Hiện nay trên mạng xã hội Facebook, Tiktok đang có trào lưu về việc sử dụng vũ lực, khống chế người đi đường và dùng dao, kiếm… chặt biển số xe máy, khoe chiến tích, nên nhiều các thanh niên thường tìm các thanh niên cùng lứa tuổi với mình đi xe máy có biển số khác ký hiệu khu vực mình đang sống để đăng lên mạng xã hội với ý nghĩa thể hiện bản thân, để phô trương sức mạnh, gây ấn tượng với các nhóm thanh niên khác, thể hiện mình là người có số có má, đẳng cấp lấy được biển số của các thanh niên ở khu vực khác và tự khoe mình là “ Tóp 1 máy chém”, “Thợ săn biển” và “ sát nhân hàng loạt” khi “chém bay màu các boy phố khác” “P3” chém “V1”, “U1” chặt đẹp “B1”, hay thách thức nhau “ Bọn 20 đâu sang chặt hộ bố cái biển” … Trào lưu này đang lan truyền trên mạng xã hội, mà các đối tượng thực hiện hành vi chưa có nhận thức dúng đắn về việc sẽ phải chịu hình phạt như thế nào?
Hình ảnh trên mạng xã hội
Xung quanh vụ việc này có rất nhiều quan điểm về việc xác định tội danh đối với các hành vi nêu trên như:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: nên xem xét xử lý về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" theo Điều 178 Bộ luật Hình sự. Hành vi chặt biển số xe có thể gây thiệt hại tài sản, như làm hỏng phần nhựa (chắn bùn xe máy) và đó là căn cứ để xử lý về tội này (nếu đủ căn cứ định lượng tài sản).
Quan điểm thứ hai cho rằng: nên xem xét xử lý về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự. Do quá trình di chuyển đi tìm biển số các thanh niên thường cầm theo phóng lợn, tuýp săt, vỏ chai tuần hành trên đường, hò hét, nẹp bô, rú ra gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội và mục đích cuối cùng của chặt phần đuôi biển kiểm soát xe máy không phải chiếm đoạt mà là để thỏa mãn lối sống lệch lạc là để phô trương sức mạnh, gây ấn tượng, đồng thời chiếc biển số xe không được coi là tài sản.
Quan điểm thứ ba cho rằng: cần xem xét xử lý về tội “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự. Do các đối tượng đã dùng vũ lực ngay tức khắc, cầm theo dao, phóng, chai bia để đe doạ, khống chế người đi đường và chặt biển số của bị hại rồi lấy biển đem đi nơi khác chụp ảnh, dấu biển số đó đi để sưu tầm khoe mình lấy được nhiều biển số. Quan điểm này lập luận rằng tội phạm đã hoàn thành “Cướp tài sản” khi dùng vũ lực, không chế không để bị hại có khả năng phản kháng, và cặt phần đuôi xe máy có gắn biển kiểm soát (là tài sản). Không thể lập luận là mục đích cuối cùng là chỉ để phô trương thanh thế. Việc phô trương thanh thế chỉ là động cơ thức đẩy tội phạm được thực hiện. Hơn nữa xét rộng ra nhiều trường hợp “cướp tài sản người giàu để làm từ thiện” thì mục đích làm từ thiện là tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự hay sao?; cùng như tội phạm giết người, đa phần các trường hợp xét xử về giết người là phân tích từ hung khí nguy hiểm, tấn công vào vị trí trọng yếu,… để xác định cấu thành tội phạm giết người hay không rất ít trường hợp tự thâm tâm người gây án có mục đích cố ý tước đoạt tình mạng của người khác.
Quan điểm thứ tư cho rằng: cần xử lý nhóm đối tượng này theo hướng những đối tượng nào trực tiếp thực hiện việc đe doạ dùng vũ lực, hay gây thương tích cho các bị hại, chặt biển số thì xử lý về tội “Cướp tài sản” còn những đối tượng tuy thống nhất ý chí, nhưng chỉ đi cùng không trực tiếp thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vụ lực, chặt biển số thì xem xét xử lý về tội “Gây rối trật tự công cộng”, nếu khi các đối tượng chặt biển số mà người chủ quản lý chiếc xe đó không có mặt ở đó hoặc ở xa đứng nhìn không thể làm gì thì xem xét về tội; “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, trường hợp khi đe doạ bị hại để lấy biển số có đối tượng dùng chai bia, dao phóng gây thương tích cho các bị hại bằng cách đánh vào các vùng trọng yếu trên cơ thể người bị hại, hay tính quyết liệt của hành vi thì có thể xem xét đến tội “Giết người” quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự.
Đối với những quan điểm trên nhóm tác giả cho rằng, việc xem xét xử lý về tội nào cần phụ thuộc vào nội dung và diễn biến của vụ việc diễn ra, không thể có mẫu số chung khi chỉ xem xét duy nhất hành vi “chặt biển số xe” để xác định tội danh mà cần phải xem xét toàn bộ nội dung của vụ việc.
Thứ nhất, cần xem xét mục đích, ý chí của các đối tượng ban đầu khi các đối tượng rủ nhau, bàn bạc cùng nhau thực hiện hành vi như thế nào? Các đối tượng rủ nhau đi đâu? (“đi chơi”, “đi đánh nhau” hay “đi chặt biển số xe lấy mang về”).
Thứ hai, thời điểm này sinh ý định “chặt phần đuôi xe gắn biển số” như: các đối tượng rủ nhau đi chơi xong thấy người đi đường có biển số có ký hiệu khu vực khác địa phương mình đang sống rồi mới nảy sinh việc lấy biển số đó bằng cách chặn xe, lấy biển bằng cách tháo biển, bẻ biển hay các đối tượng chỉ rủ đi đánh nhau, chuẩn bị dao, phóng, vỏ chai bia đi tuần hành rồi thấy người đi đường có biển số có ký hiệu khu vực khác địa phương mình đang sống rồi mới này sinh việc lấy biển số đó bằng cách chặn xe, dùng dao chặt biển, hay biển, hay các đối tượng đã rủ nhau ngay từ đầu là đi chặt biển số để khoe lên mạng xã hội).
Thứ ba, cần xem xét về việc thực hiện hành vi của các đối tượng khi chiếm đoạt chiếc biển số như: các đối tượng chặn xe tháo biển, giật biển, bẻ biển hay các đối tượng đã chuẩn bị sẵn dao và dùng dao để chặt, quá trình chặt biển các đối tượng có gặp phải sự phản kháng của chủ sở hữu, quản lý và sử dụng chiếc xe đó không, các đối tượng đã thực hiện hành vi gì, chỉ chặt lấy biển số rồi bỏ chạy, doạ nạt, chửi bới, quát tháo, đe doạ, dùng vũ lực, đánh bị hại, dùng gì để đánh, đánh vào vùng nào, thương tích gây nên bao nhiêu %, tính quyết liệt của hành vi....
Thứ tư, xem xét về hậu quả của hành vi, các đối tượng chỉ lấy biển khiến biển rơi xuống đường rồi bỏ đi, hay các đối tượng lấy về và sưu tầm, chụp ảnh để gửi nhau, gây thương tích cho ai, có dẫn đến hậu quả gì khác không.
Như vậy, nhóm tác giả không đưa ra quan điểm đồng tình với các quan điểm nào nêu trên, mà nhóm tác giả cho rằng, hành vi “chặt phần đuôi xe có gắn biển kiểm soát” phạm vào tội nào còn phụ thuộc vào diễn biến của mỗi vụ việc, ý chí, mục đích, hậu quả của hành vi mà các đối tượng gây ra, do đó không thể chỉ dựa vào tình tiết “ chặt biển số” để đưa ra quan điểm mà cần phải nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc để đưa ra hướng giải quyết cho các vụ việc cụ thể./.
Khuất Thu Hương, Nguyễn Nguyên Ngọc - Viện KSND huyện Phúc Thọ
Đang truy cập : 249
Tổng lượt truy cập : 1441576