Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội dẫn đến các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực án kinh doanh thương mại diễn ra hết sức đa dạng, phức tạp về tính chất vụ việc, gia tăng về số lượng vụ án. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo viện cùng với tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức Viện kiểm sát hai cấp trong lĩnh vực kiểm sát giải quyết các vụ án Kinh doanh thương mại, do đó kết quả khâu công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, quá trình kiểm sát giải quyết vụ án vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ, yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ và đề xuất hướng giải quyết vụ án, chưa kịp thời phát hiện các vi phạm để ban hành kháng nghị hoặc kiến nghị nhằm góp phần bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thông qua công tác Kiểm sát giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại cho thấy các dạng vi phạm phổ biến dẫn đến hủy án, sửa án là các trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và nội dung mà tại cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Cụ thể như sau:
1. Vi phạm về xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự, thu thập tài liệu, chứng cứ dẫn đến đưa thiếu người tham gia tố tụng
Trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp Hợp đồng tín dụng liên quan đến hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xem xét thẩm định tài sản, xác định hiện trạng trên thửa đất đã được xây dựng công trình nhà ở trên đất nhưng không xem xét tính hợp pháp của các Hợp đồng thế chấp cũng như làm rõ tài sản thế chấp trong vụ án có đang là đối tượng tranh chấp trong vụ án khác không, chủ thể nào đang quản lý, sử dụng để đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến cấp phúc thẩm phải hủy án để giải quyết lại.
Ví dụ: Các vụ án tranh chấp “Hợp đồng tín dụng” giữa Ngân hàng IVB và các Công ty HBX, giữa Ngân hàng IVB và Công ty HB được TAND quận B xét xử sơ thẩm. Theo nội dung các vụ án này thể hiện: Công ty HBX, Công ty HB và Ngân hàng IVB có quan hệ vay vốn với mục đích kinh doanh. Để đảm bảo cho các khoản vay của Công ty HBX và Công ty HB tại Ngân hàng IVB thì Công ty HB, Công ty HBX và Ngân hàng IVB đã thỏa thuận ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, “Thế chấp các tài sản gắn liền với đất (hình thành trong tương lai)” là các căn hộ thương mại/căn hộ khách sạn hình thành trên thửa đất thuộc quyền sử dụng của Công ty HBX (đã được cấp GCN quyền sử dụng đất).
Trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến các loại tài sản thế chấp này, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, xác định hiện trạng trên thửa đất đã được xây dựng công trình nhà ở trên đất nhưng cấp sơ thẩm không làm rõ chủ thể nào đang quản lý, sử dụng và sử dụng thời điểm nào (trước hay sau khi ký Hợp đồng thế chấp).
Tại cấp phúc thẩm, bị đơn cung cấp bổ sung 66 hợp đồng mua bán căn hộ trên thửa đất (thể hiện đã có 66 căn hộ đã được mua bán chuyển nhượng cho chủ thể thứ 3). Do đó, theo quy định tại khoản 6 Điều 68 BLTTDS 2015, cần bổ sung các chủ thể mua bán căn hộ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Ngoài ra, mặc dù Luật Nhà ở 2014, Luật đất đai 2014 và Nghị định 163/2006/NĐ-CP không có quy định về việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai bắt buộc phải thực hiện thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 148 Luật Nhà ở 2014 thì điều kiện thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai được quy định như sau: “Trường hợp chủ đầu tư thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có hồ sơ dự án, có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt và đã có Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” nhưng trong hồ sơ các vụ án này: Chưa có hồ sơ dự án, thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt; Chưa có bản chính hoặc bản sao hợp pháp của GCN quyền sử dụng đất, Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và Giấy phép xây dựng của Công ty TNHH HB là chưa thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ để đánh giá tính hợp pháp của Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.
Kết quả xác minh thể hiện dự án “HB Green” có việc xây dựng sai so với giấy phép, có yêu cầu từ phía cơ quan chức năng về thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, không có tài liệu thể hiện phía công ty TNHH HB đã tiến hành các thủ tục này hay chưa. Tài sản đã và đang hình thành trong tương lai gắn liền với đất (thuộc đối tượng thế chấp) có được phép tồn tại hay không. Biên bản thẩm định tại chỗ của TAND quận B không thể hiện các căn hộ thương mại/căn hộ khách sạn (là tài sản thế chấp) hiện có ai đang quản lý, sử dụng, đã được chuyển nhượng cho bên thứ ba hay không để xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nếu có).
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân quận B nhận được Công văn số 258/CV-TA ngày 30/10/2023 của TAND thành phố H, tỉnh Q, thể hiện nội dung “tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất có liên quan đến vụ án tranh chấp Hợp đồng tín dụng của TAND quận B đang được giải quyết trong vụ án của TAND thành phố H, tỉnh Q”. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không thu thập, tài liệu, chứng cứ bổ sung mà vẫn đưa vụ án ra xét xử, tuyên phát mại toàn bộ tài sản bảo đảm, trong khi đó phần tài sản gắn liền trên đất đang được Tòa án thành phố H, tỉnh Q giải quyết trong vụ án khác. Việc giải quyết vụ án của Tòa án quận B đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, nghĩa vụ của các đương sự trong cả hai vụ án.
Các nội dung trên không thể khắc phục tại cấp phúc thẩm, vì vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Bên cạnh đó, quá trình kiểm sát các vụ án trên cũng tồn tại một số vi phạm khác như:
Tài liệu Nguyên đơn cung cấp đều là bản phô tô và không được công chứng chứng thực theo quy định của pháp luật, không thỏa mãn điều kiện quy định về xác định chứng cứ tại Điều 95 BLTTDS 2015.
Về việc xác định số tiền nợ gốc: Theo các Giấy cam kết trả nợ có trong hồ sơ thì tổng nợ gốc của Bị đơn không phù hợp với số tiền nợ gốc mà phía Nguyên đơn yêu cầu trong đơn khởi kiện và tại phiên tòa sơ thẩm nhưng TAND cấp sơ chưa yêu cầu các đương sự làm rõ số tiền nợ gốc cũng như tiến hành đối chất để xác định chính xác số tiền nợ gốc còn lại của Bị đơn để làm cơ sở giải quyết vụ án là gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án.
2. Vi phạm trong việc tính lãi trên dư nợ lãi chậm trả
Trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp Hợp đồng tín dụng, một số tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu tính lãi trên dư nợ lãi chậm trả nhưng không phân tích, viện dẫn căn cứ pháp lý để không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng là áp dụng chưa đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ: theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì đối với các Hợp đồng tín dụng ký kết sau ngày 01/01/2017 thì yêu cầu tính lãi trên dư nợ lãi chậm trả là có căn cứ để chấp nhận theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, khoản 4 Điều 13 Thông tư 30/2016/TT-NHNN.
3. Vi phạm trong xác định thẩm quyền xét xử vụ án:
Nguyên đơn khởi kiện 02 bị đơn là các công ty có trụ sở tại 2 quận khác nhau vào 2 thời điểm khác nhau nhưng có cùng người đại diện theo pháp luật. Các khoản vay của 2 bị đơn có chung tài sản đảm bảo. Tòa án cấp huyện thụ lý yêu cầu khởi kiện đầu tiên đã tiến hành thụ lý cả yêu cầu khởi kiện thứ 2 để giải quyết trong cùng một vụ án là không đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.
4. Một số dạng vi phạm khác
4.1. Vi phạm trong việc thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn: Mặc dù bị đơn đã đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm Tòa án mở phiên họp giao nộp tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không thụ lý giải quyết nhưng khi tiến hành xét xử lại tuyên “Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn vì không đủ căn cứ, giành quyền khởi kiện cho bị đơn bằng một vụ án khác” là không đúng quy định tại Điều 72, 200, 202 BLTTDS, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Ví dụ: vụ án “Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh”, giữa Nguyên đơn: Công ty TNHH MTV Hải Yến (viết tắt là Nguyên đơn) và Bị đơn: Khu LHTT Quốc gia (viết tắt là Bị đơn); do Tòa án nhân dân quận N xét xử sơ thẩm. Nội dung vụ án thể hiện: Ngày 08/12/2011, Nguyên đơn và Bị đơn ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 11054/HĐHTKD với nội dung liên doanh liên kết để thực hiện việc đầu tư và xây dựng Dự án Trung tâm dịch vụ kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực, đồ lưu niệm, trưng bày sản phẩm, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả khai thác đất (sau đây viết tắt là Dự án). Mặt bằng, địa điểm liên doanh liên kết là: Trung tâm dịch vụ trên diện tích đất là 2.700 m. Bị đơn có nghĩa vụ bàn giao cho Nguyên đơn toàn bộ mặt bằng, địa điểm liên doanh liên kết nêu trên với đầy đủ nguồn điện nước, điểm đấu nối để vận hành cho Dự án. Nguyên đơn sẽ chịu trách nhiệm bỏ vốn đầu tư và chi trả các khoản chi phí quản lý cần thiết khác để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của Dự án, đồng thời chịu trách nhiệm nộp các loại thuế, lệ phí có liên quan đến hoạt động của Dự án.
Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Bị đơn phải bồi thường thiệt hại là 22.700.000.000 đồng, gồm các khoản: 100.000.000 đồng là tiền hàng hóa hư hỏng; 22.600.000.000 đồng là tiền đền bù cho bên thứ 3 theo Hợp đồng thuê tài sản ngày 07/03/2015 giữa Nguyên đơn với ông Phạm Văn G.
Ngày 21/12/2021, Bị đơn có đơn phản tố đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết các nội dung: Bị đơn được quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng hợp tác kinh doanh và không có trách nhiệm bồi thường; Nguyên đơn phải có trách nhiệm thanh toán cho Bị đơn tiền lợi nhuận, tiền thuế đất, tiền thuê đất, tiền sử dụng điện nước chưa thanh toán, tổng số tiền là 16.325.878.524 đồng. Đồng thời, Bị đơn đã nộp kèm theo các tài liệu liên quan đến yêu cầu phản tố.
Ngày 18/4/2022, Tòa án cấp sơ thẩm ban hành Thông báo số 17/2022/TB- TA yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn phản tố, yêu cầu bị đơn làm rõ nội dung trong đơn phản tố và cung cấp bổ sung các tài liệu chứng minh cho yêu cầu phản tố. Tuy nhiên, hồ sơ thể hiện các tài liệu Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu bổ sung Bị đơn đã giao nộp cùng đơn phản tố được lưu trong hồ sơ vụ án và Tòa án cấp sơ thẩm chưa tống đạt hợp lệ Thông báo số 17/2022/TB-TA cho Bị đơn.
Ngày 16/6/2022 và ngày 20/7/2022, Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải.
Khoản 4 Điều 72 BLTTDS quy định về quyền và nghĩa vụ của Bị đơn: “4. Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn.”.
Khoản 3 Điều 200 BLTTDS quy định về quyền yêu cầu phản tố của Bị đơn: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chúng cứ và hòa giải.”
Như vậy, các nội dung trong yêu cầu phản tố của Bị đơn liên quan đến Hợp đồng hợp tác kinh doanh và đơn yêu cầu phản tố của Bị đơn đưa ra trước thời điểm Tòa án mở phiên họp giao nộp tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải là phù hợp với các quy định của BLTTDS như đã nêu trên.
Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không thụ lý giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn nhưng khi tiến hành xét xử vụ án lại tuyên: Không chấp nhận yêu phản tố của bị đơn vì không đủ căn cứ, giành quyền khởi kiện cho bị đơn bằng một vụ án khác khi có yêu cầu là không phù hợp; vi phạm quy định tại Điều 200, Điều 202 BLTTDS; làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
4.2. Vi phạm trong việc đình chỉ và giải quyết hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án
Tại phiên tòa đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng trong phần Quyết định của bản án, Hội đồng xét xử chấp nhận nhưng không đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút là vi phạm quy định khoản 2 Điều 244 BLTTDS.
Các quyết định Đình chỉ không nêu hậu quả của việc đình chỉ về việc Đương sự có quyền khởi kiện lại vụ án hay không theo quy định tại Điều 218 BLTTDS; không nêu quyền kháng nghị của Viện kiểm sát.
Trên đây là một số vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án Kinh doanh thương mại về tranh chấp Hợp đồng tín dụng dẫn tới cấp trên phải hủy án hoặc sửa án. Phòng 10 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tổng hợp để bạn đọc nghiên cứu tham khảo nhằm nâng cáo chất lượng khâu công tác này.
Vân Anh – Phòng 10
Đang truy cập :
245
Tổng lượt truy cập :
1493493