Công tác kiểm sát hoạt động phát hiện, thu thập, đánh giá và giám định vi vết trong các vụ án hình sự trên địa bàn thành phố Hà Nội

19/03/2025 14:14 | 188 | 0

        Điều tra vụ án hình sự là quá trình cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh tội phạm và người phạm tội, làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự theo đúng quy định của pháp luật. Để thu thập đầy đủ các chứng cứ vật chất (dấu vết, vật chứng), Cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động điều tra khác nhau nhằm phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản và đánh giá các chứng cứ vật chất (dấu vết, vật chứng) tại nơi chúng tồn tại.

        Dấu vết hình sự là những phản ảnh vật chất, hình thành và tồn tại trong mối quan hệ tất yếu với sự việc mang tính hình sự, cần được phát hiện, thu thập, đánh giá và sử dụng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Dấu vết hình sự được hành thành và tồn tại ở hiện trường rất đa dạng và phong phú. Do đó, việc phân loại dấu vết có ý nghĩa quan trọng trong việc đề ra các phương pháp phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản và đánh giá phù hợp với quá trình hình thành, hình thức tồn tại, tính chất và đặc điểm riêng của chúng.

        Vi vết là những dấu vết hình sự cụ thể mà bằng mắt thường, con người không nhận biết được hoặc nhận biết được một phần, cần phải có phương pháp và công cụ hỗ trợ chuyên dùng để phát hiện, thu thập, đánh giá và sử dụng trong công tác đấu tranh chống tội phạm.

        1. Kiểm sát hoạt động phát hiện, thu thập, bảo quản vi vết hình sự

        Để phát hiện, thu thập được các vi vết hình sự có giá trị cao, cần phải có phương pháp tìm kiếm phù hợp. Trước hết cần phải dựa trên đặc điểm của vi vết là có kích thước rất nhỏ cũng như có các tính chất vật lý, hóa học và quang học đặc biệt. Bên cạnh vi vết hình sự, còn tồn tại rất nhiều dấu vết nhỏ khác như hạt vụn, vết bám, chất lỏng hoặc các loại dấu vết không phải là dấu vết hình sự. Các dấu vết này có thể làm “nhiễu” dấu vết hình sự. Do đó, khi có vụ việc mang tính hình sự xảy ra, cần phải phân biệt và lựa chọn được đâu là vi vết hình sự và đâu là vi vết không có ý nghĩa hình sự. Để có thể tránh được việc hời hợt, thiếu thận trọng trong đánh giá và thu thập vi vết hình sự thì phải có chiến thuật và phương pháp phù hợp trong khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám người, đồ vật và các khám xét khác… và phải tránh gây ra những xáo trộn trong quá trình khám nghiệm. Vì thế, khi kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Điều tra viên và Kiểm sát viên cần trao đổi sơ bộ về phương thức, cách thức tiến hành khám nghiệm và tuân thủ các quy định tại Điều 201, Điều 202 Bộ luật Tố tụng hình sự.

        Quá trình khám nghiệm phải được xem xét tỉ mỉ các dấu vết để trên hiện trường, tử thi và thu thập các mẫu vật liên quan đến vụ việc nhằm đánh giá chứng cứ, tránh để xảy ra tình trạng khám nghiệm sơ sài ảnh hưởng đến việc điều tra, truy tố và xét xử hoặc phải khai quật tử thi hoặc dựng lại hiện trường. Trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Hà Nội, công tác phối hợp giữa Điều tra viên chủ trì khám nghiệm và Kiểm sát viên luôn nhịp nhàng, tuân thủ pháp luật và tôn trọng nhau, không có trường hợp nào Kiểm sát viên đã yêu vầu mà Điều tra viên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Khi kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, ngoài thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Kiểm sat viên còn cần tuân thủ quy định tại Điều 26 Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định. Do vậy, khi quan sát tại hiện trường vụ án và tử thi, Kiểm sát viên và Điều tra viên cần định hướng thực hiện tốt các nội dung sau:

        - Thứ nhất, xác định những vị trí mà thủ phạm đã chạm cơ thể hoặc công cụ, phương tiện vào.

        - Thứ hai, xác định hướng di chuyển của đối tượng tình nghi tại hiện trường. Tuy nhiên, cần lưu ý và phân biệt được đâu là dấu vết do thủ phạm để lại, đâu là dấu vết của những người vào cứu nạn nhân.

        - Thứ ba, xác định thứ tự thu thập dấu vết theo nguyên tắc vi vết thu trước, vĩ vết thu sau. Nếu thực hiện ngược lại thì phải thận trọng trong việc lựa chọn phương pháp thu thập sao cho không phá hủy vi vết tại hiện trường, tử thi.

        - Thứ tư, trong trường hợp không có vĩ vết hoặc đã bị xóa, bị hủy thì vai trò của vi vết là đặc biệt quan trọng. Do đó, cần phải bố trí nhân lực, phương tiện để khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi một cách thận trọng, tỉ mỉ sẽ giúp cho việc đánh giá dấu vết và giám định đạt hiệu quả.

        Sau khi thực hiện tốt các nội dung trên, hoạt động hết sức quan trọng đó là tìm kiếm, thu thập và bảo quản vi vết hình sự trên hiện trường hoặc trên tử thi. Kiểm sát viên cần kiểm sát tính hợp pháp của các dấu vết (vi vết) khi tìm kiếm, thu thập theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự; đồng thời các vi vết đó cần được phân loại và bảo quản theo đúng quy định tại Điều 90 Bộ luật Tố tụng Hình sự, có như vậy các vi vết thu thập được mới có giá trị chứng minh tội phạm trong vụ án hình sự.

        Kỹ thuật tìm kiếm, thu thập và bảo quản dấu vết đòi hỏi cần nhiều trang thiết bị hơn khi tìm kiếm, thu thập và bảo quan vĩ vết. Để phát hiện được vi vết và phạm vi phân bố, cần phải sử dụng các loại công cụ đặc dụng như kính lúp có độ phóng đại 8X hoặc 10X, nguồn sáng mạnh để quan sát tốt hơn hoặc với kỹ thuật chiếu xiên để tạo bóng của các hạt vụn nhỏ, sợi nhỏ trên bề mặt bằng phẳng. Sử dụng đèn tử ngoại nhằm phát hiện các chất có tính phát quang, các thiết bị phân tích khí ở hiện trường như trong các vụ ngộ độc khí CO.

        Việc thu giữ và bảo quản vi vết trước hết phải có thiết bị thu thích hợp để tách dấu vết ra khỏi vật mang rồi đựng trong bình chứa sạch hoặc túi nilon. Đối với từng loại vi vết cụ thể mà có thể sử dụng dao lam và chổi nhỏ hoặc băng dính và panh để thu gom và tách dấu vết cho phù hợp. Nhìn chung, phần lớn các loại vi vết khi phát hiện được nên tìm cách đóng gói cả vật mang vi vết gửi đến cơ quan giám định. Trường hợp vật mang vi vết lớn thì dùng cưa thu một phần vật mang cùng với vi vết. Việc đóng gói phải lưu ý sao cho vi vết không bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển đến nơi giám định. Với điều kiện nước ta hiện nay chỉ có ở trong các Labor giám định mới tách vi vết được tốt nhất.

        Một vấn đề quan trọng cần lưu ý trước khi thu vi vết là phải chụp ảnh vi vết và mô tả vị trí, đặc điểm trong biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiêm tử thi. Ảnh có giá trị rất cao đối với các vi vết cơ học, vi vết sinh học và hóa học mà khi giám định cần có những thông tin chính xác về vị trí và trạng thái của vi vết. Việc mô tả chi tiết và chính xác tình trạng, vị trí, đặc điểm và điểm khác biệt của vi vết với vật mang nhiều khi rất khó diễn tả bằng ngôn ngữ mà chỉ có thể bằng hình ảnh mới thể hiện được đầy đủ và chính xác. Do đó khi kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên cần yêu cầu Điều tra viên chỉ đạo cán bộ Kỹ thuật hình sự, Giám định viên phải coi chụp ảnh dấu vết trước khi thu giữ là hoạt động mang tính bắt buộc. Và cũng giống như vĩ vết, để phục vụ công tác giám định cần phải có mẫu so sánh. Trong một số trường hợp mẫu so sánh vi vết phải được tạo ra tương tự như sự hình thành nó và phải được thu thập như thu vi vết tại hiện trường. Điều này rất quan trọng trong giám định, nó cho phép nắm bắt được những đặc điểm đặc thù của vi vết. Việc bảo quản vi vết phải phù hợp với từng loại vi vết nhất định để không mất đi đặc tính của vi vết, ví dụ như vi vết máu trước khi bảo quản bao giờ cũng phải để thật khô trong điều kiện nhiệt độ khoảng 20 đến 25 độ C, chỗ thoáng gió. Tuyệt đối không phơi nắng hoặc sấy khô ở nhiệt độ trên 40 độ C.

        2. Kiểm sát kết quả giám định vi vết hình sự

        Để giám định được vi vết thì điều kiện đầu tiên là phải tách được dấu vết ra khỏi vật mang và làm sạch các tạp chất lẫn vào chúng. Đây là một thao tác rất quan trọng đối với các loại vi vết hóa học và sinh học vì, nếu không tách dấu vết thì kết quả phân tích sẽ không chính xác. Độ chính xác của kết quả phân tích chỉ có ý nghĩa khi làm sạch được mẫu vi vết cần giám định. Tùy theo từng loại vi vết mà có những phương pháp giám định riêng, nhưng phương pháp giám định quan trọng nhất đối với các loại vi vết đó là sử dụng kính hiển vi. Giai đoạn đầu tiên khi giám định vi vết là quan sát dưới kính hiển vi, sau đó căn cứ vào các đặc điểm riêng biệt của vi vết để có thể lựa chọn, sử dụng phương pháp khác phù hợp. Một nguyên tắc bất dịch đó là không làm thay đổi trạng thái và bản chất của vi vết, thậm chi ngay cả khi kết thúc giám định, trừ trường hợp bất khả kháng.

        Kính hiển vi điện tử giữ một vai trò quan trọng trong giám định dấu vết hình sự nói chung và vi vết hình sự nói riêng, đặc biệt là loại kính hiển vi điện tử quét - microsonde. Thiết bị này vừa cho phép nghiên cứu những đặc điểm kiến trúc bề mặt của vi vết với độ phóng đại rất lớn và tạo ra những bức ảnh để lưu giữ, đồng thời cho biết thành phần hóa học của dấu vết trên bề mặt mẫu. Thiết bị này không phá hủy mẫu, cho phép sau đó có thể giám định bằng phương pháp khác. Đây chính là tính ưu việt của kính hiển vi điện tử trong hoạt động giám định vi vết hình sự. Vì thế, khi tiến hành kiểm sát quyết định trưng cầu giám định; kết luận giám định đối với các vi vết hình sự, Kiểm sát viên phải xem xét quyết định trưng cầu giám định có đầy đủ nội dung hay không? Ví dụ: Yêu cầu giám định vi vết máu thì phải nêu rõ mẫu gửi giám định có phải là máu hay không? máu người hay động vật? nhóm máu? mẫu gửi giám định và mẫu so sánh có phải của cùng một người hay không?

        Nếu phát hiện yêu cầu giám định chưa đầy đủ hoặc không chính xác, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát kiến nghị Cơ quan điều tra sửa đổi, thay thế quyết định đã ban hành hoặc quyết định trưng cầu giám định bổ sung, bảo đảm việc giám định được đầy đủ, chính xác làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. Đồng thời, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ nội dung kết luận giám định của Cơ quan giám định và của Giám định viên, lưu ý xem xét thành phần tham gia cũng như căn cứ, phương pháp, trình tự thực hiện việc giám định, kết luận giám định. Trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, Kiểm sát viên đề nghị Cơ quan điều tra có văn bản yêu cầu giải thích kết luận hoặc cùng Điều tra viên tiến hành làm việc với Cơ quan giám định, Giám định viên để làm rõ. Nếu thấy kết luận giám định không chính xác thì có thể trưng cầu giám định lại tại cơ quan giám định khác có thẩm quyền để đảm bảo chứng cứ khách quan khi giải quyết vụ án.

        3. Đánh giá chung về hoạt động phát hiện, thu thập, bảo quản và giám định vi vết hình sự

        Thông qua công tác kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, phát hiện thu thập và bảo quản vi vết hình sự để công tác giám định đạt kết quả cao phục vụ công tác điều tra, khám phá các vụ án hình sự tại thành phố Hà Nội, nhận thấy cần phải có cán bộ chuyên trách về công tác khám nghiệm phát hiện, thu lượm và bảo quản vi vết hình sự, vì dấu vết này xuất hiện hầu hết ở các vụ án hình sự. Để công tác phát hiện thu lượm và bảo quản vi vết hình sự phục vụ công tác giám định đạt kết quả cao, hàng năm Viện Khoa học hình sự phải đào tạo bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực giám định vi vết hình sự và các phương pháp phát hiện vi vết hình sự cho cán bộ địa phương.

        Công tác khám nghiệm hiện trường phải được trang bị đủ các vali khám nghiệm cho từng lĩnh vực giám định, đối với giám định vi vết hình sự nhất thiết phải có trang thiết bị là kính hiển vi điện tử với độ phóng đại rất lớn, có chức năng lưu giữ hình ảnh phóng đại. Nếu thực hiện tốt những nội dung đã phân tích trên, kết quả giám định vi vết hình sự sẽ góp phần đắc lực vào công tác điều tra, khám phá các vụ án hình sự trên địa bàn thành phố Hà Nội.

        Kết quả nghiên cứu sự hình thành và tồn tại của vi vết hình sự đã góp phần hoàn thiện thêm công tác phát hiện, thu lượm, bảo quản và giám định vi vết hình sự. Để nâng cao chất lượng công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi các vụ án hình sự, đề xuất nghiên cứu chuyên sâu về sự hình thành và tồn tại của vi vết hình sự theo từng lĩnh vực giám định như vi vết sinh vật, vi vết cơ học… nhằm nâng cao chất lượng của kết luận giám định một chứng cứ khách quan trong chứng minh tội phạm.

                                                                 Nguyễn Bích Thủy - Phòng 2

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 353

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1509355