Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được cả xã hội quan tâm. Với phương châm xử lý tham nhũng không có vùng cấm, kiên quyết thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, với sự quyết tâm rất cao của Bộ Chính trị, ngày 02/6/2021 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW (Chỉ thị 04) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, Ban nội chính Trung ương và các địa phương, các cơ quan trong khối tư pháp và toàn hệ thống chính trị...tăng cường việc chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, thực hiện, vì thế công tác thu hồi tài sản tham nhũng bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói chung (thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt) đã và đang có những chuyển biến tích cực cả trong nhận thức cũng như hành động. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng bị thất thoát, chiếm đoạt tăng dần, năm sau cao hơn năm trước, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, quá trình thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế hiện nay bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc thu hồi tài sản tham nhũng bị thất thoát, chiếm đoạt hiệu quả chưa cao. Qua thực tiễn công tác thi hành án nhằm thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi nêu một số đánh giá kết quả thi hành, chỉ ra những hạn chế, khó khăn và giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.
1. Kết quả công tác Thi hành án thu hồi tài sản tham nhũng bị thất thoát, chiếm đoạt trên địa bản thành phố Hà Nội
Tính đến hết ngày 31/3/2023, tổng số việc liên quan đến án tham nhũng phải thi hành: 87 việc/1.847.767.027 nghìn đồng, đã thi hành xong: 25 việc/ 480.375.897 nghìn đồng (đạt tỷ lệ 28,7% về việc và 26% về tiền). Số việc liên quan đến án kinh tế phải thi hành 223 việc/1.089.199.737 nghìn đồng; đã thi hành xong 73 việc/ 307.154.326 nghìn đồng (đạt tỷ lệ 32,7% về việc và 28,2% về tiền).
Đối với việc thi hành án thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế bị thất thoát, chiếm đoạt thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, Cục THADS đã tiếp nhận 42 bản án với tổng số việc phải thi hành: 1.198 việc, trong đó: đã thi hành xong: 1.140 việc; Chưa có điều kiện thi hành án: 11 việc; Đang thi hành: 47 việc; Tổng số tiền phải thi hành: 17.270.636.869.000 đồng; Số tiền đã thi hành xong: 2.675.785.252.000 đồng;; Số tiền chưa có điều kiện: 2.698.930.660.000 đồng; Số tiền còn phải thi hành: 7.238.357.456.000 đồng.
Viện KSND thành phố Hà Nội phối hợp với Cục THADS thành phố Hà Nội
tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản thi hành án
2. Hạn chế, khó khăn, vướng mắc
Công tác thi hành án thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội hiệu quả thấp, kết quả thi hành về việc và tiền chưa đạt chỉ tiêu do một số hạn chế, khó khăn vướng mắc sau:
2.1. Một số cơ chế, chính sách pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế còn bất cập:
- Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định tài sản bị tịch thu phải là tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm, trong khi đó trên thực tế, tài sản do tham nhũng mà có thường được các đối tượng phạm tội cất giấu, che đậy, chuyển hình thức sở hữu như chuyển cho người thân, hoạt động rửa tiền, mua sắm các phương tiện vật chất có giá trị khác...nên việc chứng minh nguồn gốc tài sản là công việc khó khăn và phức tạp đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, pháp luật chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong việc thực hiện thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài.
- Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực đất đai còn gặp nhiều hạn chế, nhất là án tham nhũng trong lĩnh vực đất đai với hành vi bán đất, giao đất trái thẩm quyền. Tuy nhiên, số diện tích đất các cơ quan tiến hành tố tụng kiến nghị UBND các địa phương để thu hồi được rất thấp do đa số các vụ án này có chủ thể là cán bộ xã, thôn bán đất, giao đất trái thẩm quyền để có kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi địa phương như nhà văn hóa, đường xá, cải tạo hệ thống kênh mương nông thôn... Quá trình điều tra cho thấy yếu tố tư lợi về vật chất của các bị can là rất khó chứng minh. Mặt khác, sau khi nộp tiền mua đất được giao đất thì người dân hầu hết đã được cấp GCNQSDĐ, xây dựng công trình, tài sản trên đất trên đất, sinh sống ổn định và đến nay cũng chưa có cơ chế để giải quyết vấn đề này tại các địa phương.
- Theo Điều 128, 129 BLTTHS năm 2015 thì việc kê biên tài sản/ phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà BLHS quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền…; chỉ kê biên phần tài sản/ phong tỏa tài khoản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền... , vì vậy, trong thực tiễn, việc kê biên tài sản/ phong tỏa tài khoản để bảo đảm thu hồi gặp nhiều khó khăn do Cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định được tài sản để kê biên và phải định giá để quyết định kê biên phần tài sản bảo đảm khi tịch thu hoặc phạt tiền cho tương ứng mà không phải vụ án nào cũng xác định được ngay tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại để áp dụng các biện pháp tố tụng kịp thời, tránh tẩu tán tài sản. Trách nhiệm bồi thường nếu kê biên vượt quá giá trị bị thiệt hại mà gây thiệt cho người bị kê biên cũng dễ dẫn đến tâm lý e ngại của các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng các biện pháp để thu hồi tài sản, vì vậy cần có cơ chế phù hợp để việc thực hiện được thống nhất.
Bên cạnh đó, trong 07 tội phạm về tham nhũng thì tịch thu tài sản chỉ được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, dẫn đến Cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi tài sản tham nhũng một cách hiệu quả. Việc quy định chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền cũng dẫn đến việc thi hành án gặp khó khăn nếu phải thi hành phát mại, đấu giá đối với một phần tài sản trong tài sản là: căn hộ, biệt thự, quyền sử dụng đất…
- Cơ chế quản lý tài sản của công dân và của cơ quan, tổ chức còn thiếu minh bạch, kém hiệu quả; các giao dịch kinh tế, dân sự hiện nay có nhiều giao dịch được phép thanh toán bằng tiền mặt hoặc cố tình thực hiện bằng hình thức thanh toán bằng tiền mặt mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không có phương án hữu hiệu để kiểm soát, giám sát dẫn đến nhiều kẽ hở trong việc tẩu tán tài sản, rửa tiền, che giấu tài sản do phạm tội mà có; đồng thời tình trạng khó kiểm soát được thu nhập, tài sản của tổ chức, cá nhân, nhất là những cá nhân có chức quyền, đã gây khó khăn cho việc xác minh, áp dụng các biện pháp phong toả, kê biên tài sản của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tiến hành tố tụng cũng như trong quá trình thi hành án dân sự. Cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng một số nội dung còn chưa được cụ thể hoá, việc thực hiện quy định về kê khai tài sản của cán bộ, công chức còn hình thức, chưa triệt để, khó khăn cho xác minh thông tin tài sản dẫn đến hiệu quả chưa cao đối với thu hồi tài sản cho Nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng.
Cơ quan Thi hành án dân sự tiến hành cưỡng chế tài sản thi hành án
2.2. Khó khăn, vướng mắc trong thi hành án thu hồi tài sản trong các vụ ánvề tham nhũng, kinh tế:
Việc tổ chức thực hiện thu hồi tài sản đã được các Cơ quan tiến hành tố tụng thành phố quán triệt thực hiện ngay từ giai đoạn điều tra, tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc :
- Một số vụ án sau khi được phát hiện, khởi tố thì đã không còn tài sản để kê biên, tạm giữ, do sau khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đã có hành vi tẩu tán tài sản bằng cách chuyển quyền sở hữu cho người thân, gửi tiền tại các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài sử dụng sai bị thua lỗ, hoặc sử dụng để đánh bạc, trả nợ dẫn đến không còn khả năng khắc phục thiệt hại. Ví dụ: việc thi hành Bản án đối với vụ Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm với tổng giá trị phải thi hành nhiều nghìn tỷ đồng. Nhưng đến nay, cơ quan THA mới chỉ thi hành được một khoản rất nhỏ, còn lại hầu hết các khoản còn phải thi hành đều chưa có điều kiện thi hành.
- Các vụ án tham nhũng, kinh tế, có tính chất phức tạp, hành vi phạm tội diễn ra trong một thời gian dài, đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, kiến thức, kinh nghiệm, quan hệ rộng gây khó khăn trong việc phát hiện các tài sản để thi hành, đến khâu thi hành án đương sự hầu như không còn tài sản gì do tẩu tán, chỉ xử lý các tài sản cơ quan điều tra đã kê biên trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố vụ án. Các vụ việc kinh tế, tham nhũng giá trị phải thi hành lớn nhưng việc xác minh điều kiện thi hành án gặp khó khăn, như không xác minh được tài sản, điều kiện của người phải thi hành án, không có điều kiện thi hành án, không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản những giá trị rất nhỏ so với khoản phải thi hành, tài sản xác minh được là chung với người khác. Ví dụ: Vụ Dương Chí Dũng, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Phúc, trong vụ án Vinalines đa số không còn tài sản, chưa có điều kiện thi hành án; Vụ Bích Lương- Agribank: Tổng số phải thi hành trên 2.500 tỷ, nhưng khoản chưa có điều kiện thi hành là trên 2.000 tỷ đồng; trong đó, riêng Phạm Thị Bích Lương chưa có điều kiện thi hành gần 1.400 tỷ đồng; Chử Thị Kim Hiền chưa có điều kiện thi hành hơn 380 tỷ. Đỗ Tiến Long chết, không để lại di sản, phải đình chỉ thi hành án khoản bồi thường trên 73 tỷ đồng.
- Tài sản của người phải thi hành án có nhiều loại và nằm rải rác ở khắp nơi trong cả nước, có nhiều tài khoản ở các ngân hàng, cổ phần, cổ phiếu của nhiều công ty (trong đó có những công ty đã niêm yết và công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán). Chấp hành viên phải mất nhiều thời gian để xác minh tài sản của người phải thi hành án để không bỏ sót.
- Việc phối hợp với các ngân hàng trong việc khấu trừ tiền trong tài khoản hiện nay gặp nhiều khó khăn. Một số ngân hàng yêu cầu cơ quan thi hành án phải cung cấp văn bản phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành mới thực hiện yêu cầu phối hợp của cơ quan thi hành án trong việc cung cấp xác minh số tài khoản, số dư tài khoản, phong tỏa tài khoản, khấu trừ tiền để thi hành án (trong khi Luật THADS không quy định biểu mẫu quyết định phân công)
- Phần lớn những vụ tham nhũng, kinh tế khi chuyển giao Bản án từ Tòa án sang Cơ quan thi hành án đều thiếu tài liệu theo quy định tại Khoản 4 Điều 28 Luật THADS việc Tòa án chuyển giao thiếu tài liệu kèm theo Bản án ít nhiều ảnh hưởng đến việc xác minh điều kiện thi hành án của Chấp hành viên. Khi Tòa án không chuyển giao đầy đủ các tài liệu về lệnh kê biên, phong tỏa, tạm giữ các tài sản của người phải thi hành án, Chấp hành viên mất thời gian và chi phí để phối hợp với Tòa án để sao tài liệu. Bản án kinh tế tham nhũng nhiều khi chuyển đến TAND tối cao để kiểm tra nên việc phối hợp sao tài liệu không dễ dàng. Trong khi đó, thi hành những vụ án tham nhũng, kinh tế nhằm thu hồi tài sản cho nhà nước nên Chấp hành viên không được phép chậm chễ trong việc tổ chức thi hành.
- Về hiện trạng tài sản do cơ quan tiến hành tố tụng kê biên, phong tỏa trong các bản án tham nhũng, kinh tế chưa được xác định rõ ràng về nguồn gốc, vị trí (như chưa xác định tài sản chung riêng, nguồn gốc tài sản) và đặc điểm (không nêu cụ thể hiện trạng tài sản) nên Chấp hành viên mất nhiều thời gian xác minh điều kiện thi hành án, làm rõ nguồn gốc tài sản và xử lý tài sản. Một số trường hợp, Bản án Tòa tuyên có sai sót, Chấp hành viên mất thời gian đề nghị Tòa án giải thích, đính chính. Ví dụ: Vụ Phan Văn Anh Vũ, bản án tuyên: tạm giữ lại số tiền 417 tỷ theo các hợp đồng giao dịch dân sự vô hiệu… Tuy nhiên, tòa án không tuyên số tiền này ai đang giữ, ở đâu.
- Việc xử lý tài sản mất nhiều thời gian, số tiền giá trị phải thi hành án rất lớn, nhiều thủ tục phải thi hành án, việc xác định quyền sở hữu về tài sản của đương sự cũng gặp khó khăn, sở hữu chéo, sở hữu chung, đồng sở hữu... đương sự khiếu nại, tố cáo, cố tình trì hoãn kéo dài thời gian thi hành án. (VD: Vụ Hà Văn Thắm, Đinh La Thăng, Giang Kim Đạt...)
- Các đối tượng phạm tội đều là người có chức quyền, có mối quan hệ sâu rộng và có trình độ học vấn cao, cố tình phạm tội nên các cơ quan THADS và Chấp hành viên khó khăn trong việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án. Thực hiện trình tự thủ tục thi hành án gặp khó khăn do đương sự ở nước ngoài, thực hiện ủy thác tư pháp mất nhiều thời gian (ít nhất 6 tháng) để thực hiện ủy thác thi hành án, dẫn đến việc xử lý tài sản mất nhiều thời gian.
- Quá trình thi hành án đã thu được tiền thi hành án nhưng còn có quan điểm khác nhau về việc xử lý tiền thu được thi hành theo bản án hay chuyển trả Bộ giao thông vận tải, dẫn đến vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm. Ví dụ: Vụ Giang Kim Đạt, Vinasin, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC).
- Vụ việc liên quan đến việc tổ chức thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao, tài sản đã bị cơ quan điều tra phong tỏa, kê biên để đảm bảo thi hành án là tài sản chung. Theo quy định Điều 74 Luật THADS nếu không thỏa thuận được các bên khởi kiện ra Tòa án để phân chia tài sản chung, dẫn đến Cơ quan THADS chậm xử lý tài sản của người phải thi hành án. Ví dụ: Vụ Hà Văn Thắm Cơ quan THADS phải dừng việc thi hành án gần 2 năm..
- Trung tâm lưu ký chứng khoán không thực hiện việc giải tỏa tài khoản chứng khoán theo yêu cầu của cơ quan THADS, không thực hiện giải tỏa tài khoản chứng khoán của đương sự khi chưa có văn bản của cơ quan công an về việc giải tỏa đối với các tài khoản đã phong tỏa trong giai đoạn điều tra, mặc dù cơ quan THADS đã có văn bản đề nghị, yêu cầu phối hợp thực hiện, việc yêu cầu của Trung tâm lưu ký chứng khoán là không đúng quy định của pháp luật. Ví dụ: Vụ Trịnh Xuân Thanh.
- Một số ngân hàng chậm thực hiện quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền theo quy định của pháp luật và yêu cầu cơ quan THADS phối hợp cơ quan điều tra (cơ quan đã có văn bản phong tỏa tài khoản trong giai đoạn điều tra) có văn bản giải tỏa tài khoản trước khi Ngân hàng thực hiện khấu trừ tiền trong tài khoản theo Quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền mặc dù bản án có hiệu lực pháp luật. Theo quy định của pháp luật, cơ quan THADS có trách nhiệm tổ chức thi hành đối với các quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật, việc ngân hàng không thực hiện, yêu cầu như vậy là không đúng quy định của pháp luật, dẫn đến vụ việc thi hành án không được giải quyết theo quy định của pháp luật, kéo dài thời gian. Ví dụ: vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn.
- Việc xử lý tiền trong sổ tiết kiệm; Hợp đồng tiền gửi gặp khó khăn: Chấp hành viên tổ chức cưỡng chế một phần tiền của đương sự trong sổ tiết kiệm, Hợp đồng tiền gửi tại Ngân hàng, Ngân hàng yêu cầu cơ quan THADS phải có sổ tiết kiệm, Hợp đồng tiền gửi gốc đồng thời không thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan THADS, với lý do: Sổ tiết kiệm, Hợp đồng tiền gửi là loại giấy tờ ký kết giữa ngân hàng và khách hàng, có xác định thời hạn cụ thể để hưởng lãi suất trên số tiền gốc, khi thực hiện theo yêu cầu của cơ quan THADS thì khoản lãi suất có kỳ hạn sẽ thành lãi suất không kỳ hạn, làm ảnh hưởng đến khoản tiền lãi suất khách hàng đang gửi, nguy cơ dẫn đến khiếu kiện liên quan đến vi phạm theo các sổ tiết kiệm, Hợp đồng tiền gửi đã ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.
3. Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tácthu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và nhân dân đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra về nghiệp vụ, xử lý nghiêm đối với các trường hợp không tích cực trong việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Thứ hai, tăng cường mối quan hệ phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp và các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên trong việc đấu tranh và phát hiện xử lý các hành vi tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, các cơ quan tiến hành tố tụng cần áp dụng đầy đủ, kịp thời các biện pháp kê biên, phong tỏa để ngăn chặn việc tẩu tán, thất thoát tài sản. Bên cạnh đó, Viện KSND cần tăng cường trao đổi các thông tin với các cơ quan liên quan như Thanh tra, Thuế, Tài chính, Hải quan... sớm nắm bắt được tài sản bị thiệt hại trước khi khởi tố vụ án.
Thứ ba, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, thi hành án dân sự, tố tụng dân sự, phá sản, giám định, định giá, tín dụng, ngân hàng, xử lý nợ xấu, đăng ký tài sản… đảm bảo thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế:
- Hoàn thiện thể chế về đăng ký, công khai đăng ký tài sản theo hướng minh bạch, hạn chế tối đa rủi ro pháp lý cho Nhà nước, người dân; hạn chế việc lợi dụng khoảng trống pháp lý hoặc thiếu đồng bộ, thống nhất trong quy định pháp luật để tẩu tán, che giấu tài sản. Sớm xây dựng Luật Đăng ký tài sản, bảo đảm công khai, minh bạch hóa tài sản, thu nhập; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin tài sản đăng ký nói chung, nhất là thông tin đất đai, tài sản gắn liền với đất; kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý tài sản với các cơ quan liên quan (công an, công chứng, ngân hàng, thuế, thi hành án…).
- Nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng:
+ Cần đề cao vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, quy định rõ quá trình điều tra Cơ quan điều tra có trách nhiệm làm rõ tài sản đang ở đâu và có biện pháp phòng ngừa việc tẩu tán tài sản. Có hướng dẫn cụ thể về diện được kê biên trong quá trình điều tra để việc thi hành án được thuận lợi nhưng đồng thời cũng có cơ chế để đảm bảo quyền lợi cho người bị kê biên.
+ Cần tiếp tục tăng cường cơ chế khuyến khích các đối tượng phạm tội tham nhũng, kinh tế giao nộp tài sản và xem xét mở rộng việc giảm nhẹ mức hình phạt không chỉ cho các đối tượng tội danh có mức khung hình phạt tử hình, mà cần áp dụng cho cả các đối tượng bị tù chung thân, tù có thời hạn nếu trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã tự nguyện khắc phục hết thiệt hại hoặc phần lớn thiệt hại (nên có hướng dẫn cụ thể).
+ Cần có hướng dẫn cụ thể trong việc xác định trách nhiệm bồi thường dân sự trong các vụ án có hành vi vi phạm của cá nhân nhưng dưới danh nghĩa đại diện cho pháp nhân, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đầu tư dự án…do nhiều vụ án hiện nay nếu xác định trách nhiệm bồi thường dân sự là của cá nhân có hành vi phạm tội thì tỷ lệ thu hồi tài sản rất thấp vì một số cá nhân không còn tài sản do đã sử dụng vào đầu tư các dự án khác hoặc sử dụng cho hoạt động chung của pháp nhân.
+ Xây dựng thủ tục đặc biệt để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng, chấp hành viên trong việc áp dụng các biện pháp điều tra để truy nguyên tài sản phạm tội, phong tỏa, kê biên và bán đấu giá tài sản là tang vật của vụ án.
+ Sửa đổi Điều 128 và Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng quy định khi cơ quan tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thụ lý) kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án thì cần có sự tham gia của đại diện Cơ quan Thi hành án dân sự nơi có tài sản kê biên phối hợp, xử lý.
- Sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014 theo hướng: Bổ sung quy định cơ chế thi hành án đặc thù đối với khoản thu hồi tài sản trong các vụ án trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; quy định rõ trách nhiệm của Tòa án trong việc giải thích, đính chính bản án theo quy định của pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đại diện phần vốn góp của Nhà nước trong các tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện việc yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự liên quan đến kinh tế, tham nhũng; bổ sung quy định trình tự, thủ tục về yêu cầu công nhận và cho thi hành tại nước ngoài phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Việt Nam đối với các vụ việc thi hành án chủ động.
- Xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, bảo đảm thực hiện hiệu quả tương trợ tư pháp trong thu hồi tài sản trong quá trình tố tụng giải quyết các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế và thi hành các bản án, quyết định hình sự về tham nhũng, kinh tế theo hướng: Xây dựng quy định tăng cường các biện pháp truy tìm, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, tịch thu, xử lý tài sản do phạm tội tham nhũng, kinh tế mà người phạm tội đã tẩu tán ra nước ngoài; quy định trách nhiệm của cơ quan đầu mối tương trợ tư pháp (Viện kiểm sát nhân dân tối cao), trách nhiệm phối hợp thực hiện, cung cấp thông tin của các cơ quan liên quan (Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Ngân hàng…).
Thứ tư, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức có chức năng thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đối với ngành kiểm sát, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác tác THQCT, KSĐT, KSXX các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác kiểm sát thi hành án thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ năm, tiếp tục xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện tài sản do tham nhũng mà có. Tăng cường các biện pháp truyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, có nhiều chủ trương, hình thức khuyến khích cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia phát hiện các hình thức tẩu tán tài sản để nâng cao chất lượng thu hồi tài sản tham nhũng.
Thứ sáu, cần tăng cường nguồn lực về cơ sở vật chất, chính sách tiền lương cho các cơ quan tư pháp nói chung và Viện KSND nói riêng; cần có chế độ khen thưởng kịp thời, tương xứng cho những tổ chức, cá nhân có thành tích trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là đối với các vụ án có tỷ lệ cao về thu hồi tài sản cho Nhà nước./.
Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Thị Hà Phương - Phòng 11
Đang truy cập : 237
Tổng lượt truy cập : 1441548