Tìm hiểu về mô hình tố tụng hình sự của nước ta hiện nay và vai trò của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự

22/11/2022 11:16 | 597 | 0

         Từ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 trở về trước, mô hình Tố tụng Hình sự Việt Nam là mô hình tố tụng thẩm vấn. So sánh hai mô hình tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng thì cả hai mô hình đều có những ưu điểm vượt trội nhất định. Nghiên cứu khoa học pháp lý, mô hình tố tụng tranh tụng có một quy trình tố tụng (đặc biệt trong quá trình xét xử) thể hiện:

         - Tính công bằng cao giữa bên buộc tội và bên gỡ tội (từ đó giúp giảm đi sự lạm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng)

         - Thể hiện mức độ cao hơn việc tôn trọng quyền cơ bản của công dân (quyền suy đoán vô tội của người dân được tôn trọng)

         Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, pháp luật của các quốc gia có xu hướng giảm những yếu tố đặc thù để xích lại gần nhau hơn nên không còn tồn tại mô hình tố tụng thẩm vấn hay tranh tụng thuần túy mà đã có sự pha trộn, đan xen, kết hợp, giao thoa lẫn nhau để tiếp nhận những yếu tố tích cực tiến bộ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc phòng, chống tội phạm và đảm bảo quyền con người.

         Có thể khẳng định hiện nay mô hình tố tụng của nước ta là mô hình tố tụng pha trộn thiên về thẩm vấn chứ không đơn thuần theo mô hình tố tụng thẩm vấn truyền thống như trước đây. Điều này được minh chứng tại văn bản cao nhất là Nghị quyết 49/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020 đã khẳng định “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp …”; Gần đây nhất là Nghị quyết 96/2019/QH 14 ngày 27/11/2019 của Quốc Hội cũng xác định nhiệm vụ của Viện KSND tối cao là chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên”.

         Qua sơ kết hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 49, Viện kiểm sát các cấp đã góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng công tác xét xử góp phần thể hiện sự tôn trọng của Việt Nam đối với cam kết quốc tế về bảo vệ quyền con người mà Việt Nam đã tham gia cũng như quyền cơ bản của công dân do hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định.

         Theo tinh thần của Luật tố tụng hình sự năm 2015 và các Nghị quyết 49, 96 nêu trên thì vai trò của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự là:

         Chủ động tranh tụng với người bào chữa của bị cáo, với bị cáo và người tham gia phiên tòa để làm rõ sự thật khách quan của vụ án bảo vệ cáo trạng đã truy tố đối với bị cáo. Về nguyên tắc phải tranh tụng với người bào chữa của bị cáo, với bị cáo đến tận cùng của vấn đề dưới sự điều hành phiên tòa của Hội đồng xét xử. Tuy nhiên, tranh tụng đến tận cùng không đồng nghĩa với đôi co lẫn nhau. Về bản chất thì Kiểm sát viên và người bào chữa cho bị cáo đều phải bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phải bảo vệ sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích nhà nước và của công dân được Hiến pháp quy định. Đối với tài liệu chứng cứ mới phát sinh tại phiên tòa chưa có trong hồ sơ do phía người bào chữa của bị cáo, bị cáo đưa ra cần phải tập trung làm rõ tính xác thực, tính hợp pháp của chứng cứ để đưa ra đề nghị đúng đắn giúp Hội đồng xét xử đưa ra một bản án, quyết định phù hợp với pháp luật. Ngược lại, nếu tại phiên tòa không có điều kiện để làm rõ những nội dung nêu trên xét thấy những tài liệu cung cấp mới được phía bị cáo đưa ra có thể làm thay đổi bản chất vụ án thì cần yêu cầu tạm dừng phiên tòa để trả điều tra bổ sung, làm rõ để bảo vệ quyền vào lợi ích hợp chính đáng của công dân (trong đó bao gồm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của bị cáo). Nhìn nhận một cách khách quan thì vai trò của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm còn khá mờ nhạt so với vai trò của thẩm phán, chưa phát huy được tính chủ động tích cực và trách nhiệm của cơ quan buộc tội. Vai trò của người bào chữa còn yếu ớt do pháp luật chưa có quy định để bảo vệ quyền của người bào chữa trong việc thực hiện quyền tố tụng… Do đó, cần tiếp tục tiếp thu kinh nghiệm của một số nước có nền pháp luật tiên tiến để thực hiện mô hình tố tụng hình sự của Việt Nam trong thời gian tới.

         Để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng thì tất các lời khai của nhân chứng cũng cần xem xét toàn diện tại phiên tòa; xem xét nhân chứng nào được coi là nhân chứng khách quan, nhân chứng nào là không khách quan, tuyệt đối không chỉ dựa vào lời khai của họ được thu thập trong giai đoạn điều tra, truy tố mà chưa được thẩm vấn tại Tòa. Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 vẫn đang dừng lại ở việc cho phép người làm chứng vắng mặt nếu có lời khai tại giai đoạn điều tra, truy tố và trong trường hợp này Hội đồng xét xử phải công bố lời khai của họ tại phiên tòa (mặc dù chứng cứ do nhân chứng đó đưa ra có ý nghĩa quyết định đến bản chất của vụ án). Việc pháp luật cho phép thẩm phán có quyền tùy nghi hoãn hoặc tiếp tục xét xử trong trong trường hợp này vô hình chung đã làm suy giảm nguyên tắc: Bản án, quyết định của tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và tranh tụng tại Tòa.

         Theo hướng dẫn của ngành Kiểm sát nhân dân thì trong Bản luận tội, Kiểm sát viên phải trình bày quan điểm của Viện kiểm sát về một số vấn đề sau:

         Thứ 1: Phải phân tích và đánh giá được toàn bộ tài liệu chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bao gồm cả chứng cứ buộc tội, gỡ tội nhằm bảo vệ nội dung bản cáo trạng, bác bỏ, phản bác các luật điểm sai trái, không phù hợp của phía bị cáo đưa ra nhằm chứng minh sự thật khách quan của vụ án phải khẳng định hành vi của bị cáo vi phạm pháp luật và bị cáo phạm tội gì.

         Thứ 2: Phân tích đánh giá được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hôi của hành vi phạm tội của bị cáo (động cơ, mục đích, thủ đoạn phạm tội, hậu quả tác động đến bị hại, đến xã hội như thế nào).

         Thứ 3: Đánh giá và xem xét nhân thân, vai trò của bị cáo trong vụ án (nếu có đồng phạm), các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

         Thứ 4: Phân tích, đánh giá và có quan điểm giải quyết những vấn đề khác như xử lý tang vật, xử lý dân sự trong vụ án, kiến nghị.

         Thứ 5: Đề nghị xử lý đối với bị cáo.

Phạm Tú Anh - Phòng 7
 

 

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 134

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1133271