Bàn về vấn đề người đại diện trong pháp luật tố tụng dân sự

22/11/2023 08:52 | 2060 | 0

        Trong những năm gần đây, việc người tham gia tố tụng ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng ngày càng trở nên phổ biến. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu như: do đời sống kinh tế người dân phát triển, nhiều cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động dịch vụ pháp lý, sự chuyên môn hóa trong các dịch vụ pháp lý… Việc người tham gia tố tụng ủy quyền cho người đại diện theo pháp luật hoặc đồng ý để người đại diện theo chỉ định tham gia tố tụng đã đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người tham gia tố tụng, nhất là trong trường hợp họ là những người chưa thành niên, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, những người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cũng như góp phần tích cực cho quá trình tố tụng được nhanh chóng, các vụ việc được giải quyết đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

        Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân thì người tham gia tố tụng – là đương sự (gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) và những người tham gia tố tụng khác (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định v.v.) thường tự mình thực hiện tư cách tố tụng. Tuy nhiên, có những trường hợp vì lý do khách quan mà những người tham gia tố tụng không thể tự mình thực hiện quyền và nghĩa vụ nên họ phải có người đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Pháp luật quy định người tham gia tố tụng có người đại diện, song không phải mọi trường hợp việc uỷ quyền cũng được pháp luật cho phép mà họ phải tự mình thực hiện, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả chỉ đề cập đến vấn đề người đại diện trong pháp luật tố tụng dân sự.

        Theo quy định tại Khoản 1, 2 và 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự. Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các quy định về người đại diện trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 trong thực tiễn vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập phát sinh. Cụ thể,

        Thứ nhất, về trường hợp không được làm người đại diện: Khoản 1 Điều 87 BLTTDS năm 2015 quy định một trong những trường hợp không được làm người đại diện là “nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện”. Tuy nhiên, căn cứ và cơ sở để xác định sự “đối lập” là chưa rõ đối với một số trường hợp đã phát sinh trên thực tế. Ví dụ, từ khi thụ lý vụ án dân sự đến hết giai đoạn chuẩn bị xét xử, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến Tòa án khẳng định không có ý kiến gì, khẳng định không có quan điểm, quyền, lợi ích hợp pháp của họ đối lập với người đại diện của họ, đồng ý người đại diện được tiếp tục đại diện cho họ tham gia tố tụng. Tuy nhiên, khi vụ án chuyển sang giai đoạn đưa vụ án ra xét xử, có tình tiết mới phát sinh khiến người tham gia tố tụng và người đại diện của họ có ý kiến đối lập với sự ủy quyền ban đầu. Như vậy, trong trường hợp này, quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng và người đại diện là đối lập với nhau, sẽ dẫn đến việc giải quyết vụ án gặp khó khăn.

        Thứ hai, khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì họ là người đại diện. Mặt khác, Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về những người thân thích có thể yêu cầu giải quyết ly hôn. Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi chưa có vụ án xảy ra thì cha, mẹ của người mất năng lực hành vi không có quyền đại diện cho người mất năng lực hành vi dân sự này tham gia tố tụng ly hôn. Do đó, việc cử người giám hộ khi người mất năng lực hành vi chưa có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015 còn có trường hợp người bị mất năng lực hành vi dân sự có vợ, có chồng thì trong trường hợp này vợ hoặc chồng là người giám hộ. Như vậy, người chồng hoặc người vợ của người bị bệnh tâm thần này là người giám hộ đương nhiên đồng thời là người đại diện theo pháp luật (khoản 2 Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015). Vì vậy, không thể áp dụng thủ tục cử người khác dù người đó là cha, mẹ làm giám hộ trong khi người chồng, vợ vẫn đang là người giám hộ theo pháp luật. Tuy nhiên, trong quan hệ pháp luật tố tụng dân sự thì người vợ, người chồng của người mất năng lực hành vi là người giám hộ đương nhiên cũng chính là người đại diện cho người này khi tham gia tố tụng. Do đó, sẽ dẫn tới tình trạng họ vừa là nguyên đơn, vừa là người đại diện của bị đơn. Theo đó, người đại diện là người chồng, vợ của người mất năng lực hành vi này sẽ được tự ý quyết định mọi việc bao gồm tài sản và con chung. Điều đó không bảo đảm công bằng cho người mất năng lực hành vi dân sự và trái với nguyên tắc của chế định đại diện là hành động vì quyền và lợi ích cho người được đại diện. Ngoài ra, Tòa án cũng không thể cử cha, mẹ hoặc người khác làm người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự do trái quy định tại Điều 54 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Tòa án chỉ thực hiện việc chỉ định người giám hộ nếu có tranh chấp giữa những người giám hộ theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 Bộ luật Dân sự về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ. Từ bất cập nêu trên đặt ra vấn đề cần thiết nghiên cứu và quy định cha, mẹ hoặc người thân thích khác có quyền đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự tham gia vào quá trình Tòa án giải quyết ly hôn. Trước mắt, khi chưa sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có các văn bản hướng dẫn đối với trường hợp đại diện với các vụ án ly hôn khi chồng hoặc vợ mất năng lực hành vi dân sự.

        Thứ ba, còn bất cập chưa thống nhất về xác định người đại diện khởi kiện vụ án giữa pháp luật dân sự và pháp luật tố tụng dân sự. Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Theo đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người đại diện có thể ủy quyền cho cá nhân hoặc pháp nhân. Tuy nhiên, Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 lại quy định về quyền khởi kiện vụ án như sau: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chỉ cho phép ủy quyền cho cá nhân. Từ đó cho thấy, việc quy định giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về người được ủy quyền là chưa thống nhất, gây khó khăn trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự có người đại diện. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện, thống nhất các quy định về người đại diện của Bộ luật Dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự để bảo đảm quyền và lợi ích của người được đại diện.

        Để hoàn thiện, thống nhất các quy định về đại diện của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự, nhằm đảm bảo việc giải quyết các vụ việc dân sự nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, nhóm tác giả đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:

        Thứ nhất, sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng cần quy định rõ trong quá trình giải quyết vụ án, khi phát sinh sự “đối lập” về quyền và lợi ích giữa người đại diện và người được đại diện (khi họ cùng là đương sự trong một vụ án) thì người đại diện có được tiếp tục đại điện cho người được đại diện tham gia giải quyết vụ án nữa hay không. Quan điểm của nhóm tác giả là trong tình huống này, cần chấm dứt việc đại diện của người đại diện, và người được đại diện có quyền lựa chọn người khác đại diện cho họ để đảm bảo quyền và lợi ích của mình.

        Thứ hai, sửa đổi quy định tại Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015 (quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân) theo hướng bổ sung quy định về trường hợp đặc biệt: cha, mẹ hoặc người thân thích khác có quyền đại diện theo pháp luật cho người bị mất năng lực hành vi dân sự tham gia giải quyết ly hôn cho họ tại Tòa án khi chồng hoặc vợ của họ xin ly hôn. Trong trường hợp này, người giám hộ đương nhiên là người vợ, hoặc chồng của người mất năng lực hành vi dân sự không được đại diện cho họ. Như vậy sẽ đảm bảo bình đẳng về quyền và lợi ích của người bị mất năng lực hành vi dân sự với chồng hoặc vợ của họ.

        Thứ ba, sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015 theo hướng bổ sung một khoản về các trường hợp chỉ cho phép ủy quyền cho cá nhân để bảo đảm phù hợp với tính đặc thù trong từng lĩnh vực (trong đó có quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 - chỉ cho phép ủy quyền cho cá nhân).

        Tựu chung lại, không thể phủ nhận vai trò của người đại diện trong pháp luật tố tụng dân sự, việc tham gia tố tụng của họ có tác dụng đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, nhất là trong trường hợp họ là những người chưa thành niên, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, những người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và đặc biệt, họ có vai trò nhất định trong việc làm rõ sự thật của vụ việc dân sự.

Triệu Văn Doan, Hoàng Thúy Hằng, Nguyễn Hữu Chỉnh

Viện KSND huyện Thường Tín

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 255

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1424433