Viện KSND huyện Phúc Thọ kiến nghị phòng ngừa người tâm thần phạm tội

13/02/2025 16:35 | 426 | 0

        Thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân theo qui định của pháp luật; Thông qua công tác Thực hành quyền công tố và Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Phúc Thọ, Viện KSND huyện Phúc Thọ nhận thấy: 

        Trong thời gian vừa qua, Công an huyện Phúc Thọ đã tăng cường triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tai nạn, tệ nạn xã hội, bảo đảm tốt an ninh trật tự trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, gần đây trên địa bàn huyện xuất hiện việc người bị tâm thần thực hiện hành vi phạm tội điển hình như:

        Vụ việc xảy ra vào khoảng 15 giờ 30 phút, ngày 16/11/2024, cháu Nguyễn.Đ.K (sinh ngày 25/10/2019) là con đẻ của anh Nguyễn.T.B và chị Nguyễn.T.H, cư trú tại: xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, ra ngoài cổng chơi cùng với cháu Lê.A.K (sinh ngày 18/11/2014) là con đẻ của anh Lê.V.T và chị Kiều.T.Y (là hàng xóm sát nhà nhau). Trong lúc hai cháu chơi đùa với nhau, không có người lớn trông coi, cháu A.K đã dùng chiếc bay xây dựng bằng kim loại, vẫn còn dính vữa xi măng cát đánh vào vùng trán bên trái cháu Đ.K gây thương tích. Khi thấy cháu Đ.K khóc, thì người dân ở gần đó đến đưa cháu Đ.K về nhà, lau rửa vết thương, thấy vết thương không nghiêm trọng nên gia đình chỉ dán một chiếc băng urgo, không đưa cháu đến cơ sở y tế nào thăm khám. Tối ngày 16/11/2024, cháu Đ.K vẫn ăn, uống sinh hoạt bình thường cùng gia đình; đến khoảng 05 giờ 30 phút ngày 17/11/2024, cháu Đ.K khóc, buồn nôn và có biểu hiện mất ý thức, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ cấp cứu, đến khoảng 07 giờ cùng ngày thì cháu tử vong.  

        Quá trình giải quyết vụ việc, xác định cháu A.K có tiền sử bệnh lý chậm phát triển tâm thần nặng, đã được gia đình đưa đi điều trị tại nhiều cơ sở y tế nhưng chưa khỏi bệnh, cháu được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng từ ngày 01/11/2021 đến nay. Xác định cháu Nguyễn. A. K là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây thương tích dẫn đến nạn nhân tử vong, nhưng do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; nên Cơ quan điều tra ra quyết định Không khởi tố vụ án hình sự theo quy định.

        Nhận thấy, việc phòng ngừa người tâm thần gây án là một vấn đề phức tạp, khó khăn, họ có thể hành động mất kiểm soát bất cứ lúc nào gây hậu quả nghiệm trọng, rất nghiêm trọng cho xã hội, nhiều khi là án mạng.  

        Tình trạng hiện nay số người bị rối loạn tâm thần, thiểu năng trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng và nếu không được phát hiện kịp thời, sớm điều trị, có giải pháp quản lý tốt, sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề cho chính bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.

        Thực tiễn, nhiều người có vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nhưng không phải người bệnh nào cũng được quan tâm chăm sóc và điều trị cho bệnh khỏi dứt điểm; nhiều trường hợp, người bệnh đã được đưa đến các cơ sở chuyên môn chữa trị nhưng do nhiều lý do khác nhau, gia đình bỏ điều trị giữa chừng, tự đưa về nhà tự chăm sóc, điều trị, tình trạng bệnh trở nên nặng, người bệnh không kiểm soát được hành vi tiềm ẩn những hệ lụy khó lường. Chính vì vậy, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất xảy ra các vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật, phạm tội, nhất là các vụ trọng án mà đối tượng là người có tiền sử bệnh tâm thần gây ra. Do đó, cần trách nhiệm của gia đình, cá nhân, tổ chức và sự chung tay của toàn xã hội, để công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm do người bị tâm thần gây ra, Viện KSND huyện Phúc Thọ đã ban hành kiến nghị số 03/KN-VKSPT ngày 10/02/2025 kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ, Công an huyện Phúc Thọ, Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an các xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ các nội dung sau:

        - Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức, hiểu biết về vấn đề này, vận động các gia đình khi thấy người thân có dấu hiệu bệnh tâm thần hoặc khi tái phát bệnh cần sớm đưa người bệnh đi khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa, không tự điều trị tại nhà hoặc tìm đến thầy lang, thầy cúng, thầy bói; Khi người bệnh được điều trị ổn định ra viện, cần tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của cơ sở chuyên môn và đưa bệnh nhân đi tái khám định kỳ, đúng hẹn; Thường xuyên quan tâm, theo dõi hành vi, cử chỉ, biểu hiện của người tâm thần, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường để có biện pháp ngăn chặn hành vi tiêu cực, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

        - Rà soát, xác định các trường hợp mắc bệnh tâm thần, thiểu năng trí tuệ đang ở tại địa phương, tuyên truyền, vận động gia đình hoặc đề xuất giải pháp đưa người bệnh vào điều trị tại các cơ sở chữa bệnh chuyên khoa; Quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ gia đình bệnh nhân có khó khăn trong chữa bệnh, hòa nhập cộng đồng.

        - Có biện pháp hữu hiệu trong công tác quản lý, phòng ngừa đối tượng bị tâm thần, tuyên truyền sâu rộng về các hành vi, các nguy cơ có thể do hành vi của người tâm thần gây ra, để người dân biết và chủ động phòng ngừa.

        - Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn cho những người thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với người bệnh, nâng cao kỹ năng quản lý, chăm sóc, phòng ngừa những tình huống có thể xảy ra do người tâm thần thực hiện.

        - Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cùng với gia đình người bệnh có giải pháp, quản lý đối tượng bị tâm thần một cách hữu hiệu, tránh để người bệnh sử dụng công cụ nguy hiểm gây hậu quả cho xã hội./.

                                      Khuất Thu Hương - Viện  KSND huyện Phúc Thọ 

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 252

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1493502