Kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án và phân loại án chưa có điều kiện thi hành là hoạt động của VKSND nhằm đảm bảo cho việc xác minh điều kiện thi hành án và phân loại án chưa có điều kiện thi hành của Chấp hành viên tuân thủ đúng quy định của pháp luật THADS về thẩm quyền xác minh, đối tượng xác minh, thủ tục xác minh, xử lý kết quả xác minh điều kiện thi hành án. Thông qua đó, Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định, hành vi về xác minh điều kiện thi hành án và phân loại án chưa có điều kiện thi hành.
Cơ sở pháp lý xác minh điều kiện thi hành án và phân loại án chưa có điều kiện thi hành được quy định tại: Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014; Quy chế công tác kiểm sát THADS, THAHC ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (Điều 10); Điều 44, Điều 44a Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Điều 9, Điều 11 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ; Điều 3 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của liên ngành Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao.
Mục đích của hoạt động kiểm sát xác minh điều kiện thi hành án và phân loại án chưa có điều kiện là đảm bảo cho mọi vi phạm pháp luật được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh nhằm bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Năm 2022, thực hiện yêu cầu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, VKSND tối cao đã xác định kiểm sát việc xác minh, phân loại điều kiện thi hành án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để chỉ đạo toàn Ngành quan tâm thực hiện.
06 tháng đầu năm 2023 (từ ngày 01/10/2022 - 31/3/2023), hai cấp VKSND thành phố Hà Nội đã kiểm sát tổng số việc chưa có điều kiện thi hành: 11.456 việc/20.414.254.141.000 đồng (đã trừ số chuyển sổ theo dõi riêng), chiếm tỷ lệ 28% việc/35% tiền trong tổng số phải thi hành.
Trên cơ sở chỉ tiêu công việc được giao và bằng việc thực hiện nghiệp vụ chuyên môn, Chấp hành viên của cơ quan THADS hàng tháng đều tiến hành rà soát, phân tích, đánh giá và tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, đảm bảo loại án có điều kiện thi hành đều được đưa ra thi hành đúng quy định; án chưa có điều kiện thì Lãnh đạo cơ quan THADS ra quyết định chưa có điều kiện và tiếp tục theo dõi, xác minh, khi có điều kiện sẽ đưa ra thi hành. Trường hợp chưa có điều kiện kéo dài thì xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo luật định. Hàng năm, VKS hai cấp thực hiện chức năng kiểm sát công tác THADS đều tiến hành xác minh số án chưa có điều kiện thi hành.
1. Qua thực tiễn hoạt động kiểm sát, nhận thấy trong hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của cơ quan THADS chủ yếu có các dạng vi phạm như sau:
1.1. Chấp hành viên không tiến hành xác minh hoặc chậm xác minh điều kiện THADS: Vi phạm này phổ biến ở hầu hết các cơ quan THADS dưới các dạng: Không tiến hành xác minh khi đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án để tiến hành các hoạt động THADS cần thiết khác; không tiến hành xác minh theo định kỳ đối với các trường hợp đã ra Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành; không tiến hành xác minh khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; không tiến hành xác minh tại cơ quan có thẩm quyền đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng.
Chấp hành viên không tiến hành xác minh lại khi người được thi hành án cung cấp thông tin về người phải thi hành án có điều kiện thi hành án; không ra quyết định tiếp tục thi hành án, chậm ra quyết định thi hành án. Có một số trường hợp sau khi phân loại chưa có điều kiện thi hành án, người phải thi hành án đã có tài sản, có điều kiện thi hành án nhưng Chấp hành viên không tiến hành xác minh lại để tổ chức thi hành án, dẫn đến việc đương sự chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng, không thực hiện nghĩa vụ phải thi hành án.
1.2. Vi phạm về nội dung và thủ tục xác minh điều kiện thi hành án:
- Khi xác minh trực tiếp, nhiều trường hợp Chấp hành viên xác minh không đầy đủ, không làm rõ các vấn đề về tài sản, tình trạng tài sản, thu nhập của đương sự, không yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh. Biên bản xác minh có nhiều nội dung liên quan cần xác minh làm rõ nhưng cơ quan thi hành án không thực hiện như: Biên bản xác minh thể hiện nhà ở thuê, thu nhập vợ làm công ty A, chồng lái xe thuê, thu nhập chỉ đủ đảm bảo cuộc sống. Cơ quan thi hành án ra quyết định hồ sơ chưa có điều kiện thi hành án. Viện kiểm sát đã xác minh phát hiện nhà của người phải thi hành án không phải nhà đi thuê, mua đất và tự xây nhà tuy nhiên chưa làm thủ tục chuyển nhượng sang tên, vợ làm công ty thu nhập ổn định khoảng 10 triệu/1 tháng, chồng lái xe có thu nhập 7-10 triệu đồng/1 tháng.
- Biên bản xác minh không phản ánh rõ ràng, đầy đủ các hoạt động của Chấp hành viên trong quá trình xác minh. Nội dung xác minh phiến diện, sơ sài, không đảm bảo yêu cầu. Biên bản xác minh không ghi nhận đầy đủ các nội dung, không phản ánh rõ hiện trạng của tài sản như tài sản chung, tài sản đang có tranh chấp không chi tiết, không rõ ràng làm cho quá trình tổ chức thi hành án gặp không ít khó khăn. Một số việc thi hành án, mặc dù Chấp hành viên đã tiến hành các tác nghiệp cần thiết và đúng hướng nhằm tổ chức thi hành án kịp thời, đúng pháp luật song việc thông báo, xác minh về thi hành án thực hiện chưa đầy đủ khiến việc thi hành án bị kéo dài hoặc bị đương sự khiếu nại, tố cáo.
- Chấp hành viên không đốn đốc kết quả xác minh: Đối với những trường hợp cơ quan thi hành án ủy quyền xác minh hoặc có công văn hỏi cơ quan chuyên môn nhưng chậm có kết quả trả lời thậm chí đến hạn chưa có văn bản trả lời thì yêu cầu cơ quan thi hành án cần có văn bản đôn đốc.
- Chấp hành viên không xác minh ở cơ quan chức năng đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu: Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì Chấp hành viên không xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó. Việc xác minh đối với tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản là điều kiện cần thiết để cơ quan thi hành án căn cứ giải quyết. Trong thực tiễn, có trường hợp Chấp hành viên chỉ tiến hành xác minh điều kiện thi hành án tại nơi cư trú của người phải thi hành án, cho nên không truy tìm được tài sản là quyền sử dụng đất của người phải thi hành án để tổ chức thi hành án và ra quyết định chưa có điều kiện thi hành khi chưa có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về quyền sử dụng đất cuả gười phải thi hành án.
Có trường hợp tài sản thi hành án là vật đặc dụng nhưng Chấp hành viên không yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh.
- Chấp hành viên không xác minh hết các nội dung cần xác minh: Bản án phản ánh nhiều nội dung xác minh hoặc người được thi hành án cung cấp cho cơ quan thi hành án những thông tin khác về tài sản hoặc quá trình tổ chức thi hành án phát sinh các nội dung cần xác minh nhưng Chấp hành viên chủ quan không xác minh hoặc xác minh không kịp thời để có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc trốn tránh nghĩa vụ thi hành án (như tẩu tán tài sản, hoặc đi nước ngoài - đối với những người mang quốc tịch nước ngoài).
Trên đây là một số dạng vi phạm điển hình của cơ quan thi hành án trong quá trình thực hiện công tác xác minh điều kiện thi hành án.
2. Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát xác minh điều kiện thi hành và phân loại án chưa có điều kiện thi hành, cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, Kiểm sát viên phải nắm chắc quy định của pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án, nắm chắc quy định của pháp luật quy định về thẩm quyền của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án; thường xuyên tự giác học tập, rút kinh nghiệm, nghiên cứu kịp thời văn bản pháp luật liên quan để nâng cao trình độ, kỹ năng của Kiểm sát viên trong việc phát hiện vi phạm trong việc xác minh điều kiện thi hành án. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp từ đó xác định chính xác vi phạm của cơ quan THADS và các cơ quan liên quan, kịp thời tham mưu báo cáo, đề xuất với Lãnh đạo Viện về những vi phạm, thiếu sót để xem xét áp dụng biện pháp kiểm sát có hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người được thi hành án, kịp thời phát hiện việc xác minh không trung thực của Chấp hành viên.
Thứ hai, chú trọng kiểm sát việc xác minh, phân loại điều kiện thi hành án ngay từ đầu; chủ động phối hợp với cơ quan THADS tiến hành xác minh điều kiện thi hành án hoặc trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án khi thấy cần thiết. Quá trình kiểm sát xác minh điều kiện thi hành án, Kiểm sát viên cần lập kế hoạch xác minh, xác định cụ thể các nội dung cần xác minh, đối tượng xác minh, đối tượng để cung cấp thông tin; khi xác minh phải đảm bảo chặt chẽ và đầy đủ các thông tin, đáp ứng đúng mục đích xác minh để giải quyết việc thi hành án, tránh tình trạng xác minh sơ sài, ảnh hưởng đến kết quả xác minh và kết quả giải quyết thi hành án.
Cần lưu ý khi kiểm sát việc xác minh đối với các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như xe máy, ô tô, tàu thuyền, nhà đất thì phải yêu cầu cơ quan quản lý cung cấp thông tin về chủ sở hữu, chuyển nhượng, người đang quản lý sử dụng, nơi cất giữ tài sản… đặc biệt đối với tài sản là đất đai liên quan đến nguồn gốc đất, diện tích đất, đất có tranh chấp hay có đồng sở hữu không? Trên đất có nhà, nhà do ai xây dựng, loại hình cấp đất. Trên cơ sở thu thập các tài liệu có liên quan, cơ quan thi hành án cần thuê cơ quan chuyên môn đo đạc, xác định mốc giới các hộ lân cận, lưu ý khi làm việc cần làm việc hết với những người có liên quan trong gia đình tránh phát sinh khiếu kiện, cũng như tranh chấp sau khi đã thực hiện việc cưỡng chế, kê biên.
Thứ ba, Kiểm sát viên phải coi việc kiểm sát xác minh điều kiện thi hành án là một nghiệp vụ cần thiết trong việc tìm kiếm các thông tin phục vụ công tác giải quyết việc thi hành án, phải vận dụng rất nhiều kỹ năng để có thể nắm bắt được thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, người được thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cần phân công các Kiểm sát viên có năng lực trình độ làm công tác thi hành án, quán triệt Kiểm sát viên nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác THADS nói chung và việc chủ động xác minh, kiểm sát hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và phân loại án chưa có điều kiện nói riêng để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát THADS.
Thứ tư, thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát với các ngành, các cơ quan liên quan trong công tác THADS để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc xác minh điều kiện thi hành án, ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán tài sản. Để việc kiểm sát việc xác minh được kịp thời, đầy đủ và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật thì Viện kiểm sát các cấp cần xây dựng quy chế phối hợp liên ngành Ủy ban, cơ quan quản lý đất đai, thuế, cơ quan tài nguyên môi trường… nhất là phối hợp tốt với cơ quan thi hành án dân sự để họ cung cấp kịp thời cho Kiểm sát viên những thông tin, tài liệu về xác minh điều kiện thi hành án để tiến hành kiểm sát. Thông qua việc kiểm sát các biên bản xác minh điều kiện thi hành án phát hiện kịp thời các vi phạm, những mâu thuẫn, những việc cần xác minh để đề ra yêu cầu cần xác minh.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật với nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để nâng cao nhận thức và tác động trực tiếp đến ý thức của người phải thi hành, người phải thi hành án và tổ chức, cá nhân khác liên quan trong kiểm sát xác minh điều kiện thi hành án, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Nguyễn Thị Hà Phương - Phòng 11
Đang truy cập :
131
Tổng lượt truy cập :
1133268