Trong thời gian vừa qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, gia tăng về số lượng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tội phạm giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiếp dâm người dưới 16 tuổi… diễn ra với tính chất phức tạp và đa dạng hơn. Các loại tội phạm mới xuất hiện, thủ đoạn phạm tội tinh vi, hoạt động có tổ chức, sử dụng công nghệ thông tin, phạm tội trên không gian mạng; việc cho vay lãi nặng và đòi nợ bằng nhiều phương thức, thủ đoạn, sử dụng các phần mềm, các App cho vay xuất hiện từ nước ngoài, cho vay với lãi suất rất lớn để thu lời bất chính, từ đó hoạt động trốn thuế, rửa tiền, thủ đoạn phạm tội tinh vi gây thiệt hại nhiều tỷ đồng; vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, về trật tự xây dựng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; mua bán trái phép thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức sau đó rao bán công khai trên mạng; lừa đảo bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ qua mạng để hưởng hoa hồng nhằm chiếm đoạt số tiền đặt cọc… gây rất nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm do tội phạm sử dụng công nghệ cao hầu như không để lại dấu vết.
Trước tình hình trên, công tác tiếp nhận, phân loại xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và giải quyết vụ án hình sự cần đổi mới, bám sát thực tiễn với yêu cầu về chất lượng, hiệu quả cao hơn. Việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đòi hỏi Viện kiểm sát nhân dân phải phát huy vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong suốt quá trình tố tụng, là cơ quan đảm bảo việc giải quyết các nguồn tin về tội phạm, các vụ án hình sự được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, việc đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh; yêu cầu điều tra là một quyền năng pháp lý quan trọng và cơ bản của Viện kiểm sát được quy định tại các Điều 159 và Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự và Quy chế thực hành quyền công tố kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố của ngành Kiểm sát, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng khi thực hành quyền công tố trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra vụ án hình sự, nhằm làm rõ những vấn đề cần kiểm tra, xác minh để thu thập chứng cứ, hoàn thiện các thủ tục tố tụng, bảo đảm cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện và đầy đủ, tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, tránh làm oan người vô tội. Cũng thông qua văn bản này sẽ đánh giá được trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của Kiểm sát viên. Trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ban hành văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh; yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên còn có một số hạn chế nhất định như nội dung văn bản chưa rõ ràng, yêu cầu những vấn đề không cần thiết, hình thức văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra chưa sát, đúng…
Theo yêu cầu của ngành Kiểm sát nhân dân, 100% các tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố đều phải có bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, 100% các vụ án hình sự phải có yêu cầu điều tra. Bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và bản yêu cầu điều tra có chất lượng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội hoặc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Để bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu điều tra có chất lượng cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, khi có vụ việc xảy ra, bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu điều tra phải đảm bảo tính kịp thời. Sau khi nhận được quyết định phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm hoặc quyết định phân công giải quyết vụ án, Kiểm sát viên phải nhanh chóng tiếp cận hồ sơ vụ việc, kịp thời xây dựng báo cáo đề xuất thụ lý kiểm sát giải quyết đối với tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, báo cáo án mới khởi tố với lãnh đạo đơn vị. Trong các báo cáo phải rõ nội dung, đề xuất cụ thể những nội dung cần yêu cầu kiểm tra xác minh, yêu cầu điều tra để đơn vị chỉ đạo kịp thời đối với từng vụ án, từng vụ việc. Yêu cầu điều tra phải được thể hiện bằng văn bản, đúng mẫu số 83/HS ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của VKSND tối cao. Đối với các vụ việc Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường, tử thi hoặc phối hợp với Điều tra viên phân loại thì Kiểm sát viên trực tiếp yêu cầu Điều tra viên khẩn trương thu thập dấu vết, vật chứng phục vụ cho việc giám định và chuyển hóa chứng cứ, nhất là đối với các vụ việc, vụ án cần kịp thời thu giữ các chứng cứ vật chất (điển hình là các vụ án xâm hại tình dục, sử dụng không gian mạng để phạm tội…).
Hai là, bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu điều tra phải đảm bảo tính có căn cứ và chính xác. Sau khi tiếp cận hồ sơ vụ việc, hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ, toàn diện hồ sơ để đề ra bản yêu cầu kiểm tra, xác minh; yêu cầu điều tra. Theo đó, bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu điều tra phải đầy đủ các nội dung cần chứng minh theo quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự. Do mỗi loại tội phạm có cấu thành khác nhau nên Kiểm sát viên phải nắm chắc và nâng cao kỹ năng xử lý đối với từng loại tội phạm, từ đó đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra thật sát và phù hợp đối với loại tội đó. Không được đề ra yêu cầu chung chung, thiếu căn cứ, không cần thiết hoặc không thể thực hiện được. Mặt khác, Kiểm sát viên phải phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên để xác định đã thu thập được tài liệu, chứng gì và cần phải thu thập các tài liệu, chứng cứ gì để giải quyết dứt điểm vụ án, vụ việc. Đối với các dấu vết, vật chứng và các tài liệu cần giám định thì yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu ngay để bảo đảm thời gian cũng như hiệu quả của hoạt động giám định.
Ba là, kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu điều tra. Kiểm sát viên phải nắm chắc tiến độ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và tiến độ điều tra vụ án. Đồng thời phải kiểm tra Điều tra viên về việc thực hiện yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu điều tra; khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của việc chưa thực hiện được hết yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu điều tra. Việc nắm chắc tiến độ giải quyết cũng như kiểm tra việc thực hiện yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu điều tra sẽ giúp cho việc ra quyết định giải quyết đúng hạn luật định. Đồng thời giúp cho Kiểm sát viên chủ động bổ sung các yêu cầu kiểm tra, xác minh; yêu cầu điều tra phù hợp với diễn biến của vụ án. Kiểm sát viên có thể ban hành nhiều yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu điều tra. Trong quá trình giải quyết nếu có phát sinh tình tiết mới thì tiếp tục đề ra yêu cầu. Trường hợp Cơ quan điều tra không thực hiện thì cần xác định nguyên nhân, đưa ra giải pháp; trao đổi về tiến độ thực hiện. Trong nội dung của bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên phải nêu hoặc trích dẫn tài liệu, chứng cứ hoặc những vấn đề cần xác minh, điều tra… từ đó quay trở lại vấn đề chứng minh tội phạm.
Bốn là, trong việc giải quyết nguồn tin tội phạm, giải quyết vụ án, có một số trường hợp yêu cầu kiểm tra, xác minh; yêu cầu điều tra chưa được thực hiện triệt để, thời gian thực hiện kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết vụ việc, vụ án. Do vậy, ngoài việc gửi yêu cầu kiểm tra, xác minh; yêu cầu điều tra cho Điều tra viên, Kiểm sát viên cần gửi văn bản này đến lãnh đạo Cơ quan điều tra biết để phối hợp theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện của điều tra viên.
Năm là, đối với các vụ án, vụ việc có khó khăn trong đánh giá chứng cứ hoặc có quan điểm trái chiều giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên, thì trên cơ sở nắm chắc tiến độ giải quyết và kiểm tra việc thực hiện yêu cầu kiểm tra, xác minh; yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên phải chủ động báo cáo đề xuất xin ý kiến của lãnh đạo đơn vị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tăng cường tổ chức các cuộc họp giao ban, liên ngành tố tụng định kỳ để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc điều tra, xác minh để giải quyết các vụ việc, vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Sáu là, chú trọng rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các yêu cầu kiểm tra, xác minh; yêu cầu điều tra. Trong đó, cần phân tích làm rõ bài học kinh nghiệm của các ưu điểm; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; khó khăn, vướng mắc một cách có hệ thống để tham mưu lãnh đạo Viện có văn bản chỉ đạo việc nâng cao chất lượng, hiệu quả việc đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh; yêu cầu điều tra đối với các vụ việc, vụ án.
Việc thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên sẽ góp phần bảo đảm cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, giải quyết vụ án hình sự được hiệu quả và đúng quy định pháp luật. Qua đó, thể hiện ý chí, năng lực, trình độ cá nhân của Kiểm sát viên, phát huy hơn nữa vị trí, vai trò, nâng cao vị thế của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.
Nguyễn Thị Vân Hồng - Viện KSND thành phố Hà Nội
Đang truy cập :
239
Tổng lượt truy cập :
1493477