“Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Quyền trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận thụ động lòng nhân từ của người lớn, mà các em là những thành viên Tham gia tích cực vào quá trình phát triển của chính mình.” (Theo Công ước Quốc tế về quyền trẻ em). Theo đó, quyền trẻ em là một bộ phận không thể thiếu của quyền con người. Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 02 năm 1990. Luật trẻ em được kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 05/4/2016, có hiệu lực từ ngày 01/6/2017 đã quy định cụ thể về các quyền và bổn phận của trẻ em; sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em ba cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp); chăm sóc thay thế cho trẻ em; trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em; các hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm… Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giai đoạn 2020-2025 và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về “Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em”.
Trên cơ sở định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, của UBND thành phố Hà Nội, cấp ủy, chính quyền huyện Thường Tín đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn huyện, bước đầu giải quyết tốt một số vấn đề về trẻ em hiện nay như: đảm bảo trẻ em được học tập, tạo môi trường giáo dục thân thiện, lấy học sinh làm trung tâm; phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em; giảm thiểu lao động trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em… để trẻ có thể sống, sinh hoạt, học tập, phát triển toàn diện.
Lãnh đạo Viện KSND huyện Thường Tín luôn quan tâm phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan tổ chức hữu quan; chỉ đạo cán bộ, Kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên, Thẩm phán và các cá nhân liên quan trong công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm vi phạm về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngoài ra, Lãnh đạo Viện KSND huyện Thường Tín cũng tích cực chỉ đạo, phân công các đồng chí Lãnh đạo, Kiểm sát viên phối hợp với Phòng Tư pháp huyện và các cơ quan, tổ chức hữu quan tham gia các đoàn công tác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trẻ em, giúp các em có những hiểu biết pháp luật để có thể tự bảo vệ bản thân, không vi phạm pháp luật. Nhờ đó, nhân dân trên địa bàn huyện Thường Tín, nhất là trẻ em đã có nhận thức đầy đủ hơn về pháp luật trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo môi trường tốt nhất để các em được sinh hoạt, học tập, phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Thường Tín vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra vi phạm, tội phạm; tội phạm có xu hướng trẻ hóa, cá biệt các vụ việc, vụ án hình sự có đông đối tượng là người dưới 18 tuổi gia tăng; nạn nhân của các vụ việc xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có xu hướng trẻ hóa. Tình hình tội phạm đối với người dưới 18 tuổi xảy ra trên địa bàn huyện Thường Tín trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp, gây hoang mang, bất bình, lo lắng trong nhân dân. Điển hình:
Vụ thứ nhất: Khoảng tháng 11/2022, Nguyễn Thị A và Nguyễn Thị L (đều trú tại thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) bàn bạc cùng nhau mở lớp nhận trông giữ trẻ em tại thôn Vạn Điểm, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín để chia lợi nhuận, nhưng không có giấy phép hoạt động. Đến khoảng giữa tháng 02/2023, gia đình chị T, là mẹ cháu Phạm Tiến Đ đến gửi cháu Đ cho L và A trông giữ. Khoảng 07 giờ 30 phút ngày 23/02/2023, A và L đưa các cháu vào buồng ngủ để quản lý thì cháu Đ khóc chạy ra bên ngoài cửa lớp đứng không chịu vào ngủ. Thấy vậy, L bực tức chạy theo sau dùng 2 tay bế xách cháu Đ. A và L đã dùng tay, chân tác động vật lý lên người cháu Đ. Ngày 24, 25/02/2023 cháu Đ đi học bình thường. Đến sáng ngày 26/02/2023, chị T đưa cháu Đ đến lớp giao cho A trông giữ. Đến khoảng 09 giờ 30 phút cùng ngày, cháu Đ khóc quấy thì A dùng chân đạp vào bụng cháu cho cháu nín. Sau đó A phát hiện cháu Đ bất tỉnh nên đã gọi chị T đến cùng đưa cháu đi đến trạm y tế xã Vạn Điểm sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện đa khoa Nông Nghiệp I, sau chuyển Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu và điều trị. Đến ngày 01/3/2023, thấy cháu Đ có tiên lượng xấu, không thể cứu chữa, gia đình xin về nhà. Đến 16 giờ 20 phút ngày 02/3/2023, cháu Đ đã tử vong tại nhà.
Vụ thứ hai: Do có mâu thuẫn cá nhân từ trước giữa Nguyễn Tiến Đ (SN: 26/9/2004) và Nguyễn Thông H (SN: 31/01/2005), khoảng 23 giờ 00 phút ngày 23/8/2022, nhóm của Nguyễn Thông H gồm: Nguyễn Thông H, Đỗ Đức L (SN: 2003), Nguyễn Tiến T (SN: 03/4/2004), Nguyễn Xuân Th (SN: 12/7/2005), Trịnh Đức S (25/11/2004), Đào Văn A (SN: 29/4/2004), Nguyễn Mạnh H (SN: 19/8/2004), Đỗ Kim Việt T (SN: 18/12/2004), Nguyễn Xuân H (SN: 30/8/2004), Lương Thành Đ (SN: 2000), Nguyễn Quang Th (SN: 19/12/2005), Trần Hữu Th (SN: 22/5/2004) điều khiển xe mô tô đuổi nhau với nhóm của Đ gồm: Nguyễn Tiến Đ, Đỗ Tuấn K (SN: 2003), Từ Tuấn M (SN: 2001), Trần Lê Hoàng V (SN: 10/01/2006), Từ Văn H (SN: 2003), Nguyễn Thành Tr (SN: 2003), Nguyễn Trọng V (SN: 2002), Lưu Đức H (SN: 2002) đến thôn N xã V, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, rồi dùng vỏ chai bia, 01 thanh đao màu đen dài 80cm, 01 dao quắm hàn tuýp sắt dài 90cm, 01 dao quắm hàn tuýp sắt dài khoảng 40cm, 01 thanh kiếm bằng kim loại dài khoảng 70cm ném, chém gây thương tích cho nhau gây mất an ninh trật tự địa phương.
Vụ thứ ba: Khoảng 15 giờ 00 phút ngày 05/4/2022, cháu H (SN: 09/6/2013) đạp xe đạp một mình đi mua đồ ăn vặt ở cửa hàng tạp hóa gần nhà. Sau khi mua được đồ, cháu H đạp xe về nhà. Khi đi qua khu vực trước cổng đình thôn K, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, TP Hà Nội, cháu H gặp Nguyễn Ngọc M (SN: 1978) đang nằm trên ghế đá phía trong tường bao của khuôn viên đình. Thấy cháu H đi qua, M ngồi lên vẫy tay gọi “vào đây chú bảo”. Thấy vậy, cháu H dắt xe vòng vào trong, dựa xe vào tường rào trước cổng đình rồi đi về phía M ngồi. M hỏi cháu H tên, tuổi, con nhà ai, cháu H đều trả lời M. Một lúc sau, quan sát thấy quanh đình không có ai, M dắt cháu H vào khu vực nhà vệ sinh phía trong đình rồi thực hiện hành vi ôm, sờ vào người, vào đùi, hôn vào ngực trái và bộ phận sinh dục của cháu H để thỏa mãn ham muốn tình dục của cá nhân.
Để nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phòng ngừa, giảm thiểu các vụ việc vi phạm pháp luật của trẻ em, liên quan đến trẻ em xảy ra trên địa bàn huyện Thường Tín nói riêng, trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung, Viện KSND huyện Thường Tín đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em để bảo đảm phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Luật Trẻ em. Quá trình thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ, Viện kiểm sát tổng hợp những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật liên quan đến trẻ em, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật nhằm đảm bảo công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày càng hoàn thiện, đi vào thực tiễn.
Hai là, Lãnh đạo Viện KSND huyện Thường Tín tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan tăng cường công tác đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm xâm hại trẻ em; phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý số 6, Phòng Tư pháp huyện và các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho trẻ; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực, ma túy, … đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em. Ngoài ra, Lãnh đạo Viện KSND huyện Thường Tín tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phân công, tạo điều kiện cho các đồng chí có kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến trẻ em được học tập, bồi dưỡng kiến thức về tâm lý học trẻ em, kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ việc có đối tượng, bị hại … là trẻ em để đảm bảo giải quyết các vụ việc về trẻ em theo quy định của pháp luật.
Ba là, qua công tác kiểm sát, Viện KSND huyện Thường Tín nắm tình hình, kịp thời tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn huyện như: Phòng giáo dục phối hợp với Phòng Tư pháp, Đài truyền thanh huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đa dạng hóa các loại hình tài liệu truyền thông phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình về thực hiện quyền trẻ em. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ được nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn pháp luật trẻ em và quyền, bổn phận trẻ em.
Bốn là, kiến nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em trên địa bàn huyện bảo đảm hỗ trợ, can thiệp trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại. Hằng năm, cần tiến hành sơ kết, tổng kết, rà soát, đánh giá hoạt động, quy hoạch các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập và ngoài công lập; kiện toàn hoặc thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt như trung tâm công tác xã hội hoặc trung tâm công tác xã hội trẻ em trên địa bàn huyện; nghiên cứu xây dựng, phát triển các mô hình điểm tư vấn bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, điểm tham vấn bảo vệ trẻ em trong trường học; xây dựng kế hoạch, lồng ghép thực hiện các chính sách trợ giúp thực hiện các quyền trẻ em nói chung, chính sách trợ giúp có điều kiện cho trẻ em theo nhóm xã hội, nhóm đối tượng đặc thù, nâng cao nhận thức và tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; đưa các chỉ tiêu về trẻ em là một tiêu chí trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 05 năm của huyện.
Nguyễn Văn Thuật – Viện trưởng, Triệu Văn Doan – Phó Viện trưởng,
Hoàng Thuý Hằng – Kiểm sát viên Viện KSND huyện Thường Tín
Đang truy cập :
131
Tổng lượt truy cập :
1133268