1. Quy định của pháp luật về phòng vệ chính đáng
1.1. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự
Quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự là một chế định quan trọng được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. So với Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, sau đây viết tắt là BLHS năm 2015) đã thiết kế một chương mới quy định về chế định loại trừ trách nhiệm hình sự. Về kỹ thuật lập pháp, đây là một chế định có tên gọi và cách hiểu mới. Tuy nhiên, về cơ sở lý luận thì chế định này được hình thành trên nền tảng các quy định của các BLHS cũ về những trường hợp thực hiện hành vi gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đến BLHS năm 2015, chế định loại trừ trách nhiệm hình sự đã hoàn thiện hơn, được ghi nhận trong một chương riêng gồm 07 Điều - Chương IV. Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
BLHS năm 2015 quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự gồm: Sự kiện bất ngờ (Điều 20); Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21); Phòng vệ chính đáng (Điều 22); Tình thế cấp thiết (Điều 23); Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24); Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (Điều 25); Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (Điều 26).
1.2. Phòng vệ chính đáng
Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
Đến nay, phòng vệ chính đáng được giải thích tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự 1985. Theo đó, tại mục II của Nghị quyết này quy định hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.
b) Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.
c) Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại.
d) Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.
1.3. Những điểm mới của quy định Phòng vệ chính đáng
Quy định về phòng vệ chính đáng tại Điều 22 BLHS năm 2015 về cơ bản giống với quy định về nội dung này tại Điều 15 BLHS năm 1999 nhưng có những điểm mới sau:
Thứ nhất, BLHS năm 2015 đã đặt việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, của người khác lên trước lợi ích của nhà nước, của tổ chức. Điều này là phù hợp với tinh thần đề cao quyền tự do của cá nhân của con người, bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, quy định về phòng vệ chính đáng của BLHS năm 2015 cũng phù hợp với thực tế xảy ra trong thời gian qua khi áp dụng BLHS năm 1999, cho thấy các trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc vụ án về vượt quá giới hạn chính đáng chủ yếu xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của người thân bị xâm phạm, từ đó mới có hành động phòng vệ chính đáng.
Thứ hai, BLHS năm 1999 chỉ quy định “bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức” và “người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự” thì BLHS năm 2015 đã quy định thêm bảo vệ lợi ích “của cơ quan” và trách nhiệm hình sự của hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng “theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, quy định mới trong BLHS năm 2015 đã làm rõ thêm nội dung các lợi ích bảo vệ do hành vi phòng vệ chính đáng và phạm vi trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
2. Cơ sở xác định phòng vệ chính đáng và trách nhiệm pháp lý khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
2.1. Các yếu tố liên quan đến Phòng vệ chính đáng
Khi xem xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần hội tụ đủ các yếu tố sau:
- Về phía nạn nhân: là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác (người thứ ba). Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân.
- Về phía người phòng vệ: Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tài sản; về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác hoặc gây thiệt hại đến các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại về tính mạng hoặc sức khoẻ cho người có hành vi xâm phạm.
- Về hành vi chống trả phải ở mức cần thiết: Việc chống trả đến mức cần thiết được thể hiện qua tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi ích của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng. Mức độ thiệt hại do người thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng gây ra cho người bị gây thiệt hại có thể lớn hơn mức độ thiệt hại thực tế mà người thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng phải chịu nhưng điều này là cần thiết để bảo vệ lợi ích đang bị đe dọa của họ.
2.2. Trách nhiệm pháp lý khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Phòng vệ chính đáng là quyền của con người chứ không phải là nghĩa vụ, các quy định của pháp luật về phòng vệ chính đáng là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp bảo vệ và khuyến khích người dân thực hiện quyền phòng vệ khi có hành vi xâm hại xảy ra để bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của nhà nước, của cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì vẫn phải chịu TNHS như các trường hợp phạm tội thông thường khác.
- Về chế định phòng vệ trước: Phòng vệ trước (phòng vệ từ xa) là việc đối tượng chưa có sự tấn công mà đã bản thân đã thực hiện hành vi nhằm ngăn chặn sự tấn công. Pháp luật hình sự Việt Nam không thừa nhận hành vi phòng vệ trước. Nếu việc phòng vệ trước này lại gây ra hậu quả làm chết người, gây thương tích cho người khác hoặc gây thiệt hại về tài sản thì người thực hiện hành vi phòng vệ trước sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự như các trường hợp tội phạm thông thường. Thực tiễn giải quyết vụ việc, nếu hành vi phòng vệ trước lại gây thiệt hại cho đúng người phạm pháp thì người thực hiện hành vi phòng vệ trước cũng được xem xét giảm nhẹ đáng kể hình phạt.
- Vấn đề áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm c khoản 1 Điều 51 BLHS: Điểm c khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 quy định một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là trường hợp Phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Quy định này là cần thiết! Bởi thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, có một số vụ án Giết người hoặc Cố ý gây thương tích thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, nhưng căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi chống trả với hành vi phòng vệ chưa thuộc trường hợp quy định tại Điều 126 (Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội) hoặc Điều 136 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội) mà thuộc trường hợp tội phạm Giết người quy định tại Điều 123 hoặc Cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 BLHS thì người phạm tội vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm c khoản 1 Điều 51 BLHS. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể, rõ ràng trường hợp nào là dấu hiệu định tội quy định tại Điều 126 và Điều 136 BLHS, còn trường hợp nào chỉ là tình tiết giảm nhẹ định tại điểm c khoản 1 Điều 51 BLHS để việc áp dụng pháp luật được chính xác.
- Vấn đề phương tiện và phương pháp của người phòng vệ và người xâm hại khi thực hiện quyền phòng vệ: Trong các văn bản hướng dẫn về hành vi của người phòng vệ trước đây có nêu "người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng, quá đáng". Hành vi phòng vệ thể hiện một quyền của con người đó là quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe được pháp luật bảo vệ và khuyến khích thực hiện. Do đó, khi có hành vi xâm hại thì người phòng vệ có quyền bảo vệ mình, do người phòng vệ không có sự đề phòng trước nên về phương tiện, phương pháp sử dụng để đối phó của người phòng vệ đối với người xâm hại thông thường không bằng sự nguy hiểm do phương tiện, phương pháp do người xâm hại gây ra cho người phòng vệ nhưng trong nhiều trường hợp cũng có thể hơn, vì thế không bắt buộc là phải ngang bằng nhau.
3. Thực tiễn xác định phòng vệ chính đáng
Trong thực tiễn giải quyết, có nhiều khó khăn trong việc phân biệt, đánh giá giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng trong các trường hợp như:
+ Bên xâm hại có hành vi xâm hại nghiêm trọng đến tài sản, còn bên phòng vệ có hành vi giết người, làm chết người hoặc gây thương tích nặng cho người có hành vi xâm hại: Đối với trường hợp mà bên xâm hại có hành vi xâm hại đến tài sản (trộm cắp thông thường) thì hành vi của người phòng vệ đánh (không gây thương tích hoặc thương tích rất nhỏ) nhằm cảnh báo, ngăn chặn hành vi vi phạm của đối tượng được coi là tương xứng và cần thiết. Tuy nhiên, nếu người phòng vệ lại có hành vi giết chết hoặc gây thương tích nặng cho kẻ xâm hại thì trong thực tiễn xét xử, hành vi đó bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Ví dụ: các vụ án, vụ việc các đối tượng bắt trộm chó của người dân, sau khi bị người dân bắt được đã đánh hội đồng dẫn đến các đối tượng tử vong hoặc bị thương tích nặng. Hành vi trên rõ ràng đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
+ Bên xâm hại có hành vi xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm còn bên phòng vệ có hành vi giết người, làm chết người hoặc gây thương tích nặng cho người có hành vi xâm hại: Đối với những hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm thì việc xem xét, đánh giá hành vi phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thông thường được vận dụng như sau:
+ Đối với những hành vi xâm phạm đến nhân phẩm của người phụ nữ thì mặc dù người phụ nữ có hành vi chống trả và gây ra cái chết hoặc gây ra thương tích nặng cho kẻ tấn công thì thực tiễn xét xử vẫn dễ chấp nhận việc chống trả là cần thiết và là phòng vệ chính đáng.
+ Nếu người tấn công có hành vi xâm hại và cố ý gây thương tích thậm chí có thể đe dọa không những cho sức khỏe mà còn đe dọa tính mạng của người khác, còn hành vi phòng vệ là gây chết người hoặc gây thương tích nặng cho kẻ tấn công, thì cần phải cân nhắc, so sánh phương tiện, phương pháp mà các bên đã sử dụng, tương quan lực lượng và khả năng của các bên, hoàn cảnh thực tế khi xảy ra sự việc. Trong trường hợp mà hành vi tấn công xâm hại đến sức khỏe, tính mạng thì khi phân biệt giữa cần thiết và không cần thiết, cần phải chú ý đến tình trạng tinh thần của người phòng vệ bị tấn công đột ngột kích động, người phòng vệ không phải bao giờ cũng có khả năng lường được một cách chính xác tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại và lựa chọn phương cách phòng vệ cho thật tương xứng. Tuy nhiên, trong thực tế vấn đề này là hết sức phức tạp đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải nắm vững lý luận về phòng vệ chính đáng, phải thu thập và đánh giá đầy đủ mọi chứng cứ có liên quan đến vụ án để từ đó mới có thể đưa ra những quyết định chính xác.
Ví dụ: Ngày 30/4/2018, tại miếu thờ nơi gần nhà anh T1 và L sinh sống bị đập phá. Người dân địa phương nghi ngờ L đập phá miếu thờ. Anh T1 đã gặp và chửi mắng L nên giữa hai người phát sinh mâu thuẫn, đánh nhau. Do bực tức vì bị anh T1 đánh nên L vào bếp lấy hai con dao nhọn (một con dao dài 37cm, chuôi dao bằng gỗ dài 13cm; một con dao dài 35cm, chuôi dao bằng gỗ dài 12cm) đi tìm anh T1 để đánh. L đi đến nhà ông P thì thấy anh T1 và ông P ở đó. L mỗi tay cầm một con dao xông vào hô "tao làm gì mày mà mày giết tao" rồi dơ con dao cầm trên tay trái đâm về phía anh T1 nhưng không trúng. L tiếp tục cầm con dao trên tay phải đâm một nhát trúng vào lưng của anh T1 rồi rút dao ra. Ông P thấy anh T1 bị đâm và chảy nhiều máu nên cầm chiếc điếu cày vụt vào người L và giằng được con dao trên tay phải của L vứt ra ngoài sân và hô hoán mọi người. Sau khi bị L đâm vào lưng, anh T1 ngã vào bàn uống nước. L tiếp tục cầm 01 con dao trên tay trái xông vào đâm vào vùng bụng và sườn trái của anh T1 (Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể 99%), Lúc này, anh T1 túm tay L, hai người giằng co nhau. Anh T1 giằng được con dao của L rồi chống trả đâm, chém vào ngực, cánh tay trái và cẳng chân phải của L (Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể 16%). Lúc này, ông P ở ngoài sân đi vào thấy anh T1 nằm nghiêng ở phía trong nhà sát bàn thờ đang cầm dao trên tay phải và chém với về phía L còn L nằm và bò ra hướng cửa. Ông P giằng dao trên tay anh T1 ném ra sân. Sau đó, anh T1và L được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.
Đối với hành vi của anh Nguyễn Văn T1 dùng gậy vụt vào tay phải của L nhằm mục đích tước đoạt con dao gây thương tích nhẹ. Sau khi bị L dùng dao đâm, anh T1 dùng dao chống trả L và gây thương tích 16%. Cơ quan điều tra kết luận hành vi của anh T1 là hành vi phòng vệ chính đáng và L không có yêu cầu gì nên không xử lý (Trích bản án số 02 ngày 25/02/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang về hành vi giết người - https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-022019hsst-ngay-25022019-ve-toi-giet-nguoi-89222).
- Vấn đề về Vượt quá giới hạn Phòng vệ chính đáng với các trường hợp Phạm tội trong khi thi hành công vụ: Một trong những vấn đề mà thực tiễn áp dụng pháp luật về phòng vệ chính đáng đặt ra, đó là việc phân biệt giữa phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng với các trường hợp phạm tội trong khi thi hành công vụ. Trong thực tế, nhất là đối với lực lượng Công an nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan được giao một số hoạt động điều tra… quá trình thực hiện nhiệm vụ truy bắt tội phạm, nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản công dân, nhà nước… mà không còn cách nào khác, họ phải gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây thương tích nặng cho các đối tượng. Tuy nhiên, còn có trường hợp lợi dụng nhiệm vụ công vụ, cố ý trực tiếp, những sự việc xảy ra trong khi họ thi hành lệnh bắt người, dẫn giải tội phạm… Tính nguy hiểm của hành vi cũng ở những mức độ nghiêm trọng khác nhau. Theo quy định của BLHS, bên cạnh các tội: Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 126), Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136), còn có Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 127) và Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 137). Vì vậy, cần phân biệt để định tội danh cho đúng trường hợp nào là phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng còn trường hợp nào là phạm tội trong khi thi hành công vụ. Do đó, cần làm rõ:
- Nếu hành vi gây thiệt hại cho nạn nhân là nhằm ngăn chặn sự tấn công của nạn nhân gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người thi hành công vụ hay người khác hoặc việc gây thiệt hại đó nhằm ngăn chặn nạn nhân có một hành vi xâm hại cho một lợi ích nào đó của xã hội, trường hợp này nếu không cần thiết thì là phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
- Nếu hành vi gây thiệt hại là nhằm ngăn chặn một người phạm pháp trốn tránh pháp luật như: bỏ chạy, kháng cự không tuân theo (không có sự tấn công gây nguy hiểm cho tính mạng hoặc sức khỏe của người thực thi nhiệm vụ hay người khác), trong trường hợp này nếu không cần thiết thì là phạm tội trong khi thi hành công vụ.
- Vượt quá giới hạn Phòng vệ chính đáng với Phạm tội do tinh thần bị kích động mạnh
Theo tinh thần của Chỉ thị số 07/TANDTC ngày 22/12/1983 và Nghị quyết 02/HĐTP - TANDTC ngày 05/01/1986 thì hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần bảo vệ, hành vi đó bắt đầu và chưa kết thúc. Trường hợp hành vi xâm phạm đã kết thúc thì mọi hành vi chống trả cũng không được coi là phòng vệ. Nhưng nếu trường hợp hành vi xâm phạm đã kết thúc sau đó tiếp tục xâm phạm đến lợi ích chính đáng cần bảo vệ thì người chống trả vẫn được xem là phòng vệ. Phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là do hành vi trái pháp luật của nạn nhân đối với chính người chống trả hoặc người thân thích của người chống trả, còn phòng vệ chính đáng người phòng vệ chống trả lại sự xâm hại của nạn nhân đối với lợi ích cần bảo vệ, lợi ích bảo vệ có thể là của bản thân hay lợi ích của người khác. Việc xem xét hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần bảo vệ thì pháp luật chưa quy định rõ trường hợp phòng vệ.
4. Kỹ năng kiểm sát các vụ án, vụ việc hình sự có yếu tố phòng vệ chính đáng
Trong quá trình THQCT, kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố; THQCT, KSĐT, KSXX các vụ án hình sự về các tội Giết người (Điều 123), tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126), tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 136), … VKS cần xem xét, đánh giá hành vi nguy hiểm cho xã hội của các đối tượng; cần xác định có yếu tố phòng vệ chính đáng, thực hiện hành vi phạm tội trong trường hợp bị kích động mạnh của các đối tượng hay không cũng như các yếu tố khác để có thể xem xét, đánh giá vụ việc một cách khách quan, toàn diện, công bằng. Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp, đòi hỏi tập thể Lãnh đạo, Kiểm sát viên, cán bộ VKS phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để có thể báo cáo, đề xuất áp dụng quy định của pháp luật một cách phù hợp với từng đối tượng, vụ việc. Cụ thể:
4.1. KSV, cán bộ được phân công thụ lý giải quyết vụ việc cần nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về chế định phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Do quy định về Phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chưa được quy định cụ thể, định lượng mà quy định mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá mang tính định tính. Do đó, việc đánh giá hành vi là Phòng vệ chính đáng hay Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phụ thuộc vào đánh giá mang tính chủ quan của mỗi cá nhân. Điều này dễ dẫn đến sự không thống nhất về quan điểm đánh giá giữa các lãnh đạo, KSV trong đơn vị cũng như giữa các cơ quan tiến hành tố tụng gây khó khăn trong giải quyết vụ việc. Do đó, việc nghiên cứu kỹ, nắm chắc các quy định của pháp luật hình sự về yếu tố phòng vệ chính đáng sẽ giúp VKS đưa ra nhận định khách quan, công bằng nhất đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội.
4.2. Khi có vụ việc xảy ra, KSV cần phối hợp với Cơ quan điều tra, Điều tra viên và các cơ quan, tổ chức liên quan tiến hành kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi một cách nghiêm túc, tỉ mỉ; yêu cầu Cơ quan điều tra rà soát, lấy lời khai của đối tượng, bị hại, nhân chứng, cần thiết có thể yêu cầu tiến hành lấy sinh cung của đối tượng ngay,… ; yêu cầu rà soát camera, thu thập hung khí, đồ vật, tài liệu… Ngoài các vụ việc bắt buộc có Lãnh đạo Viện tham gia kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường theo quy định, khi xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp, KSV báo cáo xin ý kiến lãnh đạo ca trực ngay để chỉ đạo hoặc trực tiếp xem xét, chỉ đạo tại hiện trường.
Đối với các vụ việc phức tạp, quan điểm khác nhau, KSV cần xây dựng báo cáo đề xuất bằng sơ đồ tư duy, trong đó dẫn chiếu đến các clip hiện trường, sơ đồ hiện trường, lời khai của các đối tượng, bị hại … để sử dụng báo cáo xin ý kiến của lãnh đạo Viện, báo cáo họp án liên ngành tư pháp. Qua việc báo cáo án bằng sơ đồ tư duy, hình ảnh trực quan sinh động sẽ giúp cho Lãnh đạo Viện, cán bộ, KSV cũng như Điều tra viên, Thẩm phán trong các cuộc họp liên ngành có thể đánh giá toàn diện, đưa ra nhận định chính xác hơn nhằm giải quyết vụ việc đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thấu tình, đạt lý.
Ví dụ: Do B nghi ngờ A có quan hệ bất chính với vợ mình nên khi thấy A, B và C đánh A. B dùng 01 đoạn gậy gỗ dài khoảng 70cm và 01 chiếc xẻng có cán dài khoảng 60cm, lưỡi KT (20x30)cm vụt vào người, vào đầu anh A; C dùng gạch ném về phía anh A. Thấy C và B đánh mình, anh A bỏ chạy ra phía đường sắt, B và C điều khiển xe môtô đuổi theo anh A, dùng xẻng đánh vào người anh A. Anh A tiếp tục bỏ chạy, rút dao bấm trên người ra, hướng về phía C và B để ngăn không cho B và C tiếp tục đánh mình. Tuy nhiên, B và C vẫn tiếp tục lao vào dùng xẻng, chân tay đấm, đá anh A. A liền vung dao bấm khua khoắng loạn xạ, đâm vào sườn phải của B gây thương tích 17%. Bản thân A bị C và B đánh gây thương tích 05%.
Trong vụ việc trên, tuy thương tích của B cao hơn thương tích của anh A nhưng việc anh A dùng dao bấm gây thương tích cho anh B cần được xem xét là hành vi phòng vệ chính đáng. Bởi anh A không có ý định gây thương tích cho C và B mà chỉ nhằm hù dọa, ngăn việc B và C tiếp tục đánh mình. Quá trình cố tình lao vào đánh anh A, B ngã về phía anh A gây thương tích.
4.3. Quá trình kiểm sát giải quyết các vụ việc hình sự có yếu tố phòng vệ chính đáng, khi đề xuất giải đường lối giải quyết vụ việc, KSV cần tổng hợp, nhận xét, đánh giá yếu tố lỗi, tính chất, mức độ phạm tội, có hay không yếu tố Phòng vệ chính đáng trong vụ việc để đề xuất hướng giải quyết phù hợp, áp dụng đúng các quy định của pháp luật theo hướng có xem xét yếu tố phòng vệ chính đáng cho đối tượng không? Hành vi của đối tượng thuộc trường hợp được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm c khoản 1 Điều 51 BLHS hay thuộc trường hợp thay đổi tội danh do có yếu tố phòng vệ chính đáng? Việc xem xét trách nhiệm bồi thường dân sự do hành vi nguy hiểm cho xã hội đó gây ra cho cá nhân, cơ quan, tổ chức ... Khi đưa ra quan điểm, KSV cần đưa ra những luận cứ, luận điểm sắc bén, chỉ rõ được cơ sở pháp lý cho luận điểm của mình để lãnh đạo Viện xem xét, đồng ý hay bác bỏ quan điểm của VKS. Đây cũng là cơ sở quan trọng để KSV THQCT, KSXX vụ án hình sự tiến hành luận tội, tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quan điểm truy tố của VKS, đề nghị Tòa án giải quyết vụ án.
4.4. Bên cạnh hoạt động THQCT, kiểm sát giải quyết vụ án, vụ việc, KSV cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Hiện nay, tình hình vi phạm tội phạm xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung, trên địa bàn huyện Thường Tín nói riêng ngày càng gia tăng, nhất là các vụ án có đông đối tượng, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp. VKS cần thường xuyên phối hợp với Sở tư pháp, Phòng tư pháp các quận, huyện; các cơ quan tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan tăng cường tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là các em học sinh trên địa bàn.
Tóm lại, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm, bởi vì hành vi phòng vệ phù hợp với đạo đức xã hội, được nhà nước bảo vệ và khuyến khích thực hiện. Nắm vững những quy định của pháp luật về chế định phòng vệ chính đáng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng, đặc biệt trong công tác xét xử nói chung và việc định tội danh nói riêng, từ đó tránh được những sai sót, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
Nguyễn Văn Thuật - Viện trưởng; Triệu Văn Doan – Phó Viện trưởng;
Hoàng Thúy Hằng – Kiểm sát viên VKSND huyện Thường Tín
Đang truy cập : 209
Tổng lượt truy cập : 1412912