Qua thực tiễn công tác kiểm sát thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, tác giả nêu lên bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định về kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện được quy định tại Điều 168 BLTTDS
Kiểm sát thụ lý vụ việc dân sự của Tòa án là hoạt động đầu tiên của KSVTTPL trong TTDS, nhằm bảo đảm cho việc thụ lý vụ việc dân sự của Tòa án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Thủ tục thụ lý vụ việc dân sự bao gồm: Nhận đơn khởi kiện (hoặc đơn yêu cầu) và nghiên cứu (Điều 167); yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện (hoặc đơn yêu cầu) (Điều 169); Xác định tiền tạm ứng án phí (hoặc lệ phí) và thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu (khoản 2 Điều 171); thực hiện việc thụ lý bằng cách vào sổ thụ lý (khoản 3 Điều 171). Kiểm sát việc thụ lý nhằm bảo đảm cho việc tiến hành các thủ tục thụ lý vụ việc dân sự của Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và có ý nghĩa rất quan trọng: Góp phần đảm bảo cho hoạt động TTDS đầu tiên của Tòa án được chính xác và xác định đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án; là điều kiện để KSV nắm bắt kịp thời nội dung, tình tiết, chứng cứ ban đầu của vụ việc dân sự; ngăn chặn kịp thời, hạn chế vi phạm, sai sót có thể xảy ra ngay từ hoạt động đầu tiên của quá trình TTDS giải quyết vụ việc dân sự.
Hoạt động thụ lý vụ việc dân sự của Tòa án được tiến hành bởi nhiều thủ tục, trong đó có việc trả lại đơn. Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn cụ thể và chi tiết tại Điều 8 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP.
Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác kiểm sát thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án cho thấy: Theo điểm d khoản 1 Điều 168 BLTTDS sửa đổi quy định Tòa án trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp “chưa có đủ điều kiện khởi kiện”; đồng thời, điểm c khoản 2 Điều 168 Bộ luật này cũng quy định: sau khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện trong trường hợp “đã có đủ điều kiện khởi kiện”. Tại Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ hướng dẫn “Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp các đương sự có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về các điều kiện để khởi kiện (kể cả quy định về hình thức, nội dung đơn kiện), nhưng đương sự đã khởi kiện khi còn thiếu một trong các điều kiện đó”. Như vậy, BLTTDS sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành đều không có quy định cụ thể về điều kiện khởi kiện vụ án dân sự.
Khoản 1 Điều 170 BLTTDS quy định“Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện”.
Việc quy định như trên nhằm đảm bảo cho VKSND thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án. Tuy nhiên, với quy định như hiện nay sẽ dẫn đến sự thiếu thống nhất trong cách hiểu: kiểm sát thông báo trả lại đơn khởi kiện là kiểm sát nội dung thông báo này hay kiểm sát hoạt động trả lại đơn khởi kiện của Tòa án. Nếu hiểu theo hướng kiểm sát hoạt động trả lại đơn khởi kiện của Tòa án thì sẽ dẫn tới khó khăn trong thực hiện. Bởi vì, thực tế là, khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện thì cũng trả lại toàn bộ tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện. Muốn biết được hoạt động trả lại đơn có đúng quy định hay không, Kiểm sát viên phải nghiên cứu toàn bộ tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện. Nhưng khi nhận được thông báo trả lại đơn khởi kiện, Kiểm sát viên có muốn cũng không thể nghiên cứu được vì Tòa án không còn lưu giữ những tài liệu đó. Vì vậy, không thể đánh giá được, hoạt động trả lại đơn khởi kiện của Tòa án có chính xác không.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 168 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung quy định rõ “Khi trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Tòa án phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp”. Tuy nhiên, luật không quy định rõ thời hạn phải gửi cho Viện kiểm sát. Điều đó dẫn đến thực trạng là, có trường hợp, Tòa án không gửi thông báo nên Viện kiểm sát cũng không nắm được vì không có cơ chế để kiểm tra hoạt động trả lại đơn của Tòa án. Thông thường, Viện kiểm sát chỉ nắm được khi người khởi kiện khiếu nại, Chánh án giải quyết khiếu nại và gửi kết quả tới Viện kiểm sát. Lúc đó, Tòa án mới gửi thông báo trả lại đơn khởi kiện cho Viện kiểm sát. Tòa án cho rằng, luật không quy định phải gửi “ngay lập tức” mà “đồng thời” có thể hiểu là Viện kiểm sát cũng là chủ thể được gửi thông báo này như người khởi kiện.
Để làm rõ những vấn đề bất cập nêu trên, tác giả đưa ra một ví dụ cụ thể sau đây:
Ngày 11 tháng 05 năm 2015, Tòa án nhân dân quận X ra Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 06/2015/TB-TA và áp dụng điểm c, khoản 1, Điều 168 và khoản 2 Điều 171 BLTTDS để trả lại đơn khởi kiện.
Tại điểm c, khoản 1, Điều 168 quy định: “Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 2 Điều 171 của Bộ luật này mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Toà án, trừ trường hợp có trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng;”.
Tại Khoản 2 Điều 171 BLTTDS quy định: “Tòa án dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào phiếu báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí”.
Tại phần xét thấy của Thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án nhân dân Quận X thể hiện: Tòa án đã Thông báo sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện số 103/TBBS-ĐKK ngày 03/11/2014 để giao cho người khởi kiện. Thời hạn cung cấp là 30 ngày kể từ ngày nhận Thông báo. Tuy nhiên, đã quá thời hạn nhưng người khởi kiện không cung cấp các tài liệu nêu trong thông báo.
Ngày 05 tháng 06 năm 2015 Viện kiểm sát nhân dân Quận X nhận được Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 06/2015/TB-TA của Tòa án nhân dân Quận X. Sau khi kiểm sát Thông báo trả lại đơn khởi kiện trên, Viện kiểm sát nhận thấy căn cứ để Tòa án áp dụng trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện là do người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Nhưng phần xét thấy của Thông báo trả lại đơn khởi kiện thể hiện Tòa án đã ra Thông báo yêu cầu người khởi kiện cung cấp các tài liệu nhưng người khởi kiện đã không cung cấp. Như vậy, lý do để Tòa án ra Thông báo trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện là không đồng nhất và trái ngược nhau.
Với nội dung Thông báo về việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án để thực hiện quyền năng kiểm sát là kiến nghị Thông báo trả lại đơn khởi kiện có căn cứ, Viện kiểm sát đã yêu cầu Tòa án chuyển toàn bộ tài liệu, chứng cứ của người khởi kiện sang Viện kiểm sát nghiên cứu nhưng Tòa án đã không còn lưu giữ những tài liệu đó do đã trả lại cho người khởi kiện.
Qua ví dụ cụ thể nêu trên cho thấy: Việc gửi thông báo trả lại đơn khởi kiện chỉ mang tính chất đối phó như vậy đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kiểm sát thông báo trả lại đơn khởi kiện của Viện kiểm sát. Đây là một thực trạng gây khó khăn cho hoạt động kiểm sát đối với hoạt động trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, thiết nghĩ, vấn đề này cần được nghiên cứu để có quy định bổ sung và quy định rõ thời hạn gửi Thông báo trả lại đơn khởi kiện cho Viện kiểm sát, quy định rõ về việc lưu trữ hồ sơ (sao) để thể hiện cho hoạt động trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán là có căn cứ và phục vụ hiệu quả cho công tác kiểm tra, đánh giá sau này.
Lê Thị Hồng Hạnh - Viện kiểm sát quận Hai Bà Trưng
Đang truy cập :
4
Tổng lượt truy cập :
1509362