Ngày 1/11, VKSND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng tranh tụng và những giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên trong xét xử các vụ án hình sự. Đồng chí Đào Thịnh Cường, Viện trưởng VKSND TP Hà Nội dự và chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí là đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao tại Hà Nội; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo Tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội, cùng lãnh đạo, cán bộ, công chức, Kiểm sát viên thuộc 4 phòng nghiệp vụ khối hình sự.
Quang cảnh Hội nghị.
Hội nghị được truyền trực tuyến từ điểm cầu VKSND TP Hà Nội tới 30 điểm cầu là các đơn vị VKSND cấp huyện thuộc VKSND TP Hà Nội, nhằm giúp các Kiểm sát viên trau dồi kỹ năng, nâng cao nghiệm vụ tranh tụng tại các phiên tòa hình sự.
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về yêu cầu nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử án hình sự, trong thời gian qua, VKSND hai cấp TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, hướng tới tạo sự chuyển biến về cả chất và lượng trong tranh tụng tại phiên tòa, nhằm đảm bảo tính công bằng, dân chủ giữa người tham gia tố tụng với Viện Kiểm sát; đồng thời là căn cứ để xác định sự thật khách quan của vụ án; là cơ sở để HĐXX ra bản án đúng đắn, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Đây còn là biện pháp giúp Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng luôn giữ tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng sự thật khách quan khi đưa ra ý kiến của mình.
Đồng chí Đào Thịnh Cường, Viện trưởng VKSND TP Hà Nội dự và chủ trì Hội nghị.
Thực tiễn tại các phiên tòa hình sự cho thấy, đa số Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm chắc các chứng cứ, chuẩn bị chu đáo đề cương xét hỏi, bản luận tội, đánh giá các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; chủ động, bình tĩnh, tự tin trong đối đáp tranh luận với bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng khác, thể hiện được bản lĩnh của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, cùng HĐXX tìm ra sự thật khách quan của vụ án; đảm bảo việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hạn chế đến mức thấp nhất việc oan, sai và bỏ lọt người phạm tội.
Do đó, chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 09/CT-VKSTC ngày 6/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
Đồng chí Ngô Hồng Sơn, Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.
Tuy nhiên, vẫn còn một số Kiểm sát viên tại phiên tòa thực hiện chưa tốt chức năng, nhiệm vụ và vai trò của mình, như: còn ngại tranh luận, có thái độ né tránh khi tranh luận với luật sư, người bào chữa và bị cáo, còn lúng túng khi xử lý các tình huống phát sinh, thiếu bình tĩnh, chưa bảo vệ được quan điểm của Viện Kiểm sát.
Kiểm sát viên Phạm Tú Anh, Trưởng Phòng 7, VKSND TP Hà Nội cho rằng, để chuẩn bị tốt công tác tranh tụng tại phiên tòa, kỹ năng đầu tiên mà các Kiểm sát viên cần chú trọng là nghiên cứu kỹ hồ sơ, chủ động chuẩn bị các tình huống diễn biến tại phiên tòa, tóm gọn các ý kiến của luật sư theo từng nhóm vấn đề mà không dàn trải, lan man.
Đồng chí Đỗ Dương Toàn, Trưởng Phòng 3, VKSND TP Hà Nội phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Theo Kiểm sát viên Phạm Tú Anh, trên thực tế, kết quả tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa là kết tinh của cả một quá trình chuẩn bị từ giai đoạn trước và trong phiên tòa. Kiểm sát viên phải nắm chắc nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi tham gia phiên tòa, nghiên cứu kỹ, toàn diện hồ sơ vụ án, rèn luyện kỹ năng xây dựng các văn bản tố tụng, kỹ năng xét hỏi, đối đáp, tranh luận tại phiên tòa...
Phần tranh luận có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào việc xét hỏi công khai tại phiên tòa. Thông qua xét hỏi để xác định đầy đủ các tình tiết có ý nghĩa quan trọng trong vụ án, làm cơ sở bảo vệ quan điểm lập luận của các bên.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Tham luận tại Hội nghị, Viện trưởng VKSND thị xã Sơn Tây Nguyễn Minh Đức, cho rằng, việc xét hỏi càng đúng trọng tâm, cụ thể và chi tiết bao nhiêu thì càng củng cố cho lập luận của mình vững chắc bấy nhiêu. Phần tranh luận tại phiên tòa hình sự được xem là giai đoạn trung tâm của quá trình tranh tụng. Các chứng cứ nêu trong luận tội phải là các chứng cứ đã được xem xét, kiểm tra tại phiên tòa ở giai đoạn xét hỏi.
Việc đánh giá tính chất, mức độ tội phạm, vai trò, vị trí, trách nhiệm của bị cáo trong vụ án… phải bảo đảm chính xác. Trước khi trình bày luận tội, Kiểm sát viên phải đánh giá lại kết quả của phần xét hỏi, làm rõ nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, đối chiếu lại nội dung của cáo trạng. Kiểm sát viên phải kịp thời bổ sung những tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa vào nội dung bản luận tội để làm cơ sở đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo.
Kiểm sát viên Lê Thị Thu Nguyệt, Viện trưởng VKSND quận Đống Đa phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Thực tế tranh tụng tại phiên tòa cho thấy, bản luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa phải có tính thuyết phục, giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Trong đó, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến về luận tội của Kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình.
Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của những người tham gia tố tụng (nếu có). Nếu các ý kiến có nội dung trùng nhau thì có thể trả lời theo nhóm vấn đề. Nắm chắc được những quy định này, Kiểm sát viên sẽ làm chủ được các luận cứ bảo vệ quan điểm luận tội của mình.
Thẩm phán Trần Nam Hà - Phó Chánh Tòa hình sự, TAND TP Hà Nội phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Theo Kiểm sát viên Phan Văn Đức, Phó trưởng Phòng 2, VKSND TP Hà Nội, trong 10 tháng năm 2024, đơn vị đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 332 vụ/1.053 bị cáo. Trong đó, đã phối hợp với TAND TP Hà Nội xét xử rút kinh nghiệm 50 vụ án, xét xử đối với án trọng điểm 13 vụ, thực hiện số hóa hồ sơ để phục vụ công tác xét xử 115 vụ án (đạt tỷ lệ 70% trên tổng số vụ án đã truy tố).
Đơn vị đã phối hợp với TAND TP tổ chức được 1 phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến từ điểm cầu TAND TP Hà Nội đến TAND 28 tỉnh thành cùng địa hạt, Học viện Tòa án, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và 30 đơn vị TAND cấp huyện trên địa bàn TP Hà Nội.
Kiểm sát viên Phan Văn Đức, Phó trưởng Phòng 2, VKSND TP Hà Nội phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Sau phiên tòa, đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm về những ưu điểm, tồn tại về công tác tranh tụng. Bên cạnh đó, đơn vị đã chú trọng công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tranh tụng tại phiên tòa. Nhiều phiên tòa, Kiểm sát viên vừa xét hỏi, tranh luận kết hợp với việc công bố các hình ảnh, tài liệu, chứng cứ đã được số hóa phục vụ xét xử trên màn hình trình chiếu, đảm bảo việc tranh tụng đầy đủ, rõ ràng và thuyết phục.
Việc rút kinh nghiệm thông qua tổ chức theo dõi, tham dự các phiên tòa là những kinh nghiệm thực tế sâu sắc góp phần đào tạo trình độ nghiệp vụ, kỹ năng tranh tụng cũng như xử lý các tình huống tại phiên tòa của Kiểm sát viên, là biện pháp có hiệu quả để nâng cao chất lượng tranh tụng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Sự chuyển biến trong hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên VKSND hai cấp TP Hà Nội được thể hiện rõ nét nhất là ngày càng nhiều phiên tòa hình sự ở cả 2 cấp được tổ chức trên tinh thần tranh luận dân chủ, bình đẳng.
Nhiều vụ đại án, đặc biệt các vụ án tham nhũng lớn gây ra thiệt hại đặc biệt lớn cho nhà nước, cho xã hội được đông đảo dư luận quần chúng quan tâm, đánh giá cao, tạo được sự tin tưởng của nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao vị thế của Ngành Kiểm sát Thủ đô.
Các Kiểm sát viên thuộc 4 phòng nghiệp vụ khối hình sự VKSND TP Hà Nội tham dự Hội nghị.
Điển hình là vụ “chuyến bay giải cứu” xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ ngoại giao) với 54 bị cáo, trong đó có cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; 2 cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; một cựu Cục trưởng; hai cựu Phó Cục trưởng...; Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu đối với 16 gói thầu, AIC nâng khống giá các gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước 152 tỉ đồng, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC cùng các đơn vị có liên quan; Vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây thiệt hại 460 tỉ đồng tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2, dài 74km), với 22 bị cáo...
Các Kiểm sát viên đã chuẩn bị tốt dự thảo luận tội, đề cương xét hỏi, nội dung đối đáp với các luật sư, thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa. Kết quả xét xử được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Trích nguồn: https://baovephapluat.vn/
Đang truy cập : 237
Tổng lượt truy cập : 1441548