Thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố còn một số khó khăn, vướng mắc sau:
Thứ nhất, công tác xử lý tang vật, đồ vật, tài sản trong các vụ án, vụ việc đã ra quyết định đình chỉ giải quyết, hoặc không khởi tố do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Có trường hợp vật chứng đã hư hỏng, hao mòn nên chủ sở hữu từ chối nhận lại; một số loại vật chứng không còn giá trị sử dụng cần tiêu hủy nhưng gặp vướng mắc trong trình tự, thủ tục thực hiện, xác định thành phần tham gia hội đồng tiêu hủy do pháp luật không có quy định cụ thể. Bên cạnh đó, có trường hợp sau khi kết thúc việc giám định, mẫu máu, mẫu nội tạng, lông tóc... được hoàn trả cho Cơ quan điều tra nhưng không đủ điều kiện, cơ sở để bảo quản, cơ quan Thi hành án từ chối tiếp nhận với lý do tương tự.
Thứ hai, qua công tác giải quyết các vụ việc, vụ án, tác giả nhận thấy rằng, hiện nay một số lượng lớn tài sản như hàng giả, ma túy, sách in lậu, phương tiện giao thông hoặc những tài sản có giá trị lớn bị thu giữ, thuộc trường hợp sẽ bị tiêu hủy hoặc tịch thu sung công trong giai đoạn thi hành án, nhưng quy trình bảo quản những tài sản này trong giai đoạn điều tra thường kéo dài, chi phí bảo quản lớn, gây lãng phí, giảm giá trị tài sản và có thể phát sinh nguy cơ tiêu cực, tham nhũng trong quá trình lưu kho, bảo quản. Trong khi đó, quy định của pháp luật hiện hành chưa có biện pháp cụ thể tháo gỡ bất cập trên.
Thứ ba, hiện nay các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp thành phố Hà Nội tiếp nhận, giải quyết nhiều vụ việc người tố giác gửi đơn, nhưng sau đó đi khỏi địa phương, không cung cấp các tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, hoặc từ chối giám định thương tích; nhiều vụ việc có tính chất không phức tạp hoặc giá trị thiệt hại không lớn, không có căn cứ xác định người đó bị đe dọa, ép buộc. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra không thể ra quyết định không khởi tố mà phải vận dụng điểm b khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 để tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm, dẫn đến số lượng vụ việc tạm đình chỉ tăng đáng kể.
Thứ tư, theo khoản 2 Điều 2 Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế quy định tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần (Thông tư số 22/2019), hoạt động giám định trên hồ sơ chỉ áp dụng với trường hợp người cần giám định bị chết, mất tích, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Thứ năm, công tác phân loại tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cũng là vấn đề còn nhiều bất cập. Hiện nay, Cơ quan điều tra hai cấp thành phố Hà Nội phải tiếp nhận số lượng lớn các tố giác về tội phạm từ hoạt động vay mượn, góp vốn đầu tư nhưng sau đó không trả tiền…; nhiều vụ việc có bản chất là tranh chấp dân sự, nhưng do không lấy được lời khai người bị tố giác nên phải tạm đình chỉ giải quyết. Bên cạnh đó, số lượng vụ việc lừa đảo qua mạng xã hội cũng tăng đột biến trong những năm qua (chiếm khoảng 40% trên tổng số thụ lý), nhất là những vụ việc bị tố giác chiếm đoạt số tiền trên 500 triệu đồng, gây áp lực rất lớn cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp thành phố.
Viện KSND thành phố Hà Nội trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tại Cục Hải quan thành phố Hà Nội |
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm
Trong 06 tháng đầu năm 2023, tình hình tội phạm trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cả về số lượng cũng như tính chất, mức độ, hành vi phạm tội. Tuy nhiên, VKSND thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020 của liên ngành trung ương quy định phối hợp thực hiện một số điều của BLTTHS về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ (Thông tư liên tịch số 01/2020), VKSND hai cấp thành phố đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp hoàn thành việc rà soát tin đang tạm đình chỉ xác minh. Quá trình giải quyết đảm bảo không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, không có trường hợp quá hạn giải quyết.
Để đạt được kết quả trên, VKSND thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp, cách làm mới, cụ thể như sau:
Thứ nhất, ngay từ đầu năm công tác, Ban Cán sự Đảng VKSND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/BCSĐ ngày 28/12/2022 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác quản lý, giải quyết các vụ việc đang tạm đình chỉ. Đồng thời, lãnh đạo VKSND thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, ban hành kế hoạch công tác và các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, giải đáp kịp thời các khó khăn, vướng mắc; tạo ra nhận thức chung, thống nhất trong VKSND hai cấp. Mặc dù số lượng tố giác, tin báo thụ lý mới rất lớn nhưng hai cấp VKSND thành phố vẫn đảm bảo ban hành 100% các yêu cầu kiểm tra, xác minh có chất lượng, nội dung sát diễn biến vụ việc và đều phải được lãnh đạo đơn vị duyệt trước khi ban hành. Đồng thời, thực hiện yêu cầu của VKSND tối cao và chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, VKSND thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chuyên đề Công tác phối hợp xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các tội phạm nói chung và tội phạm về tham nhũng nói riêng, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, VKSND thành phố đã chủ động phối hợp với Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và giải quyết các vụ việc tạm đình chỉ tại 08 đơn vị Cơ quan Cảnh sát điều tra và VKSND cấp huyện (04 Cơ quan điều tra và 04 Viện kiểm sát) và đã hoàn thành trong tháng 5/2023. Kết thúc các cuộc kiểm tra, VKSND thành phố thay mặt lãnh đạo liên ngành ban hành kết luận, chỉ ra điểm tích cực, đánh giá những tồn tại, vướng mắc của các đơn vị được kiểm tra. Đặc biệt, sau mỗi đợt kiểm tra, VKSND thành phố đều ban hành thông báo rút kinh nghiệm những vi phạm, tồn tại, thiếu sót mang tính phổ biến, điển hình để rút kinh nghiệm đối với toàn bộ Cơ quan điều tra và VKSND hai cấp, kịp thời chấn chỉnh và rút kinh nghiệm chung, từ đó nâng cao trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả công tác này.
Thứ ba, VKSND thành phố Hà Nội đã tăng cường công tác phối hợp tổ chức hội nghị liên ngành để rút kinh nghiệm chung. Hàng năm, VKSND thành phố đều phối hợp với ngành Công an tổ chức hội nghị liên ngành để chỉ đạo chung lực lượng Công an và VKSND hai cấp. Ngày 10/8/2022, VKSND thành phố đã chủ trì, phối hợp với Công an thành phố (Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra) tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành tư pháp thành phố Hà Nội. Hội nghị đã thống nhất giải đáp 28 vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Ngày 26/5/2023, VKSND thành phố đã chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Cục Hải quan, Cục Thuế, Cục Quản lý thị trường, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị liên ngành sơ kết 05 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC và rút kinh nghiệm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC. Hội nghị đã giải đáp, thống nhất nhận thức, quan điểm giải quyết đối với 19 vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; giúp công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, cũng như công tác kiểm sát lĩnh vực này có sự chuyển biến tích cực, đảm bảo thực chất và hiệu quả.
Thứ tư, công tác họp bàn, trao đổi thông tin giữa liên ngành tư pháp thành phố Hà Nội được chú trọng tăng cường theo đúng quy định tại Quy chế phối hợp số 01/QCPH ngày 17/4/2017 của 10 sở, ban, ngành thành phố trong việc cung cấp, trao đổi thông tin tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn. Liên ngành tư pháp thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc họp liên ngành để thống nhất quan điểm, đường lối giải quyết, qua đó kịp thời tháo gỡ nhiều vụ án có khó khăn, vướng mắc của hai cấp thành phố.
Thứ năm, thực hiện nghiêm Thông tư liên tịch số 01/2020 và Thông báo số 16/TB-VKSTC ngày 20/02/2023 về kết luận của Viện trưởng VKSND tối cao tại cuộc họp về chuyên đề quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, lãnh đạo VKSND thành phố Hà Nội đã thực hiện rà soát các vụ việc tạm đình chỉ; đến nay, VKSND thành phố đã nắm được toàn bộ các nguồn tin của 02 cấp đang tạm đình chỉ. Theo đó, hàng tháng, VKSND hai cấp thành phố đều chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp rà soát các tố giác, tin báo về tội phạm đang tạm đình chỉ và thường xuyên có văn bản đôn đốc, yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan chức năng trả lời kết quả giám định, định giá và cung cấp tài liệu; kịp thời phục hồi tin báo khi các căn cứ tạm đình chỉ không còn. Trong báo cáo hàng tháng, các đơn vị VKSND hai cấp thành phố phải nêu rõ kết quả rà soát, giải pháp thực hiện để kéo giảm số tố giác, tin báo về tội phạm tạm đình chỉ. Việc này hiện được VKSND hai cấp thành phố thực hiện, đã đi vào nề nếp và hiệu quả.
Thứ sáu, liên ngành tư pháp thành phố đã thống nhất giao các vụ việc về vay mượn, góp vốn đầu tư nhưng sau đó không trả tiền, lừa đảo qua mạng cho Cơ quan điều tra cấp quận, huyện thụ lý, xác minh, đến khi ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự thì ra quyết định chuyển vụ án lên Cơ quan điều tra cấp thành phố để giải quyết theo thẩm quyền. Đây là một biện pháp để giảm tải, chia sẻ với cấp thành phố và đảm bảo phân bổ khối lượng công việc ngày một gia tăng trên địa bàn.
Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, Thông tư liên tịch số 01/2020 cần bổ sung các quy định về xử lý vật chứng sau khi đã có quyết định giải quyết do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tại giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, giai đoạn điều tra vụ án; liên ngành tư pháp trung ương cần có hướng dẫn cụ thể đối với trình tự thành lập hội đồng tiêu hủy, trong đó có sự tham gia của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan chuyên môn và hướng dẫn về cách thức, trình tự, thủ tục bảo quản, tiếp nhận các vật chứng đặc thù, khó bảo quản.
Thứ hai, các vật chứng thuộc loại tài sản xác định sẽ bị tiêu hủy hoặc tịch thu sung công quỹ cần được coi là loại vật chứng “khó bảo quản” do tính chất bảo quản đặc thù và chi phí bảo quản lớn; từ đó có thể áp dụng điểm c khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015: “… có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy” ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố. Vấn đề này cần được liên ngành tư pháp trung ương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể.
Thứ ba, đối với những trường hợp người tố giác gửi đơn, nhưng sau đó đi khỏi địa phương, không cung cấp các tài liệu theo yêu cầu, nếu có căn cứ xác định người này không bị đe dọa, ép buộc mà tự từ bỏ quyền được pháp luật bảo vệ, thì có thể vận dụng khoản 1 Điều 157 BLTTHS năm 2015 để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Nếu người tố giác tiếp tục gửi đơn thì thực hiện thụ lý lại theo thủ tục chung để xác minh, giải quyết. Do đó, đề nghị liên ngành tư pháp trung ương nghiên cứu, hướng dẫn thống nhất vấn đề này để đơn vị địa phương có căn cứ giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tạm đình chỉ hiện nay.
Đang truy cập : 212
Tổng lượt truy cập : 1412918