Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, với nhiều quy định được sửa đổi bổ sung đảm bảo bản án, quyết định của Tòa án được thi hành một cách nghiêm minh. Luật thi hành án hình sự đã bổ sung một số nội dung liên quan đến việc giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Trong đó, quy định người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ không được xuất cảnh trong thời gian thử thách, chấp hành án. Tuy nhiên, việc ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người chấp hành án đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
1. Quy định của pháp luật về tạm hoãn xuất cảnh đối với người chấp hành án.
Tại khoản 3 Điều 67, khoản 4 Điều 92, khoản 4 Điều 100 Luật Thi hành án hình sự đã quy định về các trường hợp không được xuất cảnh, trong đó người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo và người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ không được xuất cảnh trong thời gian thử thách, thời gian chấp hành án.
Tương tự, tại khoản 2 Điều 36, khoản 2 Điều 37 quy định Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh cũng như thẩm quyền ban hành các quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh:
“Điều 36. Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh
2. Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.”
“Điều 37. Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh
2. Cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật này.”
Đối với trường hợp hoãn chấp hành án và tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, theo quan điểm của tác giả Luật thi hành án hình sự, không quy định về việc tạm hoãn xuất cảnh bởi xét trên cơ sở căn cứ được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, phải là các trường hợp bệnh nặng, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, lao động duy nhất trong gia đình hay do nhu cầu công vụ. Có thể thấy đây đều là những trường hợp do hoàn cảnh khách quan mà người chấp hành án cần thiết phải có mặt tại nơi cư trú. Việc quy định tạm hoãn xuất cảnh là không cần thiết bởi những người này không có khả năng hoặc nếu xuất cảnh sẽ không giải quyết được những khó khăn là cơ sở để được hoãn chấp hành án. Tuy nhiên tại Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được thông qua sau khi thông qua Luật thi hành án hình sự 06 tháng, đã bổ sung thêm hai trường hợp hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù nhằm lường trước nguy cơ khi người chấp hành án lợi dụng việc hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án có cơ hội để xuất cảnh, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Về biểu mẫu tố tụng, theo quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 3 Thông tư số 79/2020/TT-BCA ngày 14/7/2020 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện tạm hoãn xuất cảnh chưa cho nhập cảnh quy định về Biểu mẫu Quyết định, Thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người chấp hành án thì Quyết định tạm hoãn xuất cảnh (Mẫu M01) dùng cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 để áp dụng đối với trường hợp được hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Biểu mẫu tố tụng cũng quy định tại phần nơi nhận, cơ quan ban hành Quyết định phải ghi tên cơ quan, tổ chức có liên quan. Đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án được Cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh căn cứ cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh ban hành Thông báo danh sách tạm hoãn xuất cảnh (Mẫu M01đ) đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an.
2. Vướng mắc, bất cập
Thứ nhất, Luật Thi hành án hình sự quy định nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ không được xuất cảnh trong thời gian thử thách, chấp hành án. Tuy nhiên, trong Luật Thi hành án hình sự không quy định rõ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Những điều này chỉ được quy định tại Điều 37, 39 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Đặc biệt, những quy định này được dẫn chiếu ngược lại Luật Thi hành án hình sự khiến việc tra cứu, thực thi pháp luật trở nên khó khăn. Điển hình có nhiều quan điểm không nhất trí với quy định trong Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam vì cho rằng việc Thi hành án hình sự phải được thi hành theo thủ tục quy định tại Luật Thi hành án hình sự.
Thứ hai, Luật Thi hành án hình sự tuy quy định người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ không được xuất cảnh trong thời gian thử thách, thời gian chấp hành án nhưng chưa quy định rõ cơ quan, người có thẩm quyền bắt buộc phải ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh hay không.
Đối với trường hợp người được hoãn, được tạm đình chỉ thi hành án không quy định thuộc trường hợp không được xuất cảnh trong Luật Thi hành án hình sự. Điều này càng gây khó khăn khi những người này không có quy định rõ ràng bắt buộc không được xuất cảnh mà chỉ được nêu như một trong các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh tại Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cũng nêu rõ những trường hợp này bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của Luật Thi hành án hình sự, mà Luật Thi hành án hình sự lại không có quy định bắt buộc không được xuất cảnh với trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án. Vì không được quy định cụ thể trong luật, tại nhiều địa phương, cơ quan tố tụng không ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh trong các trường hợp này.
Thứ ba, Theo quy định tại khoản 1 Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 2 Điều 24, khoản 3 Điều 36 Luật Thi hành án hình sự, khoản 2 Điều 37 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì thẩm quyền ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh là Chánh án Tòa án. Hiện nay, việc quy định biểu mẫu, hướng dẫn về tạm hoãn xuất cảnh là theo Thông tư số 79/2020/TT-BCA ngày 14/7/2020 của Bộ Công an, ngành Tòa án chưa có Biểu mẫu, Quy định hướng dẫn riêng. Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Thông tư số 79/2020/TT-BCA ngày 14/7/2020 của Bộ Công an thì mẫu M01 mới để “áp dụng đối với trường hợp được hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù…”[1]. Đối với các trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ lại không có mẫu Quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Hiện tại các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn đang sử dụng mẫu M01, tuy rằng thực tế không có vướng mắc đáng kể nhưng là không đúng nếu xét về khía cạnh pháp luật.
Cuối cùng, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư số 79/2020/TT-BCA ngày 14/7/2020 thì Cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh căn cứ cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh để ban hành Thông báo danh sách tạm hoãn xuất cảnh (Mẫu M01đ) đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể trong luật về trách nhiệm gửi Quyết định tạm hoãn xuất cảnh đến những cơ quan, tổ chức nào. Tại khoản 1 Điều 39 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định: “Người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh có trách nhiệm gửi văn bản theo mẫu đến Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản theo mẫu cho người bị tạm hoãn xuất cảnh…” nhưng lại không quy định việc gửi quyết định này cho Cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh. Trên thực tế, nhiều cơ quan có thẩm quyền chỉ gửi văn bản đến Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an mà không gửi cho Cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh.
3. Đề xuất giải pháp
Thứ nhất, có thể sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự như sau:
- Xem xét quy định tại Chương Đảm bảo điều kiện cho hoạt động Thi hành án hình sự hoặc Quy định một chương riêng về việc bắt buộc phải ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh, kèm theo đó là thẩm quyền, trình tự, thủ tục ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Quyết định này phải được ban hành đồng thời khi Chánh án Tòa án ra các Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Điều này được cân nhắc bởi không thể đặt các quy định này vào các chương Thi hành án phạt tù hay chương Thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống luật, tránh chồng chéo trong cùng một bộ luật. Một cách khác có thể cân nhắc là thêm vào một điều luật để chỉ dẫn tới Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam bởi tại Luật này đã quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh.
- Bổ sung nghĩa vụ của người được người được hoãn chấp hành án phạt tù (Điều 25), tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (Điều 37) về việc Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được đình chỉ chấp hành án phạt tù không được xuất cảnh trong thời gian được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án. Đồng thời bổ sung tại Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự để thống nhất giữa các Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về việc bắt buộc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người được hoãn chấp hành án, người được tạm đình chỉ thi hành án để đảm bảo thi hành án.
Thứ hai, bổ sung quy định tại Thông tư liên tịch 01/2023/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 18/01/2023 của Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp trong thực hiện quy định của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án hình sự tại cộng đồng để hướng dẫn chi tiết hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành Quyết định tạm hoãn xuất cảnh, các đối tượng nhận Quyết định tạm hoãn xuất cảnh.
Trên đây là những nội dung về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Đây cũng là vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc xảy ra trong thực tiễn áp dụng quản lý, giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án. Thông qua bài viết, tác giả rất mong nhận được trao đổi, góp ý từ phía bạn đọc./.
Nguyễn Bá Hoàng, Nguyễn Đức Thành – Viện KSND quận Đống Đa
[1] Điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư hướng dẫn thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh số 79/2020/TT-BCA ban hành ngày 14/7/2020.
Đang truy cập : 238
Tổng lượt truy cập : 1441548