Bàn về chứng cứ điện tử trong hoạt động tố tụng dân sự

26/06/2024 13:47 | 2064 | 0

        Cùng với sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện nay, với sự phát triển vũ bão của internet và mạng xã hội thì các thông tin trao đổi, giao dịch điện tử, giao dịch diễn ra trên không gian mạng ngày càng phổ biến. Bởi vậy, khi xảy ra tranh chấp dân sự trong các lĩnh vực như tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về hợp đồng dân sự, mua bán, dịch vụ, tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các vấn đề về ly hôn, thừa kế... thì dữ liệu, tài liệu điện tử đóng vai trò là chứng cứ quan trọng trong hoạt động tố tụng tại tòa án.

        1. Tổng quan về chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự

        Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì chứng cứ được hiểu là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng dân sự  quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

        Khái niệm chính thức về chứng cứ điện tử chưa được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về dân sự ở Việt Nam. Khoản 3 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định “thông điệp dữ liệu điện tử” được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Như vậy, tuy không đưa ra khái niệm thế nào là “dữ liệu điện tử” nhưng Bộ luật tố tụng dân sự lại đưa ra khái niệm khi có sự trao đổi dữ liệu điện tử thì sẽ hình thành một dạng thông điệp điện tử bên cạnh các dạng khác là chứng cứ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

        Chứng cứ điện tử có thể được hiểu là những thông tin, dữ liệu được thu thập từ các thiết bị điện tử và các thiết bị lưu trữ thông tin, dữ liệu hay từ mạng internet, được các bên tham gia tố tụng cung cấp cho Tòa án hoặc do Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền thu thập nhằm chứng minh cho các yêu cầu của các chủ thể hay các đương sự khi giải quyết các yêu cầu, vụ việc theo trình tự tố tụng.

        2. Đặc điểm của chứng cứ điện tử: Chứng cứ điện tử cũng mang đầy đủ những đặc điểm, thuộc tính như chứng cứ thông thường đó là tính liên quan, tính khách quan và tính hợp pháp.

        - Thứ nhất, tính khách quan của chứng cứ hay còn là tính xác thực của chứng cứ. Chứng cứ là những gì có thật, là những thông tin, tài liệu, đồ vật khách quan, tồn tại độc lập không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người. Các thông tin, tài liệu, đồ vật đó phải phù hợp với các tình tiết của vụ án đang được chứng minh.

        Tuy nhiên, khác biệt rất lớn so với chứng cứ vật chất thông thường, chứng cứ điện tử không thể tồn tại một cách độc lập mà phải phụ thuộc vào các thiết bị điện tử hoặc các phần mềm ứng dụng. Mặt khác, đặc tính của dữ liệu điện tử là dễ bị ẩn hay biến mất, dễ thay đổi, chỉnh sửa, xóa bỏ, giả mạo…Vì vậy, chứng cứ điện tử luôn có nguy cơ bị thay đổi, tiêu hủy, bởi người có quyền truy cập hoặc do các rủi ro khác. Khi đó chứng cứ điện tử có thể làm thay đổi đáng kể nhận định, đánh giá chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác, sử dụng chứng cứ điện tử. Bởi đối với các chứng cứ vật chất thông thường, các hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan chức năng có thể dễ dàng phát hiện ra nếu có sự tác động hay thay đổi đến chứng cứ thông qua các hoạt động giám định,.

        Do vậy, để đảm bảo tính khách quan, tính nguyên trạng không có sự can thiệp từ bên ngoài nào vào nội dung của dữ liệu thì chứng cứ điện tử cần phải được thu thập, bảo quản theo trình tự, thủ tục nhất định, nhằm duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu. Cần đảm bảo tính xác thực của dữ liệu điện tử, nghĩa là phải đảm bảo trước, trong và sau khi thu giữ vật chứng lưu dữ liệu điện tử và dữ liệu điện tử đã thu giữ và lưu vào phương tiện điện tử không thể bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài làm thay đổi dữ liệu. Có đủ căn cứ chứng minh vật chứng và dữ liệu điện tử làm chứng cứ có thật, tồn tại khách quan, không bị làm sai lệch, biến dạng.

        - Thứ hai, tính hợp pháp. Việc thu thập, đánh giá, nghiên cứu, sử dụng, bảo quản chứng cứ cần phải tuân thủ theo các trình tự nhất định nhằm đảm bảo cho tính khách quan và giá trị chứng minh của chứng cứ. Các phương tiện điện tử (nguồn chứa chứng cứ điện tử) không chỉ là tài sản thuộc sở hữu cá nhân, cơ quan, tổ chức mà còn là tài sản chứa thông tin, là phương tiện trao đổi thông tin riêng tư khác. Do đó việc truy cập trái phép vào các phương tiện điện tử thu thập dữ liệu điện tử để thu thập, sử dụng, bảo quản chứng cứ cũng là hành vi xâm phạm đến quyền riêng tư, quyền sở hữu, an ninh quốc gia... Vì vậy, khi không được cấp quyền bởi chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dữ liệu điện tử thu được từ hoạt động trên không được coi là hợp pháp.

        Như vậy, tính hợp pháp của chứng cứ được đặt ra nhằm ngăn chặn việc các thông tin nội bộ của cơ quan tổ chức hoặc dữ liệu đời tư cá nhân có thể bị thu thập hoặc thay đổi do hoạt động xâm nhập trái phép vào các phương tiện điện tử, can thiệp trái phép vào dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

        - Thứ ba, tính có liên quan. Tính liên quan của chứng cứ thể hiện ở mối liên hệ khách quan của các thông tin, tài liệu với các tình tiết của vụ án cần được xác định. Trong quá trình giải quyết một vụ án dân sự, thông thường nhiều thông tin, tài liệu được thu thập. Tuy nhiên, không phải tất các thông tin, tài liệu thu thập được đều là chứng cứ mà chỉ các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ án, tức dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án mới là chứng cứ. Giữa chứng cứ và những sự kiện pháp lý đó phải có mối liên hệ nhân quả, trong mối quan hệ đó, cái này là kết quả tất yếu của cái kia và cái kia phải là nguyên nhân tất yếu dẫn đến cái này. Bên cạnh đó, tính liên quan còn thể hiện trong mối quan hệ giữa các chứng cứ với nhau trong cùng một vụ việc. Theo đó, các chứng cứ có thể khác nhau ở trạng thái, thời điểm hình thành… nhưng đều cho thấy mối liên quan với cùng một sự kiện pháp lý thuộc vấn đề đang phải giải quyết.

        3. Hoàn thiện pháp luật về chứng cứ điện tử

        Mặc dù pháp luật dân sự có sự công nhận giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử, tuy nhiên vẫn thiếu các quy định cụ thể về quy trình thu thập, lưu giữ chứng cứ điện tử, căn cứ xác minh tính chính xác của dữ liệu điện tử. Vì vậy, trong thực tiễn, có thực trạng lúng túng cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đánh giá, công nhận dữ liệu điện tử là chứng cứ trong vụ án dân sự, dẫn đến không thể giải quyết được các tranh chấp phát sinh, không bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia tố tụng.

        - Một là, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 tuy đã bổ sung nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử, tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục thu thập. Do chưa có quy định cụ thể về thủ tục thu thập chứng cứ điện tử nên các tòa án hiện nay yêu cầu đương sự khi nộp chứng cứ điện tử phải tuân thủ theo yêu cầu như nộp tài liệu nghe được, nhìn được, bao gồm văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó. Thực tiễn hiện nay, chứng cứ điện tử có giá trị chứng minh thấp hơn chứng cứ truyền thống (đa số là văn bản giấy) bởi thông thường, đương sự khó có thể chứng minh được tính khách quan của dữ liệu điện tử: không thể tự chứng minh đươc tính nguyên vẹn của chứng cứ điện tử, không xác định được người khởi tạo và truyền dữ liệu.

        Vì vậy, Luật cần bổ sung những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử của cá nhân, cơ quan, tổ chức để bảo đảm tính xác thực, tính hợp pháp để chứng minh cho các yêu cầu của các đương sự trong quá trình giải quyết tranh chấp.

        - Hai là, cần bổ sung trong tố tụng về những yêu cầu trong việc phục hồi dữ liệu điện tử bị xóa, thu thập dữ liệu điện tử trên đường truyền, mạng internet, icloud, các phần mềm… để có thể cung cấp các chứng cứ điện tử phục vụ hoạt động tố tụng. Những chứng cứ là dữ liệu điện tử thường được lưu trữ dưới dạng các tệp văn bản, hình ảnh, âm thanh,... trên các thiết bị điện tử và được số hóa nên khác với chứng cứ vật chất, việc sao chép, phát tán, thay đổi, cập nhật hoặc xóa một số loại chứng cứ điện tử có thể được thực hiện chỉ với một số thao tác đơn giản. Tuy nhiên, việc phá hủy tài liệu điện tử có nhiều khó khăn bởi những dữ liệu đã xóa hoàn toàn có thể phục hồi bởi những người có khả năng chuyên môn với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại có thể ghi nhận mọi sự thay đổi trên dữ liệu. Vì vậy, việc hoàn thiện quy định pháp luật về những điều kiện, yêu cầu trong việc phục hồi chứng cứ là dữ liệu điện tử có ý nghĩa rất quan trọng.

        - Ba là, chi phí cho việc khôi phục các dữ liệu đã bị phá hủy hay xác minh, thu thập dữ liệu, giám định tính hợp pháp của dữ liệu hoặc việc mã hóa các dữ liệu điện tử cũng cần có những quy định cụ thể.

        - Bốn là, sự cần thiết của việc thu thập các chứng cứ điện tử. Trong thực tiễn tố tụng, Thẩm phán có quyền yêu cầu xác minh, thu thập dữ liệu cho việc xem xét, đánh giá chứng cứ để đảm bảo tính khách quan của vụ án nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa quy định thế nào là cần thiết, vì vậy, không thể tránh khỏi việc người tiến hành tố tụng thụ động trong trường hợp yêu cầu xác minh, thu thập các dữ liệu điện tử.

        - Năm là, việc quy định cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin có nghĩa vụ hỗ trợ  thu thập, kiểm tra, đánh giá tính hợp pháp, khách quan của chứng cứ điện tử. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có những bước tiến lớn trong việc hoàn thiện dữ liệu quốc gia về dân cư, mã số thuế, số điện thoại... nhằm tạo thuận lợi cho việc xác thực danh tính và thông tin cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Có thể cân nhắc việc quy định cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin có nghĩa vụ hỗ trợ trong quá trình kiểm tra, xem xét tính cần thiết của dữ liệu trong trường hợp các bên đương sự không thể cung cấp và cơ quan nàycũng có quyền truy cập, tra cứu các dữ liệu quốc gia, ngoại trừ các dữ liệu trường hợp riêng biệt thì đương sự yêu cầu phải chịu chi phí nhưng chỉ được trích dẫn các dữ liệu có liên quan đến vụ án cho Tòa án.

        * Để đảm bảo việc công nhận, sử dụng và đánh giá dữ liệu điện tử làm chứng cứ trong vụ án dân sự nhằm giải quyết được các tranh chấp phát sinh, bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia tố tụng thì cần đảm bảo các điều kiện tiên quyết như sau:

        - Cần nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin và kỹ năng của những người tiến hành tố tụng. Việc thu thập, xác minh, đánh giá chứng cứ điện tử đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải am hiểu và biết cách sử dụng các kỹ năng cần thiết như các thủ tục và kỹ thuật được áp dụng để tra cứu, truy cập, giải mã... những tài liệu, dữ liệu điện tử mới có thể thu thập được đầy đủ, khách quan, toàn diện các chứng cứ để giải quyết vụ án. Để nâng cao trình độ về tin học cũng như kỹ năng sử dụng các phương tiện điện tử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên và Thư ký Tòa án thì cần có các chương trình đào tạo phù hợp, tập huấn, hội thảo thường xuyên và được liên tục cập nhật thì mới đáp ứng được các yêu cầu này.

        - Cần có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ và phù hợp để đáp ứng các yêu cầu giải quyết tranh chấp các vụ án có sử dụng các chứng cứ điện tử. Bởi các công nghệ mới được phát minh và phát triển rất nhanh; các thủ tục và kỹ thuật được áp dụng cho chúng cũng cần được liên tục cập nhật. Mỗi loại thiết bị điện tử đều có những đặc điểm cụ thể riêng, đòi hỏi phải áp dụng các quy trình chính xác và phù hợp. Do đó, việc tuân thủ các thủ tục về chứng cứ điện tử là quan trọng để đảm bảo tính toàn vẹn và đầy đủ của chứng cứ điện cứ.

        Có thể thấy, trong xã hội công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, việc hoàn thiện pháp luật về chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự để đảm bảo tính khách quan và hợp pháp của chứng cứ điện tử là một yêu cầu bức thiết.

Nguyễn Thị Hà Phương – Phòng 9

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 22

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1463765