ án phải tạm đình chỉ do không xác định được đối tượng gây án, tài sản thiệt hại cũng không thể thu hồi được do các đối tượng đều yêu cầu bị hại sử dụng phương thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng.
Bốn là, Có nhiều vụ án có tổ chức mà đối tượng tội phạm là người nước ngoài, cư trú ở nước ngoài, cấu kết chặt chẽ với các đối tượng trong nước để thực hiện tội phạm. Do vậy, trong quá trình điều tra đã gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ, về áp dụng các quy định pháp luật đối với người nước ngoài. Hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ của Việt Nam mà là người phạm tội là người nước ngoài và thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nên việc điều tra xử lý, ủy thác tư pháp, tương trợ tư pháp gặp nhiều khó khăn. Nhiều nước sau khi gửi yêu cầu tương trợ tư pháp, thì chậm nhận được kết quả tương trợ hoặc kết quả tương trợ không như mong đợi.
Qua thực tiễn giải quyết tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tác giả xin nêu một số kiến nghị, giải pháp để công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản ngày càng hiệu quả hơn đó là:
- Một là, kịp thời thu giữ, ghi nhận sự việc, ghi nhận chi tiết về hiện trạng ngay từ ban đầu phản ánh thực tế khách quan, chính xác vụ việc, chính xác về đối tượng phạm tội cũng như khách thể bị xâm hại, làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án được khách quan, chính xác. Trong trường hợp cần thiết sử dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt để thu thập chứng cứ như: sử dụng kỹ thuật công nghệ máy tính để phục hồi lại các dữ liệu đã bị xóa, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng cung cấp thông tin, quyền truy cập máy tính và lấy dữ liệu. Chủ động trao đổi với các cơ quan chuyên môn để nắm bắt và xử lý chính xác các nội dung cần thiết.
- Hai là, để đảm bảo quyền lợi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trước hết các ngân hàng cần tăng cường nhiều biện pháp an ninh, sử dụng các trang thiết bị, công nghệ hiện đại để phòng ngừa tội phạm, đảm bảo tài sản và quyền lợi của khách hàng, đây là mong đợi chung của khách hàng và cả các cơ quan chức năng.
- Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tập trung trao đổi thông tin tội phạm, tranh thủ tài trợ các thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại và đào tạo cán bộ trình độ cao. Phối hợp với các đơn vị có liên quan để giải quyết các yêu cầu phát hiện, xác minh, điều tra tội phạm một cách kịp thời, triệt để.
- Bốn là, cần tổng kết rút kinh nghiệm công tác điều tra, khám phá, xử lý tội phạm công nghệ cao, nêu rõ phương thức thủ đoạn phạm tội để các cơ quan tố tụng, các cơ quan có liên quan vận dụng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
- Năm là, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan giám định, các cơ quan có chức năng khác để có điều kiện phát huy tác dụng trong công tác đấu tranh phòng chống và xử lý tội phạm.
Phòng 2 - Viện KSND thành phố Hà Nội
Đang truy cập :
234
Tổng lượt truy cập :
1522499