I. Thực trạng công tác kiểm sát thi hành án dân sự về tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng, tài sản thi hành án trên địa bàn thành phố Hà Nội
Qua công tác Kiểm sát thi hành án dân sự về tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng, tài sản thi hành án tại cơ quan hai cấp trên địa bàn Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nhận thấy: Thủ đô Hà Nội có địa bàn rộng, các vụ án hình sự đa dạng, phức tạp do đó tang vật trong các vụ án hình sự đa phần có số lượng lớn, nhiều chủng loại, tuy nhiên việc tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng chưa đảm bảo theo đúng yêu cầu pháp luật. Việc tiếp nhận, quản lý vật chứng, tài sản THADS đặt ra rất nhiều thách thức, tiềm ẩn một số vấn đề có nguy cơ vi phạm cao, kéo dài, liên quan đến nhiều ngành nên cần thiết rà soát phân loại xử lý triệt để tránh hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Lãnh đạo VKSND thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, ban hành công văn chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp kiểm sát chặt chẽ và tăng cường thực hiện chuyên đề kiểm sát đột xuất việc kiểm sát việc tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng, tài sản thi hành án tại cơ quan THADS cùng cấp.
VKS giám sát quá trình bàn giao vật chứng giữa Cơ quan điều tra
và Cơ quan thi hành án
II. Kết quả kiểm sát
1. Một số dạng vi phạm đã được phát hiện trong quá trình kiểm sát:
Thông qua công tác kiểm sát, VKS hai cấp nhận thấy công tác quản lý kho vật chứng và xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ của cơ quan THADS tồn tại nhiều vi phạm, trong đó có những vi phạm trong thời gian dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như việc chậm xử lý vật chứng, tài sản dẫn đến vật chứng, tài sản bị hư hỏng, giảm giá thậm chí không còn giá trị sử dụng, gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách Nhà nước... Căn cứ quy định của pháp luật, Viện kiểm sát đã thực hiện kiến nghị với cơ quan thi hành án và tiếp tục xác minh làm rõ một số vi phạm của cơ quan Toà án, cơ quan điều tra trong quá trình chuyển vật chứng đến cơ quan thi hành án. Các dạng vi phạm điển hình như sau:
- Vi phạm khoản 2 Điều 13 Thông tư số 01/2017/TT-BTP về việc xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ tồn đọng: Qua trực tiếp kiểm sát, thấy trong kho vật chứng còn nhiều vật chứng, tài sản tiếp nhận đã lâu, nhưng chưa được xử lý, giải quyết triệt để, do: Cơ quan thi hành án chưa có biện pháp gì để xử lý, như: yêu cầu, đôn đốc Tòa án chuyển giao bản án, quyết định để tiến hành xử lý theo quy định; phối hợp liên ngành ở địa phương (Công an, Kiểm sát, Tòa án, Tài chính) thống nhất phương án giải quyết; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự để được chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết nhất là những vụ việc khó khăn vướng mắc.
- Vi phạm khoản 1 Điều 4 Thông tư số 01/2017/TT-BTP quy định về kho vật chứng
Kho vật chứng được trang bị một số tủ, giá kệ, nhưng không đủ để đựng, bảo quản vật chứng, tài sản. Nên, nhiều vật chứng, tài sản để ở dưới nền nhà kho. Như vậy, kho vật chứng chưa có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để bảo quản vật chứng tài sản, tạm giữ.
- Vi phạm khoản 1 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BTP; Khoản 2 Điều 3, khoản 2 Điều 4 Thông tư số 01/2017/TT-BTP về việc quản lý, bảo quản vật chứng, tài sản: Các tài sản như cồng kềnh như ô tô, máy xúc… không để được trong kho vật chứng nhưng cơ quan thi hành án không thuê bến bãi có điều kiện bảo quản đảm bảo để bảo quản mà để tại sân cơ quan không được che chắn dẫn đến tình trạng xuống cấp nhanh, có dấu hiệu hư hỏng nặng làm giảm giá trị tài sản.
- Vi phạm khoản 1 Điều 39 Luật Thi hành án dân sự về thông báo thi hành án: Chưa thông báo cho đương sự đến nhận lại đồ vật, tài sản theo quy định, dẫn đến vụ việc tồn đến nay không được giải quyết dứt điểm.
KSV kiểm tra vật chứng trước khi tiến hành tiêu hủy
Năm 2024 VKSND thành phố Hà Nội đã chủ trì hội nghị liên ngành cùng các cơ quan tiến hành tố tụng, Cục thi hành án dân sự đã có sự thống nhất cao và đưa ra nhiều biện pháp hiệu quả trong việc bàn giao và tiếp nhận vật chứng. Qua đó, góp phần giúp các cơ quan chức năng thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tiến độ giải quyết các vụ án theo đúng quy trình tố tụng, theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó trong quá trình giám sát việc tiêu hủy tang vật Viện kiểm sát còn kịp thời phát hiện việc cơ quan thi hành án không có kế hoạch tiêu hủy, kế hoạch tiêu hủy không quy định rõ cách thức tiêu hủy, hoặc không gửi kế hoạch tiêu hủy đến viện kiểm sát. VKS đã yêu cầu cơ quan thi hành cung cấp kế hoạch tiêu hủy trước khi thực hiện việc tiêu hủy. Trong quá trình tiêu hủy, VKS đã giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những vi phạm của cơ quan thi hành.
VKSND thành phố Hà Nội chủ trì hợp liên ngành giữa Cục THADS với CQĐT, Tòa án
về chuyển giao vật chứng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
2. Nguyên nhân của tồn tại, vi phạm
a) Nguyên nhân khách quan:
Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn còn những những vướng mắc, bất cập, gây khó khăn cho việc thi hành án; công tác phối hợp của các cơ quan liên quan trong thi hành án dân sự những hạn chế nhất định; đầu tư, trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho công tác quản lý, bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự còn chưa đáp ứng yêu cầu.
b) Nguyên nhân chủ quan
- Chấp hành viên, Kế toán nghiệp vụ, Thủ kho vật chứng chưa nêu cao hết tinh thần, trách nhiệm trong việc đánh giá, đề xuất xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ và những tồn tại khác.
- Công tác kiểm tra, lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan có liên quan để giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quản lý, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, kịp thời.
- Công tác buông lỏng quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo ngành thi hành án.
- Công tác kiểm sát chưa sát sao, kịp thời.
3. Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác Kiểm sát trong lĩnh vực này:
- Tiếp tục Chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp tăng cường công tác kiểm sát như: tổ chức kiểm tra, kiểm kê, rà soát toàn bộ vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự còn tồn đọng để có biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời, triệt để, đúng pháp luật. Trường hợp đã có bản án, quyết định tố tụng có hiệu lực pháp luật, thì tổ chức thi hành án, xử lý triệt để ngay; trường hợp bản án, quyết định tố tụng đã có hiệu lực pháp luật, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chuyển đến, thì đề nghị các cơ quan đó chuyển ngay để tổ chức thi hành án; các trường hợp có khó khăn, vướng mắc, thì khẩn trương, kịp thời phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm liên quan họp bàn thống nhất giải quyết hoặc báo cáo ngành dọc cấp trên, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
- Đề nghị cơ quan, cấp có thẩm quyền kịp thời đầu tư đầy đủ các trang thiết bị cần thiết, để bảo đảm các yêu cầu về an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường và các yêu cầu khác trong việc bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ theo quy định của pháp luật và quy định, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tư pháp.
- Thường xuyên tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đối với công tác quản lý kho vật chứng và xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong THADS, để kịp thời phát hiện vi phạm, thiếu sót, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, không để vi phạm.
- Chủ động, tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan và kịp thời báo cáo ngành dọc cấp trên, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, từ đó đảm bảo cho công tác thi hành án dân sự nói chung và công tác quản lý, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự nói riêng đạt hiệu quả cao nhất.
KSV kiểm sát quá trình tiêu hủy vật chứng trên băng chuyền xử lý bằng lò đốt
Với những kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng trong thời gian qua, VKS hai cấp thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả như: Ban hành được nhiều kiến nghị nhằm chấn chỉnh, khắc phục và thực hiện có hiệu quả trong quá trình tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng. Hạn chế đến mức thấp nhất việc vật chứng để sung công bị hư hỏng dẫn đến không còn giá trị sử dụng, vật chứng phải tiêu hủy nhưng không được tiêu hủy theo quy định hoặc tiêu hủy không triệt để. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân và thuận lợi trong công tác của các cơ quan tiến hành tố tụng./.
Vũ Anh Tuấn, Nguyễn Đức Long - Phòng 11 Viện KSND TP Hà Nội
Đang truy cập :
353
Tổng lượt truy cập :
1509355