Kỹ năng kiểm sát thi hành án hành chính

29/08/2024 14:06 | 58 | 0

        1. Những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án hành chính

        Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, với tốc độ hội nhập, phát triển và đô thị ngày một nhanh chóng. Từ đó, việc mở đường, triển khai các dự án phục vụ việc đô thị hóa là nhu cầu cấp thiết và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô. Cùng với sự phát triển nhanh và mạnh của hàng loạt các dự án là việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện dự án, dẫn đến tình hình tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến các quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của chính quyền các cấp ngày một phức tạp. Từ đó dẫn đến sự gia tăng của các vụ việc khiếu kiện hành chính, kéo theo sự gia tăng của các vụ việc thi hành án hành chính (THAHC), đặc biệt là các vụ việc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để xây dựng các dự án công trình trọng điểm…

        Trong 08 năm (từ 01/7/2016 đến 30/6/2024), trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thụ lý và giải quyết việc THAHC đạt kết quả như sau: Tổng số bản án, quyết định phải thi hành 109 bản án; đã thi hành xong 30 bản án; còn phải thi hành 79 bản án (trong đó 33 bản án có quyết định buộc thi hành án, 46 bản án chưa có quyết định buộc thi hành án).

        Trong quá trình kiểm sát việc theo dõi THAHC của Cơ quan THADS, Viện KSND thành phố Hà Nội đã phát hiện một số vi phạm và đã ban hành tổng số 15 kiến nghị (UBND thành phố Hà Nội: 02 kiến nghị; TAND thành phố Hà Nội: 02 kiến nghị; Cục THADS thành phố Hà Nội: 01 kiến nghị; Các UBND quận, huyện: 10 kiến nghị).

        Thông qua công tác kiểm sát việc theo dõi thi hành án hành chính, Viện KSND thành phố nhận thấy trong quá trình kiểm sát trong công tác này còn một số khó khăn, vướng mắc như sau:

        Thứ nhất, công tác kiểm sát THAHC của Viện kiểm sát mới chỉ đuợc quy định chung tại Điều 315 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 và tại Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014. Các điều luật này chỉ quy định các nội dung mang tính cơ bản về kiếm sát THAHC mà chưa có các quy định chi tiết, cụ thể, để bảo đảm hiệu quả công tác kiểm sát THAHC.

        Thứ hai, các vụ án hành chính được đưa ra thi hành thường liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai với tính chất ngày càng phức tạp, nội dung thi hành chủ yếu tập trung vào các vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đào tạo, việc làm khi Nhà nước thu hồi đất; cấp, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Việc thực hiện thi hành án hành chính còn liên quan đến nhiều cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật về đất đai qua các thời kỳ có nhiều quy định khác nhau, rất phức tạp và rất nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh, Luật đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót dẫn đến việc THAHC gặp rất nhiều khó khăn nên việc thi hành án kéo dài nhiều năm vẫn chưa thi hành được.

        Thứ ba, đa số người phải thi hành là Chủ tịch UBND các cấp là Trưởng ban chỉ đạo THADS tại địa phương, từ đó gây tâm lý e ngại trong việc đôn đốc, lập biên bản xử lý trách nhiệm chậm và gây kéo dài việc THAHC.

        Thứ năm, việc thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án thường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do người phải thi hành án là Chủ tịch UBND hoặc UBND. Mặc dù hết thời hạn tự nguyện thi hành án, Chủ tịch hoặc UBND không thi hành nhưng pháp luật quy định cơ quan THADS chỉ có trách nhiệm theo dõi việc thi hành án, thông báo tự nguyện thi hành án hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm thi hành, không thi hành án mà không có chế tài cưỡng chế THAHC.

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn – PViện trưởng Viện KSND thành phố Hà Nội phối hợp với Cục THADS

thành phố làm việc với UBND quận Nam Từ Liêm đôn đốc thi hành án hành chính

        2. Một số kỹ năng thực hiện kiểm sát thi hành án hành chính

        Viện KSND thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/11/2017 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự, THAHC, các quy chế nghiệp vụ của Viện KSND tối cao.

        - Viện KSND thành phố luôn xác định công tác kiểm sát THAHC vào nhiệm vụ trọng tâm và là khâu đột phá trong kế hoạch công tác. Lãnh đạo Viện đã phân công Lãnh đạo Phòng 11 xây dựng chương trình, hướng dẫn công tác năm 2024 và chuyên đề sáng kiến: “Giải pháp nâng cao chất lượng, tăng cường công tác Kiểm sát Thi hành án hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội”.  Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành; thường xuyên tập hợp những vi phạm trong công tác kiểm sát THAHC để ban hành kiến nghị mang tính tổng hợp, phòng ngừa chung cũng như ban hành thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Tòa án, cơ quan THADS và với UBND các cấp để nâng cao chất lượng THAHC.

Viện KSND thành phố Hà Nội làm việc với Cục THADS đề ra giải pháp đôn đốc việc thi hành án hành chính

        - Lãnh đạo Viện KSND thành phố Hà Nội và Phòng 11 đã phối hợp với Cục THADS thành phố Hà Nội trực tiếp làm việc với Chủ tịch UBND quận, huyện có lượng án hành chính còn tồn đọng lâu, chưa được giải quyết để đôn đốc và đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc THAHC, bước đầu đã đạt được nhiều chuyển biến rất tích cực và mang lại kết quả tốt.

        - Kiểm sát chặt chẽ việc theo dõi thi hành án hành chính tại Cơ quan THADS. Chú trọng, thường xuyên kiểm sát hồ sơ theo dõi THAHC. Thông qua hồ sơ theo dõi, kiểm sát viên có thể nắm bắt được tình hình THAHC, phát hiện những vi phạm, thiếu sót trong quá trình thi hành án để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo việc THAHC đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân./.

Vũ Anh Tuấn - Phòng 11

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 104

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1396053