Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/05/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân, Công văn số 636/VKSTC-C2 v/v hướng dẫn số hóa hồ sơ ngày 22/02/2019 của Viện KSND tối cao kèm theo tài liệu Hướng dẫn số hóa hồ sơ vụ án, Công văn số 3659/VKSTC-C2 v/v hướng dẫn sơ đồ hóa nội dung vụ án hình sự ngày 30/09/2022 và chỉ đạo công tác hằng năm của Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Thời gian qua, Viện KSND huyện Đan Phượng đã thực hiện việc số hóa trong báo cáo án và trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa một số hồ sơ vụ án hình sự.
Hình ảnh phiên tòa số hóa hồ sơ vụ án tại huyện Đan Phượng
Thực tế, việc áp dụng báo cáo án bằng hình thức trình chiếu Power Point kết hợp và sơ đồ hóa trên cơ sở “số hóa hồ sơ” vụ án hình sự ngay từ giai đoạn tiếp nhận nguồn tin về tội phạm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, khai thác, tổng hợp tài liệu, chứng cứ của Kiểm sát viên khi trình bày tới đâu có thể trình chiếu, dẫn chứng tới đó. Quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong báo cáo án mang lại hiệu quả cao khi trình bày nội dung và chứng cứ, tài liệu trong vụ án, đặc biệt là các chứng cứ vật chất, dữ liệu điện tử như camera, video... Mặt khác, thực tế khi tiến hành số hóa và sử dụng tài liệu, cán bộ, Kiểm sát viên còn gặp nhiều bỡ ngỡ với các thao tác trên các thiết bị, đồng thời Kiểm sát viên vừa THQCT, KSXX vừa phải sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài liệu số hóa tại phiên tòa cũng là thao tác khó khăn.
Qua tham khảo Công văn số 636/VKSTC-C2 v/v hướng dẫn số hóa hồ sơ ngày 22/02/2019 của Viện KSND tối cao kèm theo tài liệu Hướng dẫn số hóa hồ sơ vụ án và Công văn số 3659/VKSTC-C2 v/v hướng dẫn sơ đồ hóa nội dung vụ án hình sự ngày 30/09/2022, thông qua quá trình thực hiện số hóa hồ sơ, xây dựng báo cáo án dưới hình thức sơ đồ tư duy và trình chiếu, sử dụng tài liệu số hóa tại phiên tòa, nhằm phát huy hết lợi thế trong báo cáo án điện tử bằng phương pháp trình chiếu, số hóa hồ sơ và thuận tiện cho cán bộ, công chức khi thực hiện nghiệp vụ, tác giả rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện và đề xuất các bước xây dựng báo cáo án và trình chiếu tài liệu như sau:
Bước 1: Xác định loại vụ án cần trình chiếu. Trước hết, cần thực hiện đối với loại vụ án có tình tiết đơn giản, chứng cứ rõ ràng, chú trọng các loại chứng cứ vật chất, hình ảnh, dữ liệu điện tử.... để bước đầu giúp Kiểm sát viên và cán bộ giúp việc làm quen với thao tác phần mềm trên máy tính, máy scan... Sau đó, mới tiến hành số hóa đối với các loại vụ án có tình tiết phức tạp, nhiều bị can, các bị can không nhận tội, đóng vai trò khác nhau trong vụ án... nhằm làm rõ và giúp người nghe nắm bắt được từng nội dung, từ đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng báo cáo, rút ngắn thời gian báo cáo của đơn vị và hiệu quả nghiệp vụ khác.
Bước 2: Giải quyết sơ bộ tài liệu. Xác định, lựa chọn những tài liệu, chứng cứ cần và phải sử dụng trong vụ án, trong giai đoạn báo cáo, xét xử tại phiên tòa (phân loại chứng cứ buộc tội- chứng cứ gỡ tội; chứng cứ xác định tội danh, chứng cứ về nhân thân và chứng cứ khác...). Việc xác định sơ bộ, phân loại tài liệu cần sử dụng giúp tiết kiệm thời gian số hóa, bước đầu phân nhóm tài liệu để thuận tiện cho quá trình sử dụng.
Bước 3: Xây dựng hình thức trình chiếu phù hợp. Đối với vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, có thể trực tiếp sao chụp, scan để chia thành tập tố tụng, tập nội dung hoặc chia tài liệu theo từng giai đoạn tố tụng... Đối với vụ án phức tạp, có thể sơ đồ hóa, xây dựng cột bảng biểu, hình vẽ, tranh ảnh… để thuận tiện theo dõi diễn biến.
Bước 4: Làm slide trên phần mềm PowerPoint hoặc trình chiếu bản PDF, chiếu sơ đồ trên Xmind, Mi.Visio, Word.... Bên cạnh việc chỉ để nội dung và chiếu trực tiếp, có thể sử dụng các tính năng hỗ trợ như thời gian hiện ảnh, khái quát nội dung lời khai thông qua trích dẫn, chú giải trực tiếp trên bản ảnh slide, định dạng văn bản, tạo hiệu ứng trong PowerPoint. Ngoài ra có thể chỉnh sửa trực tiếp và chiếu bản PDF đối với Cáo trạng, Luận tội...
Bước 5: Chạy thử, chỉnh sửa thông tin và hiệu ứng để hoàn thiện bản tài liệu số hóa. Cán bộ giúp việc và Kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án cần bàn bạc, thống nhất, đưa ra ý tưởng đối với việc sử dụng từng loại tài liệu, chứng cứ, hình ảnh; có thể chú thích, kí hiệu để dễ dàng tìm slide cần thiết. Kiểm sát viên được phân công vụ việc cần có “ý tưởng” và nắm chắc những nội dung cần sử dụng tại phiên tòa.
Bước 6: Báo cáo Lãnh đạo và rút kinh nghiệm. Quá trình báo cáo án, Kiểm sát viên vẫn phải trình bản giấy truyền thống, việc báo cáo án bằng hình thức trình chiếu trong giai đoạn điều tra, truy tố giúp Lãnh đạo Viện trực tiếp nắm bắt được ý tưởng của Kiểm sát viên, trên cơ sở nghiên cứu báo cáo, lãnh đạo Viện sẽ đóng góp những nội dung cần và không nên sử dụng trình chiếu. Cán bộ, Kiểm sát viên tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để chỉnh sửa nội dung theo chỉ đạo. Sau khi lãnh đạo Viện nhất trí với báo cáo án số hóa thì lãnh đạo Viện phê duyệt cụ thể vào báo cáo đề xuất hồ sơ vụ án của Kiểm sát (báo cáo giấy) với nội dung đồng ý hay không đồng ý nội dung trình chiếu tại phiên tòa.
Ngoài ra, quá trình số hóa hồ sơ và trình chiếu tài liệu tại phiên tòa cần lưu ý một số nội dung liên quan:
Kiểm sát viên báo cáo án thông qua hình thức số hóa hồ sơ vụ án
Đối với việc hỗ trợ công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, video... tại phiên tòa giúp Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng nắm được diễn biến và tài liệu về vụ án, đồng thời phục vụ cho việc hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên bởi thông qua đó Kiểm sát viên cân nhắc để thực hiện chiếu tài liệu nào, chiếu vào thời điểm nào, tùy thuộc vào từng vụ án, từng tình huống phát sinh trong diễn biến phiên tòa./.
Trần Trọng Hoàn - Viện KSND huyện Đan Phượng
Đang truy cập :
244
Tổng lượt truy cập :
1493492