Trong thời gian qua, các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em gây thiệt hại về thể chất, tinh thần xảy ra ngày càng nhiều, gây phẫn nộ trong dư luận và được xã hội đặc biệt quan tâm. Qua thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm xảy ra 08 vụ việc xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em (tăng 02 vụ so với năm 2023). Các hành vi xâm hại trẻ em xảy ra ở trong cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình với tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Viện KSND quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm đã tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, đưa ra xét xử theo qui định. Điển hình một số vụ án như sau:
- Khoảng 10h20’ ngày 22/11/2023, tại cửa hàng tạp hóa sinh viên ở trong ký túc xá Trường X thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, thấy con gái là cháu P.Q.A (sinh năm 2017) đang chơi điện thoại nên Sayasavant (bố đẻ) đã hiếp dâm cháu bé và bị cháu bé dùng điện thoại quay video lại. Sau khi phát hiện sự việc, mẹ cháu bé đã đến cơ quan Công an trình báo.
- Ngày 06/4/2024, tại căn hộ trong khu đô thị Goldmark City thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, T.Đ.Đ là thầy giáo dạy thêm của cháu B.L.M.N (sinh năm 2009), lợi dụng sự quen biết nên Đạt đã có hành vi dâm ô đối với cháu bé.
- Tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, cháu N.B.N (sinh năm 2012) bị một đối tượng quen và yêu qua mạng hẹn gặp mặt vào buổi tối ngày 06/8/2024, và bị đối tượng hiếp dâm tại nơi vắng người.
Đây là một số vụ việc điển hình được phát hiện, còn có thể có những vụ việc xảy ra nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà nạn nhân chưa trình báo, cơ quan chức năng chưa phát hiện ra. Vấn nạn này xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, gây bất bình trong quần chúng nhân dân, nạn nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất và đặc biệt là tổn thương tinh thần, sang chấn tâm lý, sống khép kín, xa lánh với mọi người, suy giảm khả năng học tập và lao động…
Loại tội phạm trên xảy ra, có nhiều nguyên nhân có thể kể đến như:
- Một bộ phận nam thanh niên chạy theo lối sống thực dụng, ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, không biết tu dưỡng rèn luyện, xem thường pháp luật dẫn đến sa vào con đường phạm tội. Các đối tượng đã lợi dụng sự phát triển chưa đầy đủ về mặt thể chất và nhận thức của trẻ, sự thiếu quản lý và quan tâm của gia đình để dụ dỗ, xâm hại.
- Sự thiếu hiểu biết về pháp luật và lối sống thiếu trách nhiệm của một số gia đình cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình. Một số gia đình tập trung cho kinh tế quá mức dẫn đến tình trạng sao nhãng, bỏ mặc trẻ em, đó là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại đối với trẻ em. Gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật….
- Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả. Nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, người dân trong cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ. Nhiều trẻ em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại; các em khi bị xâm hại đa số đều có tâm lý sợ hãi, không tố giác kẻ phạm tội còn cha mẹ cũng chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh.
- Công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, việc quen biết nhau qua mạng xã hội dễ dàng hẹn hò, gặp mặt tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.
Để bảo đảm công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em đạt hiệu quả, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Bắc Từ Liêm đã ban hành kiến nghị phòng ngừa số 09/KN-VKSBTL ngày 22/8/2024, đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm xem xét áp dụng một số biện pháp để phòng ngừa tội phạm về bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Cụ thể:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trong phòng chống loại tội phạm xâm hại trẻ em. Các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức cảnh giác, quan tâm nhiều hơn nữa đối với học sinh và con em mình trong sinh hoạt, học tập, vui chơi ngoài xã hội và đặc biệt là trang bị cho trẻ em gái một số kiến thức phòng tránh xâm hại như: Tránh tiếp xúc với người lạ khi không có người thân bên cạnh; không nhận quà, tiền từ người lạ, người quen khi chưa được sự đồng ý của cha mẹ, người thân; không để trẻ em vui chơi một mình tại nơi vắng người qua lại; Hạn chế việc cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh, kiểm soát việc sử dụng điện thoại của trẻ, không để trẻ làm quen với người lạ trên không gian mạng, dễ dẫn đến bị lợi dụng, dụ dỗ xâm hại; trang bị kiến thức tâm, sinh lý cho trẻ em đang trong độ tuổi phát triển về mặt thể chất; cho trẻ biết sự nguy hiểm khi có người lạ đụng chạm cơ thể và cần báo ngay cho cha mẹ, người thân hoặc la lớn kêu cứu; Không ăn mặc hở hang, không gần gũi quá mức với người lạ, kể cả họ hàng quen biết... để trẻ em chủ động phòng ngừa;
- Khi phát hiện vụ việc xâm hại trẻ em, cần kịp thời báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để có hướng dẫn, biện pháp xử lý hiệu quả.
- Phối hợp với các nhà trường trên địa bàn phường cần thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề về tình trạng bạo lực học đường; sức khỏe sinh sản cho học sinh. Hướng dẫn cho trẻ em biết cách phản ứng trước những hành vi bị bạo lực, xâm hại. Thầy, cô giáo cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung, lắng nghe và chia sẻ với học sinh.
Kiến nghị trên của Viện KSND quận Bắc Từ Liêm đều được đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm xem xét áp dụng để phòng ngừa tội phạm trên địa bàn quận trong thời gian tới.
Viện KSND quận Bắc Từ Liêm
Đang truy cập : 227
Tổng lượt truy cập : 1412935