Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 12/12/2024 của Ngành kiểm sát nhân dân trong việc “Tiếp tục xác định công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính là nhiệm vụ trọng tâm đột phá của Ngành trong năm 2025”; Ngay từ đầu năm 2025, Viện KSND thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khâu công tác này. Thực tiễn kiểm sát giải quyết các vụ án Hành chính trên địa bàn có liên quan đến lĩnh vực đất chiếm trên 80% tổng số án Hành chính. Thông qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án Hành chính liên quan đến quản lý Nhà nước về đất đai của các cơ quan hành chính trên địa bàn, Viện kiểm sát đã phát hiện ra một số vi phạm pháp luật của các cơ quan đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ để kịp thời ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật. Đặc biệt, Qua công tác kiểm sát việc thụ lý, giải quyết một số vụ án hành chính về khiếu kiện Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội, Viện KSND thành phố Hà Nội nhận thấy trong quá trình thực thi nhiệm vụ, UBND các cấp ở một số quận, huyện còn buông lỏng trong công tác quản lý đất công, thực hiện việc giao đất công trái thẩm quyền, vi phạm quy định về quản lý đất đai gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, gây thiệt hại về tài sản của Nhà Nước. Những vi phạm trong công tác quản lý đất đai ở các địa phương này là những vi phạm kéo dài, mặc dù đã được các cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý, khắc phục nhưng vẫn để tồn tại vi phạm. Cụ thể như sau:
1. Công tác quản lý đất di tích lịch sử
Di tích lịch sử gò Đống Thây được Bộ trưởng Bộ văn hóa thông tin thể thao và du lịch công nhận tại Quyết định số 993/QĐ ngày 28/9/1990. Năm 1994, UBND thành phố đã phê duyệt báo cáo kỹ thuật kinh tế công trình về việc phục hồi di tích Gò Đống Thây. Năm 1997, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1185/QĐ-UB về việc giao Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội sử dụng 26.722m² đất tại khu gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung để quản lý và bảo tồn di tích lịch sử nghệ thuật. Năm 2010, UBND thành phố giao UBND quận Thanh Xuân lập và thực hiện Dự án thu bổ, tôn tạo di tích lịch sử gò Đống Thây. Năm 2017, Hội đồng nhân dân quận Thanh Xuân phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tại văn bản số 15/HĐND. Năm 2018, Bộ văn hóa thể thao và du lịch chấp thuận điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích diện tích đất 15.336m². Ngày 25/9/2019, Sở Tài nguyên môi trường tiến hành định vị mốc khu đất tại thực địa đối với diện tích đất 15.336m². Dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất của UBND quận Thanh Xuân đã được UBND và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt và thông qua năm 2023. Tháng 11/2021, UBND quận Thanh Xuân ban hành Thông báo thu hồi đất đối với các hộ dân để thực hiện Dự án.
Về nguồn gốc đất thu hồi của các hộ dân: Tại Giấy xác nhận về người sử dụng đất, loại đất, vị trí, nguồn gốc, thời điểm và quá trình sử dụng đất, thời điểm xây dựng công trình gắn liền với đất của UBND phường Thanh Xuân Trung đều thể hiện diện tích đất thu hồi của các hộ dân sử dụng là đất di tích. Tại Kết luận Thanh tra số 578/KL-TT ngày 5/9/1996 của Thanh Tra thành phố Hà Nội kết luận việc quản lý sử dụng đất tại xã Nhân Chính huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay là UBND phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) xác định UBND xã đã để các hộ lấn chiếm và chuyển nhượng trái phép và đề nghị UBND thành phố thu hồi toàn bộ diện tích lấn chiếm trong đó có khu Gò Đống Thây. Ngoài ra, tại Văn bản số 4394/BVHTT-DSVH ngày 28/10/2016, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng chính quyền địa phương cần rút kinh nghiệm trong việc cấp đất và quản lý đất đai của khu di tích. Tuy nhiên, UBND phường Nhân Chính và UBND quận Thanh Xuân đã không thực hiện việc thu hồi đất tại khu di tích gò Đống Thây, các hộ dân vẫn tiếp tục lấn chiếm, sử dụng và chuyển nhượng đất trái pháp luật.
2. Công tác quản lý đất công tại cấp xã phường
Ngày 19/11/2012, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5325/QĐ-UBND về việc thu hồi 50.535m² đất lưu không được Quốc lộ 1A và giao 90.077m² đất tại các xã: Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi, Liên Ninh và huyện Thanh Trì cho Sở giao thông vận tải để thực hiện Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi (Km185 – Km189), huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Trên cở sở Thông báo thu hồi đất; Biên bản điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất phục vụ công tác GPMB thực hiện dự án; Giấy xác nhận về việc sử dụng, về các tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, vị trí đất. Ngày 14/9/2018, UBND huyện Thanh Trì ban hành các Quyết định về việc thu hồi đất của các hộ gia đình tại xã Liên Ninh.
Về nguồn gốc đất thu hồi của một số hộ gia đình tại Dự án:
Bản đồ đo đạc lập theo Chỉ thị 299/TTg, tỷ lệ 1/1000; sổ mục kê ruộng đất lập theo bản đồ đo đạc theo Chỉ thị 299/TTg được UBND xã Liên Ninh xác nhận năm 1990: Diện tích đất của các hộ gia đình bị thu hồi GPMB thuộc đất lưu không đường Quốc lộ 1A và đất nông nghiệp do UBND xã Liên Ninh quản lý.
Ngày 20/7/1989, Đảng ủy, UBND xã Liên Ninh, Hợp tác xã Liên Ninh có Nghị quyết cho các hộ dân đấu thầu đất, mở dịch vụ và mở hàng kinh doanh dọc Quốc lộ 1A thuộc địa phận của xã, diện tích mỗi suất là 75m2, giá tiền là 1.200.000đồng/suất (đối với người địa phương) và 3.000.000đồng/suất (đối với người ngoài địa phương). Quá trình sử dụng đất từ năm 1990 đến năm 1992 các hộ gia đình đã tự ý lấn chiếm thêm một phần đất nông nghiệp và đất lưu không dọc quốc lộ 1A. Thời điểm các hộ gia đình xây dựng công trình nhà ở, công trình phụ trợ khác phục vụ đời sống, sinh hoạt không có hồ sơ xử lý cũng như văn bản ngăn chặn hành vi vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi lấn chiếm đất các hộ gia đình đã chuyển nhượng trái pháp luật cho người khác.
Ngày 10/11/1992, Viện KSND huyện Thanh trì có Kết luận số 58/KSC kiểm sát việc chấp hành luật đất đai, pháp luật quản lý kinh tế nông nghiệp tại xã Liên Ninh, trong đó có nội dung: “kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì hủy Nghị quyết năm 1989 của xã UBND xã Liên Ninh về việc giao đấu thầu diện tích đất dọc Quốc lộ 1A cho các hộ dân do vi phạm pháp luật đất đai”. Đồng thời, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 116/HSST ngày 20/11/1994 của Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì ban hành có nội dung: “Kiến nghị UBND huyện Thanh Trì, phòng Nông nghiệp huyện Thanh Trì và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi lại những diện tích đất, những khoản chi thu trái pháp luật do hành vi phạm tội của các bị cáo gây lên để trả lại quyền sở hữu cho nhà nước”.
Mặc dù Viện KSND huyện Thanh Trì, Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì đã phát hiện và kiến nghị xử lý, thu hồi từ những năm 1992 nhưng UBND huyện Thanh Trì không xử lý, không kịp thời ngăn chặn, thực hiện thẩm quyền thu hồi lại diện tích đất mà UBND xã giao trái thẩm quyền cho các hộ dân dẫn đến các hộ dân vẫn tiếp tục sử dụng đất từ năm 1992 đến năm 2018 là vi phạm Điều 64, Điều 208 Luật đất đai 2013.
Để xảy ra những vi phạm nêu trên có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó phải kể đến nguyên nhân chủ quan là do một bộ phận đội ngũ cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ còn thiếu trách nhiệm; trình độ, năng lực chuyên môn còn hạn chế, chưa nắm vững các quy định của pháp luật chuyên ngành quản lý đất đai, pháp luật để có biện pháp kịp thời chấn chỉnh, khắc phục vi phạm.
Phòng 10 Viện KSND thành phố Hà Nội đã tổng hợp tham mưu cho đồng chí Viện trưởng Viện KSND thành phố Hà Nội ban hành kiến nghị yêu cầu UBND quận Thanh Xuân và UBND huyện Thanh Trì tiến hành rà soát các vi phạm quy định pháp luật về đất đai, có biện pháp khắc phục các vi phạm này trong công tác quản lý đất đai để tránh xảy ra vi phạm trong thời gian tới.
Kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật của Viện KSND thành phố Hà Nội trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính sẽ góp phần đảm bảo việc chấp hành pháp luật được nghiêm chỉnh, thống nhất; kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng như quyền và lợi ích công, hạn chế tình trạng vi phạm trong công tác quản lý đất đai tại địa phương trong thời gian tới.
Vân Anh - Phòng 10
Đang truy cập :
353
Tổng lượt truy cập :
1509355