Ứng dụng, trình chiếu “Sơ đồ tư duy” trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự

11/03/2025 16:53 | 284 | 0

        Trong bối cảnh đất nước bước vào “Kỷ nguyên phát triển mới”, việc cải cách tư pháp gắn liền với hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử tại phiên tòa hình sự nhằm nâng cao chất lượng xét xử là một yêu cầu cấp thiết. Một trong những giải pháp hiệu quả được nhiều cơ quan tố tụng áp dụng là sử dụng Sơ đồ tư duy kết hợp với trình chiếu hình ảnh, tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa rút kinh nghiệm.
        Ứng dụng sơ đồ tư duy đồng thời là một trong những biện pháp nhằm triển khai thực hiện chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành kiểm sát nhân dân, Công văn số 3659/VKSTC-C2 về việc hướng dẫn sơ đồ hóa nội dung vụ án hình sự ngày 30/09/2022 và chỉ đạo công tác hằng năm của Viện KSND thành phố Hà Nội về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.

        Kiểm sát viên Viện KSND huyện Đông Anh trình chiếu số hóa tại phiên tòa rút kinh nghiệm

        Sơ đồ tư duy (Mind Map) là công cụ trực quan hóa thông tin, giúp sắp xếp, phân tích và trình bày các ý tưởng, dữ liệu một cách logic và khoa học. Thay vì trình bày thông tin theo kiểu tuyến tính truyền thống, Sơ đồ tư duy sử dụng hình ảnh, màu sắc, từ khóa và các mối liên kết để tạo ra một bức tranh tổng thể, giúp người xem dễ dàng nắm bắt và ghi nhớ thông tin.

        Ứng dụng Sơ đồ tư duy trong các phiên tòa giúp nâng cao tính hiệu quả và chất lượng trong công tác THQCT và KSXX mà còn mang lại nhiều lợi ích khác nhau:

        Nâng cao tính trực quan và sinh động: Biến những thông tin và dữ liệu khô khan thành hình ảnh, sơ đồ dễ hiểu, dễ nhớ. Điều này giúp người tham gia phiên tòa, bao gồm thẩm phán, luật sư, bị cáo và nhân chứng, có thể dễ dàng nắm bắt và theo dõi các thông tin quan trọng.

        Tăng cường tính logic và hệ thống: Sơ đồ tư duy giúp sắp xếp thông tin một cách khoa học và logic, làm rõ mối quan hệ giữa các tình tiết và chứng cứ. Việc này không chỉ giúp việc trình bày thông tin trở nên rõ ràng hơn mà còn hỗ trợ quá trình suy luận, phân tích và đánh giá của Hội đồng xét xử.
        Tiết kiệm thời gian: Trình bày thông tin ngắn gọn và xúc tích, tiết kiệm thời gian cho phiên tòa. Sơ đồ tư duy giúp tóm tắt nội dung vụ án một cách nhanh chóng và hiệu quả, từ đó giảm bớt thời gian tranh luận và xét hỏi.

        * Ứng dụng, trình chiếu Sơ đồ tư duy tại phiên tòa:

        Từ đầu năm 2024 đến nay Viện KSND huyện Đông Anh đã thực hiện 15 phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án hình sự, thực hiện trình chiếu sơ đồ tư duy 15/15 phiên tòa (đạt tỷ lệ 100%). Không chỉ ứng dụng trình chiếu sơ đồ tư duy trong các phiên tòa rút kinh nghiệm, Viện KSND huyện Đông Anh còn đẩy mạnh việc ứng dụng công tác trên trong các phiên tòa hình sự khác. Qua công tác thực tiễn, Viện KSND huyện Đông Anh tổng kết kết quả việc ứng dụng sơ đồ tư duy trong việc trình chiếu số hóa tại phiên tòa hình sự như sau.

        Trình bày Cáo trạng:

        Thực tiễn áp dụng cho thấy việc ứng dụng sơ đồ tư duy trong phần công bố cáo trạng tại phiên tòa hình sự giúp Kiểm sát viên tóm tắt nội dung vụ án một cách trực quan và dễ hiểu. Các hành vi phạm tội, chứng cứ và mối quan hệ giữa các bên liên quan được biểu diễn dưới dạng sơ đồ, giúp người tham gia phiên tòa dễ dàng theo dõi và nắm bắt thông tin. Điều này không chỉ giúp Kiểm sát viên trình bày vụ án một cách rõ ràng mà còn làm tăng tính thuyết phục của Cáo trạng.

        Cụ thể, Kiểm sát viên sử dụng sơ đồ đa luồng được quy định trong Hướng dẫn số 10/HD-VKSTC ngày 29 tháng 5 năm 2025 của Viện KSND tối cao, Kiểm sát viên có thể trình bày tổng thể các nội dung, vấn đề chính của vụ án hình sự; chỉ ra nguyên nhân, diễn biến hành vi phạm tội; các vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự; kết quả của một hoạt động khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố vụ án hình sự từ khám nghiệm hiện trường, giám định, định giá đến kết quả hỏi cung, ghi lời khai cũng như hậu quả, thiệt hại phát sinh trong vụ án; các ảnh hưởng, tác động, mối liên kết của các sự kiện, hành vi phạm tội; mối liên hệ giữa các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với nhau; mối liên hệ giữa các lần phạm tội.

        Bên cạnh đó, Kiểm sát viên sử dụng sơ đồ ngang/dọc/quy trình được quy định trong Hướng dẫn số 10/HD-VKSTC để trình bày diễn biến của hành vi phạm tội theo trình tự thời gian hoặc trình bày quy trình thực hiện một nhiệm vụ cụ thể mà nội dung khi thực hiện nhiệm vụ có sự liên kết chặt chẽ với nhau và có sự tiếp diễn liên tục, vấn đề trước là cơ sở, tiền đề cho vấn đề tiếp theo.

        Trình chiếu chứng cứ số hóa trong sơ đồ tư duy và đánh giá chứng cứ:

        Thực tiễn ứng dụng cho thấy, việc Kiểm sát viên kết hợp Sơ đồ tư duy với việc trình chiếu hình ảnh và tài liệu làm tăng tính trực quan và sinh động trong quá trình trình chiếu chứng cứ. Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng có thể dễ dàng theo dõi, đánh giá và đối chiếu chứng cứ với các luận điểm và tình tiết của vụ án.

        Cụ thể, Kiểm sát viên sử dụng sơ đồ bảng biểu, sơ đồ hình cây được quy định tại Hướng dẫn số 10/HD-VKSTC để thể hiện các hình ảnh, tài liệu và chứng cứ vật lý dưới dạng sơ đồ với các nhánh liên kết và chú thích giải thích. Điều này giúp người xem dễ dàng nắm bắt và đánh giá chứng cứ một cách toàn diện và trực quan

        Công tác xét hỏi và luận tội:

        Sơ đồ tư duy giúp hệ thống hóa các câu hỏi trong quá trình xét hỏi, làm rõ các tình tiết mâu thuẫn và giúp Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng nắm bắt nhanh chóng diễn biến vụ án. Việc trình bày các câu hỏi dưới dạng sơ đồ giúp Kiểm sát viên thuận tiện trong việc theo dõi và điều chỉnh chiến lược hỏi đáp, đảm bảo rằng không bỏ sót bất kỳ tình tiết quan trọng nào.

        Cụ thể, trong quá trình xét hỏi Kiểm sát viên sử dụng sơ đồ hình tròn hoặc sơ đồ hình cây để hiển thị các câu hỏi chính và các câu hỏi phụ liên quan bổ trợ cho luận điểm trong câu hỏi chính, giúp Kiểm sát viên dễ dàng theo dõi và chuyển đổi giữa các câu hỏi một cách mạch lạc và logic.

        Khi trình bày luận tội, Kiểm sát viên có thể sử dụng Sơ đồ tư duy để trình bày các luận điểm và chứng cứ buộc tội một cách logic, thuyết phục và trực quan. Các luận điểm chính, các chứng cứ buộc tội và các mối liên hệ giữa các luận điểm và chứng cứ được hiển thị dưới dạng sơ đồ, giúp người xem dễ dàng nắm bắt và theo dõi.

        Cụ thể, một luận điểm được hiển thị dưới dạng nhánh chính của sơ đồ hình cây, các chứng cứ buộc tội được liên kết với nhánh chính và các mối liên hệ giữa các chứng cứ được biểu diễn dưới dạng nhánh phụ. Điều này không chỉ giúp Kiểm sát viên trình bày luận tội một cách rõ ràng mà còn giúp Hội đồng xét xử và các bên liên quan dễ dàng đánh giá và đưa ra quyết định.

        Hỗ trợ công tác đào tạo và rút kinh nghiệm:

        Thực tiễn áp dụng cho thấy, quá trình Kiểm tra viên, Chuyên viên giúp việc cho Kiểm sát viên trong việc xây dựng và trình chiếu sơ đồ tư duy tại phiên tòa, Kiểm tra viên, Chuyên viên được phân công các công việc: nghiên cứu cáo trạng, bản luận tội, các chứng cứ, tài liệu, cùng Kiểm sát viên chuẩn bị đề cương xét hỏi, đề cương Luận tội, Dự kiến các tình huống tranh luận với Luật sư; giúp việc cho Kiểm sát viên xây dựng Kịch bản trình chiếu, công bố tài liệu chứng cứ tại từng giai đoạn (công bố chứng cứ gì khi hỏi câu hỏi nào, khi Kiểm sát viên luận tội đến nội dung nào thì công bố chứng cứ nào, dùng tài liệu gì để trình chiếu khi Kiểm sát viên đối đáp với Luật sư trong tình huống nào….). Hoạt động này đạt được 02 mục tiêu: Thứ nhất, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng xây dựng sơ đồ tư duy và sử dụng tài liệu chứng cứ số hóa trong hoạt động kiểm sát. Thứ hai, các hoạt động này giúp Kiểm tra viên và Chuyên viên có cơ hội trực tiếp học tập, rèn luyện thêm kỹ năng xét hỏi bị cáo, tranh luận với luật sư, giải quyết các vấn đề phát sinh tại phiên tòa và kiểm sát xét xử tại phiên tòa thực tế. Nhờ đó, họ sẽ tự tin hơn khi đảm nhận nhiệm vụ sau khi được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên.

        Bên cạnh đó, trình chiếu sơ đồ tư duy tại phiên tòa hình sự giúp những Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và Chuyên viên theo dõi phiên tòa dễ dàng nắm bắt, phân tích và rút kinh nghiệm từ các phiên tòa. Từ đó, Kiểm tra viên và Chuyên viên nắm chắc, nắm rõ quy trình tố tụng, quy chế nghiệp vụ đối viên Kiểm sát viên tại phiên tòa, đồng thời có cơ hội tiếp cận, học tập nhiều kỹ năng khác nhau từ nhiều Kiểm sát viên đối với đa dạng các loại án hình sự. Ngoài ra, Sơ đồ tư duy cung cấp một công cụ hữu ích để ghi chép và lưu trữ thông tin, giúp việc đào tạo và học tập trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Chuyên viên hỗ trợ Kiểm sát viên trình chiếu sơ đồ tư duy tại phiên tòa

        * Một số lưu ý khi sử dụng Sơ đồ tư duy trong phiên tòa:

        Thiết kế sơ đồ tư duy khoa học và logic: Đảm bảo tính chính xác và dễ hiểu. Sơ đồ tư duy cần được thiết kế một cách khoa học, sắp xếp các thông tin theo một trật tự logic và dễ hiểu để mọi người có thể dễ dàng theo dõi và nắm bắt.

        Nội dung sơ đồ tư duy phù hợp với diễn biến phiên tòa: Tuân thủ các quy định của pháp luật. Nội dung của sơ đồ tư duy cần phản ánh chính xác các thông tin liên quan đến vụ án và phù hợp với diễn biến của phiên tòa, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý và quy trình xét xử.

        Trang bị các thiết bị trình chiếu phù hợp: Tối ưu hoá việc hiển thị sơ đồ và các tài liệu liên quan. Để đảm bảo việc trình chiếu sơ đồ tư duy và các tài liệu liên quan diễn ra một cách trơn tru và hiệu quả, cần trang bị các thiết bị trình chiếu hiện đại và phù hợp.

        Việc ứng dụng Sơ đồ tư duy trong trình chiếu tại phiên tòa rút kinh nghiệm là một bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng xét xử và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Sơ đồ tư duy không chỉ giúp nâng cao tính trực quan và hiệu quả tranh tụng mà còn hỗ trợ quá trình đào tạo và rút kinh nghiệm của các cán bộ tố tụng. Với những lợi ích thiết thực này, Sơ đồ tư duy chắc chắn sẽ trở thành một công cụ hữu ích và quan trọng trong quá trình xét xử hình sự./.

Anh Tuấn, Quốc Nhật – Viện KSND huyện Đông Anh

HÌNH ẢNH

ĐĂNG NHẬP

Website liên kết

Thống kê truy cập

Đang truy cập Đang truy cập : 251

Tổng lượt truy cập Tổng lượt truy cập : 1493501