Viện KSND quận Thanh Xuân kiến nghị phòng ngừa về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

24/01/2025 18:30 | 82 | 0

        Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 21/CT -TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trên địa bàn quận Thanh Xuân nói riêng và địa bàn thành phố Hà Nội nói chung đã tiến hành nhiều biện pháp tuyên truyển phổ biến và đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, trên địa bàn quận Thanh Xuân vẫn xảy ra một số vụ lừa đảo với chiêu thức đăng tin sai sự thật “Cuộc thi đạp xe dành cho trẻ em” qua mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo rồi câu kéo, dẫn dụ phụ huynh tham gia các nhóm chat mua hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con dự tuyển nhưng sau đó bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra nhiều hệ luỵ, làm mất an ninh, trật tự và ảnh hưởng xấu đến an ninh của ngành văn hoá, thể thao và du lịch, cụ thể vụ việc:

        Ngày 21/11/2024, chị Nguyễn Thị Thu Oanh (Sinh năm 1981, Trú tại: H10, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) đang sử dụng tài khoản Facebook thì nhận được tin nhắn từ tài khoản Messenger “Cuộc thi đạp xe dành cho trẻ em 2024” với nội dung hướng dẫn đăng ký tham gia phong trào đạp xe thể thao. Do chị Oanh có nhu cầu muốn đăng ký cho con tham gia nên đã làm theo hướng dẫn bằng cách đăng ký tài khoản Telegram qua số điện thoại 0988913964 của chị Oanh. Sau đó tài khoản Telegram của chị Oanh vừa lập được thêm vào nhóm chat “190882: Nhóm xét duyệt chính thức cuộc thi đạp xe trực tuyến trẻ em”. Tại đây, các đối tượng lừa đảo đã hướng dẫn chị Oanh đặt và thanh toán tiền mua sản phẩm (xe đạp) thì mới được xét duyệt tham gia cuộc thi đạp xe thể thao, số tiền mua sản phẩm được chuyển vào tài khoản 90935789, chủ tài khoản CONG TY TNHH THUONG MAI DV XNK DAU TU TUAN MINH, mở tại ngân hàng MBBANK. Việc đặt mua sản phẩm sẽ được hoàn trả lại tiền theo cam kết, nhẹ dạ cả tin và mong muốn cho con được tham gia nên chị Oanh đã làm theo hướng dẫn và chuyển khoản đến số tài khoản trên để đặt sản phẩm. Cụ thể trong 03 lần giao dịch đầu gồm số tiền 650.000 đồng, 2.550.000 đồng, 2.550.000 đồng thì đều được hoàn trả lại, 02 lần giao dịch tiếp theo gồm số tiền 8.500.000 đồng, 31.790.000 đồng, chị Oanh không thấy được hoàn lại tiền. Nghi ngờ mình đã bị lừa nên chị Oanh nhắn tin lên nhóm Telegram yêu cầu hoàn tiền nếu không sẽ trình báo đến Công an thì các đối tượng lừa đảo tiếp tục “dẫn dụ” chị rằng đang hỗ trợ để làm thủ tục hoàn lại tiền và yêu cầu chị Oanh chuyển thêm 80.580.000 đồng và sẽ được hoàn lại toàn bộ số tiền đã chuyển. Sau đó có một thành viên trong nhóm Telegram (thực chất là người nằm trong đường dây của các đối tượng lừa đảo) nhắn tin đã được hoàn trả tiền nên chị Oanh tin tưởng và tiếp tục chuyển số tiền 80.580.000 đồng đến số tài khoản trên. Tuy nhiên, chuyển khoản xong chị Oanh vẫn chưa nhận lại được tiền như cam kết. Biết bản thân mình đã bị các đối tượng lừa đảo nên chị Oanh đã đến Cơ quan Công an để trình báo nội dung vụ việc.

        Viện KSND quận Thanh Xuân nhận thấy thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: nhóm lừa đảo sẽ đăng quảng cáo trên các website, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram, Instagram về việc “Thử thách đạp xe dành cho trẻ em”.

        Sau đó, các đối tượng sẽ lập nhóm chat Telegram với các bậc phụ huynh có con nhỏ và mời họ cho con tham gia cuộc thi. Sau khi phụ huynh có con nhỏ đồng ý tham gia, nhóm lừa đảo sẽ đưa họ vào một group chat và mời các cha mẹ tham gia trở thành cộng tác viên online dưới hình thức mua sắm các sản phẩm của sàn thương mại điện tử để hưởng hoa hồng và tăng khả năng trúng tuyển của con mình.

        Nhiệm vụ của các phụ huynh là làm nhiệm vụ mua sản phẩm với số tiền tăng dần và lừa các phụ huynh chuyển tiền mua sản phẩm vào tài khoản của nhóm lừa đảo. Để tạo niềm tin với các phụ huynh, nhóm lừa đảo đưa ra hứa hẹn sẽ trả lại tiền gốc mua hàng và trả hoa hồng tiền mua hàng từ 10 - 15%. Sau một, hai lần trả hoa hồng và tiền làm nhiệm vụ đầy đủ vào tài khoản của các phụ huynh, đến khi số tiền mà các bậc phụ huynh mua hàng từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, các đối tượng sẽ ngắt kết nối, xóa "cộng tác viên online" ra khỏi các group chat.

        Nguyên nhân chủ yếu là do một số bộ phận người dân có tâm lý hám lời, ý thức bảo vệ tài sản, bảo mật thông tin cá nhân còn hạn chế; Công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức thủ đoạn, hậu quả của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa cao, chưa phù hợp với phương thức, thủ đoạn  hoạt động lừa đảo mới; công tác phối hợp giữa các ngành còn chưa hiệu quả…

        Để tiếp tục nâng cao bảo đảm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận Thanh Xuân. Đồng thời phối hợp thực hiện Công điện số 139/CĐ-Tg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch. Viện KSND quận Thanh Xuân kiến nghị Phòng Văn hóa Thông tin quận Thanh Xuân áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật như: Thường xuyên tiến hành đăng thông tin thủ đoạn, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên cổng thông tin điện tử và báo chí của Phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Xuân để thông báo cho người dân biết;  Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền đến người dân sinh sống trên địa bàn quận Thanh Xuân trong các cuộc họp tổ dân phố,...về việc người dân cần cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện và tích cực tham gia đấu tranh với các phương thức, thủ đoạn lừa đảo khi tham gia vào các nhóm cuộc thi đạp xe trẻ em hay các cuộc thi khác; Cần kiểm chứng, xác thực thông tin chính thức từ các cuộc thi dành cho trẻ em trên không gian mạng và hạn chế gửi hình ảnh của con nhằm phòng ngừa đối tượng lợi dụng với mục đích xấu, phòng tránh các chiêu trò lừa đảo qua mạng. Đặc biệt không làm việc với nhà tuyển dụng nào mà yêu cầu ứng viên phải chuyển tiền, nộp tiền trước; Tuyệt đối không truy cập vào đường link lạ; không cung cấp thông tin chia sẻ cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu dưới bất kỳ hình thức nào; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Viber lạ…. Các tài khoản đăng tải thông tin nếu là tài khoản ảo, thông tin liên hệ không rõ ràng, không xác định được định danh thì khả năng cao đều lập ra với mục đích lừa đảo; Người dân cần tỉnh táo trước những bài đăng trên mạng, nâng cao cảnh giác, thận trọng những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, thường xuyên cập nhật kiến thức thường xuyên về các phương thức thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới mà các loại tội phạm thực hiện. Các bậc phụ huynh nên cảnh giác trước những lời hứa hẹn quá sức hấp dẫn. Phụ huynh cần phải cân nhắc khi nghe những lời mời gọi tham gia hội nhóm, thận trọng trước những lời hứa hẹn về của đối tượng lừa đảo.

        Nếu nghi ngờ có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần lập tức báo cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

        Viện KSND quận Thanh Xuân xác định việc ban hành kiến nghị phòng ngừa sẽ góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Vân Giang – Viện KSND Quận Thanh Xuân

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 248

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1493496