Những khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

20/09/2022 14:32 | 4327 | 0

        Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động tố tụng. Hoạt động này là đầu mối, căn cứ đầu tiên để Cơ quan điều tra tiến hành xác minh, làm rõ các thông tin về tội phạm, từ đó xác định có hay không hành vi phạm tội để kịp thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định. Những quyết định của Cơ quan điều tra trong giai đoạn này có ảnh hưởng sâu sắc đến trách nhiệm pháp lý của mỗi cá nhân, công dân, tổ chức. Do đó, công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

        Trong những năm gần đây, Lãnh đạo Cơ quan điều tra và Lãnh đạo Viện KSND thành phố Hà Nội rất chú trọng quan tâm đến lĩnh vực công tác này, coi đây là nhiệm vụ then chốt trong kế hoạch công tác hàng năm. Ngày 10/8/2022, Liên ngành Cơ quan điều tra – Viện KSND thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội nghị liên ngành tư pháp thành phố về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác quản lý, giải quyết vụ việc tạm đình chỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua Hội nghị này, Liên ngành đã chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế của các đơn vị, đồng thời cũng đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Trong đó một số khó khăn, vướng mắc cần có hướng dẫn của Liên ngành tư pháp Trung ương để thống nhất áp dụng thực hiện, cụ thể như sau:

        Thứ nhất, Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn còn nhiều tình tiết trong các điều luật quy định mang tính định tính, chưa có hướng dẫn cụ thể, có thể dẫn đến việc hiểu và áp dụng không thống nhất đối với các cơ quan tiến hành tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về việc đánh giá hành vi như thế nào để đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Ví dụ như: Tình tiết gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội (quy định tại Điều 318 BLHS về tội Gây rối trật tự công cộng, Điều 319 BLHS về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt); Tình tiết “bỏ trốn" và “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả" (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Trong đó, vướng mắc của hầu hết các đơn vị trong việc giải quyết các tố giác có dấu hiệu tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là về đánh giá yếu tố “bỏ trốn” nhằm chiếm đoạt tài sản đối với trường hợp đối tượng có hành vi vay, mượn tài sản sau đó không sinh sống tại nơi cư trú nữa. Một số trường hợp sau một vài năm người bị tố giác lại quay về địa phương nhận nợ và trả nợ, các bên tự thỏa thuận với nhau về việc chỉ vay mượn dân sự chậm trả. Do đó việc đánh giá thế nào bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản là có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết các vụ việc này.

        Thứ hai, vướng mắc trong việc vận dụng khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự trong giai đoạn giải quyết nguồn tin để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với những vụ việc mà người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do lỗi vô ý như trong những vụ tai nạn giao thông đường bộ mà gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe đã bồi thường khắc phục hậu quả, người bị hại không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vấn đề này, Liên ngành Tư pháp trung ương đã có các văn bản gồm: Công văn 998/V14 ngày 31/12/2019 của Viện KSND tối cao; Công văn 69/TANDTC-PC ngày 19/5/2020 của TAND tối cao; Công văn 2034/VPCQCSĐT-P2 ngày 11/6/2020 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an hướng dẫn về việc áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS trong giai đoạn giải quyết nguồn tin. Theo đó hướng dẫn: “...Việc miễn trách nhiệm hình sự phải được thể hiện bằng bản án hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền. Trường hợp, cơ quan, ngừoi có thẩm quyền căn cứ vào quy định nêu trên để xác định hành vi không cấu thành tội phạm, từ đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 157 của Bộ luật Tố tụng hình sự là không đúng pháp luật”.

        Đối với hướng dẫn này, Liên ngành tư pháp thành phố Hà Nội đánh giá là đúng quy định của pháp luật nhưng chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay. Thực tế giải quyết nguồn tin về tội phạm cho thấy, nhiều vụ việc đã thỏa mãn các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, trong hoạt động xác minh nguồn tin về tội phạm, Cơ quan điều tra cũng tiến hành các hoạt động xác minh tương tự như hoạt động điều tra, các tài liệu xác minh trong giai đoạn giải quyết nguồn tin đều được công nhận về giá trị pháp lý. Do đó việc không được vận dụng khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, mà phải khởi tố vụ án hình sự sau đó ra quyết định đình chỉ là yêu cầu cần phải được cân nhắc, xem xét hướng dẫn lại cho phù hợp thực tế hiện nay.

        Thứ ba, trong công tác giải quyết các vụ việc tạm đình chỉ, theo hướng dẫn tại Công văn 2010/HDLN ngày 18/5/2021 của Liên ngành tư pháp Trung ương thì đối với những vụ việc còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, Cơ quan điều tra phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp tiến hành rà soát lại căn cứ tạm dừng giải quyết và xử lý như sau:

        + Những vụ việc có căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS, Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ và tiến hành quản lý, theo dõi theo quy định của Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT.

        + Những vụ việc không có căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS, Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và tiến hành giải quyết theo quy định của BLTTHS về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, thời hạn giải quyết được tính từ thời điểm ra quyết định phục hồi. 

        Tuy nhiên, thực tế áp dụng cho thấy để có cơ sở xác định xem vụ việc đang tạm dừng xác minh có căn cứ để tạm đình chỉ theo Điều 148 BLTTHS hay không thì Cơ quan điều tra phải tiến hành các hoạt động xác minh như triệu tập lấy lời khai, gửi các văn bản đôn đốc, đến xác minh trực tiếp.v.v… thì mới xác định được có hay không căn cứ tạm đình chỉ để ra quyết định phục hồi giải quyết, không thể đánh giá dựa trên những tài liệu cũ đã thu thập từ những năm trước đây để đánh giá căn cứ tiếp tục tạm đình chỉ. Mặt khác, quy định này cũng dẫn đến việc nhiều đơn vị chỉ làm thủ tục chuyển nguồn tin từ tạm dừng xác minh sang tạm đình chỉ mà không có hoạt động xác minh để ra được các quyết định giải quyết dứt điểm (khởi tố hoặc không khởi tố), chưa đảm bảo thực hiện đúng tinh thần của Thông tư liên tịch 01/2020/TTLT.

        Thứ tư, đối với vấn đề dẫn giải người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 127 BLTTHS năm 2015 quy định: “Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”. Quy định này được hiểu là việc dẫn giải đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố chỉ có thể thực hiện được khi người đó liên quan đến hành vi phạm tội đã được khởi tố vụ án. Do đó trong nhiều năm nay, nhiều vụ việc người bị tố giác không lên làm việc nhưng không thể áp dụng được biện pháp dẫn giải. Mặc dù hiện nay tại Mục I.2 Công văn 2010/HDLN ngày 18/5/2021 của Liên ngành Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Vụ THQCT, KSĐT án ma túy Viện KSND tối cao, hướng dẫn: “Trường hợp người bị tố giác không ở nơi cư trú, không biết họ ở đâu thì cần có văn bản thông báo truy tìm để phát hiện và triệu tập, lấy lời khai làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung tố giác. Điều tra viên tiến hành các hoạt động thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật; áp dụng biện pháp cưỡng chế dẫn giải Người làm chứng, Người bị hại, Người bị tố giác theo quy định tại Điều 127 BLTTHS, tinh thần chung là phải quyết liệt trong giải quyết vụ việc”. Tuy nhiên, để áp dụng được biện pháp này có hiệu quả và đúng quy định, đề nghị Liên ngành tư pháp trung ương cần ban hành hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ hơn để các đơn vị thống nhất thực hiện.

        Thứ năm, công tác bảo quản, xử lý vật chứng, đồ vật, tài liệu trong các vụ án, vụ việc còn nhiều vướng mắc. Các quy định hiện hành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể trường hợp nào được tịch thu xung quỹ, những trường hợp nào được tiêu hủy, trả lại hoặc bán theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 106 BLTTHS, nên hiện nay tại các đơn vị còn số lượng lớn các đồ vật, tài liệu, vật chứng đang phải lưu kho, dẫn đến chi phí bảo quản tăng cao (đặc biệt là đối với các vụ án vật chứng thu giữ với số lượng lớn như hàng giả, ma túy hoặc vật chứng cần bảo quản đặc thù như vàng, bạc, kim khí quý, chất cháy nổ, chất độc hại.v.v...). Do đó, đặt ra vấn đề cần có hướng dẫn tháo gỡ cho các đơn vị trong trường hợp vật chứng được xác định sẽ tiến hành xử lý tiêu hủy thì có thể thực hiện biện pháp tiêu hủy sớm hơn ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố hay không; hoặc đối với những vật chứng mau hỏng, khó bảo quản thì xác định như thế nào để có thể bán theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015.

        Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020 của Liên ngành tư pháp Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về xử lý vật chứng trong trường hợp vụ việc không khởi tố và vụ án đình chỉ do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Một số vụ án, vụ việc Cơ quan điều tra ra quyết định xử lý vật chứng bằng biện pháp tiêu hủy các đồ vật, tài liệu, vật chứng không còn giá trị sử dụng, nhưng gặp vướng mắc trong trình tự, thủ tục thành lập hội đồng tiêu hủy. Hiện nay, các quy định về trình tự, thủ tục tiêu hủy trong giai đoạn giải quyết nguồn tin, điều tra, truy tố chỉ có quy định tại Thông tư 173/2013/TT-BTC ngày 21/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, là căn cứ để các đơn vị có thể áp dụng tương tự trong việc thành lập hội đồng tiêu hủy các vật chứng, nhưng không hoàn toàn chính xác do đây là trường hợp không khởi tố do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, không phải trường hợp vi phạm hành chính. Điều này dẫn đến nhiều vụ việc, vụ án đã ra quyết định giải quyết nhưng chưa kết thúc được hồ sơ do chưa thực hiện xong thủ tục tiêu hủy vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố (vật chứng được lưu giữ tại Kho quản lý vật chứng của Cơ quan điều tra).

        Thứ sáu, Công tác giám định, định giá tài sản nhìn chung là vấn đề bất cập, tồn tại trong nhiều năm qua. Mặc dù thời hạn giám định đã được quy định trong Bộ luật TTHS nhưng việc chậm, muộn có kết luận giám định thường xuyên diễn ra, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết của hầu hết các vụ việc. Trong đó đặc biệt là vấn đề giám định pháp y tâm thần đối với những đối tượng có biểu hiện tâm thần bộc lộ rất nhiều vướng mắc như thời gian ban hành kết luận chậm trễ; cơ quan giám định đòi hỏi nhiều thủ tục thu thập tài liệu phục vụ giám định; kết luận giám định ban hành chưa phản ánh chính xác tình trạng và biểu hiện bệnh thực tế của đối tượng, bị can...

        Trong một số vụ việc có dấu hiệu tội phạm xâm phạn an ninh quốc gia, cũng đặt ra vấn đề chi phí giám định đối với các trang tài liệu chứa nội dung tuyên truyền, chống phá Nhà nước không có quy định thống nhất về mức chi phí cụ thể dẫn đến công tác thanh toán, chi trả của cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn.

        Thứ bảy, công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan (chủ yếu là các Ngân hàng, tổ chức tín dụng; các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ thanh toán điện tử; các tổ chức tín dụng, các công ty cung cấp dịch vụ mua sắm trực tuyến (như Shopee, Sen đỏ, Lazada, Tiki...), các công ty quản lý mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Watchat, Line, Telegram…) trong việc cung cấp các tài liệu, chứng cứ phục vụ cho công tác xác minh, làm rõ vụ việc còn chưa được chặt chẽ gây nhiều khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng. Nhiều vụ việc phải kéo dài thời gian xác minh vụ việc hoặc phải tạm đình chỉ giải quyết. Hiện chưa có chế tài, quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức trên trong công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; là nguyên nhân dẫn đến phần lớn các vụ việc hiện nay đang tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm vì lý do chờ văn bản trả lời của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

        Từ những vướng mắc nêu trên, kiến nghị Liên ngành Tư pháp trung ương cần có hướng dẫn cụ thể đối với những nội dung sau:

        - Một là, Liên ngành tư pháp Trung ương cần có văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự về các tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” (quy định tại Điều 318 BLHS về tội Gây rối trật tự công cộng, Điều 319 BLHS về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt); Tình tiết “bỏ trốn" và “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả" (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Đặc biệt là việc đánh giá những căn cứ để xác định yếu tố “bỏ trốn” nhằm chiếm đoạt tài sản trong tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

        - Hai là, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về quy định dẫn giải đối với người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 127 BLTTHS để có thể vận dụng áp dụng việc dẫn giải khi chưa xác định được yếu tố “liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án” trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Đồng thời có những hướng dẫn chi tiết hơn so với Công văn 2010/HDLN ngày 18/5/2021 của Liên ngành Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Vụ THQCT, KSĐT án ma túy Viện KSND tối cao để các đơn vị áp dụng thống nhất.

        - Ba là, Liên ngành Trung ương cần ban hành hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan trung ương liên quan trong việc xây dựng quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp và cung cấp thông tin của các ngân hàng, các công ty viễn thông hoặc các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và các vụ án hình sự. Trong đó cần tập trung quy định về thời hạn cung cấp thông tin; và các biện pháp, chế tài xử lý trong trường hợp chậm trả lời hoặc không trả lời các yêu cầu, đề nghị của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trên tinh thần các cơ quan, tổ chức này phải hỗ trợ, phối hợp tích cực, hiệu quả với cơ quan tiến hành tố tụng để góp phần vào công tác đấu tranh và phòng, chống tội phạm.

        - Bốn là, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể trường hợp nào vật chứng trong các vụ việc, vụ án được tịch thu xung quỹ, những trường hợp nào được tiêu hủy, trả lại hoặc bán theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, đặc biệt là đối với các vụ án có khối lượng lớn vật chứng thu giữ như hàng giả, ma túy hoặc vật chứng cần bảo quản đặc thù như vàng, bạc, kim khí quý, chất cháy nổ, chất độc hại.v.v... Có thể nghiên cứu, xây dựng cơ chế để cơ quan tiến hành tố tụng có thể xử lý các vật chứng, đồ vật tài liệu ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, để nhằm giảm tải bớt gánh nặng chi phí lưu giữ, bảo quản vật chứng cho các cơ quan tiến hành tố tụng, tiết kiệm được lượng lớn chi phí ngân sách nhà nước cho công tác này. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể hơn về chi phí giám định đối với từng dạng giám định cụ thể để các cơ quan, tổ chức giám định căn cứ thực hiện, tránh áp dụng không thống nhất gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng./.

Đặng Hoàng Quân – Phòng 2

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 43

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1182826