Một số vấn đề về bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ việc dân sự

22/05/2025 10:34 | 268 | 0

        Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật TTDS năm 2015, Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, đồng thời thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự, hành chính kịp thời, đúng pháp luật. Trong những năm qua, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự) luôn được Ngành Kiểm sát nhân dân xác định là công tác trọng tâm, đột phá. Viện KSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 18/10/2022 về việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự và những việc khác theo quy định pháp luật.

        Trong đó bài phát biểu của Kiểm sát viên là văn bản pháp lý quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự. Việc nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm dân sự có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Do vậy, trong phạm vi nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung trình bày về cơ sở pháp lý, thực trạng, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm dân sự trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chúng tôi hi vọng những nội dung được trình bày sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm sát trong lĩnh vực dân sự của Viện kiểm sát nói riêng và góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội nói chung.

        1. Cơ sở pháp lý

        Cơ sở pháp lý cho hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm dân sự được quy định rõ tại:

        Khoản 4 Điều 27 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự là tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định pháp luật. 

        BLTTDS năm 2015 có 03 điều luật quy định cụ thể về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, trong đó đã mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm dân sự (Điều 21, Điều 58; Điều 262). Nhằm bảo đảm sự thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Điều 262 BLTTDS năm 2015 quy định ngoài việc phát biểu về việc chấp hành pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử như trước đây, Viện kiểm sát còn phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án để Hội đồng xét xử xem xét, quyết định trước khi tuyên án. Đây là điểm mới trong quy định của BLTTDS năm 2015 so với BLTTDS năm 2004, quy định này đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự.

        Cụ thể, Điều 28 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định về việc phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát, Tòa án trong kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự trong đó quy định chi tiết về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm gồm các nội dung cụ thể mà Kiểm sát viên cần trình bày như sau:

        “a) Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.

        Trường hợp Kiểm sát viên yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phục vi phạm về thủ tục tố tụng thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu; trường hợp không chấp nhận thì nêu rõ lý do. Quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận của Hội đồng xét xử được thảo luận và thông qua tại phòng xử án và được ghi vào biên bản phiên tòa.

        b) Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án;

        c) Về việc giải quyết vụ án như sau:

        c1) Phân tích, đánh giá, nhận định về nội dung tranh chấp và các tình tiết của vụ án;

        c2) Đánh giá, nhận định về tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án;

        c3) Nêu rõ căn cứ pháp luật hoặc các căn cứ quy định tại Điều 45 BLTTDS được áp dụng để giải quyết vụ án; đề nghị Tòa án kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên (nếu có);

        c4) Nêu rõ quan điểm về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, đề nghị của nguyên đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu phản tố, đề nghị của bị đơn; yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan….”

        Những quy định này tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Viện kiểm sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, đồng thời đảm bảo tính khách quan, toàn diện và đúng pháp luật của quá trình xét xử.  Theo đó, bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự cần đảm bảo những yếu tố sau:

        - Tính chính xác, khách quan: Bài phát biểu phải dựa trên những chứng cứ xác thực, được thu thập và đánh giá một cách khách quan, toàn diện. Kiểm sát viên cần phân tích, đánh giá các tình tiết của vụ án một cách trung thực, không thiên vị.

        - Tính đầy đủ, toàn diện: Bài phát biểu cần bao quát đầy đủ các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ án, từ việc tuân thủ pháp luật tố tụng đến việc áp dụng pháp luật nội dung. Kiểm sát viên cần đưa ra quan điểm rõ ràng về việc giải quyết vụ án, đồng thời đề xuất các giải pháp phù hợp.

        - Tính thuyết phục, logic: Bài phát biểu cần được trình bày một cách mạch lạc, logic, có sức thuyết phục cao. Kiểm sát viên cần sử dụng ngôn ngữ pháp lý chính xác, dễ hiểu, đồng thời đưa ra những lập luận sắc bén, có căn cứ.

        2. Thực trạng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm dân sự

        Trong thời gian từ 01/12/2022 đến ngày 31/7/2024, Viện kiểm sát cấp huyện thành phố Hà Nội đã thụ lý kiểm sát sơ thẩm: 44.451 vụ, việc, trong đó thụ lý mới 35.495 vụ, việc. Tòa án đã giải quyết: 33.559 vụ, việc (đạt tỷ lệ giải quyết = 75.5%). Viện kiểm sát đã tham gia 5.541 phiên tòa, phiên họp sơ thẩm (đạt tỷ lệ ≈ 100%).

        TAND thành phố Hà Nội đã thụ lý 1.647 vụ, việc phúc thẩm; đã giải quyết 1.328 vụ, việc phúc thẩm (đạt 80,6%), trong đó: đình chỉ trước phiên tòa 69 vụ, việc, xét xử 1.259 vụ (trong đó: Y án sơ thẩm 437 vụ; sửa án 559 vụ (trong đó sửa lớn 41 vụ), đình chỉ tại phiên tòa do đương sự rút đơn 190 vụ; hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án 28 vụ (do đương sự rút đơn), hủy để giải quyết lại 45 vụ). Viện kiểm sát đã tham gia 1.259 phiên tòa (đạt tỷ lệ 100%).

        Qua công tác kiểm sát việc giải quyết án dân sự tại cấp phúc thẩm, nhận thấy thời gian qua bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa giải quyết vụ án dân sự có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhiều bài phát biểu có chất lượng tốt, lập luận có căn cứ, có sức thuyết phục làm cơ sở để Hội đồng xét xử ban hành bản án, quyết định đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít trường hợp phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm dân sự còn chung chung, hình thức và sơ sài, chưa tổng hợp, phân tích đầy đủ tình tiết, nội dung vụ án để đưa ra nhận định, đánh giá trên cơ sở quy định pháp luật nên chất lượng bài phát biểu chưa cao. Tỷ lệ bài phát biểu chưa đảm bảo chất lượng vẫn chiếm tỷ lệ cao trên 40%. Những hạn chế này đã được Viện KSND thành phố Hà Nội tổng hợp ban hành các thông báo rút kinh nghiệm và tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm đến hai cấp thành phố Hà Nội. Sau đây là một số những hạn chế đã được tổng hợp:

        2.1. Phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng

        Hầu hết, phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng mới liệt kê việc chấp hành pháp luật đúng hay không đúng quy định tại các điều luật của BLTTDS, không nêu được việc thực hiện đó bao gồm những nội dung gì; việc thực hiện đó đúng và không đúng như thế nào. Về đối tượng thực hiện việc tuân theo pháp luật tố tụng, phát biểu không nêu rõ là ai, chỉ nêu chung theo từng nhóm nên việc nhận xét chỉ mang tính hình thức. Bài phát biểu Kiểm sát viên mới chỉ dừng lại ở việc nhận xét việc chấp hành pháp luật tố tụng của các chủ thể tố tụng, chưa đánh giá được việc thu thập chứng cứ vụ án có đúng không, có đầy đủ để làm căn cứ giải quyết vụ án hay không; chưa nêu được mối quan hệ và sự liên quan giữa chứng cứ với việc giải quyết nội dung vụ án, nên lập luận chưa được thuyết phục.

        2.2. Phát biểu về việc giải quyết vụ án

        Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao – Chánh án TANDTC và hướng dẫn sử dụng Mẫu số 36/DS ban hành kèm theo Quyết định số 410/QĐ-VKSTC ngày 25/11/2021, phần nội dung về việc giải quyết vụ án bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm phải phân tích, đánh giá, nhận định về nội dung tranh chấp và các tình tiết của vụ án; đánh giá, nhận định về tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án; nêu rõ căn cứ pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án; nêu rõ quan điểm về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của các đương sự.

        Tuy nhiên, hầu hết nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm của các Viện KSND cấp huyện thường mới tóm tắt, nêu lại nội dung trình bày của các đương sự mà không đi sâu phân tích, đánh giá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cùng với kết quả tranh tụng tại phiên tòa; chưa viện dẫn đầy đủ căn cứ điều luật để đưa ra đề nghị chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của đương sự hoặc không bổ sung đầy đủ những tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa. Đề xuất hướng giải quyết vụ án nhưng nêu chung chung, không phân tích, lập luận, đánh giá chứng cứ, chưa nêu được mối liên hệ giữa chứng cứ với việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự, chưa nêu căn cứ pháp luật để giải quyết vụ án nên đề xuất quan điểm không có sức thuyết phục, chất lượng bài phát biểu chưa cao. Hay chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ nên nên việc đưa ra yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ chưa có căn cứ không được Tòa án chấp nhận. Vẫn còn trường hợp phát biểu nội dung chỉ nêu căn cứ điều luật và đề nghị chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu, mà không phân tích, đánh giá; một số khác thì phát biểu dài dòng, lan man, không đi vào trọng tâm vấn đề, không đưa ra được điều luật áp dụng nên đề xuất quan điểm không có sức thuyết phục.

        Ngoài ra còn có trường hợp bài phát biểu mắc nhiều lỗi chính tả, sử dụng bản cũ để chỉnh sửa nhưng không kiểm tra lại nên tên của đương sự, quan hệ tranh chấp không thống nhất; nội dung bài phát biểu giống với nội dung, nhận định của Bản án sơ thẩm của Tòa án;….

        Nguyên nhân của những hạn chế tồn tại nêu trên là do các tranh chấp dân sự ngày càng tăng với tính chất ngày càng phức tạp trong khi Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết án dân sự chủ yếu là cán bộ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, chất lượng nghiên cứu hồ sơ chưa được đảm bảo. Lãnh đạo một số Viện kiểm sát cấp huyện chưa chú trọng đến khâu công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, khi duyệt báo cáo đề xuất giải quyết vụ án của Kiểm sát viên chưa chú trọng chất lượng báo cáo đề xuất, đến chất lượng xây dựng dự thảo phát biểu của Kiểm sát viên trước khi tham gia phiên tòa.

        3. Một số vấn đề cần lưu ý khi xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm dân sự

        Trước thực trạng như trên, để nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, ngoài việc lựa chọn, bố trí, đào tạo, tự đào tạo đội ngũ Kiểm sát viên có bản lĩnh, giỏi chuyên môn nghiệp vụ đảm nhiệm khâu công tác này, nêu cao vai trò của Lãnh đạo Viện phụ trách,… thì quan trọng nhất vẫn là nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học hỏi, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Kiểm sát viên được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Cụ thể cán bộ, Kiểm sát viên cần:

        3.1. Nắm chắc, đầy đủ các quy định pháp luật về tố tụng

        Bên cạnh nhưng văn bản pháp luật liên quan là BLTTDS năm 2015, Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016, Kiểm sát viên phải bám sát các quy định của Ngành, cụ thể:

        - Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKS ngày 02/10/2017 của Viện KSND tối cao,

        - Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019,

        - Hướng dẫn số 20/HD-VKSTC ngày 23/02/2021 về hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động,

        Và những văn bản khác có liên quan.

        Cụ thể trong giai đoạn tố tụng sơ thẩm, Kiểm sát viên khi phát biểu cần phải nắm vững quy định về hoạt động của Kiểm sát viên trước, trong và sau phiên tòa theo Quy chế 364/2017, Quy định 458/2019. Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên thực hiện đúng quy định về phát biểu của Kiểm sát viên theo Điều 262 BLTTDS năm 2015, Điều 28 Thông tư liên tịch số 02/2016, Điều 23 Quy chế 364/2017 trong việc hỏi, yêu cầu, đề nghị, kiến nghị, phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa và phải sử dụng đúng Mẫu số 36/DS ban hành kèm theo Quyết định số 410/QĐ-VKSTC ngày 25/11/2021 của Viện KSND tối cao về hệ thống mẫu văn bản tố tụng, nghiệp vụ trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính, kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

        3.2. Nắm chắc, đầy đủ các quy định pháp luật về nội dung, đặc biệt là quy định pháp luật chuyên ngành

        Kiểm sát viên cần phải phân biệt vụ án thuộc lĩnh vực nào, tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất, hôn nhân gia đình,…; phân định từng loại tranh chấp khác nhau ví dụ như vụ án dân sự tranh chấp thừa kế tài sản, tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng dân sự,…. Từ đó trên cơ sở BLDS năm 2015, còn phải chú ý áp dụng các luật chuyên ngành như Luật đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh Bảo hiểm xã hội, Luật sở hữu trí tuệ,… và những văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế qua các thời kỳ để vận dụng một cách chính xác thời điểm văn bản có hiệu lực áp dụng đối với quan hệ tranh chấp xảy ra.

        Đối với những tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Kiểm sát viên còn phải xác định các Điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp và vận dụng một cách phù hợp các Hiệp định mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

        Đối với các tranh chấp chưa có điều lập để áp dụng, Kiểm sát viên cần nghiên cứu áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, các nguyên tác cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng theo Điều 5, Điều 6, Điều 45 BLTTDS năm 2015 và tham khảo các Hướng dẫn nghiệp vụ của Viện KSND tối cao, TAND tối cao để giải quyết. Đặc biệt, trong thời gian gần đây có nhiều Án lệ, các Giải đáp, Hướng dẫn nghiệp vụ của Viện KSND tối cao, TAND tối cao được ban hành trên cơ sở tổng kết từ thực tiễn công tác xét xử, công tác kiểm sát và những khó khăn, bấp cập, những nhận thức còn khác nhau đối với các quy định pháp luật có ý nghĩa thiết thực trong hoạt động phát biểu quan điểm giải quyết của Kiểm sát viên tại phiên tòa được chính xác.

        3.3. Nghiên cứu kỹ, chi tiết, toàn diện hồ sơ vụ án

        Trên cơ sở nắm chắc các quy định pháp luật vế tố tụng, nội dung, trước khi tham gia phiên tòa Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ, toàn diện toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nắm chắc nội dung các tài liệu đó; kiểm tra các tài liệu trong hồ sơ vụ án, qua đó xác định tài liệu nào là chứng cứ, tài liệu nào không phải là chứng cứ; xem xét, đánh giá có cấn phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hay không; nhận dạng, tập hợp các vi phạm của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để đưa ra các yêu cầu, kiến nghị kịp thời.

        Tập trung phân tích theo từng vấn đề hoặc nhóm vấn đề cụ thể như: phân tích yêu cầu khởi kiện, các tài liệu chứng cứ mà nguyên đơn xuất trình; phân tích nội dung trình bày hoặc yêu cầu phản tố, các tài liệu chứng cứ mà bị đơn xuất trình; phân tích yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nếu có), các tài liệu chứng cứ do người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan xuất trình; phân tích lời khai và tài liệu chứng cứ mà người làm chứng xuất trình (nếu có); các tài liệu do Tòa án thu thập, xác minh,… Đánh giá, xác định các tài liệu chứng cứ nào có giá trị quan trọng trong việc chứng minh các tình tiết khách quan của vụ án. 

        Trên cơ sở kết quả nghiên cứu hồ sơ, khi xây dựng phát biểu Kiểm sát viên phải đề cập toàn diện, đầy đủ các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nếu có) trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa; xem xét tính có căn cứ của các tài liệu do đương sự xuất trình hoặc Tòa án thu thập được, tính hợp pháp của việc cung cấp, thu thập chứng cứ. Trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo lãnh đạo đơn vị, dự thảo phát biểu và đề cương hỏi. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải theo dõi, cập nhật những nội dung mới phát sinh tại phiên tòa để điều chỉnh, bổ sung vào phát biểu, tránh trường hợp phát biểu nguyên văn dự thảo đã chuẩn bị trước nếu tại phiên tòa có phát sinh những nội dung mới.

        4. Giải pháp nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm dân sự

        Trên cơ sở nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên được phân công thực hiện kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, cũng cần chú trọng đến những giải pháp trong công tác quản lý chỉ đạo điều hành, công tác phối hợp và công tác đào tạo, tự đào tạo tại mỗi đơn vị. Cụ thể, trong thời gian qua Viện KSND thành phố Hà Nội (Phòng 9) đã triển khai thực hiện một số giải pháp:

        4.1. Công tác quản lý chỉ đạo điều hành

        Ban cán sự Đảng Viện KSND thành phố Hà Nội (nay là Ban Thường vụ Đảng ủy Viện KSND thành phố Hà Nội) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan đến việc xác định khâu công tác đột phá và nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp, việc ban hành các văn bản chỉ đạo cho thấy sự quan tâm, định hướng cũng như chỉ đạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức, hành động của mỗi lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức về khâu công tác này để từ đó việc triển khai mới hướng tới những kết qủa tốt nhất. Tính đến nay đã ban hành trên 06 Nghị quyết, Kế hoạch, trong đó có những Nghị quyết chuyên đề về nội dung này. Liên tục từ năm 2022 đến nay, việc nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp được xác định là khâu công tác đột phá của ngành Kiểm sát Thủ đô trong việc thực hiện chức năng kiểm sát giải quyết các dân sự.

        Tại các văn bản triển khai của Viện KSND thành phố đã yêu cầu Viện trưởng các Viện KSND cấp huyện trực tiếp phụ trách công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, xác định việc nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp dân sự là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của đơn vị; lựa chọn, bố trí, đào tạo, tự đào tạo công chức, Kiểm sát viên giỏi chuyên môn nghiệp vụ đảm nhiệm khâu công tác này, nhất là các đồng chí nằm trong quy hoạch lãnh đạo, quản lý. Thực hiện việc bố trí, phân công nhiệm vụ đối với các bộ trong quy hoạch ở các địa bàn trọng điểm, khối lượng công việc lớn, lĩnh vực công tác quan trọng hoặc lĩnh vực cần phải đổi mới, đột phá; lĩnh vực công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thử thách tạo nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt kế cận…

        4.2. Tăng cường quan hệ phối hợp với Tòa án và các cơ quan hữu quan

        Việc duy trì, phát triển mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án và các cơ quan hữu quan là nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát mà không đánh mất đi tính độc lập, khách quan trong quá trình thực hiện chức năng của Viện kiểm sát cũng như của các cơ quan liên quan.

        Năm 2019, Viện kiểm sát thành phố Hà Nội đã chủ trì xây dựng 02 Quy chế phối hợp giữa Ban cán sự đảng Viện kiểm sát, Ban cán sự Đảng Tòa án với Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội về việc giải quyết án dân sự và Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát - Tòa án hai cấp thành phố Hà Nội trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật; đến năm 2023 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với Tòa án để sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan. Việc phối hợp giữa Tòa án, Viện kiểm sát, các cơ quan chức năng đã giải quyết tốt nhiều vụ việc, vụ án phức tạp, kéo dài, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật; phối hợp tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa trực tuyến, nhất là các phiên tòa xét xử số hóa hồ sơ, trình chiếu hình ảnh, tài liệu tại phiên tòa, các phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến theo cụm, 2 cấp thành phố để nâng cao kỹ năng của Kiểm sát viên tại phiên tòa cũng như kỹ năng phát biểu của Kiểm sát viên. Đặc biệt, ngoài nâng cao chất lượng chuyên môn, Viện kiểm sát – Tòa án thành phố còn quan tâm phối hợp thông qua các phiên tòa nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo của ngành Kiểm sát – Tòa án, phối hợp tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm trực tuyến tới các điểm cầu tại Viện KSND thành phố, các Viện KSND cấp huyện và điểm cầu tại Học viện Tòa án, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

        4.3. Chú trọng công tác đào tạo, tự đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

        Trong các yếu tố tác động được đưa ra thì yếu tố con người luôn được đặt nên vị trí hàng đầu, cán bộ tốt thì công việc mới tốt. Chính vì vậy, trên cơ sở điều kiện thực tế của Hà Nội, Phòng 9 đã tham mưu với Lãnh đạo Viện đưa ra các giải pháp thiết thực để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác kiểm sát dân sự - một khâu công tác luôn được đánh giá là rất khó, phức tạp đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên sâu. Cụ thể đã triển khai đồng bộ các biện pháp như:

        Một là chú trọng công tác tổng kết thực tiễn và hướng dẫn, rút kinh nghiệm thông qua công tác hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị, công tác kiểm tra, công tác đánh giá án bị hủy, sửa, công tác tích lũy vi phạm để tổng hợp rút kinh nghiệm chung. Đặc biệt ngày 17/10/2024 liên ngành Viện kiểm sát - Tòa án thành phố đã tổ chức Hội nghị liên ngành rút kinh nghiệm các vụ việc dân sự bị sửa, hủy và chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa được truyền hình trực tuyến đến các đơn vị quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua đó, tổng hợp rút kinh nghiệm với các lỗi, các dạng vi phạm thường gặp và đề ra một số giải pháp nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm dân sự.

Hình ảnh tại Hội nghị liên ngành rút kinh nghiệm các vụ việc dân sự bị sửa, hủy và chất lượng bài phát biểu

của Kiểm sát viên tại phiên tòa giữa Viện KSND – TAND thành phố Hà Nội ngày 17/10/2024

        Hai là thông qua tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, các lớp tập huấn chuyên đề về nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên, nâng cao kỹ năng giải quyết các vụ việc dân sự, những điểm mới và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực dân sự do chính các đồng chí Lãnh đạo phòng, Kiểm sát viên có năng lực xây dựng tài liệu, trực tiếp truyền đạt nhằm giúp đội ngũ lãnh đạo, công chức cập nhật kiến thức, rèn luyện, nâng cao cả về lý thuyết và thực hành. Từ năm 2023 đến nay, Phòng 9 đã tham mưu, phối hợp tổ chức được 04 lớp tập huấn với hơn 200 lượt Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức tham gia.

        Ba là tổ chức các cuộc thi xây dựng bài phát biểu, yêu cầu xác minh thu thập chứng cứ đối với các tranh chấp xảy ra nhiều trong thực tiễn với sự tham gia của các Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức 02 cấp thành phố Hà Nội. Ngoài ra, Phòng 9 đã tham mưu với Lãnh đạo Viện đã ban hành 03 hướng dẫn viết 03 mẫu bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm đối với 03 loại tranh chấp phổ biến về: quyền sử dụng đất, thừa kế và hôn nhân gia đình. Đây có thể coi là cẩm nang cho Kiểm sát viên hai cấp tham khảo, ứng dụng vào thực tiễn.

Toàn cảnh cuộc thi viết Bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự do Viện KSND thành phố Hà Nội tổ chức

        Bốn là trên cơ sở tình hình thực tiễn, nhu cầu công việc đơn vị đã xây dựng kế hoạch và thực hiện việc phân công đào tạo, tự đào tạo giao Kiểm sát viên giỏi, nhiều kinh nghiệm hướng dẫn Kiểm sát viên mới, Kiểm tra viên, chuyên viên để nâng cao trình độ chuyên môn và tạo nguồn kế cận cho công tác kiểm sát án dân sự trong thời gian tới. Tạo điều kiện cho các Kiểm sát viên, công chức trẻ tham gia vào công tác xây dựng chuyên đề, tập huấn, hội nghị,… của đơn vị để rèn luyện, học hỏi nâng cao năng lực, trình độ.

        Như vậy, bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự là kết quả quá trình nghiên cứu hồ sơ và tham gia phiên tòa của Kiểm sát viên, thể hiện vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự nhằm bảo đảm cho các hoạt động của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của các cơ quan, tổ chức và công dân. Ngoài ra đây còn là phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật của người tham gia tố tụng và nhân dân. Do vậy, việc nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm dân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác kiểm sát và vị thế của Viện kiểm sát trong thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Để đạt được điều này, ngoài sự nỗ lực, chủ động của mỗi cá nhân Kiểm sát viên, các đơn vị cần chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo thường xuyên, liên tục và sự quan tâm, hỗ trợ từ các đồng nghiệp, lãnh đạo để góp phần xây dựng một đội ngũ Kiểm sát viên chuyên nghiệp, vững mạnh đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Đây chính là nền tảng để ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện hiệu quả vai trò bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công lý, quyền con người và lợi ích hợp pháp của công dân trong một nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp và minh bạch.

Nguyễn Hồng Hạnh, Trần Thị Luyến, Ngô Phương Liên – Phòng 9

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 436

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1538334