Giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù là một quy định mang tính chất nhân đạo của pháp luật Việt Nam, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù khi có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, trong đó có phạm nhân chấp hành án phạt Chung thân.
Như chúng ta đều biết, tù Chung thân là một trong những hình phạt chính nghiêm khắc của hệ thống hình phạt, là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình, không áp dụng tù Chung thân với người dưới 18 tuổi khi phạm tội. Việc giảm thời gian chấp hành án phạt tù đối với người đang chấp hành án phạt tù chung thân được pháp luật hình sự nước ta quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tuy nhiên, hiện nay nhận thức về việc xác định thời gian chấp hành án còn lại đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù chung thân được xét giảm xuống tù có thời hạn còn có ý kiến khác nhau.
Theo quy định tại Điều 63 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) thì việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với hình phạt tù Chung thân được quy định như sau: Thời gian đã chấp hành án để được xét giảm lần đầu đối với người bị kết án phạt tù Chung thân là 12 năm, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm. Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.
Về điều kiện và mức xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15 tháng 05 năm 2013 hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, theo đó “Phạm nhân bị kết án phạt tù Chung thân, đã chấp hành án được mười hai năm, có nhiều tiến bộ thể hiện ở việc chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động cải tạo và phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên…” thì được đề nghị xét giảm chấp hành án phạt tù; Về mức giảm, phạm nhân bị phạt tù chung thân, lần đầu được giảm xuống ba mươi năm, được giảm nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời gian chấp hành thực tế là 20 năm, ...
Như vậy, mức giảm đối người bị xử phạt tù chung thân thì lần đầu “được giảm xuống 30 năm tù” và dù được giảm nhiều lần cũng phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành là 20 năm… Tuy nhiên, sau khi phạm nhân được xét giảm từ tù Chung thân xuống 30 năm tù, thì việc tính thời gian chấp hành án còn lại như thế nào? Hiện vẫn tồn tại hai quan điểm khác nhau, như sau:
Quan điểm thứ nhất: Theo quy định của Điều 63 BLHS, phạm nhân chấp hành án được 12 năm, khi đủ điều kiện được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần đầu “xuống 30 năm tù”. Do đó, cần xác định thời hạn tù còn lại là 30 năm. Thời gian đã chấp hành án (12 năm tù) của phạm nhân chỉ được coi là điều kiện để xét giảm án mà không được tính là thời gian đã chấp hành án.
Ví dụ: Phạm nhân Nguyễn Văn A bị kết án tù chung thân. Trong đợt xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đợt 02/9/2022, phạm nhân A đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù theo quy định, thời gian đã chấp hành án của phạm nhân A đến ngày Tòa án mở phiên họp xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là 12 năm 6 tháng. Tòa án đã chấp nhận đề nghị xét giảm đối với A và xác định “phạm nhân Nguyễn Văn A được giảm từ tù chung thân giảm xuống 30 năm tù. Thời gian chấp hành án phạt tù còn lại của phạm nhân Nguyễn Văn A là 30 năm tù”. Như vậy, sau khi được xét giảm lần đầu, phạm nhân A có thời hạn tù là 12 năm (đã chấp hành án) + 30 năm (thời gian chấp hành án còn lại) = 42 năm.
Quan điểm thứ hai: Khi được xét giảm từ tù chung thân xuống 30 năm tù thì thời gian đã chấp hành án (12 năm tù) của phạm nhân được tính trong thời hạn 30 năm tù. Thời gian chấp hành án phạt tù còn lại sẽ là 30 năm tù trừ đi thời gian thực tế phạm nhân đã chấp hành.
Tiếp tục ví dụ trên, nếu theo quan điểm này thì tính đến ngày Tòa án mở phiên họp xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, phạm nhân đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn 30 năm, phạm nhân đã chấp hành thực tế được 12 năm 6 tháng nên thời hạn tù còn phải chấp hành sẽ là 30 năm trừ đi 12 năm 6 tháng là 17 năm 6 tháng.
Từ hai cách hiểu như trên, dẫn đến việc không thống nhất khi tính trừ thời gian chấp hành án phạt tù còn lại cho phạm nhân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân.
Từ hai quan điểm trên, tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi:
Thứ nhất, Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của hình phạt tù chung thân đặc biệt ở chỗ, lần đầu giảm từ tù “không thời hạn” giảm xuống mức “tù có thời hạn”. Mức giảm lần đầu tiên của hình phạt này là từ tù chung thân giảm xuống 30 năm tù, điều đó có nghĩa “30 năm tù” là mức án mà phạm nhân phải chấp hành.
Thứ hai, Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 BLHS 2015 quy định về tù có thời hạn thì “Tù có thời hạn đối với người phạm tội có mức tối đa là 20 năm”. Do vậy, khi giảm từ mức hình phạt chung thân xuống tù có thời hạn thì thời gian chấp hành án đã phải được điều chỉnh bởi quy định của tù có thời hạn cụ thể thời gian tối đa là 20 năm. Quy định tù chung thân giảm lần đầu xuống 30 năm tù, là sự ấn định mức giảm dành cho người chấp hành án phạt Chung thân, đây là mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn khi tổng hợp hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 55 BLHS.
Nếu theo quan điểm thứ nhất là sau khi giảm xuống tù có thời hạn thì thời hạn còn lại mà người đó phải chấp hành án phạt tù là 30 năm là không phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 38, khoản 1 Điều 55 BLHS (12 năm + 30 năm = 42 năm, theo Điều 55, mức cao nhất của tù có thời hạn là 30 năm tù).
Do đó, sau khi giảm mức hình phạt từ chung thân xuống 30 năm thì thời gian chấp hành án phạt tù còn lại phải là 30 năm trừ đi số thời gian đã chấp hành án phạt tù tính đến ngày xét giảm.
Thứ ba, tại Điều 63 BLHS còn quy định người bị kết án phạt tù Chung thân “dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm”.
Như vậy, nếu theo quan điểm thứ nhất thì 12 năm là số năm tối thiểu mà người chấp hành án cần thực hiện để có điều kiện xét giảm, thời gian chấp hành án còn lại là 30 năm và được coi là “mức án mới” đối với người chấp hành án, thì dù phạm nhân có được xét giảm ở các đợt tiếp theo thì vẫn phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt (1/2 của 30 năm) tức là 15 năm kể từ ngày xét giảm lần đầu. Như vậy, thời gian chấp hành án thực tế tối thiểu của phạm nhân là 27 năm (12 năm điều kiện + 15 năm tối thiểu phải chấp hành), do đó việc đặt ra quy định tại Điều 63 BLHS “dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm” là không cần thiết.
Từ những phân tích trên, theo tác giả việc xác định thời gian chấp hành án còn lại của phạm nhân đang chấp hành án phạt tù chung thân được xét giảm xuống tù có thời hạn được xác định như sau: Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù chung thân, quá trình chấp hành án đủ điều kiện (chấp hành án đủ 12 năm, xếp loại thi đua, nộp án phí, bồi thường trách nhiệm dân sự, truy thu, phạt bổ sung…) có thể được đề nghị xét giảm lần đầu xuống tù có thời hạn (ba mươi năm tù). Khi được giảm từ án chung thân xuống chấp hành án tù có thời hạn 30 năm tù thì thời gian đã chấp hành án của phạm nhân được tính trong thời hạn 30 năm tù, thời gian chấp hành án còn lại sẽ là 30 năm tù trừ đi thời gian thực tế phạm nhân đã chấp hành.
Vì vậy, 30 năm tù là thời gian khi phạm nhân bị kết án chung thân phải chấp hành khi được giảm xuống tù có thời hạn, trong đó bao gồm cả thời gian phạm nhân đã chấp hành để được giảm từ tù Chung thân xuống mức án 30 năm tù./.
Phòng 8 - Viện KSND thành phố Hà Nội
Đang truy cập :
227
Tổng lượt truy cập :
1222515