Cách đây 54 năm, ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký công bố lệnh công bố Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của ngành Kiểm sát nhân dân trong hệ thống bộ máy các cơ quan Nhà nước. Việc thành lập Viện Kiểm sát nhân dân với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố đã đánh dấu bước tiến quan trọng của Nhà nước ta trên con đường xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều được xử lý theo pháp luật.
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định 01/QĐ ngày 31/12/1960 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố, nhằm đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất trên địa bàn Thủ đô.
( Trụ sở Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội )
Trải qua 54 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, kể từ khi thành lập đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Thành ủy Hà Nội và HĐND thành phố, sự giúp đỡ hiệu quả của các cấp ủy Đảng, UBND các ban ngành thành phố, đặc biệt sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan nội chính và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đã không ngừng được củng cố phát triển và đạt nhiều thành tích đáng trân trọng trong các lĩnh vực công tác. Tuy trong mỗi giai đoạn cách mạng của đất nước, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát có sự thay đổi, nhưng các thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đã không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần đắc lực vào công tác đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế XHCN, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn Thủ đô. Nhiều cán bộ Kiểm sát viên hai cấp thành phố là tấm gương cán bộ vừa hồng vừa chuyên, người Đảng viên kiên trung trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Hội nghị toàn quốc ngành Kiểm sát nhân dân (Hà Nội ngày 06 tháng 12 năm 2012)
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao trao cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua
Bước vào thời kì đổi mới, cùng với những biến đổi sâu sắc toàn diện của đất nước, của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đã có những bước phát triển mới cả về tổ chức và hoạt động. Thông qua hoạt động kiểm sát, Viện Kiểm sát hai cấp đã kiến nghị với các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương nhiều biện pháp nhằm khắc phục những thiếu sót, sơ hở trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước, bảo vệ pháp chế XHCN, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm cho pháp luật được chấp hành ngày càng nghiêm chỉnh và thống nhất trên địa bàn thành phố, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
Triển khai Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đã bám sát chức năng, nhiệm vụ của ngành, nhiệm vụ chính trị địa phương, tăng cường phối hợp với cơ quan tư pháp thành phố, nỗ lực trong việc giải quyết các vụ án hình sự, đã phát hiện và đưa ra xử lý nghiêm minh nhiều vụ án lớn, và nghiêm trọng về tham nhũng, ma túy, phạm tội có tổ chức, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm... Kết quả này góp phần thiết thực vào việc tăng cường kỷ cương phép nước, trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chính quyền và các cơ quan tư pháp.
Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ ba, từ ngày 01/8/2008, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội được thành lập trên cơ sở hợp nhất Viện KSND thành phố Hà Nội (cũ) và Viện KSND tỉnh Hà Tây, Viện KSND huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc).
Trước tình hình mới, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện KSND thành phố đã kịp thời ổn định tổ chức; ổn định tư tưởng cho cán bộ công chức; sắp xếp trụ sở làm việc; bổ sung hoàn thiện hệ thống quy chế hoạt động quản lý, quy chế nghiệp vụ đảm bảo thống nhất trong toàn ngành kiểm sát thành phố, cung cấp, bổ sung trang thiết bị làm việc, trang thiết bị nghiệp vụ... đảm bảo hoạt động của Viện Kiểm sát hai cấp thành phố đi vào nề nếp ngay từ ngày đầu hợp nhất.
Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và định hướng phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, hiện tại Viện kiểm sát hai cấp thành phố Hà Nội có cơ cấu 45 đơn vị thực thuộc gồm 15 đơn vị cấp phòng và 30 đơn vị VKS cấp quận, huyện, thị xã. Chú trọng công tác đầu tư nguồn nhân lực đảm bảo trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức từ công tác tuyển dụng, công tác giáo dục đào tạocán bộ...ngành Kiểm sát Hà Nội hiện có 01 tiến sỹ, 83 thạc sỹ và 97 đồng chí đang theo học chương trình thạc sỹ. Tăng cường đầu tư sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới trụ sở làm việc, phương tiện phục vụ công tác. Trang bị và đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin đến từng Kiểm sát viên, Kiểm tra viên. Đã xây dựng mới 11 trụ sở VKS cấp huyện đảm bảo thiết kế đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Sửa chữa nâng cấp 15 trụ sở Viện kiểm sát hai cấp. Trang bị 20 xe ô tô, 50 xe mô tô làm phương tiện phục vụ công tác. Đã đề nghị và được UBND thành phố duyệt cấp 2,5 ha đất để thực hiện đề án xây dựng mới trụ sở Viện kiểm sát nhân dân thành phố theo tinh thần cải cách tư pháp.
Với tất cả các nỗ lực cố gắng đó, trong thời gian từ năm 2000 đến nay, Viện KSND thành phố Hà Nội đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba năm 2001; VKSND tỉnh Hà Tây cũ được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất; Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc các năm 2005, 2007, 2009, 2010, 2012, 2013; Viện trưởng VKSND Tối cao tặng bằng khen năm 2006, 2008 và tặng Cờ thi đua ngành năm 2011. Có 17 tập thể được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; 06 cán bộ, KSV hai cấp được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba; 15 đồng chí được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 đồng chí được nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc; 47 đồng chí được công nhận chiến sỹ thi đua ngành... và rất nhiều bằng khen của các cấp, các ngành tặng cho tập thể, cá nhân; Đó là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành đối với thành quả lao động tận tụy của tập thể lãnh đạo, cán bộ, KSV hai cấp thành phố Hà Nội trong những năm qua.
Với lòng tin tưởng sâu sắc vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự quan tân của Nhà nước, với kinh nghiệm và truyền thống 54 năm hoạt động, Viện KSND thành phố Hà Nội nhất định vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.
Đang truy cập : 217
Tổng lượt truy cập : 1412923