Trẻ em là đối tượng được chính sách pháp luật Việt Nam quan tâm, bảo vệ. Bởi lẽ đây là đối tượng yếu thế, chưa hoàn thiện về tâm sinh lý, chưa hoặc ít có khả năng tự bảo vệ bản thân trước sự tác động, tấn công của tội phạm, đặc biệt là nhóm tội phạm xâm hại tình dục.
Tình hình tội phạm trên địa bàn
Trên địa bàn huyện Thanh Oai trong thời gian gần đây, nhóm tội xâm phạm tình dục trẻ em có dấu hiệu tăng với tính chất, diễn biến phức tạp. Mối quan hệ của nạn nhân và đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ngày càng đa dạng: quan hệ quen biết yêu đương qua mạng xã hội; quan hệ thầy trò; hàng xóm,…Với các thủ đoạn dụ dỗ, cưỡng ép, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, các đối tượng không chỉ gây ra các ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tính mạng, danh dự, nhân phẩm mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy về tinh thần, sự phát triển tâm sinh lý của nạn nhân. Gây bức xúc, hoang mang dư luận và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.
Từ ngày 01/12/2023 đến 30/11/2024, Cơ quan CSĐT – Công an huyện Thanh Oai đã khởi tố, điều tra đối với 05 vụ/05 bị can phạm các tội liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Tập trung chủ yếu vào các tội danh: Dâm ô với người dưới 16 tuổi, Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, Hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Trong đó, phần lớn nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là các bé gái có độ tuổi trung bình từ 07 đến 15 tuổi. Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thường sử dụng các thủ đoạn dụ dỗ,lôi kéo bằng vật chất, tinh thần nhằm tạo dựng niềm tin, sự ỉ lại của bị hại hoặc uy hiếp, đe dọa khiến bị hại tê liệt ý chí phản kháng.Việc thực hành vi phạm tội thường diễn ra khu vực vắng vẻ hoặc trong không gian kín, khó xuất hiện nhân chứng. Bên cạnh đó, do tâm lý xấu hổ của cha mẹ hoặc nhận thức chưa đầy đủ của bị hại, việc trình báo cơ quan chức năng để giải quyết thường bị chậm muộn, bỏ lỡ cơ hội vàng để thu thập các chứng cứ vật chất có giá trị; lời khai của bị hại và đối tượng thường phát sinh mâu thuẫn, nhầm lần gây khó khăn trong hoạt động điều tra, chứng minh tội phạm.
Các vụ án điển hình
Vụ thứ nhất: Thông qua mạng xã hội Facebook, cháu Nguyễn M.A sinh ngày 16/4/2011 (chưa đủ 13 tuổi), trú tại: thôn Ninh Dương, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội quen biết và thường xuyên nhắn tin với Nguyễn H.H sinh sinh ngày 10/4/2009 (chưa đủ 16 tuổi), nơi thường trú: thôn Vũ Lăng, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai. Khoảng 23 giờ ngày 08/3/2024, H rủ M.A đi chơi, M.A đồng ý. H đi xe taxi đến nhà bà Nguyễn Thị T sinh năm 1962 (bà nội của M.A) ở thôn Ninh Dương, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai để đón M.A. Sau đó H đưa M.A đến nhà nghỉ Thanh Bình ở địa chỉ: Tổ 3, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai để thuê phòng nghỉ, rồi cùng M.A đi lên phòng số 208. Khi vào trong phòng, H đè M.A nằm ngửa trên giường rồi cởi quần của M.A ra, sau đó H tự cởi quần của mình, đeo bao cao su vào dương vật, nằm đè lên M.A rồi đưa dương vật của H vào âm hộ của M.A nhiều lần để quan hệ tình dục.
Vụ thứ hai: Các ngày 18/9/2023 và 09/10/2023, Trịnh T.H sinh năm 1964, trú tại Tổ dân phố số 1, phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội là giáo viên dậy môn Mỹ Thuật Trường Tiểu học Bình Minh A, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai đã lợi dụng việc cháu H.M sinh năm 2016 là học sinh Lớp 2A do H phụ trách dạy học đã nhiều lần hành vi dùng tay trái sờ vào bộ phận sinh dục (sờ bên ngoài qua quần lót) của cháu H.M tại khu vực để sách vở của học sinh trong lớp vào giờ ra chơi.
Vụ thứ ba: Ngày 09/12/2023, tại đường Sau Làng và Đường 427 thuộc địa phận thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Nguyễn T. C sinh năm 1988, HKTT: thôn Bạch Nao, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai lợi dụng thời gian buổi trưa, đoạn đường vắng ít người qua lại đã có hành vi đi theo một số học sinh nữ đi bộ ngang qua và dùng tay sờ vào ngực trái (vú) của 04 cháu gồm: Nguyễn P.T sinh năm 2012; Phạm B.L sinh năm 2012; Vũ T.U.N sinh năm 2009; Tạ P.T sinh năm 2009 khiến các cháu sợ hãi, không dám phản kháng.
Nhận diện nguyên nhân
- Thứ nhất, do sự phát triển bùng nổ của thời đại công nghệ số 4.0 và sự buông lỏng quản lý của gia đình, trẻ em sớm tiếp xúc với môi trường mạng xã hội trong đó có các nguồn văn hóa phẩm độc hại, gây tò mò về tâm sinh lý, giới tính khiến trẻ có suy nghĩ, tư duy lệch lạc, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ. Mặt khác tác động của những thông tin độc hại trên không gian mạng cũng dẫn đến các hành vi lệch chuẩn của người lớn đối với trẻ em (thực hiện các hành vi biến thái, đi ngược lại đạo đức, phong tục).
- Thứ hai, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về giới tính và nhận thức về pháp luật. Gia đình và nhà trường chưa quan tâm đúng mức trong việc giáo dục giới tính, tâm sinh lý, tình dục đối với trẻ em trong từng lứa tuổi. Do đó, trẻ không có kỹ năng cần thiết để nhận diện các hành vi xâm hại và ứng xử phù hợp để tự bảo vệ bản thân. Ngược lại cũng có một bộ phận trẻ vị thành niên phát triển sớm về tâm sinh lý, có lối sống phóng túng, tư duy “thoáng” về tình dục khi bản thân chưa có kỹ năng, kiến thức cần thiết dẫn đến dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lạm dụng tình dục.
- Thứ ba, hoạt động của các tổ chức, đoàn thể xã hội trong việc tuyên truyền pháp luật, các chính sách bảo vệ trẻ em, việc phát huy tinh thần tố giác tội phạm trong nhân dân chưa đi vào thực chất; việc chia sẻ, giúp đỡ trẻ em là nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục ổn định tâm sinh lý sau khi tội phạm xảy ra chưa được quan tâm. Ngoài ra, do tâm lý xấu hổ, lo ngại gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của con em mình, một số bậc phụ huynh lựa chọn che giấu, thay vì tố giác tội phạm dẫn tới tỷ lệ tội phạm ẩn trong nhóm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em luôn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
- Thứ tư, công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm xâm hại tình dục trẻ em còn chưa đảm bảo tính quyết liệt, nhanh chóng, nghiêm khắc, không đảm bảo tính răn đe, giáo dục đối với người thực hiện hành vi vi phạm,tội phạm liên quan.
Các Giải pháp phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Để kiềm chế, giảm thiểu vi phạm,tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn trong thời gian tới, ngày 22/11/2024, Viện KSND huyện Thanh Oai đã ban hành kiến nghị số 14/KN-VKS đề nghị Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả một số giải pháp phòng ngừa sau:
Thứ nhất, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Oai thực hiện nghiêm túc Luật trẻ em năm 2016; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 “về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Thứ hai, chỉ đạo Phòng giáo dục và đào tạo huyện phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quán triệt các trường học trên địa bàn kết hợp gia đình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức giới tính, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng về phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh; Tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt đội, chi đoàn để thông báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, các mối nguy hiểm và các điều kiện, khả năng, hoàn cảnh dễ dẫn đến trẻ em bị xâm hại, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về bình đẳng: giới, quyền phụ nữ và trẻ em thông qua việc tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ mình cho các em gái trước loại tội phạm xâm hại tình dục. Tránh tiếp xúc với người lạ khi không có người thân bên cạnh; không nhận quà, tiền từ người lạ, người quen khi chưa được sự đồng ý của cha mẹ, người thân; không để trẻ em vui chơi một mình tại nơi vắng người qua lại; Hạn chế việc cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh, kiểm soát việc sử dụng điện thoại của trẻ, không để trẻ làm quen với người lạ trên không gian mạng, dễ dẫn đến bị lợi dụng, dụ dỗ xâm hại; trang bị kiến thức tâm, sinh lý cho trẻ em đang trong độ tuổi phát triển về mặt thể chất; cho trẻ biết sự nguy hiểm khi có người lạ đụng chạm cơ thể và cần báo ngay cho cha mẹ, người thân hoặc la lớn kêu cứu; Không ăn mặc hở hang, không gần gũi quá mức với người lạ, kể cả họ hàng quen biết.
Tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt cộng đồng bổ ích với nhiều hình thức hấp dẫn, thu hút giới trẻ nhằm hướng giới trẻ đến lối sống lành mạnh, khoa học, tích cực, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội.
Thứ ba, chỉ đạo Đài phát thanh, Trung tâm Văn hóa - Thể dục - Thể thao huyện có biện pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về việc quản lý kiểm duyệt thông tin trên không gian mạng làm giảm thiểu các nguồn văn hóa phẩm độc hại. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là các phụ huynh học sinh về hậu quả nghiêm trọng của loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Tuyên truyền để người dân biết về hoạt động Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 111. Vận động, phát huy tinh thần toàn dân tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Xây dựng cộng đồng đoàn kết, yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ trẻ em là nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục phục hồi sức khỏe, tinh thần.
Thứ tư,chỉ đạo sát sao Công an huyện và các Công an xã, thị trấn kịp thời tiếp nhận, xử lý giải quyết các tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố và các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm tình dục trẻ em. Đảm bảo bảo vệ bí mật đời tư người tố giác và bị hại trong vụ án, vụ việc. Yêu cầu các cơ quan tố tụng bám sát tiến độ, giải quyết vụ án, vụ việc, không để xảy ra bức xúc trong dư luận kéo dài. Đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thể khác trong công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật hình sự liên quan đế các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Thứ năm, chỉ đạo UBND xã, thị trấn cần tăng cường công tác quản lý hộ tịch; quản lý chặt chẽ việc kết hôn, đăng ký kết hôn nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp tảo hôn để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Thị Hồng Phúc - Viện KSND huyện Thanh Oai
Đang truy cập :
243
Tổng lượt truy cập :
1493490