Trong việc giải quyết các vụ án dân sự tại Tòa án, án phí là một trong các yếu tố mà đương sự cần phải biết và có nghĩa vụ nộp theo quy định của pháp luật. Mặc dù không phải là yếu tố hay tình tiết để giải quyết tranh chấp trong vụ án dân sự. Tuy nhiên, án phí lại đóng một vai trò quyết định, án phí chính là chế tài, là công cụ thiết yếu góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đương sự. Ngoài ra, án phí cũng tạo ra nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và cũng là “biện pháp kinh tế” làm giảm các tranh chấp không đáng có xảy ra trên thực tế. Do đó, việc áp dụng mức tính án phí thống nhất và phù hợp với các quy định của pháp luật là rất cần thiết.
Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được quy định tại các Điều 147 BLTTDS năm 2015; Điều 25; Điều 26 và Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý sử dụng án phí và lệ phí tòa án. Trong phạm vi khuôn khổ bài viết, tác giả đưa ra vấn đề về miễn án phí đối với đương sự là người cao tuổi trong vụ án chia thừa kế. Thực tiễn đã phát sinh những vướng mắc và có cách tính án phí khác nhau. Cụ thể như sau:
Ông Vũ Văn T và bà Đặng Thị N kết hôn năm 1986 có 01 con chung là Vũ Đình Đ (Sinh năm: 1987) đều trú tại 57 Ngõ T, phố K, phường Q, quận Đ, thành phố Hà Nội. Ngoài ra ông T còn có một con riêng là chị Vũ Thu H hiện đang sống chung với ông tại nhà đất trên.
Năm 2013, Bà N chết không để lại di chúc. Ngày 15/8/2018, ông T khởi kiện chia thừa kế tài sản của bà N để lại theo quy định của pháp luật. Theo ông T, tài sản chung của ông T, bà N là nhà ở và quyền sử dụng thửa đất số 185, tờ bản đồ số 8G-N-46, diện tích 31,9m2, tại địa chỉ 57 Ngõ T, phố K, phường Q, quận Đ, thành phố Hà Nội. Năm 2012, UBND quận Đ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang tên ông T và bà N. Tài sản của bà N là ½ giá trị nhà và đất nêu trên. Anh Đ đồng ý với yêu cầu của ông T, và có nguyện vọng được sử dụng một phần nhà để ở cùng với chị gái là Vũ Thu H. Chị H đề nghị Tòa án xem xét cho chị số tiền chị đã đưa cho ông T để sửa chữa nhà từ năm 2006 là 175.000.000 đồng. Ông T nhất trí với yêu cầu của chị H.
Bản án sơ thẩm của TAND quận Đ, thành phố Hà Nội xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Văn T chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản nhà và đất ở tại 57 Ngõ T, phố K, phường Q, quận Đ, thành phố Hà Nội.
2. Xác nhận di sản thừa kế của bà Đặng Thị N là ½ giá trị toàn bộ tài sản nhà ở và quyền sử dụng thửa đất số 185, tờ bản đồ số 8G-N-46, diện tích 31,9m2, tại địa chỉ 57 Ngõ T, phố K, phường Q, quận Đ, thành phố Hà Nội.
3. Xác nhận hàng thừa kế theo pháp luật đối với di sản của bà Đặng Thị N là ông Vũ Văn T và anh Vũ Đình Đ, mỗi người được hưởng ¼ giá trị tài sản nhà và tại địa chỉ 57 Ngõ T, phố K, phường Q, quận Đ, thành phố Hà Nội, tương đương số tiền 638.000.000đồng.
4. Ông Vũ Văn T có quyền sở hữu toàn bộ nhà ở và quyền sử dụng thửa đất số 185, tờ bản đồ số 8G-N-46, diện tích 31,9m2, tại địa chỉ 57 Ngõ T, phố K, phường Q, quận Đ, thành phố Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BI 512570 do UBND quận Đ cấp ngày 18-01-2012.
5. Ông Vũ Văn T thanh toán tài sản thừa kế cho anh Vũ Đình Đ là 638.000.000 đồng (Sáu trăm, ba mươi tám triệu đồng chẵn).
6. Chấp nhận yêu cầu của chị Vũ Thu H về công sức xây dựng nhà ở tại 57 Ngõ T, phố K, phường Q, quận Đ, thành phố Hà Nội. Ông Vũ Văn T trả lại chị Vũ Thu H là 175.000.000 đồng.
Chấp nhận gia đình chị Vũ Thu H và anh Vũ Đình Đ tạm trú tại 57 Ngõ T, phố K, phường Q, quận Đ, thành phố Hà Nội để thu xếp chuyển đến nơi ở khác.
7. Về án phí: Ông Vũ Văn T được miễn án phí theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, được nhận lại 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm.
…..
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án của các đương sự.
Sau khi kiểm sát Bản án và nghiên cứu hồ sơ vụ án có hai quan điểm khác nhau về nghĩa vụ chịu án phí đối với ông Vũ Văn T như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng:
Ông Vũ Văn T sinh năm 1948, đến thời điểm xét xử sơ thẩm thì ông T đã trên 70 tuổi. Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án và Điều 2 của Luật người cao tuổi số 39/2009/QH12 ngày 23/11/2009 quy định “là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.” Do vậy, TAND quận Đ cho ông T được miễn án phí là đúng.
Quan điểm thứ hai cho rằng:
TAND quận Đ căn cứ vào điểm đ Điều 12 Nghị quyết 326 để miễn án phí cho ông Vũ Văn T vì lý do ông T là người cao tuổi. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án ông T không có đơn xin miễn nộp tiền án phí. Do vậy, ông T vẫn phải chịu án phí án phí dân sự tương ứng với giá trị phần tài sản mà ông T được hưởng thừa kế.
Nghiên cứu quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 5 nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai với các lý do sau:
Mặc dù ông T là người cao tuổi thuộc trường hợp được Tòa án xem xét để miễn nộp tiền án phí. Tuy nhiên, do ông T được hưởng di sản mà bà N để lại tương đương số tiền 638.000.000đồng thì ông T vẫn phải chịu tiền án phí tương ứng với kỷ phần mà ông T được hưởng.
Mặt khác, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326 quy định về miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án như sau:
…….
đ) Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ đợc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ….”
tại Điều 14 Nghị quyết số 326 quy định về Hồ sơ đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án:
1. Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải, có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm.
2. Đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án phải có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;
c) Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm.
Như vậy, theo các quy định trên thì ông T chỉ được miễn án phí trong trường hợp ông T phải có đơn đề nghị Tòa án xem xét miễn nộp tiền án phí cho ông theo đúng quy định tại Điều 14 Nghị quyết 326. Trong vụ án trên ông T không có đơn đề nghị thì Tòa án không thể áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326 và Điều 2 của Luật người cao tuổi để đương nhiên miễn án phí cho ông T được. TAND quận Đ miễn án phí cho ông T là không đúng.
Qua phân tích và dẫn chứng vụ việc cụ thể như trên, có thể thấy khi áp dụng quy định về miễn án phí đối với trường hợp đương sự là người cao tuổi vẫn còn vướng mắc và nhiều bất cập. Ngày 11/4/2017, TAND tối cao đã có Công văn số 72/TANDTC-PC về việc thống nhất áp dụng quy định về án phí trong vụ án hôn nhân gia đình. Thiết nghĩ để phù hợp với tình hình thực tế trong giải quyết về án phí chia thừa kế mà đương sự thuộc trường hợp được miễn theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 326, hai ngành Tòa án và Viện kiểm sát cần có văn bản hướng dẫn đầy đủ, cụ thể và rõ ràng hơn tránh việc áp dụng không đúng pháp luật làm thất thoát khoản thu của ngân sách nhà nước.
Lê Thị Hồng Hạnh – Phòng 9
Đang truy cập :
41
Tổng lượt truy cập :
1521551