Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm đối với người dưới 18 tuổi trên địa bàn huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội

30/12/2024 16:06 | 75 | 0

        Trong thời gian qua tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi trên địa bàn huyện Quốc Oai đang có chiều hướng gia tăng so với năm 2023 cả về số vụ, số đối tượng và số tội danh, trong đó nổi lên là tội Gây rối trật tự công cộng. Đây là một vấn đề đáng lo ngại, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện bởi hình thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng ngày càng liều lĩnh, manh động và nguy hiểm. Nhiều vụ án xảy ra để lại hậu quả đáng tiếc không chỉ cho bản thân các đối tượng mà còn cho cả gia đình, nhà trường và xã hội.

        Theo thống kê trong năm 2024, trên địa bàn huyện đã xảy ra 10 vụ án liên quan đến 54 đối tượng là người dưới 18 tuổi. Các hành vi phạm tội chủ yếu như Cố ý gây thương tích, Cướp tài sản, Gây rối trật tự công cộng… các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chủ yếu là học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện Quốc Oai và các địa bàn lân cận như Hoài Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng... Điển hình là các vụ, việc sau:

        Ngày 09/8/2024, Viện kiểm sát nhân dân huyện Quốc Oai đã truy tố 16 bị can gồm Phùng Khắc Đ, sinh ngày 11/01/2007 cùng 15 bị can khác về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điểm b khoản 2 Điều 318 Bộ Luật hình sự. Theo hồ sơ vụ án thể hiện chỉ vì mâu thuẫn nhỏ xuất phát từ vụ việc nhóm của Phùng Khắc Đ bị nhóm của anh Nguyễn Viết Quyết Đ đuổi, trêu đùa vào tối ngày 15/11/2023 tại khu vực bùng binh cá heo - khu du lịch Tuần Châu, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai mà Phùng Khắc Đ đã rủ rê, lôi kéo 17 đối tượng khác đi trên 10 xe máy và mang theo các hung khí là gậy ba khúc bằng kim loại, kiếm, dao phớ, dao bầu, các cục bê tông đến sân Chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai để đánh và đập phá tài sản của anh Nguyễn Viết Quyết Đ cùng 04 người bạn của mình đang chơi tại sân chùa.

        Ngày 17/12/2024, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Quốc Oai đã ra Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Viết Quyết Đ, sinh ngày 24/4/2007 và 11 đối tượng khác về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Ngoài ra còn có 03 đối tượng là người dưới 16 tuổi nên chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo báo cáo của Tổ công tác 141H- Y38 Công an huyện Quốc Oai về việc trong ca tuần tra lưu động trong thời gian từ 20 giờ đến 24 giờ ngày 15/12/2024, Tổ công tác đã phát hiện một nhóm đối tượng đi trên 06 xe máy (có xe đeo BKS hoặc có xe không đeo BKS) đi trên tuyến đường Phủ Quốc và đường Phố huyện thuộc thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, quá trình di chuyển các đối tượng này đã có hành vi lạng lách, đánh võng, đi với tốc độ cao, nẹt pô, bấm còi inh ỏi để trêu đùa, thách thức Tổ công tác 141H- Y38 - Công an huyện Quốc Oai nhiều lần. Tổ công tác đã báo cáo vụ việc với lãnh đạo Cơ quan CSĐT để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Bằng các biện pháp nghiệp vụ Cơ quan CSĐT đã xác định và bắt giữ Nguyễn Viết Quyết Đ cùng 14 đối tượng khác. Hành vi nêu trên của Nguyễn Viết Quyết Đ và đồng phạm đã gây mất an ninh trật tự và gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường mà Nguyễn Viết Quyết Đ cùng đồng phạm đi qua…

        Qua các vụ việc nêu trên cho thấy thủ đoạn phạm tội của các đối tượng rất manh động, bồng bột, thiếu suy nghĩ và có sự tính toán, chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội.

Các đối tượng chưa thành niên thực hiện hành vi Gây rối trật tự công cộng

        Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội nêu trên xuất phát từ việc các đối tượng đều ở độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi và dưới 16 tuổi nên thiếu hiểu biết pháp luật, không lường trước được hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra. Ngoài ra, một số đối tượng do ham chơi, đua đòi, mong muốn thể hiện bản thân bằng việc đánh chém, đập phá tài sản của người khác cùng độ tuổi của mình để chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội nhằm khoe chiến tích với bạn bè là mình đã đánh được nhóm bạn ở xã khác, huyện khác, nên các đối tượng này dễ bị đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo, trong đó có nhiều em bị dụ dỗ phạm tội hay gián tiếp phạm tội mà không biết mình đã vi phạm pháp luật. Ngoài nguyên nhân trên còn một số lý do khách quan khác là do sự quan tâm, giáo dục con cái của các bậc phụ huynh chưa thật sự được chú trọng. Việc phối hợp giữa xã hội, nhà trường và gia đình để nắm bắt tâm tư tình cảm của người chưa thành niên để kịp thời uốn nắn, phòng ngừa sai phạm chưa cao; sự tác động tiêu cực của văn hóa phẩm độc hại, nhất là sự ảnh hưởng từ lối sống, cách hành xử bạo lực được đăng tải tràn lan, thiếu kiểm soát trên mạng Internet trong thời gian qua cũng tác động trực tiếp đến một bộ phận không nhỏ người dưới 18 tuổi…Từ đó dẫn tới việc các em hình thành lối sống tự do, buông thả, lười biếng, bỏ học, thích hưởng thụ, dễ bị bạn bè xấu lôi kéo, sa ngã vào tệ nạn xã hội, phạm tội.

        Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm đối với người dưới 18 tuổi trên địa bàn huyện Quốc Oai trong năm 2025, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau:

        - Tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dưới 18 tuổi và các tầng lớp nhân dân. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng, miền, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người chưa thành niên và giúp các tầng lớp nhân dân hiểu được tâm lý người chưa thành niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm do người chưa thành niên gây ra. Trọng tâm của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là các đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao như: Đối tượng là người bỏ học sớm; sinh sống trong các gia đình có bố mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội, bố mẹ thường xuyên đánh đập, cãi chửi nhau hoặc bố mẹ là chủ lô đề, cờ bạc...đây là những đối tượng rất dễ vi phạm pháp luật do bị tác động bởi hoàn cảnh.

        - Cần đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đối với các em học sinh, chú trọng giáo dục đạo đức, pháp luật và kỹ năng sống để các em phát triển toàn diện, không chỉ nhận thức được những kiến thức khoa học mà còn có nhận thức pháp luật đúng đắn để vận dụng, ứng xử khi giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong trường học hoặc trong cuộc sống hằng ngày một cách nhân văn, đúng pháp luật.

        - Mỗi gia đình phải đẩy mạnh giáo dục, quản lý con em mình, bởi gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân. Gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của chính con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, sai trái của các con; quản lý chặt chẽ và định hướng cho con em mình trong việc sử dụng điện thoại thông minh có sử dụng mạng Internet, các nền tảng mạng xã hội để tạo cho con em mình một môi trường học tập tốt, tiếp thu trao đổi các kiến thức khoa học, pháp luật, văn hóa phẩm lành mạnh. Tránh để xảy ra tình trạng các em sử dụng mạng xã hội để tụ tập, lôi kéo nhau cùng thực hiện hành vi đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng hoặc bị các đối tượng xấu lợi dụng, rủ rê, lôi kéo đi phục vụ tại các quán karaoke, khu vui chơi, giải trí trí không lành mạnh…

        - Nhà trường cần tổ chức các biện pháp quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thầy, cô giáo trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với gia đình trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý, giáo dục các em phát triển toàn diện; nhà trường và gia đình cần cấm tuyệt đối và có các biện pháp xử lý triệt để đối với các em học sinh đi xe mô tô trên 50 phân khối đến trường học, tránh tình trạng các em sử dụng xe mô tô mà mình được giao để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như lạng lách, đánh võng, đua xe hoặc sử dụng xe mô tô của mình để làm công cụ, phương tiện phạm tội…

        - Các cơ quan: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án và các Phòng, Ban của huyện: Phòng Tư pháp, Đoàn Thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ; Trung tâm văn hóa, thông tin… cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng là học sinh, trẻ vị thành niên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho các đối tượng này.

        - Công an các xã, thị trấn cũng như các đội nghiệp vụ thuộc Công an huyện Quốc Oai cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý xã hội đối với các đối tượng có nguy cơ cao và các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn huyện; xây dựng và phát triển các mô hình phòng chống tội phạm như: Tổ an ninh tự quản; tăng cường lắp đặt camera tại các điểm giao thông, khu vực dân cư ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện...

Đàm Văn Dũng - Viện KSND huyện Quốc Oai

 

 

 

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 31

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1463776