* Tình hình tội phạm Sử dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện:
Trong thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Thanh Oai, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng, có diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu ở 02 nhóm tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (trên không gian mạng) và Sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.Thông qua hệ thống mạng xã hội (Facebook, zalo, instagram, hang out,…) và mạng viễn thông, các đối tượng đã sử dụng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, thậm chí có tổ chức để thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tài sản, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân. Từ ngày 01/12/2023 đến 25/9/2024, Cơ quan CSĐT – Công an huyện Thanh Oai đã khởi tố, điều tra đối với 76 vụ/06 bị can phạm tội sử dụng công nghệ cao (Trong đó: 70 vụ/ 06 bị can phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 06 vụ/0 bị can phạm tội “Sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”) chiếm tỷ lệ 37,8 % trên tổng số vụ án mới khởi tố. Số tiền bị các đối tượng phạm tội chiếm đoạt ước tính hàng chục tỷ đồng.
* Các Phương thức, thủ đoạn gây án điển hình thường diễn ra trên địa bàn huyện:
1. Giả danh cơ quan tiến hành tố tụng thông báo bị hại có liên quan đến vi phạm, tội phạm hoặc sai sót về thủ tục hành chính yêu cầu bị hại phải chuyển tiền hoặc yêu cầu cài đặt ứng dụng “Bộ công an” giả, ứng dụng “Cổng thông tin điện tử’, “VneID” giả để định danh mức 2 sau đó xâm nhập ứng dụng ngân hàng trong thiết bị của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.
2. Làm nhiệm vụ qua ứng dụng tuyển cộng tác viên: Thanh toán đơn hàng shopee, tiki, theo dõi facebook, tiktok người nổi tiếng hoặc cày view kiểm tiền. Từ 1 đến 2 lần đầu sẽ được hoàn tiền và hoa hồng, khi nhiệm vụ có số tiền lớn hơn sẽ bị lỗi, phải đóng tiền liên tiếp, nếu không đóng tiền tiếp sẽ bị mất tiền.
3. Mạo danh công ty tài chính lừa vay tiền online: Chủ động liên hệ với nạn nhân hứa hẹn cung cấp tài khoản vay lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, không cần giấy tờ. Yêu cầu đóng phí vay, phí để sửa thông tin trong hồ sơ và các khoản phí khác để bảo đảm khoản vay rồi chiếm đoạt số tiền này.
4. Giả danh nhân viên bảo hiểm: Gọi điện đưa ra thông tin gian dối về việc nạn nhân được hưởng ưu đãi hoàn tiền 60-80% mức bảo hiểm đã đóng nếu mua các đơn hàng do công ty bảo hiểm phân phối. Sau khi bán được hàng, đối tượng tiếp tục liên hệ mời chào bị hại mua hàng với giá trị cao hơn để được nhận ưu đãi lớn hơn cho đến khi bị hại phát hiện bị lừa.
5. Lừa đặt mua hàng hóa hộ: Các đối tượng thường giả danh là khách gọi điện đến các đại lý bán hàng đặt hàng hóa để lấy lòng tin sau đó nhờ chủ đại lý đặt mua hộ một số hàng hóa liên quan theo địa chỉ, thông tin giả mà các đối tượng cung cấp, hứa hẹn sẽ chiết khấu hoa hồng rồi nhờ chủ đại lý chuyển tiền trước cho bên bán để chiếm đoạt số tiền này.
6. Giả danh nhân viên ngân hàng: Liên hệ hướng dẫn khách hàng mở thẻ, nâng cấp thẻ tín dụng, yêu cầu cung cấp mã OTP sau đó chiếm đoạt số tiền trong tài khoản ngân hàng của khách.
7. Lừa tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội và yêu cầu đóng phí thành viên nhưng sau đó không được tham gia nhóm, không được trả lại tiền
8. Lừa đảo mua bán hàng trực tuyến: Gửi đường dẫn thanh toán giả mạo để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc đăng thông tin bán hàng với giá "hấp dẫn” và yêu cầu khách hàng chuyển cọc trước sau đó chiếm đoạt tiền cọc, không gửi hàng.
9. Lừa tình, lừa tiền làm từ thiện: Giả làm quân nhân, doanh nhân, người nước ngoài muốn gửi quà có giá trị hoặc tiền từ thiện về Việt Nam. Sau đó giả nhân viên hải quan, nhân viên sân bay liên tục yêu cầu nạn nhân đóng phí để nhận để được nhận quà cho đến khi nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền.
10. Hack các tài khoản mạng xã hội nhằm chiếm đoạt quyền tài khoản sau đó giả danh chủ tài khoản nhắn tin hỏi mượn tiền bạn bè, người thân của họ. Số tài khoản nhận tiền luôn là số tài khoản không chính chủ.
* Một số vụ án điển hình:
Vụ thứ nhất: Ngày 09/5/2024, anh Tô Đình V sinh năm 1970 trú tại Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội bị một số đối tượng lừa đảo bằng hình thức giả danh công an xã Tân Ước gọi điện yêu cầu anh V tải ứng dụng "Cổng thông tin điện tử" để làm lại căn cước công dân. Sau khi tải ứng dụng, đăng nhập và điền thông tin cá nhân, điện thoại anh V bị mất kết nối. Sau đó anh V kiểm tra phát hiện tài khoản bị mất số tiền 3.600.000.000 đồng trong tài khoản ngân hàng.
Vụ thứ hai: Từ tháng 5/2024 đến ngày 23/7/2024, Đỗ Trường T sinh năm 1997 ở thôn Mới, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội tìm hiểu phương thức lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh nhân viên bán hàng hoặc nhân viên quỹ bảo hiểm Tâm An gọi điện cho các bệnh nhân của các Bệnh viện tuyến trung ương để tư vấn tri ân giảm giá hoặc hoàn lại 50-80% tiền bảo hiểm đã đóng và yêu cầu bệnh nhân mua hàng giá trị từ 1.000.000 đồng – 3.000.000 đồng để kích hoạt mã giải ngân. Sau đó Thành tìm mua các sản phẩm trà, sữa, thực phẩm chức năng,..., mua sắm thiết bị, sử dụng 03 văn phòng (ở Cao Xá, Cao Dương và KĐT Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội) và thuê nhân viên, xây dựng kịch bản có sẵn và đào tạo các Trưởng nhóm gồm Lưu Thị H sinh năm 2003, trú tại: thôn Mục Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội, Nguyễn Thị H sinh năm 1996 ở thôn Văn La, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Đỗ Thị C sinh năm 1999 ở thôn Vỹ, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai quản lý và đào tạo nhân viên thực hiện hành vi lừa đảo .Sau khi khách mua hàng, nhân viên tiếp tục gọi điện đưa ra mức ưu đãi hoàn tiền lớn hơn để yêu cầu khách mua sản phẩm có giá trị cao hơn cho đến khi khách phát hiện bị lừa. Số tiền các đối tượng chiếm đoạt được ước tính vài trăm triệu đồng (chưa có con số chính xác). Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 06 đối tượng.
Vụ thứ ba: Ngày 04/5/2024, chị Đào Hoài T sinh năm 1983 trú tại thôn Quyếch, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội đang ở đại lý bán vật liệu xây dựng của gia đình tại thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội có tài khoản zalo “Thu Thảo” liên hệ và tự giới thiệu đang làm việc tại trường THPT Thanh Oai B, ở xã Tam Hưng đặt mua xi măng, gạch để xây dựng công trình trong trường. Sau đó, Thảo cung cấp cho chị T số điện thoại 0964021953 của đại lý thiết bị và nhờ chị T mua hộ một số máy móc cho nhà trường, hứa hẹn sẽ trích 20 % giá trị chiết khấu cho chị T. Chị T đồng ý, liên hệ với số điện thoại trên để hỏi mua máy và chuyển số tiền 633.000.000 đồng cho tài khoản mà đại lý cung cấp để trả tiền cọc mua máy móc. Sau đó, chị T liên hệ với Thảo để yêu cầu chuyển trả tiền thì Thảo cho biết Nhật – kế toán của trường sẽ trả tiền mặt. Cùng ngày, chị T đến trường THPT Thanh Oai B để gặp Nhật và Thảo thì được biết trường không có nhân viên nào có thông tin như trên.
Nguyên nhân xuất phát từ:
Thứ nhất, do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin (đặc biệt là công nghệ chuyển đổi số AI, Chat GPT, các phần mềm giả danh giọng nói, hình ảnh,..) và nhu cầu sử dụng, công khai các thông tin cá nhân, tìm kiếm thông tin mua bán, việc làm trên trang mạng xã hội; sự bùng nổ và phát triển của dịch vụ chuyển tiền bằng qua ứng dụng ngân hàng, mã QR mọi lúc, mọi nơi cùng với sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lý việc mở tài khoản, sử dụng tài khoản ngân hàng, quản lý sim rác, quản lý hoạt động của các trang mạng xã hội nói chung đã tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo có thể dễ dàng thu thập thông tin gọi điện thoại giả danh để lừa đảo hoặc chiếm quyền sử dụng các thiết bị điện tử thông dụng như điện thoại để truy cập ứng dụng ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Thứ hai, việc sử dụng mạng xã hội, mạng viễn thông ngày nay là nhu cầu thiết yếu của đa số người dân tuy nhiên trình độ, kiến thức về mạng xã hội, công nghệ thông tin chưa đồng đều. Các đối tượng phạm tội ngày càng có các thủ đoạn, kịch bản tinh vi, đi sâu vào nắm bắt tâm lý hám lợi, ham giàu, việc nhẹ lương cao, không làm mà vẫn có ăn, may rủi, đỏ, đen, tâm lý chủ quan, thiếu kinh nghiệm cuộc sống của một bộ phận người dùng mạng xã hội sợ bị phát hiện mặt trái, e ngại có liên quan đến các cơ quan pháp luật để tìm cách yêu cầu người dân phải thực hiện theo những việc mà chúng yêu cầu. Một bộ phận người dân còn chủ quan, không kiểm chứng lại trước khi cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng truy cập, chuyển tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại sang tài khoản khác để chiếm đoạt.
Thứ ba, công tác tuyên truyền pháp luật còn chưa sâu rộng, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể còn mang tính hình thức, chưa đồng bộ, chưa tạo được sức lan tỏa để nâng cao nhận thức của người dân trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Thứ tư, việc xử lý, trấn áp các tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong quá trình truy vết các đối tượng phạm tội do các đối tượng sử dụng thông tin giả, trên không gian mạng.
* Một số giải pháp phòng ngừa:
Để góp phần kiềm chế, giảm thiểu tội phạm Sử dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện, ngày 27/9/2024, Viện KSND huyện Thanh Oai đã ban hành kiến nghị số 09/KN-VKS đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng đồng bộ một số giải pháp phòng ngừa như sau:
1. Tăng cường công tác chỉ đạo đối với lực lượng Công an huyện, Công an xã triển khai các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao. Yêu cầu Công an huyện Thanh Oai phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, vụ việc, ngăn chặn kịp thời các đối tượng tiếp tục thực hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao.
2. Xây dựng kế hoạch cụ thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong quần chúng nhân dân đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao. Chỉ đạo UBND xã, thị trấn nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong các đoàn thể chính trị xã hội. Thực hiện khuyến cáo người dân địa bàn huyện:
- Cán bộ tại các cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng không làm việc với người dân thông qua điện thoại, tin nhắn. Mọi dịch vụ hành chính, công tác liên hệ đều phải thực hiện trực tiếp tại trụ sở công vụ. Cần cẩn trọng trước khi thực hiện yêu cầu tải các ứng dụng điện thoại và cung cấp thông tin cá nhân.
- Không công khai các hình ảnh và thông tin cá nhân lên mạng xã hội.
- Khi nhận được tin nhắn vay tiền hoặc nhờ chuyển hộ của bạn bè, người thân từ mạng xã hội phải gặp mặt trực tiếp để chứng thực (việc liên hệ qua điện thoại hoặc video call cũng có thể bị mạo danh), tuyệt đối không đăng nhập vào các trang web nghi vấn hoặc đường “link” lạ; không làm theo hướng dẫn và không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP tài khoản ngân hàng….
- Không tham gia việc vay tiền qua app, không chuyển bất cứ khoản tiền nào để làm thủ tục vay tiền hoặc chứng minh tài chính.
- Thận trọng khi kết bạn, giao tiếp với người lạ hoặc người nước ngoài qua mạng xã hội, khi mình không biết thông tin về họ. Cảnh giác khi đối tượng báo gửi quà hay vật phẩm.
- Đối với người mua hàng online không nên mua hàng bằng hình thức đặt tiền cọc trước hoặc thanh toán trước qua mạng xã hội. Đối với người làm cộng tác viên bán hàng online, cẩn thận khi nhập hàng từ các đại lý trên mạng xã hội mà chưa có đủ thông tin, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, kiểm định chất lượng.
- Không nên để quá nhiều tiền trong 01 tài khoản ngân hàng, có kết nối ứng dụng với điện thoại thông minh. Có thói quen sử dụng và thường xuyên thay đổi mật khẩu có tính bảo mật cao đối với các ứng dụng trên điện thoại thông minh và các thiệt bị điện tử liên kết khác.Thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của ngân hàng về bảo mật.
- Cẩn trọng, kiểm tra rõ thông tin và yêu cầu người nhờ mua hộ hàng hóa chuyển tiền trước khi thực hiện giao dịch mua hàng có giá trị lớn.
3. Yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, dịch vụ internet và viễn thông; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử kiểm tra kỹ thông tin của những người giao dịch kiểm tra kỹ thông tin của người giao dịch, nếu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn thì báo cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, phòng ngừa tội phạm. Làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cung cấp thông tin, lịch sử giao dịch của các tài khoản nghi vấn. Tăng cường các biện pháp bảo mật thông tin tài khoản khách hàng.
4. Chỉ đạo Đài phát thanh huyện và các đoàn thể có liên quan tăng cường đưa tin, bài tuyên truyền đồng thời đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về công tác phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhất là phổ biến về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để chiếm đoạt tài sản nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống về tội phạm trong nhân dân nói chung và tập trung vào nhóm đối tượng người cao tuổi, người dân lao động.
Nguyễn Thị Hồng Phúc – Viện KSND Huyện Thanh Oai
Đang truy cập :
255
Tổng lượt truy cập :
1493507