Kỹ năng của kiểm sát viên khi kiểm sát việc giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự sơ thẩm

15/05/2025 15:53 | 209 | 0

        Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, lĩnh vực về quyền SHTT đang dần trở thành những quan hệ phổ biến và ngày càng phát triển đa dạng, phong phú. Cùng với đó là các vụ việc kinh doanh, thương mại liên quan đến tranh chấp quyền SHTT cũng phát sinh có tính chất, mức độ ngày càng phức tạp.

        Việc giải quyết các vụ án về quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự sơ thẩm của Tòa án được thực hiện theo quy định của BLTTDS và các văn bản pháp luật có liên quan. Với vai trò là đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp về sở hữu trí tuệ theo thủ tục sơ thẩm, Kiểm sát viên cần trang bị cho mình kiến thức cũng như kỹ năng và kinh nghiệm để đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cảu các đương sự trong vụ án. Để làm tốt những nội dung trên, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng như tham gia phiên tòa, kiểm sát viên cần lưu ý:

        1. Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, đánh giá tính có căn cứ, hợp pháp của chứng cứ, kiểm sát hoạt động thu thập tài liệu chứng cứ của Tòa án

        Hoạt động nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ có thể coi là hoạt động quan trọng nhất trong quá trình kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại nói chung và các vụ án tranh chấp về sở hữu trí tuệ nói riêng. Giai đoạn này đòi hỏi Kiểm sát viên phải có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, phân tích các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đảm bảo cho việc xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ của Tòa án được khách quan, đầy đủ, đúng pháp luật.

        Ngay khi nhận được hồ sơ vụ án do Tòa án chuyển đến, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với vụ án có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ theo quy định tại Điều 58, 59 BLTDS 2015 và theo quy chế của ngành. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án nhằm kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án đến khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên có nhiệm vụ xây dựng báo cáo đề xuất đường lối giải quyết vụ án, chuẩn bị đề cương hỏi, dự kiến tình huống phát sinh tại phiên tòa và phương án xử lý tình huống, dự thảo bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, nếu phát hiện Tòa án chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ là cơ sở pháp lý để đưa vụ án ra xét xử thì Kiểm sát viên có trách nhiệm ban hành yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để tòa án thực hiện hoạt động thu thập tài liệu chứng cứ theo quy định của pháp luật.

        Thực tiễn cho thấy, đa phần các Tòa án khi giải quyết các vụ án tranh chấp về sở hữu trí tuệ đều chỉ ghi trích yếu nội dung bản án, quyết định một cách rất chung chung là “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ”. Tuy nhiên, về thực tế, các dạng tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ rất đa dạng, phức tạp vì quyền sở hữu trí tuệ không chỉ đơn thuần là một loại quyền mà là tập hợp gồm nhiều loại quyền được xác lập theo các quy tắc do pháp luật quy định với nhiều đối tượng bảo hộ khác nhau. Đồng thời, ngoài các quyền sở hữu trí tuệ thì các tranh chấp về sở hữu trí tuệ còn phát sinh trên cơ sở các quyền liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Việc nhận diện, xác định đúng các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là tiền đề giúp Kiểm sát viên định hình được bản chất của vụ việc, xác định chính xác loại tranh chấp và người tham gia tố tụng, các tài liệu, chứng cứ phải thu thập để giải quyết vụ án cũng như áp dụng đúng quy định pháp luật có liên quan để giải quyết vụ việc hiệu quả.

        Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, có thể phân chia tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thành 4 nhóm tranh chấp gồm: (1) các loại tranh chấp quyền tác giả liên quan đến quyền nhân thân và/hoặc liên quan đến quyền tài sản; (2) tranh chấp quyền liên quan đến quyền tác giả; (3) tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp; (4) tranh chấp quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó theo Luật Sở hữu trí tuệ.

        Tranh chấp về sở hữu trí tuệ ngoài chịu sự điều chỉnh chung của các đạo luật như Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, … thì còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành như: Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành, văn bản liên quan khác tương ứng với từng loại tranh chấp cụ thể như: Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Thông tư 11/2015/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, Thông tư 06/2024/TT-BKHCN, Thông tư liên tịch 05/2016/TTT-BKHCN-BKHĐT quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường h ợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp... Đặc biệt, đối với những tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì ngoài việc áp dụng pháp luật Việt Nam còn cần phải áp dụng các quy định của pháp luật quốc tế liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ như: Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1883, Thoả ước Madrid năm 1891 về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá, Công ước Stockholm về Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), Hiệp ước hợp tác sáng chế (PTC), Hiệp định về bảo hộ SHTT với Liên bang Thụy Sỹ, Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA)…...

        Hệ thống các văn bản pháp luật về lĩnh vực sở hữu trí tuệ liên quan đến nhiều lĩnh vực, có thể đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, nên Kiểm sát viên cũng cần phải chú ý thời điểm xảy ra tranh chấp để kiểm sát giải quyết vụ việc đúng quy định pháp luật. Trên cơ sở xác định đúng các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, kiểm sát viên cần lưu ý áp dụng các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan như Luật Xuất bản; Luật Khoa học, Công nghệ; Luật Báo chí; Luật Điện ảnh; Luật Giao dịch điện tử; Luật Thương mại; Luật Doanh nghiệp; các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia và các Nghị định, Thông tư, văn bản pháp luật khác hướng dẫn áp dụng.

        Ví dụ: Vụ án tranh chấp sở hữu trí tuệ giữa Nguyên đơn là ông Phạm Tấn T và Bị đơn là CTCP Bột thực phẩm ASEA Đ. Trong vụ án này, Nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết với các nội dung:

        “1. Buộc Bị đơn chấm dứt sử dụng tên doanh nghiệp chứa yếu tố/dấu hiệu “Đồng T” xâm phạm quyền độc quyền sử dụng nhãn hiệu và tên thương mại “Hiệu Đồng T” đang được pháp luật bảo hộ cho Nguyên đơn.

        2. Buộc Bị đơn thực hiện nghĩa vụ tiến hành đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố/dấu hiệu “Đồng T” ra khỏi tên doanh nghiệp, tên giao dịch và tên viết tắt của mình.

        3. Buộc Bị đơn thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm bột chiên giòn, bột chiên tôm hoặc các sản phẩm tương tự khác chứa yếu tố/dấu hiệu “Đồng T”; và đồng thời buộc Bị đơn tháo dỡ, tiêu hủy toàn bộ bao gói, giấy tờ tài liệu, tờ rơi, biển hiệu, phương tiện in ấn bao bì bao gồm cả mọi quảng cáo, chào hàng trên môi trường Internet chứa yếu tố/dấu hiệu “Đồng T”.”

        Trên cơ sở yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, Kiểm sát viên cần nhận định, xác định chính xác loại tranh chấp về sở hữu trí tuệ trong vụ án này là Tranh chấp về nhãn hiệu “Hiệu Đồng & hình Đồng T” và Kiểu dáng công nghiệp cho bao gói sản phẩm bột chiên giòn Hiệu Đồng T. Từ đó, xác định thời điểm các đương sự xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên các căn cứ là thời điểm ra đời nhãn hiệu, Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp… từ đó xác định chính xác quy định của pháp luật nội dung áp dụng theo từng thời điểm trong vụ án này gồm: Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009), Luật doanh nghiệp 2014, Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ quy định về đăng ký doanh nghiệp, Nghị định 105/2006/NĐ-CP của Chính Phủ Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

        1.1. Kỹ năng xác định về thẩm quyền giải quyết, thời hiệu khởi kiện

        Thực chất, đây chính là hoạt động kiểm sát nhằm đảm bảo việc thụ lý giải quyết của Tòa án là đúng thẩm quyền (theo loại việc, theo cấp, lãnh thổ), vụ án còn thời hiệu khởi kiện hay không, qua đó kịp thời phát hiện và có yêu cầu tòa án khắc phục hoặc chấm dứt hành vi vi phạm về thụ lý vụ án, là cơ sở bảo đảm cho việc giải quyết vụ án.

        * Về thẩm quyền giải quyết

        Thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện: theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 là những Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

        Thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh: Trường hợp đối với tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận theo khoản 2 Điều 30 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, tranh chấp về SHTT có đương sự, tài sản ở nước ngoài, cần ủy thác tư pháp hoặc tranh chấp về sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để xét xử.

        Ví dụ: Vụ án Tranh chấp về quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm đối với vở diễn “Ngày xưa (Thủa ấy xứ Đoài)” và “Tinh hoa Bắc Bộ” giữa Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội (Công ty Tuần Châu) và Công ty Cổ phần tổng hợp truyền thông DS (Công ty DS). 

        Nội dung vụ án: Ngày 16/11/2015, Công ty Tuần Châu và Công ty DS ký hợp đồng trị giá hơn 7,3 tỷ đồng xây dựng vở diễn Ngày xưa (còn có tên Thuở ấy xứ Đoài). Công ty Tuần Châu Hà Nội đã thanh toán theo tiến độ hợp đồng và hoàn tất mọi thỏa thuận vào năm 2017. Công ty này cho rằng trong thời gian thực hiện hợp đồng, Công ty DS đã có vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng quyền lợi ích hợp pháp của Công ty Tuần Châu Hà Nội. Vở diễn do Công ty Tuần Châu Hà Nội đầu tư tiền và tâm huyết nên công ty phải được sở hữu quyền tác giả. Phía Công ty DS đã xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu này bằng việc “tự ý đăng ký bản quyền”, kê khai thông tin tác giả là đạo diễn Việt Tú, chủ sở hữu là Công ty DS. Còn theo Công ty DS, tháng 6/2017 khi hợp đồng còn hiệu lực, Công ty Tuần Châu Hà Nội thuê một công ty khác sáng tác dàn dựng vở diễn tương tự với tên gọi Tinh hoa Bắc Bộ, sao chép nội dung cốt lõi, hạ tầng dành cho vở Ngày xưa - vi phạm quy định về độc quyền theo hợp đồng. Tháng 8/2017, công ty Tuần Châu Hà Nội họp báo ra mắt Tinh hoa Bắc Bộ do đạo diễn Hoàng Nhật Nam dàn dựng, tổ chức cùng địa điểm Ngày xưa từng diễn ra. Chủ đầu tư lý giải tác phẩm của đạo diễn Việt Tú không chạm được đến trái tim người xem, không mang lại hiệu quả nên bị thay thế.

        Theo Bản án sơ thẩm tuyên: buộc Công ty DS phải chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm kịch bản thực cảnh “Ngày xưa” cho phía Công ty Tuần Châu, đồng thời Tòa cũng công nhận vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của vở diễn thực cảnh “Ngày xưa”.

        Trong vụ án này, ngoài quan hệ tranh chấp về quyền nhân thân đối với tác phẩm (ai là tác giả của tác phẩm) còn có quan hệ tranh chấp về quyền tài sản (ai là chủ sở hữu tác phẩm). Nội dung tranh chấp liên quan đến Hợp đồng nguyên tắc giữa hai pháp nhân hoạt động vì mục đích lợi nhuận là Công ty DS và công ty Tuần Châu trong việc sáng tạo vở diễn “Ngày xưa”. Do đó, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa công ty Tuần Châu và công ty DS là “Tranh chấp kinh doanh thương mại”, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

        * Về thời hiệu khởi kiện

        Đối với các vụ án tranh chấp sở hữu trí tuệ xác định ai là người có quyền sở hữu trí tuệ thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Đối với các tranh chấp và giao dịch quyền sở hữu trí tuệ thì thời hiệu khởi kiện là 03 năm kể từ ngày xác lập giao dịch.

        Bên cạnh hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quá trình kiểm sát cần lưu ý, những đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả như tin tức thời sự thuần túy, thông tin báo chí ngắn hàng ngày... chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo; các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính bao gồm văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép như: Trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp thông tin, tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân... Những trường hợp này không được xem là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

        * Nghiên cứu các vấn đề tố tụng của vụ án

        Kiểm sát viên cũng cần nghiên cứu làm rõ các vấn đề tố tụng của vụ án như: Người khởi kiện có quyền khởi kiện hay không. Thẩm quyền giải quyết có thuộc Tòa án đang thụ lý, giải quyết hay không (thẩm quyền theo loại việc, theo cấp, theo lãnh thổ). Trên cơ sở yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của đương sự, kiểm tra xem Tòa án đã xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của đương sự chưa. Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện hay không để xác định thời hiệu khởi kiện của vụ án.

        * Nghiên cứu các vấn đề về nội dung của vụ án cần làm rõ và yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu thấy cần thiết

        Trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp hồ sơ, đánh giá tính hợp pháp của nguồn chứng cứ, tính khách quan, liên quan của chứng cứ Kiểm sát viên đánh giá chứng cứ đầy đủ và toàn diện, xác định vấn đề mấu chốt, cần làm rõ của vụ án, các tài liệu chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án để yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ có căn cứ để bảo đảm giải quyết vụ án khách quan, đúng quy định của pháp luật.

        Ví dụ: Vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa Nguyên đơn là F, S.Coop với bị đơn là Công ty TNHH B.S Việt Nam. Nội dung: Ngày 11/6/1987, Nguyên đơn có đăng ký nhãn hiện “FAGOR, HÌNH” tại trung tâm sở hữu trí tuệ thế giới và được chỉ định tại Việt Nam theo số đăng ký quốc tế 514199.

        Hiện nay, F, S.Coop là đối tượng được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu FAGOR hợp pháp cho các sản phẩm thiết bị gia dụng. F, S.Coop hiện đang kinh doanh các sản phẩm thiết bị gia dụng mang nhãn hiện FAGOR tại Việt Nam thông qua nhà phân phối chính thức là Công ty Cổ phần F Việt Nam.

        Nguyên đơn cũng sở hữu nhiều tên miền chứa nhãn hiệu FAGOR và duy trì các Website tại các tên miền này để thực hiện việc kinh doanh trên toàn thế giới, bao gồm nhưng không giới hạn ở các Website chính thức tại địa chỉ tên miền , và .

        Ngày 02/11/2020, Nguyên đơn được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy xác nhận cho Fagor đối với nhãn hiện “FAGOR, HÌNH”. Khi hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, Nguyên đơn có đăng ký tên miền thì phát hiện ra tên miền “fagor.com.vn” đã được Công ty TNHH B.S Việt Nam đăng ký và sử dụng (ngày đăng ký 10/3/2006, ngày hết hạn 10/3/2023).

        Sau khi biết Công ty B.S sử dụng tên miền này thì Nguyên đơn đã đề nghị Viện Khoa học sở hữu trí tuệ giám định tên miền mà phía Bị đơn đang dùng là tương tự gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu FAGOR được bảo hộ hay không.

        Ngày 30/9/2020, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ có Kết luận giám định số NH594-20YC/KLGĐ trong đó kết luận: “Dấu hiệu fagor.com.vn như thể hiện tại tên miền … là tương tự gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo ĐKQT số 514199 … của F, S.Coop”.

        Nguyên đơn cho rằng Bị đơn đã chiếm giữ sử dụng tên miền với dụng ý xấu, cố ý thu lời bất chính nên đã làm đơn khởi kiện Bị đơn ra Tòa án yêu cầu Tòa án giải quyết thu hồi tên miền để ưu tiên cho Nguyên đơn đăng ký và sử dụng, đồng thời yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại, xin lỗi công khai trên 03 kỳ liên tiếp của Báo Tuổi trẻ về hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

        Trong vụ án này Kiểm sát viên cần xác định: quan hệ tranh chấp là “tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến tên miền, yêu cầu bồi thường thiệt hại về hành vi cạnh tranh không lành mạnh”. Đương sự trong vụ án gồm nguyên đơn là F, S.coop, Bị đơn là Công ty TNHH B.S Việt Nam. Nguyên đơn là pháp nhân nước ngoài. Do đó, thẩm quyền giải quyết vụ án theo cấp thuộc TAND cấp tỉnh. Đồng thời, đối với các tài liệu chứng cứ Nguyên đơn cung cấp thì cần phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

        Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án và Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Kiểm sát viên đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ vụ án, đánh giá tính hợp pháp, đầy đủ, liên quan của các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và xác định: Theo lời khai của Bị đơn và sự thừa nhận của Nguyên đơn thì Bị đơn đã ký Hợp đồng là nhà phân phối độc quyền của Fagor tại Việt Nam liên tục từ năm 2002 đến năm 2025 là hết thời hạn với công ty E.I, SL - công ty nhận nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu Fagor của F, S.coop. Hợp đồng gần nhất được ký lại vào năm 2015 có thời hạn là 10 năm. Trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng từ năm 2002, giữa Bị đơn và công ty E.I, SL, công ty F, S.Coop không hề xảy ra tranh chấp gì. Bị đơn đăng ký tên miền “fagor.com.vn” là phù hợp với thỏa thuận tại Điều 13 của Hợp đồng phân phối quốc tế ngày 23/9/2015 giữa E.I, SL và Bị đơn. Tên miền fagor.com.vn đã được Bị đơn đăng ký và sử dụng từ năm 2006 để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu “FAGOR, HÌNH”.

        Bị đơn sử dụng nhãn hiệu Fagor và kinh doanh sản phẩm nhãn hiệu trên là được sự cho phép của công ty nhận nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu Fagor. Cả Nguyên đơn và Bị đơn đều khai nhận về việc “người cấp phép cũ” của công ty F, S.Coop để phân phối thiết bị nhà bếp Fagor tại Việt Nam đã bị chấm dứt hiệu lực từ tháng 11/2017. Tuy nhiên, phía Nguyên đơn cũng không cung cấp được tài liệu chứng minh sau khi người được cấp phép cũ chấm dứt hoạt động thì Nguyên đơn có thông báo về việc chấm dứt hoạt động nhượng quyền hoặc thông báo thay đổi chủ sở hữu nhãn hiệu “FAGOR,HÌNH” cho bị đơn hay không.

        Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án không tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ liên quan đến các Hợp đồng phân phối quốc tế giữa E.I, SL và Bị đơn, không thu thập tài liệu chứng cứ về việc E.I, SL đã bị tuyên bố phá sản, chấm dứt hoạt động để là căn cứ giải quyết vụ án. Ngay sau khi phát hiện thiếu sót trong việc thu thập tài liệu chứng cứ của Tòa án, Kiểm sát viên đã có yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ nêu trên. Kết quả: Sau khi tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ là Hợp đồng phân phối quốc tế giữa E.I, SL và Bị đơn, tài liệu về việc E.I, SL đã bị tuyên bố phá sản, Kiểm sát viên xác định Bị đơn không có hành vi “Cạnh tranh không lành mạnh”, không vi phạm quy định về luật sở hữu trí tuệ liên quan đến việc sử dụng tên miền có chứa nhãn hiệu “FAGOR, HÌNH” nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu thu hồi tên miền, đòi bồi thường, yêu cầu công khai xin lỗi của Nguyên đơn. Tại phiên tòa, trên cơ sở phân tích của Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên, Nguyên đơn đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nên Hội đồng xét xử đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

        1.2. Kỹ năng và một số lưu ý khi phân tích, đánh giá chứng cứ

        * Kỹ năng kiểm sát kết luận giám định

        Thực tiễn kiểm sát việc giải quyết loại án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ cho thấy, nhiều vụ án phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để có cơ sở giải quyết do đối tượng tranh chấp là quyền sở hữu trí tuệ có tính chất phức tạp, khó xác định. Đặc biệt là đối với các tranh chấp về xác lập quyền SHTT, tranh chấp yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ đối tượng SHCN, tranh chấp hợp đồng chuyển giao quyền SHTT thì Tòa án luôn phải dựa vào ý kiến của các cơ quan chuyên môn và kết luận giám định của cơ quan giám định đối tượng SHTT làm căn cứ để xét xử.

        Trong đó, có trường hợp kết luận giám định do tòa án trưng cầu, có trường hợp kết luận giám định do đương sự tự trưng cầu trước khi khởi kiện vụ án hoặc có trường hợp có cả hai loại kết luận này.

        Vì vậy, kiểm sát viên phải chú ý kiểm sát chặt chẽ việc đánh giá tính hợp pháp, khách quan của quy trình, phương pháp giám định, tính liên quan, tính đầy đủ của kết luận giám định. Trường hợp tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ chưa được giám định thì phải xem xét việc đã có đủ cơ sở để giải quyết vụ án hay chưa...

        Kết luận giám định trong các vụ án tranh chấp về sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án mà còn có thể thiết lập tiền lệ cho các vụ án tương tự trong tương lai. Việc không kiểm tra kỹ giám định có thể dẫn đến sai sót nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án.

        Khi kiểm sát các Kết luận giám định, Kiểm sát viên cần bám sát quy định của Luật giám định tư pháp, Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp), Luật sở hữu trí tuệ, Nghị định 105/2006/NĐ-CP, Nghị định 17/2023/NĐ-CP, Nghị định 65/2023/NĐ-CP, bên cạnh đó, tùy từng lĩnh vực giám định cụ thể mà áp dụng các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Thông tư số 02/2019/TT-BVHTTDL ngày 13/12/2019 của  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan và Thông tư số 03/2021/TT-BVHTTDL ngày 01/6/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định bổ sung một số điều của Thông tư 02/2019/TT-BVHTTDL…

        Ví dụ: Vụ án “tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần AVN với bị đơn là Công ty Cổ phần thực phẩm AC.

        Nội dung: Công ty AVN là chủ sở hữu nhãn hiệu “Hảo Hảo, MÌ TÔM CHUA CAY và hình” theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 62360 ngày 29/4/2005 của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.

        Khi phát hiện trên thị trường có bày bán sản phẩm mì ăn liền nhãn hiệu “Mì Hảo Hạng, TÔM CHUA CAY” của Công ty AC đề ngày sản xuất là 25/01/2015 (mà Nguyên đơn đã gửi văn bản yêu cầu Bị đơn chấm dứt, khắc phục hành vi vi phạm; đồng thời gửi đơn yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý hành chính hành vi vi phạm của Bị đơn.

        Tại Biên bản làm việc ngày 11/3/2015 của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, Bị đơn xác định Mì Hảo Hạng được lưu hành không sao chép mẫu mã của mì Hảo Hảo. Tuy nhiên, Bị đơn đã chủ động không lưu hành mẫu mã mì Hảo Hạng mà Nguyên đơn cho rằng có thể gây nhầm lẫn với mì Hảo Hảo của Nguyên đơn. Bị đơn đã ngừng sản xuất, phân phối sản phẩm từ ngày 04/2/2015 và hiện không còn tồn sản phẩm mì Hảo Hạng có bao bì đang xảy ra tranh chấp với Nguyên đơn. Bị đơn sẽ không sản xuất và phân phối sản phẩm mang bao bì này nữa. Chi cục Quản lý thị trường cũng xác nhận Bị đơn đã chấm dứt việc sản xuất, phân phối sản phẩm mì Hảo Hạng có nhãn hiệu gây nhầm lẫn đối với mì Hảo Hảo của Nguyên đơn và cũng không còn hàng tồn, bao bì nên Chi cục Quản lý thị trường không tiếp tục kiểm tra, xử lý theo quy định.

        Về Kết luận giám định về sở hữu công nghiệp số 01-2016/KLGĐ-TVH ngày 02/6/2016 của giám định viên T.V.H, tại phiên tòa phúc thẩm, giám định viên T.V.H xác định: “Mẫu giám định (mẫu bao bì mang nhãn hiệu “mì Hảo Hạng, TÔM CHUA CAY và hình”) được sử dụng là hình ảnh chụp lại từ bao gói mì Hảo Hạng; màu đỏ của mẫu giám định theo phụ lục 01 (kèm theo Kết luận giám định) có mờ hơn so với bao bì nhãn hiệu mì Hảo Hạng, không có lô gô in trên mẫu giám định”. Tuy nhiên giám định viên Trần Việt Hùng lại khẳng định “Vẫn đảm bảo việc giám định chính xác” là không khách quan.

        Tại Bản án phúc thẩm số 52/2017/KDTM-PT, Tòa án cấp phúc thẩm nhận định “Thủ tục giám định chưa tuân thủ quy định của pháp luật và kết luận giám định là không chính xác”, từ đó quyết định “Không đủ căn cứ xác định Công ty Cổ phần thực phẩm AC có hành vi sử dụng mẫu nhãn bao bì mì ăn liền mang dấu hiệu “Mì Hảo Hạng, TÔM CHUA CAY và hình” xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Hảo Hảo, MÌ TÔM CHUA CAY, hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 62360 ngày 29/4/2005 của công ty Cổ phần AVN” và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty AVN.

        Trong vụ án trên, “Kết luận giám định” không thỏa mãn tính khách quan của chứng cứ. Cụ thể: mẫu giám định là hình ảnh chụp lại, mờ hơn so với bao bì nhãn hiệu, không có lô gô in trên mẫu giám định. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm đã nhận định “thủ tục giám định chưa tuân thủ quy định của pháp luật” nên không thể sử dụng “Kết luận giám định” là chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

        * Kỹ năng kiểm sát việc thu thập các tài liệu, chứng cứ khác

        Bên cạnh “Kết luận giám định” thì việc thu thập các tài liệu, chứng cứ khác cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án “Tranh chấp về sở hữu trí tuệ”, đặc biệt là các vụ án tranh chấp liên quan đến việc xác định ai là tác giả, ai có quyền sở hữu đối với quyền sở hữu trí tuệ.

        Các tài liệu, chứng cứ cần thiết được thu thập trong vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ kiểm sát viên cần lưu ý kiểm sát gồm: Các chứng cứ chứng minh quyền sở hữu trí tuệ (quyền tác giả, quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ…), tài liệu chứng cứ chứng minh về thẩm quyền giải quyết của Tòa án (văn bản thỏa thuận về thẩm quyền, chứng cứ chứng minh quan hệ tranh chấp, chứng cứ xác nhận nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của bị đơn), các tài liệu chứng cứ là căn cứ để xác định có hay không hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (tài liệu kỹ thuật, các giấy chứng nhận, các hợp đồng hợp tác…), chứng cứ chứng minh thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

        Kiểm sát viên cần có khả năng phân tích, đối chiếu và đánh giá chứng cứ một cách khách quan và kỹ lưỡng để đảm bảo việc xây dựng báo cáo đường lối và đề ra quan điểm giải quyết vụ án phù hợp với tài liệu chứng cứ và quy định của pháp luật.

        Ví dụ: Vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa Nguyên đơn là ông P.V.H và Bị đơn là ông T.Đ.N. Xuất phát từ việc ông T.Đ.N nộp hồ sơ đề nghị Cục sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế cho cá nhân ông về “quy trình và hệ thống thiết bị sản xuất nano curcumin từ củ nghệ tươi”. Ông P.V.H không nộp hồ sơ đề nghị cấp bằng sáng chế mà có khiếu nại về việc ông T.Đ.N nộp đơn yêu cầu cấp bằng sáng chế đồng thời yêu cầu bổ sung ông H là người đồng sáng chế mà ông N đăng ký. Ông H được Cục sở hữu trí tuệ hướng dẫn khởi kiện ra Tòa án. Ông H đã khởi kiện và được Tòa án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện về việc: Công nhận ông H và ông N là đồng tác giả của sáng chế; buộc ông N phải bồi thường 50% giá trị giải nhất cuộc thi Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh B lần thứ III; buộc ông N phải công khai xin lỗi ông H.

        Trong vụ án trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã có vi phạm trong việc xác minh, thu thập tài liêu, chứng cứ, cụ thể:

        Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào 02 tài liệu do Nguyên đơn xuất trình là “Biên bản thỏa thuận ngày 02/01/2015 và Biên bản cuộc họp ngày 04/5/2015” để chấp nhận yêu cầu khởi kiện, trong khi đó Bị đơn cho rằng các Biên bản thỏa thuận này chỉ là “Thỏa thuận xây dựng ra máy sản xuất Nano curcumin để bán ra thị trường” chứ không phải thỏa thuận hợp tác nghiên cứu công nghệ chiết suất Nano curcumin vì lúc đó cá nhân ông N đã nghiên cứu thành công công nghệ này. Vì vậy mà bản thỏa thuận ghi ông N phụ trách công nghệ, kỹ thuật, còn ông H phụ trách hành chính, tổ chức.

        Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu ông H xuất trình các hóa đơn, chứng từ chứng minh cho khoản tiền đóng góp, chi phí để ông H cùng ông N nghiên cứu công nghệ chiết suất curcumi từ củ nghệ tươi hay chi phí mua nguyên liệu, vật liệu để chiết suất theo quy định tại khoản 1 Điều 86 Luật sở hữu trí tuệ.

        Tòa án cấp sơ thẩm chưa xét xem lời khai và các chứng cứ mà bị đơn đưa ra để chứng minh cá nhân mình là người duy nhất tự nghiên cứu và tìm ra công nghệ chiết suất Nano curcumin từ củ nghệ tươi từ những năm 2012 – 2014, trước khi hợp tác với ông H; không xác minh, thu thập chứng cứ về việc ông N đã tham gia hội nghị, hội thảo về công nghệ sản xuất Nano Curcumin từ củ nghệ tươi ở các tỉnh P, N và không xem xét tài liệu của Bộ khoa học công nghệ xác nhận “ông T.Đ.N đã sáng chế hệ thống quy trình thiết bị công nghệ sản xuất nano curcumin từ củ nghệ vàng; doanh nghiệp của ông T.Đ. cũng có nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích nên Cục đã nhiều lần có giấy mời tham gia các hội nghị, diễn đàn khoa học do Cục tổ chức tại tỉnh P, N” do ông N xuất trình.

        Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét đến các tình tiết trước ngày ông N và ông H ký Biên bản thỏa thuận xây dựng nhà máy sản xuất curcumin thì ngày 10/6/2014, công ty TNHH nhiệt công nghiệp HTL của ông N đã có sản phẩm curcumin đề nghị Viện hóa học thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam phân tích; ngày 10/8/2014, ông N đã gửi mẫu curcumin đề nghị Viện hóa học kiểm tra kết quả hoạt tính gây độc tế bào.

        Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của ông P.V.H buộc ông T.Đ.N phải thanh toán 50% giá trị giải thương Hội thi sáng tạo kỹ thuật có giá trị 10.000.000 đồng nhưng không xem xét việc Ban tổ chức hội thi không công nhận và không trao giải thưởng cho ông T.Đ.N do tên sáng tạo kỹ thật có tranh chấp là không có căn cứ.

        Tòa án cấp sơ thẩm buộc Bị đơn phải bồi thường 10.000.000 đồng tiền chi phí thuê người viết bản Cam kết bảo vệ môi trường của ông H sau khi ông N đã chấm dứt hợp tác với ông H là không có căn cứ.

        2. Kỹ năng xây dựng báo cáo đề xuất, bài phát biểu, dự kiến tình huống, đề cương hỏi tại phiên tòa

        2.1. Xây dựng báo cáo đề xuất về giải quyết vụ án trước khi tham gia phiên tòa

        Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên lập hồ sơ kiểm sát theo hướng dẫn tại Quyết định 264/QĐ-VKS ngày 05/10/2022 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, làm báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ và đề xuất quan điểm giải quyết vụ án. Báo cáo đề xuất phải có các nội dung sau:

        - Tóm tắt nội dung vụ án: Phản ánh toàn bộ nội dung vụ án một cách ngắn gọn nhưng phải đầy đủ, trung thực về các yêu cầu, ý kiến của các đương sự, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

        - Quan điểm đề xuất của người nghiên cứu hồ sơ:

        + Những vi phạm tố tụng trong việc thụ lý, xây dựng hồ sơ vụ án, đối chiếu với các quy định của BLTTDS đánh giá tính chất của vi phạm đối với việc giải quyết vụ án và đề xuất của Kiểm sát viên (yêu cầu thu thập chứng cứ, kiến nghị tại phiên tòa hoặc tổng hợp để kiến nghị...).

        + Đề xuất việc giải quyết vụ án: Từ yêu cầu, ý kiến của các đương sự, Kiểm sát viên phân tích tính hợp pháp, tính có căn cứ của yêu cầu, viện dẫn các quy định của pháp luật nội dung (Luật sở hữu trí tuệ, Luật thương mại, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, các Điều ước quốc tế...) làm căn cứ đề xuất chấp nhận hoặc chấp nhận một phần hay bác yêu cầu khởi kiện cảu đương sự.

        2.2. Xây dựng Dự thảo bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa

        Bài phát biểu phải được xây dựng theo Mẫu 36/DS Quyết định 410, Kiểm sát viên phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; về việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng, kể từ khi thụ lý vụ án đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án, phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 262 BLTTDS và khoản 1 Điều 28 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT, trong đó tập chung phân tích, đánh giá về căn cứ chấp nhận, không chấp nhận hay chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của đương sự.

        2.3. Xây dựng đề cương hỏi tại phiên tòa

        Từ kết quả nghiên cứu hồ sơ, xác định những vấn đề cần làm rõ, những vi phạm thiếu sót trong thu thập tài liệu chứng cứ của Tòa án, Kiểm sát viên xây dựng để cương hỏi để kiểm tra tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ có trong
hồ sơ và xác định chính xác các vi phạm về tố tụng, hỏi để làm rõ các tình tiết của vụ án. Các câu hỏi dự kiến nên được chia thành hai nhóm:

        + Nhóm câu hỏi để xác định những vi phạm về tố tụng: Những vi phạm pháp luật trong việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Ví dụ, việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án chưa đúng, đưa người tham gia tố tụng chưa đầy đủ, thành phần tham gia và thủ tục tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải không đúng, không đầy đủ, thu thập chứng cứ không đúng thủ tục pháp luật quy định,...

        + Nhóm câu hỏi để xác định nội dung: Những tình tiết chưa được làm rõ,
những vấn đề còn mâu thuẫn nên chưa làm rõ được sự thật khách quan trong vụ án. Ví dụ, hồ sơ vụ án còn thiếu các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của đương sự, chưa có các tài liệu, chứng cứ thể hiện ý kiến người có quyền, nghĩa vụ liên quan...

        Tuy nhiên, tùy vào diễn biến tại phiên tòa để xem xét có thay đổi, bổ sugn đề cương xét hỏi hay không.

        2.4. Dự kiến một số tình huống phát sinh và cách xử lý

        Kiểm sát viên dự kiến các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa như: phát sinh tình tiết mới (đương sự cung cấp bổ sung tài liệu chứng cứ), đương sự bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập, yêu cùa phản tố… Trên cơ sở đó dự kiến cách thức xử lý: đề nghị hoãn phiên tòa, tạm ngừng phiên tòa, không chấp nhận….

        3. Kỹ năng tham gia, phát biểu quan điểm và kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa

        Việc tham gia phiên tòa sơ thẩm giải quyết tranh chấp dân sự nói chung và tranh chấp sở hữu trí tuệ nói riêng của Kiểm sát viên thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS và Điều 27 Thông tư liên tịch số 02/2016. Khi tham gia phiên tòa Kiểm sát viên cần chú ý theo dõi và ghi chép đầy đủ diễn biến phiên tòa để làm căn cứ đối chiếu, kiểm sát biên bản phiên tòa và Bản án.

        Tại phiên tòa, Kiểm sát viên có trách nhiệm kiểm sát việc tuân thủ pháp luật tại phiên tòa, tham gia hỏi đương sự, người tham gia tố tụng khác và phát biểu ý kiến của VKSND theo quy định tại Điều 262 BLTTDS

        Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của những người tham gia tố tụng bảo đảm phiên tòa diễn ra đầy đủ, có căn cứ đúng trình tự Bộ Luật tố tụng dân sự quy định (trường hợp Kiểm sát viên ghi âm, ghi hình có âm thanh tại phiên tòa thì phải thông báo trước cho chủ tọa phiên tòa).

        - Theo quy định tại khoản 1 Điều 249 BLTTDS năm 2015, thì Kiểm sát viên tham gia hỏi sau khi những người tham gia tố tụng, chủ tọa phiên tòa và Hội thẩm nhân dân đã hỏi xong.

        - Tại phiên tòa, KSV dựa trên đề cương hỏi đã chuẩn bị để hỏi các đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác (lưu ý: Không hỏi các câu hỏi mà Hội đồng xét xử, người giam gia tố tụng đã hỏi, khi đặt câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng dễ hiểu, không mang tính chất gợi ý câu trả lời). Khi hỏi xong, Kiểm sát viên phải tập trung lắng nghe câu trả lời; ghi lại thông tin trong câu trả lời; phân tích thông tin trong câu trả lời, so sánh, đối chiếu với câu hỏi để xem câu trả lời đã đáp ứng được yêu cầu của câu hỏi hay chưa. Nếu câu trả lời không đúng trọng tâm, Kiểm sát viên phải dừng ngay và yêu cầu trả lời đúng trọng tâm; nếu câu trả lời chưa đầy đủ, Kiểm sát viên có thể hỏi lại, hỏi bổ sung.

        Khi kết thúc phần hỏi, Kiểm sát viên lưu ý khẩn trương đối chiếu nội dung; các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa, nếu phát hiện tình tiết mới làm thay đổi quan điểm trong dự thảo Bài phát biểu thị phải báo cáo lãnh đạo viện.

        Tại phiên tòa, Kiểm sát viên thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị sau đây đối với Hội đồng xét xử: Yêu cầu công bố tài liệu, chứng cứ; xem xét vật chứng; kiến nghị việc áp dụng thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; kiến nghị khắc phục vi phạm tại phiên tòa;...

        Trường hợp Hội đồng xét xử không chấp nhận, không thực hiện yêu cầu, kiến nghị của Kiểm sát viên thì Kiểm sát viên tiếp tục tham gia phiên tòa và phát biểu quan điểm về vấn đề đó, đồng thời, ghi rõ trong bài phát biểu. Kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện xem xét kiến nghị hay kháng nghị cho phù hợp.

        Dựa vào bản dự thảo bài phát biểu đã được chuẩn bị trước và diễn biến tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải bổ sung vào bài phát biểu cho phù hợp. Trường hợp phát hiện Hội đồng xét xử có vi phạm, những vi phạm đó được nêu rõ trong bài phát biểu (Bài phát biểu được thực hiện theo Mẫu 36/DS Quyết định 410 có phát biểu về nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Thông tư liên tịch số 02/2016 và đánh giá đầy đủ quá trình thực hiện tố tụng của Tòa án; đánh giá các vi phạm của Tòa án nếu có; có chữ ký của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa và gửi ngay cho Tòa án theo đúng quy định).

        Ngoài ra, Kiểm sát viên cũng cần rèn luyện khả năng truyền đạt thông tin rõ ràng, trình bày quan điểm của Viện kiểm sát một cách mạch lạc và dễ hiểu, tránh gây hiểu lầm hoặc nhầm lẫn.

        Trên đây là một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi kiểm sát giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự sơ thẩm. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi, góp ý của bạn đọc.

Vân Anh - Phòng 10

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 0

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1538334