Trong những năm gần đây, số án hôn nhân gia đình – ly hôn do Tòa án thụ lý giải quyết trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung, trên địa bàn huyện Thường Tín nói riêng có xu hướng gia tăng, độ tuổi ly hôn của các cặp vợ chồng có xu hướng trẻ hóa. Các cặp vợ chồng quyết định ly hôn sau thời gian chung sống không lâu, cá biệt, có những cặp vợ chồng sau khi kết hôn, chỉ chung sống cùng nhau một, vài tháng đã ly thân, ly hôn. Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, chúng tôi nhận thấy, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát các vụ việc hôn nhân gia đình, thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu tình trạng ly hôn là nhiệm vụ góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Trong bài viết này, nhóm tác giả đề cập đến tình trạng ly hôn tại địa phương và xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục.
1. Quy định của pháp luật
1.1. Kết hôn
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Như vậy, kết hôn chính là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân giữa hai bên nam nữ. Khi kết hôn, các bên sẽ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn được Luật hôn nhân và gia đình quy định và phải đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn có thẩm quyền thì việc kết hôn đó mới được công nhận là hợp pháp và giữa các bên nam nữ mới phát sinh quan hệ vợ chồng trước pháp luật. Theo cách hiểu như trên, quan hệ hôn nhân sẽ hình thành ngay sau khi hai bên nam nữ hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn và là mối quan hệ gắn liền với nhân thân của hai bên với tư cách là vợ chồng. Theo đó, quan hệ vợ chồng này sẽ trực tiếp làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định cho các bên. Bên cạnh đó, mối quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ còn là sự kết hợp giữa vợ và chồng về tình cảm, đạo đức, trách nhiệm, nghĩa vụ, quan hệ xã hội, tôn giáo hợp pháp, …
1.2. Ly hôn
Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành phán quyết về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân vợ chồng. Phán quyết về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân vợ chồng của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức là Bản án hoặc Quyết định. Theo đó, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng khi cả hai người đang còn sống, do cả hai bên vợ chồng thuận tình và được Tòa án công nhận bằng Quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc chỉ do một bên (Vợ hoặc chồng hoặc Cha, mẹ, người thân thích khác khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ - khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014) yêu cầu, được Tòa án đưa ra xét xử và phán quyết bằng một Bản án cho ly hôn. Ly hôn là hiện tượng xã hội bất bình thường nhưng cần thiết để đảm bảo quyền tự do trong hôn nhân và là biện pháp để củng cố mối quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, văn minh. Tuy nhiên, hậu quả sau ly hôn là không hề nhỏ khi nó có thể làm ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của bản thân đương sự, ảnh hưởng tới những người xung quanh, đặc biệt là con cái của họ, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, ….
2. Thực trạng vấn đề ly hôn trên địa bàn huyện Thường Tín
Trong những năm gần đây, tình trạng ly hôn ngày một gia tăng, năm sau cao hơn năm trước, trong đó, giới trẻ ly hôn ngày càng chiếm phần lớn trong tổng số các vụ án ly hôn hằng năm. Theo số liệu thống kê (số liệu từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2024), Tòa án nhân dân huyện Thường Tín thụ lý giải quyết 834 vụ ly hôn. Qua phân tích về độ tuổi trong các vụ ly hôn trên địa bàn huyện Thường Tín thấy tỷ lệ số vụ ly hôn có độ tuổi các cặp vợ chồng như sau: có khoảng hơn 40% độ tuổi dưới 30 (trong đó số các cặp vợ chồng từ 22 tuổi trở xuống chiếm khoảng 3%); khoảng 35% ở độ tuổi 30 - 40, phần lớn trong số đó (chiếm tới khoảng 90%) là có con nhỏ – đây là đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất khi bố và mẹ ly hôn; các cặp vợ chồng ly hôn trong độ tuổi từ 40-50 chiếm khoảng 15%; còn lại là các cặp vợ chồng có độ tuổi khá lớn (trên 50 tuổi) chiếm khoảng 10% (họ đều có con đã thành niên, thậm chí là được lên chức ông, bà.
Có thể nói, ly hôn là sự lựa chọn của hai người cả vợ và chồng hoặc đơn phương từ một phía chồng hoặc vợ nhưng hệ lụy kèm với nó là cả một vấn đề, Việc ly hôn có thể làm ảnh hưởng tới cuộc sống của những người xung quanh; đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm sinh lý của những đứa trẻ; để lại gánh nặng cho xã hội nếu như con cái của họ bị bỏ rơi, không được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục chu đáo; chúng sẽ thiếu đi sự chăm sóc, tình cảm của người cha hoặc người mẹ, thậm chí cả hai. Từ đó sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển nhân cách của những đứa trẻ, làm chúng dễ sa ngã vào những tệ nạn xã hội… Đây cũng là một trong những lý do vì sao mà trong những năm gần đây tình trạng tội phạm tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng.
3. Nguyên nhân tình trạng ly hôn gia tăng
VKSND huyện Thường Tín đã thực hiện tốt chức năng kiểm sát giải quyết các vụ việc Hôn nhân và gia đình (ly hôn). Cụ thể, ngay sau khi nhận được thông báo thụ lý, thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, VKSND huyện Thường Tín đã cập nhật sổ theo dõi, phân công Kiểm sát viên thụ lý, kiểm sát giải quyết vụ việc; đảm bảo 100% (834/834) thông báo thụ lý, quyết định giải quyết của Tòa án được kiểm sát theo quy định. VKSND huyện Thường Tín đã cử KSV tham gia các phiên tòa, phiên họp quy định có Viện kiểm sát (VKS) tham gia đạt 100% (106/106 phiên tòa, phiên họp). Tại các phiên tòa, phiên họp, VKS đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, phù hợp với quyết định giải quyết vụ việc của tòa án. Đối với các vụ việc Tòa án thụ lý, giải quyết có vi phạm, thiếu sót như: chậm gửi thông báo thụ lý, hồ sơ vụ án, quyết định, bản án cho VKS, nội dung vụ án, vụ việc giải quyết chưa phù hợp với quy định, VKS đã kịp thời ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; kháng nghị đề nghị sửa bản án.
Thông qua hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình - ly hôn, VKSND huyện Thường Tín thấy một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cặp vợ chồng lựa chọn Tòa án để chấm dứt quan hệ hôn nhân như sau:
Thứ nhất, kết hôn khi còn quá trẻ: hiện nay có rất nhiều cặp vợ chồng kết hôn khi tuổi đời còn quá trẻ. Họ có thời gian tìm hiểu ngắn, hai bên chưa hiểu kỹ đối phương để xem xét, đánh giá có phù hợp để sống chung, xây dựng cuộc sống vợ chồng hay không. Mặt khác, họ có nhận thức về hôn nhân còn hạn chế, không có ý thức, trách nhiệm với đời sống chung, với bạn đời, với gia đình, người thân. Cả hai vợ chồng chưa được trang bị đầy đủ về mặt tinh thần lẫn thể chất khi bước vào hôn nhân, chưa phân biệt được đâu là cuộc sống khi yêu và đâu là cuộc sống sau khi kết hôn. Các cặp vợ chồng này đa phần quá đề cao bản thân, không quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu người bạn đời của mình,… dẫn tới các cặp đôi dễ dàng phát sinh mâu thuẫn, cá biệt, có những cặp vợ chồng phát sinh mâu thuẫn ngay từ những ngày, tháng đầu chung sống. Khi phát sinh mâu thuẫn, họ sẵn sàng từ bỏ, sẵn sàng chấm dứt cuộc hôn nhân mà không cần suy nghĩ nhiều đến hậu quả của ly hôn đối với bản thân cũng như gia đình, người thân, nhất là các con của mình.
Thứ hai, xảy ra bạo lực gia đình, ngoại tình: bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình; ngoại tình là việc vợ/chồng có quan hệ với người nam nữ khác. Vợ/chồng dễ phát sinh quan hệ ngoại tình khi vợ chồng có cãi vã, lạnh nhạt, mâu thuẫn về kinh tế, cách sống, cách nghĩ ... Việc ngoại tình của các cặp vợ chồng thường là nguyên nhân phát sinh bạo lực gia đình. Tình trạng bạo lực, ngoại tình cứ lặp đi lặp lại là nguyên nhân lớn khiến gia đình rạn nứt, hôn nhân đổ vỡ.
Thứ ba, mâu thuẫn về kinh tế, bất bình đẳng trong đời sống vợ chồng, mối quan hệ với người thân, gia đình hai bên: dù ở thời gian nào, địa vị, tầng lớp xã họi nào thì vấn đề kinh tế luôn nhạy cảm, mang tính quan trọng, quyết định nhiều đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Quá trình chung sống, xây dựng gia đình, các cặp vợ chồng có thể phát sinh nhiều gánh nặng kinh tế để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt chung của các thành viên trong gia đình. Nhất là, trong trường hợp một trong hai người chưa ổn định công việc, cuộc sống khó khăn về tài chính, bất bình đẳng, chia sẻ về kinh tế giữa vợ và chồng, lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên, khi ly hôn các cặp vợ chồng đều xác nhận không có tài sản chung, người vợ xác định ra đi tay trắng hoặc nuôi thêm con nhỏ mà không nhận được sự trợ cấp của chồng, gia đình chồng, không được công nhận phần đóng góp chăm sóc gia đình, chăm sóc con cái.
Thứ tư, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về hôn nhân nhận thức, ý thức, trách nhiệm sau hôn nhân cho các cặp vợ chồng chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức: Trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân đã được quan tâm, tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến về hôn nhân, trang bị cho các cặp đôi, cặp vợ chồng về kiến thức, đạo đức, kỹ năng sống, quyền, nghĩa vụ, bổn phận của vợ chồng, của vợ chồng với các con, với bố mẹ... cho các cặp đôi chưa được thực hiện mang tính chuyên nghiệp, bắt buộc nên các bạn trẻ thiếu đi những kiến thức cần thiết để xây dựng cho mình một tổ ấm thực sự đúng nghĩa.
Thứ năm, công tác hòa giải của các cơ quan pháp luật cho các cặp vợ chồng có ý định ly hôn chưa thực sự phát huy hiệu quả: qua công tác kiểm sát số đơn xin ly hôn được người khởi kiện rút đơn khởi kiện sau khi được nghe tổ hòa giải tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục hoặc các vụ án sau khi Tòa án thụ lý, Thẩm phán, KSV giải thích, phân tích, thuyết phục để các bên đương sự hiểu, nhận thức được vấn đề mâu thuẫn trong cuộc hôn nhân, có thể cùng nhau ngồi lại để bàn bạc, tìm cách tháo gỡ mâu thuẫn, chấp nhận tiếp tục chung sống mỗi năm là rất ít. Điều đó đã phần nào phản ánh chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỹ năng thuyết phục, hòa giải của Thẩm phán, Thư ký Tòa án cũng như KSV còn chưa thực sự hiệu quả.
4. Giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ly hôn
Để góp phần củng cố và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, từng bước kiềm chế thực trạng ly hôn đang gia tăng như hiện nay, VKSND huyện Thường Tín thấy sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó, cần thực hiện động bộ một số giải pháp sau:
Một là, Nhà trường, các cơ sở giáo dục cần nâng cao chất lượng giáo dục trong Nhà trường. Trong đó, chú trọng việc trang bị, giáo dục kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình, đạo đức, lối sống, nhân cách, nghĩa vụ, trách nhiệm với gia đình, người thân; những kiến thức tiền hôn nhân cơ bản để họ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình khi quyết định lập gia đình. Do đó, cần thiết phải tổ chức các buổi tuyên truyền mang tính bắt buộc cho các bạn trẻ tham gia trước khi kết hôn và sau khi kết hôn để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hôn nhân, xây dựng gia đình, biết yêu thương, lắng nghe và chia sẻ, biết tôn trọng, nhường nhịn nhau “chồng bảo vợ nghe, vợ nói chồng đồng tình”, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội; khi có mâu thuẫn, xung đột xảy ra cần bình tĩnh, khéo léo giải quyết các vấn đề; nói không với những tệ nạn xã hội; biết nghĩ về con cái, tôn trọng những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam; tích cực lao động phát triển kinh tế, tăng cường hoàn thiện đạo đức gia đình, kỹ năng hòa nhập với cuộc sống chung vợ chồng; kỹ năng chăm sóc bà bầu, chăm sóc con nhỏ; định hướng, giới thiệu việc làm cho các cặp vợ chồng để họ có thể giải đáp những thắc mắc, chia sẻ khó khăn, vướng mắc phát sinh sau hôn nhân, nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng, giúp các cặp vợ chồng sống tốt hơn.
Hai là, cần tăng cường các mô hình phát triển kinh tế như kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất ... để tạo công ăn việc làm cho thế hệ trẻ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng giới trẻ không có công ăn việc làm, phải sống phụ thuộc. Việc tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho giới trẻ sẽ góp phần giảm thiểu mâu thuẫn của các cặp vợ chồng, phát triển kinh tế xã hội cũng như góp phần tích cực vào giảm thiểu tệ nạn xã hội xảy ra.
Ba là, cần đẩy mạnh vai trò của Hội liên hiệp phụ nữ, tăng cường công tác hòa giải tại cơ sở, tại tòa án nhân dân, trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho KSV nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải cho các cặp đôi. Bởi nâng cao chất lượng công tác hòa giải của các Hòa giải viên cơ sở, Thẩm phán, KSV sẽ giúp các cặp vợ chồng có thể bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề mâu thuẫn phát sinh của bản thân, chỉ ra cho họ các biện pháp, giải pháp nhằm tháo gỡ mâu thuẫn; nhận thức sâu sắc hơn giá trị của cuộc sống hôn nhân, trách nhiệm với các thành viên trong gia đình, đồng thuận cố gắng xây dựng cuộc sống hôn nhân tốt đẹp hơn, góp phần tăng số lượng nguyên đơn rút đơn, rút yêu cầu khởi kiện ly hôn. Ngoài ra, cần kịp thời nắm bắt, phát hiện tình trạng bạo lực gia đình để kịp thời răn đe giáo dục, bảo vệ người yếu thế trong gia đình khỏi bạo lực.
Bốn là, cần bổ sung chỉ tiêu tỷ lệ hòa giải thành trong việc giải quyết án ly hôn của ngành Tòa án nhân dân trong hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ quy định tại Nghị quyết số 96/2019/QH14 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án nhằm góp phần kìm chế tình trạng ly hôn gia tăng.
Năm là, cần tăng cường mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kỹ năng hòa giải cho các KSV được phân công kiểm sát giải quyết vụ việc hôn nhân gia đình; kỹ năng kiểm sát việc giải quyết vụ việc của Tòa án của VKS để các vụ việc hôn nhân gia đình – ly hôn được giải quyết đảm bảo quy định của pháp luật, thấu tình, đạt lý, giảm thiểu các vụ ly hôn xảy ra.
Nguyễn Văn Thuật – Viện trưởng; Triệu Văn Doan – Phó Viện trưởng; Hoàng Thúy Hằng – Kiểm sát viên
Viện KSND huyện Thường Tín
Đang truy cập : 105
Tổng lượt truy cập : 1396056