Quan điểm về tội tham ô tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

21/01/2025 10:35 | 147 | 0

        Trong những năm gần đây, cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, xu thế kinh doanh trực tuyến trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội đang ngày càng nở rộ, từ đó nghề nhân viên giao hàng (shipper) cũng phát triển và hành vi phạm tội mới liên quan tới nhân viên giao hàng có xu hướng gia tăng ngày càng nhanh, cụ thể là trường hợp nhân viên được giao nhiệm vụ đi giao hàng, thu tiền của khách hàng (phương thức thu COD) nhưng không nộp tiền hàng cho công ty mà sử dụng tiêu xài cá nhân hết. Việc xác định tội danh trong trường hợp này vẫn còn có sự chưa thống nhất quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn tới việc có đơn vị truy tố, xét xử hành vi trên về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự, có đơn vị lại truy tố, xét xử về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự. Đặc biệt kể từ khi Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 thì tình trạng chưa thống nhất về quan điểm xác định tội danh đối với trường hợp trên càng phổ biến.

        Nhìn nhận từ vụ án thực tế:

        Vụ thứ nhất: Ngày 01/11/2022, Nguyễn Minh Đ ký hợp đồng lao động (không xác định thời hạn) với Công ty TNHH một thành viên chuyển phát nhanh T.P và được phân công đến làm việc tại Bưu cục J&T ở huyện T. Theo hợp đồng, Đ có nhiệm vụ: Làm tất cả công việc lãnh đạo giao; Đ được công ty trả lương, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngay khi ký hợp đồng lao động. Hàng ngày, Đ nhận các đơn hàng vận chuyển đến một số khu vực thuộc huyện T để giao cho khách và thu tiền COD của khách. Cuối ngày, Đ mang tiền về bưu cục để nộp lại cho công ty. Ngày 08/02/2023, Đ được chị Hứa Thị L (quản lý của bưu cục J&T) giao vận chuyển 52 đơn hàng có thu COD, Đ đã giao hàng và xác nhận trên hệ thống là đã giao hàng và thu tiền COD thành công 52 đơn hàng với tổng số tiền 225.939.752 đồng. Sau đó, Đ không nộp tiền về Công ty theo quy định mà tự ý nghỉ việc và chiếm đoạt số tiền trên.

        Vụ thứ hai: Lê Duy H ký hợp đồng dịch vụ với công ty GHN, nhiệm vụ của H là giao hàng và không được công ty đóng các loại bảo hiểm; H không được nhận lương cố định của công ty mà nhận “Phí dịch vụ” phần trăm trên số tiền COD đã thu được của khách. Hợp đồng giữa H và Công ty GHN quy định: “Hợp đồng này không tạo ra quan hệ lao động, quan hệ hợp tác kinh doanh, liên doanh hay hợp danh”. H được giao nhiệm vụ là nhân viên giao hàng tại bưu cục ở quận L. Hàng ngày, H nhận lệnh từ công ty khi có khách và thu tiền của khách nộp lại cho anh Nguyễn Tiến S (Trưởng bưu cục nơi H làm việc). Ngày 21/7/2022, H nhận 24 đơn hàng từ Bưu cục, giao thành công 19 đơn hàng và thu được số tiền 172.539.602 đồng. Còn lại 05 đơn hàng chưa giao được, H đã bàn giao lại cho kho của Bưu cục. Sau đó, H chỉ nộp cho anh S số tiền 30.000.000 đồng, còn lại 142.539.602 đồng H tiêu xài cá nhân hết.

        Về việc xác định tội danh đối với những trường hợp trên, hiện có hai nhóm quan điểm như sau:

        Quan điểm thứ nhất: Người giao hàng được giao quản lý số tiền thu được sau khi giao hàng thành công nhưng không nộp tiền về cho công ty mà chiếm đoạt số tiền đó thì phạm tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, đối chiếu với quy định tại Khoản 2 Điều 352 Bộ luật hình sự, các shipper là người có chức vụ do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giải thích trường hợp “do một hình thức khác” nêu trên là trường hợp không phải do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó. Theo đó, các shipper được công ty giao thực hiện nhiệm vụ giao hàng cho khách sau đó thu tiền hàng của khách và có quyền quản lý số tiền hàng nói trên trong khi thực hiện việc giao hàng; việc các shipper chiếm đoạt số tiền mà mình có trách nhiệm quản lý thì cấu thành tội Tham ô tài sản.

        Đồng thời, tại mục 5 Thông báo số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử đã giải đáp theo hướng cho rằng các trường hợp tương tự như trên thì phạm tội “Tham ô tài sản”: “Bị cáo là người được giao thực hiện nhiệm vụ thu tiền của khách, có trách nhiệm và trực tiếp quản lý tiền cước điện thoại, tiền cước viễn thông thu được. Bị cáo đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, sau khi thu được tiền của khách hàng, bị cáo không nộp về công ty mà chiếm đoạt số tiền này. Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 352, Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 và hướng dẫn tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì hành vi của bị cáo phạm tội ‘Tham ô tài sản’”.

        Quan điểm thứ hai (Cũng là quan điểm của nhóm tác giả): Hai vụ án trên tuy có phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội giống nhau nhưng không phải cứ có phương thức, thủ đoạn như vậy là mặc nhiên phạm tội “Tham ô tài sản”, thay vào đó các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xem xét cụ thể bản chất mối quan hệ hợp đồng giữa các đối tượng và công ty để phân định trường hợp nào phạm tội “Tham ô tài sản” theo Điều 353 Bộ luật hình sự, trường hợp nào phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật hình sự. Cụ thể:

        - Trường hợp vụ án thứ nhất, Nguyễn Minh Đ được ký hợp đồng lao động với công ty T.P, từ đó phát sinh quan hệ lao động, Đ được công ty T.P trả lương, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngay khi ký hợp đồng lao động; có quyền lợi và nghĩa vụ ràng buộc nhau khi các bên thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng. Như vậy căn cứ theo khoản 2 Điều 352, Điều 353 Bộ luật hình sự và Hướng dẫn tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và theo cách lý giải của quan điểm thứ nhất thì hành vi của Đ có dấu hiệu tội “Tham ô tài sản”, do hình thức giao kết hợp đồng giữa Đ và công ty T.P ghi nhận sự ràng buộc trách nhiệm giữa các bên, quyết định trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia.

        - Trường hợp vụ án thứ hai, do Lê Duy H không ký hợp đồng lao động mà chỉ ký hợp đồng dịch vụ với công ty GHN để làm dịch vụ giao hàng mà không được công ty GHN đóng các loại bảo hiểm; tiền công lao động mà H nhận của công ty không phải là tiền lương mà là khoản “Phí dịch vụ” phần trăm trên số tiền COD đã thu được của khách. Hợp đồng dịch vụ giữa H và Công ty GHN cũng có điều khoản nêu rõ: “Hợp đồng này không tạo ra quan hệ lao động, quan hệ hợp tác kinh doanh, liên doanh hay hợp danh”, do đó H không được coi là người lao động của công ty GHN mà chỉ được thuê để thực hiện dịch vụ giao hàng và thu tiền theo nhu cầu công việc của công ty GHN. Việc H thu tiền của khách hàng sau đó chiếm đoạt tiền không nộp về công ty thuộc trường hợp “nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt...” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự, vì vậy xử lý Lê Duy H về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là phù hợp.

        Như vậy, theo nhóm tác giả, không phải mọi hành vi của người giao hàng chiếm đoạt tiền giao hàng do mình quản lý đều quy về tội “Tham ô tài sản” hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” mà cần phải xem xét loại hình và nội dung hợp đồng giữa người giao hàng và công ty, người giao hàng có được coi là người lao động của công ty và được công ty đóng các loại bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp) không... Trường hợp có phát sinh quan hệ lao động, người giao hàng được coi là người có chức vụ “do một hình thức khác”, và nếu người đó chiếm đoạt tiền giao hàng do mình có trách nhiệm quản lý thì phạm tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự. Trường hợp không phát sinh quan hệ lao động, người giao hàng nhận được tài sản bằng hình thức hợp đồng rồi chiếm đoạt thì phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự.

        Trên đây là quan điểm của tác giả liên quan đến việc xác định tội danh trong trường hợp người giao hàng chiếm đoạt tiền hàng của khách thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Rất mong nhận được sự trao đổi, bổ sung của các đồng nghiệp./.

Phạm Hoàng Lan Phương, Đặng Thị Kiều Diễm, Nguyễn Mai Linh – Phòng 7

 

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 255

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1493507