Báo chí phải thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân

11/08/2015 14:03 | 5241 | 0

Tổng Bí thư nhấn mạnh, báo chí phải thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; tuyên truyền, cổ vũ, định hướng nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; là diễn đàn để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: VGP/Gia Huy

Sáng 9/8, Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X đã ra mắt Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Đại hội.

Đại hội còn có sự tham dự của các đồng chí: Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi lẵng hoa chức mừng Đại hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng và Nhà nước nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương và hoan nghênh những đóng góp to lớn của báo chí cả nước cũng như của Hội Nhà báo Việt Nam.

Tổng Bí Thư nhấn mạnh, 90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng và nhân dân, trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng.

Đảng và Nhà nước đã luôn dành sự quan tâm sâu sắc, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả đối với hoạt động báo chí nói chung, cũng như với Hội Nhà báo nói riêng. Đến nay, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt; diện mạo, số lượng, chất lượng các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình… đã đạt được những bước tiến lớn. Đội ngũ làm báo tăng nhanh với mặt bằng trình độ ngày càng nâng cao.

Những năm gần đây, xu thế toàn cầu hóa truyền thông, thông tin vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với hoạt động báo chí và công tác quản lý báo chí. Bên cạnh đó, nhận thức và đòi hỏi cao của công chúng với báo chí vừa đặt ra yêu cầu và thách thức, vừa đặt ra động lực mới cho báo chí phát triển.

Chính vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ nhà báo bồi đắp trong suốt 90 năm qua, xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và mong đợi của nhân dân.

Tổng Bí thư cũng đề nghị Hội Nhà báo triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới. Trong đó, mỗi nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt vì sự nghiệp chung của đất nước, của dân tộc, của nhân dân.

Báo chí cần đóng góp tích cực trong việc hình thành dư luận lành mạnh, xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời đại mới; góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc. Thông tin trên báo chí phải có tính thời sự cao, lành mạnh, thiết thực, có tính chiến đấu, định hướng dư luận, kiên quyết loại bỏ tin, bài ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, tình cảm và đời sống xã hội.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, báo chí phải thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; tuyên truyền, cổ vũ, định hướng nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; là diễn đàn để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội.

Nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam là làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghề nghiệp cao, sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có giá trị về nội dung tư tưởng và cách thể hiện phong phú, hấp dẫn.

Các cơ quan quản lý báo chí cần tăng cường công tác tham mưu, xây dựng chủ trương, đường lối phát triển, bảo đảm nguyên tắc “Phát triển phải đi đôi với quản lý và quản lý phải theo kịp sự phát triển”; tạo mọi điều kiện để báo chí hoạt động có chất lượng và hiệu quả.

Tại phiên làm việc chính thức, Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam đã ra mắt Ban Chấp hành khóa X nhiệm kỳ 2015-2020 với 57 Ủy viên.

Ảnh: VGP/Gia Huy

Tại phiên làm việc chính thức, Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam đã ra mắt Ban Chấp hành khóa X nhiệm kỳ 2015-2020 với 57 Ủy viên. Nhà báo Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X.

Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa X đã đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2015-2020 nhằm xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng vững về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng.

Hội Nhà báo Việt Nam cũng đặt nhiệm vụ quan tâm hơn nữa tới việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; tạo chuyển biến rõ rệt trong đổi mới nội dung, phương thức, hiệu quả hoạt động của Hội và các cấp hội.

Danh sách Ủy viên Ban thường vụ Hội nhà báo Việt Nam khóa X

1. Thuận Hữu

2. Trương Minh Tuấn

3. Nguyễn Thế Kỷ

4. Trần Bình Minh

5. Nguyễn Đức Lợi

6. Nguyễn Bé

7. Phạm Văn Huấn

8. Phạm Văn Miên

9. Hồ Quang Lợi

10. Mai Đức Lộc

11. Nguyễn Qúy Hòa

Gia Huy

trích nguồn: http://www.chinhphu.vn/

 

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 105

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1396055